Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

LẬP VIÊN ĐẠO ĐỨC HỌC-MỘT THỨ "VƯƠNG HỒI HỒI CẨU BÌ CAO" ( CAO DA CHÓ) CỦA TÀU CỘNG; Trao đổi cùng "cha đẻ" đề xuất lập Viện Đạo đức học để huấn luyện cán bộ

Lời bàn của La Quán Cơm: 

“ Vương hồi hồi cẩu bì cao “ một loại cao dán của Trung Quốc, dịch nôm na là “ Cao da chó”; loại cao này công dụng: thấy đau đâu dán đó, đau bệnh gì dán vào cũng giảm đau; có điều nó chỉ giảm đau tức thời chứ không trừ được tiệt nọc nguồn gốc gây ra đau bệnh…

Cái ông Viện trưởng Nguyễn Trọng Phúc về hưu chắc đang mơ được Đảng thành lập cho ông 1 cái viện; để hàng năm được cấp vài chục tỷ để làm đề tài nghiên cứu ra cái loại "cao dán made in china" để ông có thêm 1 suất lương bù vào lương hưu? 

Thật tội nghiệp cho loại "sâu, mọt" chữ !




BBC: 


Một cựu Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng ở Hà Nội đề xuất lập Viện Đạo đức học để "dạy những chuẩn mực trong Đảng" nhưng một cựu cán bộ Ban Dân vận Trung ương nói với BBC rằng việc này "như dán cao chữa ung thư."

trọng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh đến tầm quan trọng của "đạo đức của đảng viên"

Ông Nguyễn Trọng Phúc, cựu Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng được truyền thông Việt Nam dẫn lời nhắc lại những "căn bệnh nguy hiểm" của đảng viên theo lời Hồ Chí Minh và nói thêm:

"Để huấn luyện được cán bộ, tôi đề nghị lập Viện Đạo đức học, trực thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Viện sẽ dạy cán bộ đạo đức và những chuẩn mực đạo đức trong Đảng. Giảng viên thì phải tuyển chọn những người mẫu mực."

"Hai cơ quan phụ trách viện nên là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Tuyên giáo Trung ương," VnExpress dẫn lời ông Phúc.

'Ru ngủ'
Ý tưởng này đã gây ra nhiều bình luận trên mạng xã hội.

Hôm 19/10, trả lời BBC từ Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Mai, cựu Vụ trưởng Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nói: "Bàn về vấn đề đạo đức của người dân và quan chức là quan tâm lớn của toàn xã hội vì đạo đức hiện nay suy đồi lắm."

    Thành lập một viện về đạo đức để giải quyết những vấn đề trầm kha như vậy như dán cao chữa bệnh ung thư, vừa tốn kém, vừa hời hợt và chỉ mang tính hình thức.
    Nguyễn Khắc Mai

"Tuy nhiên, việc thành lập một viện về đạo đức để giải quyết những vấn đề trầm kha như vậy như dán cao chữa bệnh ung thư, vừa tốn kém, vừa hời hợt và chỉ mang tính hình thức. Tôi phản đối đề xuất này."

"Lâu nay, các đảng viên, nếu họ muốn thực sự học về đạo đức thì đã có Điều lệ Đảng. Trước những bức xúc của xã hội về đạo đức cán bộ suy thoái trầm trọng mà giải pháp là cho thành lập viện đạo đức mang tính hình thức như thế theo tôi chỉ nhằm để đánh lừa, ru ngủ công luận và làm gia tăng tiến sĩ giấy mà thôi."

"Theo tôi, muốn tăng cường đạo đức cán bộ thật sự, nhất là cán bộ Đảng, cần làm cách khác, thực chất hơn. Ví dụ như cải cách chế độ, sửa lại hệ thống luật pháp cho văn minh, minh bạch. Ai từ ông Nguyễn Phú Trọng trở xuống có sai phạm đều cần xét xử đích đáng, sai phạm nghiện trọng thì loại khỏi hàng ngũ Đảng."

"Còn nếu muốn tăng cường đạo đức để chống tham nhũng thì cứ áp dụng ba giải pháp chính mà thế giới người ta đang làm, gồm cải cách tư pháp, xây dựng đội ngũ cảnh sát văn minh và có tự do báo chí."
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói ông trăn trở khi nghe các thông tin về lối sống phô trương
Cùng ngày, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, cựu Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nói với BBC: "Tôi chưa nắm thông tin về việc đề xuất lập Viện Đạo đức học nên chưa thể bình luận."
Theo báo Nhân Dân, trong phiên tiếp xúc cử tri ở Hà Nội hôm 12/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: "Hồ Chí Minh từng nói nhiều về tư cách người cách mệnh và coi đức là gốc của người cán bộ cách mạng. Ðảng cũng đã có nhiều nghị quyết về công tác cán bộ."

"Chúng ta làm quyết liệt, xử lý nghiêm minh cán bộ sai phạm, nhưng rất nhân văn. Xét xử phải thấu lý, đạt tình, để cảnh báo răn đe; song còn mở đường cho người sai phạm sửa chữa, còn đường tiến. Tất cả cùng vào cuộc, không được ai đứng ngoài, phải tự giác sửa mình, bình tĩnh làm cho hiệu quả, không gây xáo trộn."
Hình minh họa
Đảng Cộng sản đang đẩy mạnh chiến dịch chỉnh đốn trong đảng
Hồi tháng 7/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được báo Thanh Niên dẫn lời: "Tôi rất trăn trở khi nghe các thông tin về lối sống phô trương, lãng phí, gây nhiều phản cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở một vài tỉnh miền núi của chúng ta".

"Chính những cán bộ đó đang làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh ở địa phương, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân và sự phát triển chung, trong khi đó, chúng ta vô cùng xúc động trước tinh thần hi sinh, những câu chuyện rất cảm động về các thầy giáo, cô giáo ở vùng cao vượt qua mưa lũ đến trường, luôn một lòng vì các em, vì thế hệ tương lai của vùng cao mà không quản ngại, lùi bước trước bất kỳ khó khăn, gian khổ nào."

(BBC)

Trao đổi cùng "cha đẻ" đề xuất lập Viện Đạo đức học để huấn luyện cán bộ


N. Huyền



“Bây giờ hệ thống Học viện Chính trị mới có phần nghiên cứu, giảng dạy bài về đạo đức học của Viện Triết học thôi chứ còn nghiên cứu đầy đủ, giảng dạy bài bản thành một môn học về đạo đức cách mạng là chưa có”- PGS. Nguyễn Trọng Phúc cho biết..
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng Nguyễn Trọng Phúc 
Sáng 19/10, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, PGS. Nguyễn Trọng Phúc đã trả lời phóng viên báo điện tử Infonet về đề xuất của ông về việc lập Viện Đạo đức học để dạy cán bộ đạo đức và những chuẩn mực.
Trả lời câu hỏi của phóng viên rằng ông đề xuất thành lập viện này phải chăng dựa trên thực tế các trường đào tạo cán bộ đang thiếu mảng này, PGS Nguyễn Trọng Phúc khẳng định “đúng thế”.
PGS. Nguyễn Trọng Phúc nói: “Bây giờ hệ thống Học viện Chính trị mới có phần nghiên cứu, giảng dạy bài về đạo đức học của Viện Triết học thôi chứ còn nghiên cứu đầy đủ, giảng dạy bài bản  thành một môn học về đạo đức cách mạng là chưa có”.
Do đó, PGS. Nguyễn Trọng Phúc đề xuất nên thành lập một “Viện nghiên cứu và giáo dục đạo đức cách mạng cho các cán bộ Đảng viên. Viện này phải gắn với hai cơ quan giữa Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh với Ban Tuyên giáo Trung ương. Vì Ban Tuyên giáo Trung ương có hai chức năng (tuyên truyền và giáo dục), tuyên truyền thì được rồi, còn mảng giáo dục thì trong giáo dục có giáo dục đạo đức. Hệ thống tuyên giáo từ trên xuống dưới, từ Trung ương cho đến cơ sở mà làm tốt chức năng giáo dục đạo đức này thì sẽ làm chuyển biến vấn đề suy thoái đạo đức trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Thứ hai, những người cán bộ lãnh đạo, quản lý về học tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; những người học ở các trường chính trị tỉnh nếu được trang bị, được giảng dạy một cách có hệ thống đạo đức cách mạng, đặc biệt các chuẩn mực đạo đức của Bác Hồ thì rất có lợi".PGS Phúc nhấn mạnh, quản lý xã hội, quản lý đất nước có hai công cụ quan trọng (pháp luật - pháp trị và đạo đức - đức trị). Bác Hồ luôn luôn kết hợp cả đức trị và pháp trị.
“Trên thực tế hiện nay mình chú ý nhiều hơn cái pháp luật (pháp trị). Quốc hội họp lần nào cũng thông qua rất nhiều luật, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, thể chế rất quan tâm. Thế nhưng mảng đạo đức lại ít người lo, ít cơ quan lo. Có thực tế thế nên mới dẫn đến tình trạng đạo đức trong xã hội xuống cấp. Trong hệ thống nhà trường do Bộ GD & ĐT quản lý  việc học đạo đức luân lý, đạo đức công dân đã được tăng cường. Bây giờ bên hệ thống trường Đảng cũng phải được tăng cường trang bị đạo đức cách mạng, đặc biệt tấm gương của Bác Hồ” - PGS. Nguyễn Trọng Phúc chia sẻ.
Ông Phúc cũng cho rằng, “đề xuất của tôi xuất phát từ Đại hội XII đặt vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức ngang với chính trị tư tưởng, tổ chức. Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức có rất nhiều cơ quan tham mưu của Đảng lo (từ Ủy ban tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tuyên giáo, Học viện…) nhưng riêng mảng đạo đức tôi cảm thấy chưa có cơ quan chuyên về cái này.
Tại Học viện không có bài riêng, không có môn học riêng mà chỉ có bài đạo đức học (khoa học về đạo đức với tư cách là một khoa học, nằm trong triết học)… do đó, giờ phải triển khai bộ môn này rộng rãi hơn, bài bản hơn. Giống như bên Học viện Hành chính Quốc gia phải có bài về đạo đức công vụ - môn học về đạo đức công vụ, trang bị cho cán bộ công chức, viên chức người ta biết đạo đức công vụ là thế này thì mới tốt. Bên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng thế, cần phải trang bị cho cán bộ lãnh đạo quản lý đạo đức của người cách mạng là thế này”- ông Phúc khẳng định.  
Sáng 18/10 tại Hội thảo khoa học quốc gia “Sửa đổi lối làm việc - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” được tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm ra đời tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (10/1947) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, PGS. Nguyễn Trọng Phúc đã đề xuất lập Viện Đạo đức học, trực thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Lý giải điều này, PGS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết kinh nghiệm và đề ra nội dung căn bản, toàn diện về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hồ Chủ tịch thẳng thắn cho rằng, trong Đảng đã xuất hiện những thứ bệnh nguy hiểm như tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, hữu danh vô thực, kéo bè kéo cánh, chủ nghĩa cá nhân...

"Những tật bệnh đó khiến Đảng xệch xoạc, ý kiến lung tung, kỷ luật lỏng lẻo, công việc bê trễ, chính sách không được thi hành triệt để, Đảng xa rời dân chúng", ông Phúc dẫn lời  của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng, Hồ Chủ tịch từng căn dặn "Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng". Trong xây dựng tổ chức Đảng, Hồ Chủ tịch coi "cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng".

"Để huấn luyện được cán bộ, tôi đề nghị lập Viện Đạo đức học, trực thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Viện này sẽ dạy cán bộ đạo đức và những chuẩn mực đạo đức trong Đảng. Giảng viên thì phải tuyển chọn những người mẫu mực về để giảng dạy", PGS Phúc nói. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng Đảng về đạo đức, ông Phúc cho rằng, sau khi thành lập viện thì nên giao cho hai cơ quan phụ trách là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Tuyên giáo Trung ương.

Không có nhận xét nào: