Thứ Bảy, 11 tháng 11, 2017

Lý do Bắc Việt Nam tấn công Nam Việt Nam

Trần Gia Phụng
10-11-2017
1.- CHỦ TRƯƠNG XÂM CHIẾM NAM VIỆT NAM
Trong cuộc họp tại Liễu Châu thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Hoa) từ ngày 3 đến ngày 5-7-1954 giữa thủ tướng Trung Cộng là Châu Ân Lai và chủ tịch Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) là Hồ Chí Minh (HCM), Võ Nguyên Giáp, tháp tùng theo HCM, trình bày rằng nếu phải rút ra Bắc Việt Nam (BVN), thì đảng Lao Động chỉ rút những người làm công tác chính trị bị lộ diện; phần còn lại thì ở lại Nam Việt Nam (NVN) để chờ đợi thời cơ nổi dậy, có thể từ 5,000 đến 10,000 người.  (Tiền Giang, Châu Ân Lai dữ Nhật-Nội-Ngõa hội nghị [Châu Ân Lai và hội nghị Genève], Bắc Kinh: Trung Cộng đảng sử xuất bản xã, 2005, bản dịch của Dương Danh Dy, tựa đề là Vai trò của Châu Ân Lai tại Genève năm 1954, chương 27  “Hội nghị Liễu Châu then chốt”).  Như thế đảng Lao Động tức đảng Cộng Sản (CS) chủ trương tiếp tục gây chiến nhằm chiếm đoạt toàn cõi Việt Nam, ngay cả trước khi ký kết hiệp định Genève ngày 20-7-1954. 
Sau khi đất nước bị chia hai theo hiệp định Genève, để chuẩn bị dư luận trong nước và trên thế giới, VNDCCH nhiều lần đề nghị Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), hậu thân của Quốc Gia Việt Nam (QGVN) tổ chức tổng tuyển cử, thống nhất đất nước, nhưng đều bị VNCH từ chối.
Việc tổ chức tổng tuyển cử nằm trong bàn “Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève 1954 về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương” ngày 21-7-1954.  Bản tuyên bố nầy không được nước nào ký tên để cam kết thi hành, nên bản tuyên bố nầy chỉ có tính cách gợi ý, hướng dẫn mà thôi.  Chính phủ VNCH cho rằng QGVN không ký vào hiệp định Genève cũng như không ký vào bản Tuyên bố cuối cùng, nên VNCH không bị ràng buộc phải thi hành hiệp định, và nhứt là VNCH không có bằng chứng nào cho thấy VNDCCH đặt quyền lợi quốc gia lên trên quyền lợi quốc tế CS.  Lần cuối cùng VNCH bác bỏ đề nghị của VNDCCH vào ngày 26-4-1958.
Trong khi đó, sau cuộc cải cách ruộng đất ở BVN giai đoạn 5 (1955-1956) bị dân chúng oán thán, trưởng ban cải cách ruộng đất trung ương là Trường Chinh rời chức tổng bí thư đảng Lao Động.  Lê Duẩn vốn do đảng Lao Động cài lại ở NVN từ sau hiệp định Genève, nay được gọi về BVN vào giữa năm 1957, giữ chức Uỷ viên thường vụ bộ chính trị, phụ tá cho HCM.
Vào cuối năm 1958, Lê Duẩn được bí mật gởi vào miền Nam để nghiên cứu tình hình lần nữa.  Khi trở ra Bắc, Lê Duẩn viết bản báo cáo, đề nghị đánh chiếm NVN. (Stanley Karnow, Vietnam A History, New York: The Viking Press, 1983, tr. 237-238.  Xem thêm: Chính Đạo, Việt Nam niên biểu 1939-1975, tập 1-C: 1955-1963, Houston: Nxb. Văn Hóa, 2000, tr. 138.)
Bản báo cáo của Lê Duẩn đưa đến quyết định quan trọng của hội nghị trung ương đảng Lao Động lần thứ 15 ở Hà Nội ngày 13-5-1959, theo đó ban chấp hành trung ương đảng Lao Động đưa ra nghị quyết thống nhất đất nước (tức đánh chiếm miền Nam) và đưa miền Bắc tiến lên xã hội chủ nghĩa. (Nghị quyết đăng trên Nhân Dân ngày 14-5-1959.) Hai nghị quyết nầy được thông qua tại đại hội đảng Lao Động lần thứ III từ 5-9 đến 10-9-1960.
2.-   CHỦ TRƯƠNG BÀNH TRƯỚNG CỦA CỘNG SẢN
Hội nghị Liễu Châu trước khi ký kết hiệp định Genève, cho thấy HCM và tập đoàn lãnh đạo BVN, theo chủ nghĩa CS, hiếu chiến, đầy tham vọng bành trướng, khao khát quyền lực, dựa trên bạo lực để đạt mục đích, cương quyết xâm lăng Nam Việt Nam, quyết tâm làm chủ toàn bộ Việt Nam, hoàn toàn theo đường lối CS từ thời Lenin.
Tại Liên Xô, sau khi cướp được chính quyền năm 1917,  ổn định tình hình trong nước, Lenin và đảng CS Nga (đổi thành Liên Xô ngày 30-12-1922) bắt đầu chủ trương bành trướng ra nước ngoài.  Nguyên vào thế kỷ 19, nước Nga chậm chân hơn các nước Âu Mỹ trong việc tìm kiếm thuộc địa trên thế giới.  Khi nắm được chính quyền ở Nga, đảng CS Nga dùng chủ nghĩa CS để bành trướng.  Nga tuyên truyền chủ nghĩa CS, khuyến khích, giúp đỡ các nước bị đô hộ (các nước thuộc địa) trên thế giới, nổi lên tranh đấu chống các đế quốc, giành độc lập, giải phóng dân tộc, rồi gia nhập vào khối CS Liên Xô.
Kế hoạch xuất cảng cách mạng của Nga hấp dẫn ở chỗ khích động tinh thần dân tộc, kêu gọi các nước bị ngoại bang đô hộ đứng lên tranh đấu giành độc lập.  Dân tộc nào lại không muốn độc lập?  Các dân tộc bị trị thoát ra khỏi ách đô hộ của thực dân đế quốc, tập họp theo khối xã hội chủ nghĩa, trong ĐTQTCS do Nga (rồi Liên Xô) lãnh đạo.
Tại Đại hội kỳ 2 Đệ tam Quốc tế Cộng sản (ĐTQTCS), từ 19-7 đến 07-8-1920, Vladimir Lenin trình bày bản “Sơ thảo lần thứ nhứt luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” (Draft Thesis on National and Colonial Questions), theo đó: “Các chính đảng muốn gia nhập Cộng sản Quốc tế, phải từ bỏ tất cả những gì mà chủ nghĩa đế quốc của chính nước họ thực thi tại nước thuộc địa.  Không những dùng ngôn ngữ để ủng hộ mà họ phải có hành động thực tế để thúc đẩy cho cuộc vận động giải phóng tại nước thuộc địa. Phải đánh đuổi các phần tử chủ nghĩa đế quốc của chính nước mình ra khỏi nước thuộc địa.” (Tưởng Vĩnh Kính, Nhất cá Việt Nam dân tộc chủ nghĩa đích ngụy trang giả, Đài Bắc:  Nxb. Truyện Ký Văn Học, 1972, Thượng Huyền dịch, Hồ Chí Minh tại Trung Quốc, California:  Nxb. Văn Nghệ, 1999, tr. 42.)
Để truyền bá chủ nghĩa CS đến những khu vực chưa có phong trào CS, đảng CS Nga thành lập Communist University of the Toilers of the East tức Trường Đại học Cộng sản Lao Động Phương Đông hay Đại học Phương Đông ngày 21-4-1921, còn được gọi là trường Stalin, đào tạo cán bộ, huấn luyện gián điệp, rồi gởi họ về hoạt động ở địa bàn gốc, và chỉ thị cho đảng CS các nước phải yểm trợ cho các phong trào CS mới nổi lên.
Những cán bộ được Nga đào tạo, về nước tổ chức nổi dậy giành chính quyền ở các nước phía đông Liên Xô, nổi bật là Josip Broz Tito ở Yougoslavia, Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình ở Trung Cộng, Hồ Chí Minh, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Trần Văn Giàu …  ở Việt Nam.
Khi lan truyền đến Trung Hoa, phong trào CS trở thành công cụ thích hợp để Trung Cộng bành trướng, vốn là chủ trương cố hữu của các hoàng đế Trung Hoa từ thời cổ đại cho đến ngày nay.  Thời lập quốc, địa bàn căn bản của Trung Hoa là vùng châu thổ Hoàng Hà, cho đến phía bắc sông Dương Tử.  Phía nam sông Dương Tử là nơi ngụ cư của các chủng tộc người Việt, bị Trung Hoa xâm chiếm và Hán hóa dần dần đến Quảng Tây.
Trong tài liệu nhan đề Cách mạng Trung Quốc và đảng Cộng Sản Trung Quốc, đưa ra năm 1939, Mao Trạch Đông cho rằng các vùng chung quanh Trung Hoa như Triều Tiên, Đài Loan, Lưu Câu, quần đảo Bành Hồ, Lữ Thuận, Miến Điện, Bu-tan [Bhutan], Hương Cảng, An Nam [Việt Nam] đều là phiên thuộc của Trung Hoa.  Sau đó, trong cuộc hội đàm với đại diện đảng Lao Động Việt Nam tại Vũ Hán năm 1963, Mao Trạch Đông còn nói: “Tôi sẽ làm chủ tịch 500 triệu bần nông đưa quân xuống Đông-nam châu Á.” (Nxb. Sự Thật, không đề tên tác giả, Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua, Hà Nội: 1979, tr. 16.)  Như thế có nghĩa là mộng của Mao Trạch Đông là làm chủ toàn vùng Đông-Á.
Phương tiện bành trướng, giành chính quyền của CS là bạo lực cách mạng, tranh đấu giai cấp, nhằm lật đổ các chế độ mà CS kết tội là phản động, lỗi thời; thay thế nhà nước tư sản, phong kiến, quan liêu bằng nhà nước gọi là chuyên chính vô sản.  Để thực hiện bạo lực cách mạng, những người tranh đấu CS luôn luôn kết hợp hai lực lượng chính trị và quân sự (võ trang), phát động quần chúng đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, và cương quyết tiến lên cho đến thắng lợi cuối cùng.
Như thế, cả Liên Xô lẫn Trung Cộng đều theo đuổi chủ nghĩa dân tộc cực đoan, tiềm ẩn phía sau chủ nghĩa CS quốc tế.  Từ đó, bành trướng chủ nghĩa CS, tranh đấu giành quyền lực, mở mang đế quốc CS,  trở thành quán tính của những lãnh đạo CS, và là chủ trương nền tảng, có thể xem là bản chất của tất cả các chế độ CS, từ khi Lenin đưa ra bản “Sơ thảo lần thứ nhứt luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” năm 1920.  Lãnh đạo đảng Lao Động cũng không ra ngoài quỹ đạo tư tưởng nền tảng nầy của CS quốc tế.
3.-  CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC
Ngoài hai lý do trên đây, đảng Lao Lao Động còn đưa ra chiêu bài “chống Mỹ cứu nước”, tuyên truyền khích động lòng yêu nước của người Việt, vì từ kinh nghiệm người Tàu và người Pháp, người Việt trước đây vốn ít có cảm tích với người ngoại quốc trên đất nước Việt Nam.
Có câu hỏi đặt ra là đảng Lao Động phát động chiến tranh năm 1960, nhưng mãi đến năm 1965, Hoa Kỳ mới đổ quân vào Việt Nam, làm sao mà có thể gọi là “chống Mỹ cứu nước”?
Thật ra, kế hoạch chống Mỹ đã được HCM đưa ra từ năm 1954, chứ không phải năm 1960, dầu lúc đó quân Mỹ còn ở xa.  Nguyên sau hội nghị Liễu Châu với Châu Ân Lai từ ngày 3 đến ngày 5-7-1954, trở về nước, HCM triệu tập hội nghị ban chấp hành trung ương đảng Lao Động ngày 15-7-1954, báo cáo sơ lược nội dung cuộc họp Liễu Châu vì sợ bị lộ, nhưng quan trọng hơn là HCM lại nhấn mạnh đến chủ trương mới của đảng Lao Động là: “Mỹ không những là kẻ thù của nhân dân thế giới mà Mỹ đang biến thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Việt Nam, Lào.  Mũi nhọn của ta cũng như mũi nhọn của thế giới đều chĩa vào Mỹ.  Chính sách của Mỹ là mở rộng và quốc tế hóa chiến tranh Đông Dương.  Chính sách của ta là tranh thủ hòa bình để chống lại chính sách chiến tranh của Mỹ...” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7: 1953-1955, xuất bản lần thứ hai, Hà Nội: Nxb. Chính Trị Quốc Gia, 2000, tt. 313-315.)
Đây là lần đầu tiên HCM lớn tiếng đả kích Hoa Kỳ kể từ khi cơ quan O.S.S. Hoa Kỳ rời khỏi Việt Nam năm 1945, sau khi  O.S.S. đã giúp huấn luyện, trang bị võ khí cho cán bộ VM, và giúp cả việc soạn bản tuyên ngôn mà HCM đọc ngày 2-9-1945.  Phải chăng sau cuộc họp Liễu Châu, HCM chịu ảnh hưởng của Châu Ân Lai nên khi về nước, HCM đưa ra chủ trương chống Mỹ?  Hay HCM đưa ra chủ trương chống Mỹ để tạ ơn Châu Ân Lai và Trung Cộng?  Hay đây là chỉ thị của Châu Ân Lai đưa ra cho chư hầu là HCM?  Không có chứng liệu để trả lời các câu hỏi nầy, nhưng chắc chắn chủ trương chống Mỹ do HCM đưa ra từ ngày 15-7-1954, trước khi hiệp định Genève được ký kết, rất phù hợp với chủ trương chống Mỹ của Trung Cộng trong lúc nầy.
Sau hiệp định Genève ngày 20-7-1954, đất nước bị chia hai.  Đảng Lao Động tổ chức cải cách công thương nghiệp, cải cách ruộng đất, áp đặt kinh tế chỉ huy ở BVN, làm cho nền kinh tế BVN chậm phát triển nếu không muốn nói là thụt lùi, thì tại NVN, áp dụng chính sách kinh tế tự do và nhờ viện trợ Hoa Kỳ, chính phủ NVN ổn định đời sống đồng bào di cư, phát triển kinh tế, xây dựng NVN càng ngày càng phồn thịnh.  Nếu để cho NVN bình yên xây dựng kinh tế, thì đến một lúc nào đó chắc chắn NVN sẽ vượt xa BVN.  Đó chính là điều mà BVN âm thầm lo lắng.
Sự hiện diện của Hoa Kỳ tại NVN còn khiến cho cả Trung Cộng chẳng yên tâm.  Sau thế chiến thứ hai, Hoa Kỳ đã giúp hai nước láng giềng của Trung Cộng là Nam Triều Tiên và Nhật Bản tái thiết đất nước, phục hồi kinh tế, đối đầu với Trung Cộng.  Ngoài cuộc đối đầu nẩy lửa ở Nam Triều Tiên, Hoa Kỳ đã giúp chính phủ Quốc Dân Đảng Trung Hoa, khi còn ở lục địa, và đang giúp Trung Hoa Dân Quốc bảo vệ Đài Loan (Taiwan), chống  Trung Cộng.  Diện tích Trung Cộng rộng lớn (9,598,000 Km2) với dân số khoảng 500 triệu người, trong khi Đài Loan nhỏ bé (35,980 Km2) với dân số khoảng trên 5 triệu người, mà nhờ sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ, Đài Loan giữ ghế hội viện thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, trong khi Trung Cộng đứng ngoài Liên Hiệp Quốc.
Vì vậy, Trung Cộng mạnh mẽ chống đối Hoa Kỳ khắp nơi trên thế giới, hơn cả Liên Xô chống Hoa Kỳ.  Nay người Hoa Kỳ lại có mặt ở NVN, gần sát với Trung Cộng, nên Trung Cộng rất quan ngại cho an ninh của chính Trung Cộng.
Sau khi trung ương đảng Lao Động họp vào tháng 5-1959, quyết định đánh chiếm NVM, thủ tướng BVN Phạm Văn Đồng qua Bắc Kinh tháng 10-1959, xin Châu Ân Lai viện trợ quân sự và gởi một toán chuyên viên kỹ thuật quân sự sang BVN nghiên cứu.  Tháng 11-1959, La Thụy Khanh (Luo Ruiqing), tham mưu trưởng quân đội Trung Cộng, ra lệnh thành lập và gởi qua BVN một đoàn nghiên cứu do Từ Thâm Cát (Xu Shenji), phó chỉ huy trưởng Không quân làm trưởng đoàn và Tăng Sinh (Zeng Sheng), phó chỉ huy trưởng Hạm đội Nam Hải, làm phó đoàn.
Phạm Văn Đồng và Pierre Mendès-France tại Genève tháng 7-1954. Nguồn: internet
Đoàn đến Hà Nội ngày 10-11-1959, có nhiệm vụ nghiên cứu, quan sát, lắng nghe, thâu thập tin tức, nhu cầu cùng những đề nghị của phía BVN, và ở lại trong hai tháng, thăm viếng năm quân khu, các ngành Hải quân, Không quân, Pháo binh, phi trường, hải cảng, cơ xưởng… (Qiang Zhai, China & The Vietnam Wars, 1950-1975, The University of North Carolina Press, 2000, tr. 82.)
Tháng 5-1960, những nhà lãnh đạo BVN và Trung Cộng hội họp nhiều lần ở Hà Nội cũng như Bắc Kinh, thảo luận chiến lược CS sẽ theo đuổi ở NVN.  Châu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh cuộc tranh đấu chính trị phải kết hợp với đấu tranh võ trang, đồng thời cần phải uyển chuyển về chiến thuật vì sự khác biệt giữa thành thị với nông thôn. (Qiang Zhai, sđd. tr. 82.)
Được Trung Cộng hứa hẹn viện trợ quân sự, đảng Lao Động mở đại hội lần thứ III tại Hà Nội, từ 5-9 đến 10-9-1960, quyết định xâm chiếm NVN.  Khi khai mạc đại hội, HCM tuyên bố: “Ngày nào chưa đuổi được Mỹ ra khỏi miền Nam nước ta, chưa giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị tàn bạo của Mỹ-Diệm, thì nhân dân ta chưa thể ăn ngon, ngủ yên.  Bởi vậy, không thể nào tách rời cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình, thống nhất nước nhà với cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ.” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10 1960-1962, Hà Nội: Nxb. Chính Trị Quốc Gia, xuất bản lần thứ hai, 2000, tr. 200.)
Từ đó, đảng Lao Động đưa thêm chiêu bài “chống Mỹ cứu nước” bên cạnh khẩu hiệu “giải phóng NVN bằng võ lực”, bên trong là để khích động lòng yêu nước của dân chúng Việt Nam, bên ngoài để phù hợp với chủ trương chống Mỹ của Trung Cộng và Liên Xô, nhứt là để dễ  xin viện trợ các nước cộng sản, nhằm thực hiện nghĩa vụ quốc tế trong khối cộng sản.
KẾT LUẬN
Như thế, sau khi nhiều lần đề nghị VNCH tổng tuyển cử để thống nhứt đất nước bị từ chối, đảng Lao Động công khai đưa ra lý do tấn công VNCH tại đại hội III đảng Lao Động năm 1960 ở Hà Nội là đánh chiếm NVN, thống nhứt đất nước.  Bên cạnh đó, CS dùng thêm chiêu bài “chống Mỹ cứu nước” chẳng qua để khích động lòng yêu nước của người Việt và để xin viện trợ quốc tế.
Còn lý do tiềm ẩn sâu kín thúc đẩy mạnh mẽ đảng Lao Động xâm lăng NVN thì hoàn toàn được CS che giấu, không đề cập đến.  Đó là bản chất hiếu chiến, bạo động, tranh đấu giai cấp, bành trướng chủ nghĩa mà CSVN tiêm nhiễm từ học thuyết Mác-xít và từ Liên Xô, Trung Cộng.  Đây mới là lý do chính thúc đẩy BVN tấn công NVN.
Người ta thường nói: “Giang sơn dễ đổi, bản chất khó dời”.  Câu nầy thật đúng với CSVN.  Cho đến ngày nay, bản chất CS vẫn không thay đổi.  Sau khi cưỡng chiếm NVN năm 1975, đảng Lao Động đổi thành đảng CS năm 1976, cũng với não trạng hiếu chiến hiếu thắng đó, mở cuộc xâm lăng Cambodia năm 1979 và lăm le tiến xuống Thái Lan, nhưng thất bại.
Ngày nay, dầu đã hội nhập vào dòng sống chính trị dân chủ thế giới, đảng CSVN vẫn giữ bản chất cũ, nhận thức cũ, quan điểm cũ, nên vừa qua, đã sai quân qua tận nước Đức vào tháng 7-2017, dùng bạo lực ngang nhiên bắt cóc người tỵ nạn đem về nước, không đếm xỉa gì đến luật pháp quốc tế, khiến xảy ra cuộc khủng hoảng ngoại giao cho đến nay chưa có lối thoát.
Việt Nam muốn tiến bộ, sánh cùng năm châu, thì phải hội nhập vào sinh hoạt dân chủ năm châu, nghĩa là bãi bỏ độc tài đảng trị, bãi bỏ quan điểm, nhận thức bành trướng và bạo lực CS lỗi thời.  Muốn bãi bõ não trạng CS thì chỉ còn con đường duy nhứt là giải thể chế độ CS, xây dựng chính thể tự do dân chủ theo mô hình các nước Tây phương.
Điều nầy thật là thiên nan, vạn nan, nhưng cuối cùng Việt Nam cũng phải đi đến đó.  Sự hiện diện của đảng CS chỉ kéo dài sự suy thoái về mọi mặt của xã hội Việt Nam, và thấp thoáng nguy cơ Bắc thuộc lần nữa.  Hãy tháo gỡ chướng ngại đó!

Không có nhận xét nào: