(Bạn đọc) - Mới đây, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đề xuất đầu tư, mở rộng sâu hơn vào Nhà máy Nhôm thuộc Tổ hợp Bauxite – Nhôm Lâm Đồng. Đề xuất này khiến cho không ít đại biểu quốc hội băn khoăn, dư luận bất ngờ, lo lắng.
Vấn đề này không một ai có thể hình dung nổi. Bởi vì, cách đây không lâu kết quả của đoàn thanh tra Bộ Tài chính cho thấy: Tính từ tháng 10/2013 đến hết tháng 9/2016, bauxite Tân Rai đã thua lỗ 3.696 tỷ đồng. Trong đó, lỗ do hoạt động sản xuất, kinh doanh là 2.520 tỉ đồng, lỗ do chênh lệch tỉ giá khoảng 1.176 tỉ đồng. Con số lỗ này đã vượt xa so với số lỗ luỹ tiến dự kiến theo kế hoạch là 1.660 tỉ đồng (không kể phần lỗ do chênh lệch tỉ giá).
Đáng lưu ý ở chỗ, dù đang trong tình trạng lỗ nặng như vậy nhưng thật bất ngờ đầu năm 2017, báo cáo của TKV về dự án Nhà máy alumin Tân Rai, lại cho biết trong 6 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế của Nhà máy đã ước đạt trên 60 tỉ đồng.
Một chuyên gia kinh tế đánh giá: “Với số lỗ như thế, điều kiện sản xuất khó khăn như vậy mà năm trước báo lỗ, năm sau đã báo lãi cả mấy chục tỷ quả là siêu phàm, không thể tin tưởng được”.
Đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) trăn trở chuyện mở rộng dự án và nói sẽ phản ánh vấn đề này qua nhiều kênh thông tin: “Tôi rất lo ngại, nếu lại tiếp tục có thêm một dự án được vẽ ra rất đẹp để xin chủ trương đầu tư nhưng cuối cùng lại rơi vào tình trạng thua lỗ sẽ rất nguy hiểm. Bản thân dự án bauxite – nhôm Tân Rai hiện cũng đang phải chịu ảnh lỗ ròng cao hơn gấp 8 lần dự kiến của chủ đầu tư ban đầu rồi, chúng ta không thể cứ để danh sách những dự án thu lỗ được nối dài thêm nữa”.
Thực tế cho thấy dự án Tân Rai, Nhân Cơ đang sử dụng nhiều công nghệ Trung Quốc, vừa lạc hậu, vận hành lại không đạt được hết công suất thiết kế trong khi đó tiêu hao điện, nước, kiềm, năng lượng thì quá lớn. Cộng thêm những chi phí vận chuyển không thuận lợi, tất cả những yếu tố trên đã tác động rất lớn tới chi phí sản xuất, làm đội giá thành sản phẩm.
Mặt khác, nhôm không phải là kim loại quý và chưa có quốc gia nào coi bauxite là khoáng sản chiến lược để dốc sức khai thác như nước ta. Chuyên gia Tô Văn Trường – nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch nông nghiệp Việt Nam đi sâu vào vấn đề của người nông dân hơn khi cho rằng: “Bộ Công thương và TKV đã không phân biệt hiệu quả kinh tế tài chính của doanh nghiệp với hiệu quả kinh tế xã hội của đất nước. Người dân đang trồng cà phê phải nhường đất cho dự án alumin nên muốn tính hiệu quả alumin, phải lấy lãi từ chế biến bôxit thành alumin trừ đi lãi trồng cà phê, đó mới là lãi thực việc khai thác bauxite đem lại cho xã hội”.
Song song, hệ lụy của dự án bauxite – nhôm dù chưa mở rộng hay mở rộng thêm đều đã được khuyến cáo, và ít nhiều nó đã thành mầm họa trước mắt cho người dân xung quan vùng dự án và vùng phụ cận.
Chẳng phải, cả thập kỷ vừa qua Tây nguyên đang đứng trước nguy cơ sụt giảm nguồn nước nghiêm trọng. Ai cũng dễ dàng nhận thấy người dân nơi đây luôn trong tình trạng khan hiếm nước cho sinh hoạt, nước cho cây trồng. Nếu trưng dụng nguồn nước cho khai thác bauxite, chắc chắn Tây nguyên sẽ chết vì thiếu nước.
Đấy là chưa kể việc chôn lấp bùn đỏ ngay tại Tây nguyên. Với vị trí thượng nguồn của các con sông lớn, những bãi bùn đỏ sẽ trở thành những núi “bom bẩn” nếu xảy ra thiên tai, lũ quét gây tràn vỡ. Khi đó không chỉ các tỉnh Tây nguyên mà người dân các tỉnh Nam Trung bộ, Đông Nam bộ sẽ lãnh đủ hậu quả. Từ đó kéo theo hàng loạt vấn đề về văn hóa – xã hội, thậm chí là các vấn đề an ninh, chính trị.
Vấn đề đặt ra ở đây là: Tại sao các nhà khoa học đã phân tích rõ các hiểm họa, cái mất nhiều hơn cái được, mà dự án vẫn tồn tại và nay lại xin mở rộng thêm?
Chuyện này làm cho người viết nhớ tới lời của nhà văn Nguyên Ngọc – người được ví như một tác giả, người con của núi rừng Tây Nguyên thực thụ: “Chúng ta đã hành động ở Tây nguyên rất thản nhiên, không hề quan tâm đến chỗ đây là một vùng đất và người rất đặc biệt về nhiều mặt. Thậm chí có thể nói chúng ta đã làm mọi việc ở Tây nguyên như là trên một vùng đất không người”.
Trường hợp này, Quốc hội, Chính phủ cần nghiêm túc xem xét đề nghị này có hợp lý không? Bởi, ngân sách của Nhà nước cũng chính là tiền thuế máu của nhân dân, không thể cứ mãi dùng tiền của dân đầu tư cho những dự án ngàn tỉ mà hiệu quả kinh tế bằng không. Thậm chí, mỗi dự án nó chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm người, còn lỗ đã có dân chịu, dân lo.
Mong rằng bất cứ dự án dù lớn, dù nhỏ nào của Nhà nước đều công khai để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nếu Chính quyền tự quyết thì cũng phải tự chịu trách nhiệm trước toàn dân.
Không thể có chuyện Tập đoàn kinh tế Nhà nước kinh doanh đã thua lỗ hàng nghìn tỉ mà vẫn muốn “tô, vẽ” thêm dự án. Để rồi, tất cả hậu quả người dân phải gánh chịu hoàn toàn nhờ những cái đầu ngu và tham!
CTV Sông Trà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét