Posted on 10/11/2014
Tác giả: Lí Lị & Chương Lập Phàm | Biên dịch: Nguyên Hải
Ngày 26 tháng 12 năm 2013 là ngày kỷ niệm lần thứ 120 sinh nhật Mao Trạch Đông. Trong hơn một năm nhậm chức vừa qua, đương kim Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã tiến hành chỉnh sửa tác phong của Đảng, đẩy mạnh phê bình, tự phê bình, nhấn mạnh “Nhất định không được bỏ chủ nghĩa Mác-Lê, tư tưởng Mao Trạch Đông; bỏ thì sẽ mất gốc v.v…”; trong công tác lãnh đạo của ông thường xuyên xuất hiện các yếu tố Mao. Dư luận có những lời bình khác nhau về ý đồ và thực chất của việc đó.
Sự sùng bái cá nhân và thần thánh hóa Mao Trạch Đông của người Trung Quốc lên tới đỉnh điểm vào thời Đại cách mạng Văn hóa; từ khi tiến hành cải cách mở cửa đã dần dần bị xóa bỏ.
Thế nhưng mấy năm gần đây Mao Trạch Đông lại lần nữa trở thành một loại dấu hiệu của yêu cầu chính trị, Mao được đề cao và ca tụng; cuộc tranh cãi nội bộ Trung Quốc về công tội, phải trái của Mao Trạch Đông ngày càng kịch liệt. Trong cuộc luận chiến đó, các nhân sĩ phái tự do đứng một bên, phái tả và cái gọi là “nhân sĩ phái Mao” đứng ở một bên khác, hai bên có quan điểm đối đầu nhau.
Những người ủng hộ Mao nói ông đem lại sự ổn định và thống nhất cho Trung Quốc ngày nay, thời đại Mao Trạch Đông tiêu biểu cho “công bằng”, “thanh liêm”. Những người phản đối ông nhấn mạnh Mao Trạch Đông đem lại tai họa lớn và đau thương lớn cho xã hội, nhân dân và nhà nước Trung Quốc.
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 120 ngày sinh Mao Trạch Đông, mạng BBC tiếng Trung đã phỏng vấn hai học giả đại diện cho hai loại quan điểm hoàn toàn khác nhau trong nước Trung Quốc. Đó là sử gia hiện đại Chương Lập Phàm [Zhang Lifan 章立凡] và Hàn Đức Cường [Han Deqiang 韩德强] Giáo sư Đại học Hàng không vũ trụ Bắc Kinh, nhà sáng lập trang mạng “Miền quê hư ảo” [Wu you zhi xiang – Ô hữu chi hương]. BBC đăng hai bài phỏng vấn này vào hai ngày. Hôm nay đăng bài phỏng vấn Chương Lập Phàm.
Chương Lập Phàm là nhà sử học Trung Quốc, con trai cụ Chương Nãi Khí, đồng sáng lập Hội Xây dựng nước Trung Quốc dân chủ (Trung Quốc dân chủ kiến quốc hội).[1]
Tháng 6/2013, Chương Lập Phàm phát động cuộc bỏ phiếu về Mao Trạch Đông trên mạng Trung Quốc. Cuộc bỏ phiếu này kéo dài được 4 tháng thì bị cấm. Bỏ phiếu theo một trong hai lựa chọn: một là “Nếu phủ định Mao Trạch Đông thì Trung Quốc sẽ thiên hạ đại loạn” và một là “Nếu phủ định Mao Trạch Đông thì tương lai của Trung Quốc sẽ tốt đẹp hơn”. Kết quả: trong số hơn 18.000 người tham gia bỏ phiếu, 20% bỏ phiếu cho lựa chọn thứ nhất, 80% bỏ phiếu cho lựa chọn thứ hai.
Chương Lập Phàm cho rằng Mao Trạch Đông đã làm đứt quãng tiến trình Trung Quốc đi lên nền hiến chính dân chủ, đưa Trung Quốc vào ngõ cụt đấu tranh giai cấp, chuyên chính một đảng. Trong cuộc phỏng vấn, trước tiên Chương Lập Phàm nói về việc vì sao sự đánh giá Mao Trạch Đông của Trung Quốc hiện nay lại xuất hiện quan điểm đó.
Ý kiến của hai bên đối lập xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau. Quan điểm của cái gọi là “những người ủng hộ Mao” không có nghĩa là họ khẳng định chế độ. Trong số họ có khá nhiều người thực ra là bị tiến trình hiện đại hóa Trung Quốc gạt ra rìa, là người chịu thiệt trong quá trình phát triển kinh tế. Những người đó không có hệ tham chiếu nào khác, cho nên họ cho rằng muốn bình đẳng thì chỉ có trở về thời đại Mao. Trên thực tế, họ không tán thành thể chế hiện nay, chỉ có điều chẳng qua phương pháp giải thích của họ khác nhau. Thông thường chủ nghĩa dân túy hay tìm được thị trường trong đám người bị gạt ra rìa. Nhưng họ là đám người rất đáng thương, bị bán đi làm nô lệ mà còn đếm tiền giúp kẻ bán.[2]
Nội dung phỏng vấn
Tầng lớp lãnh đạo ĐCSTQ một mặt nói không thể phủ định 30 năm trước cải cách mở cửa, nhưng mặt khác họ lại hạn chế việc công khai ca ngợi Mao Trạch Đông. Nên hiểu cách làm ấy của ĐCSTQ như thế nào?
Trên vấn đề này, họ ở vào trạng thái vô cùng mắc míu nan giải. Một mặt, trên thực tế Mao Trạch Đông là một tài sản âm[3] của ĐCSTQ. Nhưng họ lại không thể quẳng cái tài sản mất giá ấy đi. Bởi lẽ Mao Trạch Đông dẫn đầu ĐCSTQ xây dựng nên cái chính quyền này. Nếu phủ định Mao thì họ e ngại tính hợp pháp trong sự cai trị của họ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong tình hình đó họ không dám từ bỏ Mao.
Rõ ràng Mao Trạch Đông là nhân vật lịch sử có ảnh hưởng to lớn, có thể nói là quyết định đối với Trung Quốc. Ông đánh giá ra sao về công và tội của Mao? Trước đây ĐCSTQ đánh giá Mao 3 phần tội, 7 phần công. Sau này lại có sách nói nên đảo lại là 3 phần công, 7 phần tội.
Tôi cho rằng tội ác của Mao Trạch Đông là ở chỗ ông ta cắt đứt tiến trình Trung Quốc đi lên nền hiến chính dân chủ. Ông ấy dẫn Trung Quốc đi vào ngõ cụt đấu tranh giai cấp, chuyên chính một đảng.
Tất cả mọi cam kết về dân chủ và hiến chính của ĐCSTQ trước khi giành được chính quyền đều bị Mao vứt bỏ. Đó là mặt chính trị. Về mặt kinh tế, Mao Trạch Đông vốn hứa hẹn sẽ phát triển kinh tế tư bản tự do, nhưng 4 năm sau khi xây dựng chính quyền, ông ta đề ra đường lối chung của thời kỳ quá độ, lật đổ các hứa hẹn về kinh tế. Sau đó, Mao Trạch Đông làm cuộc cách mạng ruộng đất, dùng biện pháp giàu nghèo như nhau để giành được sự ủng hộ của nông dân, giành được chính quyền. Nhưng người bị thiệt hại cuối cùng lại vẫn là nông dân. Mao dùng phương thức hợp tác hóa nông nghiệp thu mất số ruộng đất [đã chia cho nông dân] ấy. Cho nên kết quả cuối cùng là qua cải tạo các nhà tư bản và hợp tác hóa nông nghiệp, ĐCSTQ trở thành địa chủ lớn nhất và nhà tư bản lớn nhất. Tình hình đó được duy trì liên tục cho tới nay.
Tai họa kinh tế gây ra bởi các điều nói trên là nạn đói lớn do phong trào Đại Nhảy vọt gây nên. Tai họa về chính trị là từ phong trào chống phái hữu cho đến Cách mạng Văn hóa, đã lôi kéo toàn bộ người Trung Quốc vào một thảm họa chưa từng có trong lịch sử.
Ông nói Mao Trạch Đông kéo Trung Quốc vào thảm họa, nhưng với tư cách là nhà khai quốc công thần, phải chăng ông ấy cũng có công lao đối với Trung Quốc?
Tôi nghĩ ông ấy chẳng có công lao gì. Đối với ĐCSTQ thì Mao Trạch Đông có công lao, nhưng đối với nhân dân thì tôi nghĩ không ra việc ông ấy có công lao gì. Các ghi chép tôi từng đọc đều nói ông ấy đem lại tai họa.
Có một cách nói cho rằng các tai họa Đại Nhảy vọt, Cách mạng Văn hóa không phảilà ý nguyện chủ quan của Mao Trạch Đông mà là sai lầm của ông ấy trong quá trình thăm dò tìm con đường cho Trung Quốc, không thể nói đó là tội.
Cách nói ấy không đứng vững được. Mao Trạch Đông là người mê say quyền lực nhất, thích chơi trò quyền lực nhất; đồng thời ông ấy cũng là người ích kỷ nhất. Để giữ được quyền lực và địa vị của mình, Mao không ngần ngại lôi kéo dân chúng cả nước vào thảm họa và biển máu như Đại cách mạng Văn hóa. Bởi thế Mao Trạch Đông cũng là người tàn nhẫn nhất.
Từ góc độ của một nhà sử học, đem so sánh Mao Trạch Đông với các nhà quân chủ những triều đại trước, ông có thể rút ra kết luận gì?
Thực ra Mao Trạch Đông không có gì khác với những nhà quân chủ các triều đại trước, thậm chí còn không bằng một số khai quốc quân chủ trong lịch sử Trung Quốc. Nói chung các nhà quân chủ khai quốc, cái vương triều họ xây dựng chỉ cần nuôi sống gia đình và chính quyền của nhà quân chủ, nhưng vương triều Mao Trạch Đông xây dựng là một chế độ quân chủ tập thể….
Ngoài ra, theo tôi thì những nhà quân chủ các triều đại trước đây nói chung không có sự trả thù quá mức đối với những người từng được triều đại cũ sử dụng, nói chung là dùng lại họ. Nhưng Mao Trạch Đông sau khi lên nắm quyền, riêng phong trào trấn áp phản cách mạng một lúc đã giết 7-80 vạn người. Khi trả thù triều đại trước hoặc kẻ địch chính trị, Mao Trạch Đông không nương tay mà vô cùng đẫm máu. Lại nói, qua việc tạo phản trong Cách mạng Văn hóa, Mao Trạch Đông triệt để lật đổ văn hóa và đạo đức truyền thống của Trung Quốc. Ông ta sử dụng các tế bào của sự đảng hóa để hoàn toàn thay đổi hết mọi tế bào của xã hội gia tộc và tôn giáo vốn có của Trung Quốc. Xã hội Trung Quốc xảy ra sự thay đổi lớn thê thảm hết mức này đều có mối quan hệ cực lớn với sự thống trị của Mao Trạch Đông. Điểm này cho tới ngày nay, tuy rằng sau khi Mao Trạch Đông tạ thế, chúng ta đã ra khỏi cái vòng trói buộc của nền kinh tế kế hoạch, nhưng chúng ta vẫn còn chưa ra khỏi vòng trói buộc của chủ nghĩa Stalin.
Theo cách nói của ông, việc Mao Trạch Đông nắm chính quyền đã đẩy người Trung Quốc vào tai họa. Nhưng tục ngữ nói Người đắc nhân tâm thì mới có thể lấy được thiên hạ!
Lừa đảo cũng có thể đạt được cùng mục đích ấy! Mao Trạch Đông dùng một loạt thủ đoạn tự do dân chủ để giành được sự ủng hộ của thanh niên và giới trí thức, sau đó ông ta lại dùng lời hứa cho nông dân ruộng đất để giành được sự ủng hộ của nông dân. Mao Trạch Đông còn nói giai cấp vô sản phải được làm lãnh đạo nhà nước, nhờ thế ông giành được sự ủng hộ của công nhân. Thế nhưng điều chúng ta cần nhìn thấy là biểu hiện của Mao Trạch Đông sau khi ông ta giành được chính quyền. Thực ra các tầng lớp ấy đều bị Mao Trạch Đông lợi dụng. Họ không hề được hưởng những điều tốt đẹp mà Mao Trạch Đông từng hứa hẹn.
Rốt cuộc Mao Trạch Đông để lại một di sản gì cho các nhà nắm chính quyền hiện nay, nếu nói Mao có một di sản nào đấy?
Di sản đích thực là cái chính quyền Mao Trạch Đông xây dựng nên. Cho nên điều mà các nhà nắm chính quyền hiện nay đang theo đuổi, về căn bản không phải là chính nghĩa gì đó của lịch sử, mục đích của họ là giữ lấy cái chính quyền này. Để giữ được chính quyền, nhà cầm quyền tất phải giữ lấy Mao Trạch Đông. Thế nhưng muốn giữ được Mao Trạch Đông thì họ không thể thanh toán các tội ác lịch sử kia của Mao. Kết quả là, các tệ nạn của hệ thống thể chế do Mao Trạch Đông xây dựng nên sẽ tồn tại y như cũ trong cái chính quyền này. Mao Trạch Đông là lời nguyền ma quỷ làm cho chủ nghĩa cộng sản không có cách nào tự giải thoát.
Nếu khử bỏ cái lời nguyền ma quỷ đó và phủ định Mao Trạch Đông thì Trung Quốc sẽ xuất hiện tình hình như thế nào, liệu có thể xuất hiện thiên hạ đại loạn chăng?
Nhà cầm quyền hiện nay của Trung Quốc đang lo sẽ như vậy. Họ cho rằng Khơ-rút-xốp phủ định Stalin gây ra trận động đất trong thế giới cộng sản. Kết quả bức thư ngỏ của Gooc-ba-chốp là làm cho Đảng Cộng sản Liên Xô mất chính quyền. ĐCSTQ chỉ hấp thu bài học lịch sử ấy từ mặt tiêu cực; trên thực tế họ chỉ quan tâm đến cái tư lợi của đảng này chứ không phải là lợi ích chung của quốc gia và dân tộc.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã mấy lần nhấn mạnh không thể lấy 30 năm sau cải cách mở cửa để phủ định 30 năm trước dưới thời Mao Trạch Đông nắm chính quyền, nhưng đồng thời [Tập Cận Bình vẫn] đi con đường kinh tế của Đặng Tiểu Bình, và cũng có lúc hạn chế tiếng nói ca ngợi Mao Trạch Đông của dân chúng Trung Quốc. Có thể giải thích cách làm ấy như thế nào?
Tôi cho rằng “Thế hệ Đỏ thứ hai”[4] là những người trưởng thành dưới sự giáo dục của thời đại Mao Trạch Đông. Vì thế Mao Trạch Đông có ảnh hưởng lớn với họ. Có lẽ trong lòng họ đều vẫn còn một Mao Trạch Đông. Ngoài ra, sự hấp dẫn to lớn mê hồn của quyền lực là thứ rất khó ngăn chặn. Trong tình hình đó, tuy bản thân họ hoặc các thành viên gia đình đều từng là người bị Mao Trạch Đông làm hại, nhưng họ vẫn tôn Mao Trạch Đông làm thần thánh. Điều đó tạo nên một sự hạn chế lịch sử ở họ, khiến họ chỉ đứng trên góc độ ĐCSTQ mà không thể đứng trên góc độ lợi ích của toàn dân và quốc gia để nhìn nhận Mao Trạch Đông. Còn nói về chuyện nhà cầm quyền Trung Quốc hiện nay có đàn áp những nhân sĩ được gọi là “ủng hộ Mao” hoặc “Phái tả theo Mao” thì đó chỉ là một kiểu thuật cân bằng. Họ biết rằng nếu cao giọng tưởng nhớ Mao Trạch Đông thì sẽ vô cùng mất lòng người, vì thế bèn chỉ có cách dùng biện pháp trát bùn lỏng,[5] một mặt không cho nói về tội ác của Mao Trạch Đông, mặt khác cũng không mong muốn những kẻ cao giọng tưởng nhớ Mao Trạch Đông có thể trở thành một thế lực. Bởi vì như vậy cũng là sự đe dọa chính quyền.
Ông có cho rằng cuộc tranh luận về đánh giá công tội của Mao Trạch Đông sau đây sẽ càng kịch liệt hơn hay không?
Bởi lẽ rất nhiều vấn đề của Mao Trạch Đông đều còn chưa nói rõ; [nếu] không có suy nghĩ lại [phản tư] thì các tài sản âm ấy trong di sản của Mao Trạch Đông sẽ tiếp tục tồn tại và sẽ phát sinh tác dụng trong cái thể chế này. Cuộc tranh luận đó sẽ tiếp tục.
Bản gốc tiếng Trung: BBC Trung Văn (18/12/2013)
—————-
[1] Trung Quốc Dân chủ Kiến quốc hội là một đảng phái dân chủ gồm các nhà trí thức và nhà kinh tế, tham gia chính quyền trong chế độ đa đảng và hiệp thương chính trị của ĐCSTQ; thành lập tháng 12/1945, hiện có hơn 110.000 đảng viên (ND).
[2] Ý nói người thật thà nhưng dốt nát, bị người mình tín nhiệm lừa dối lợi dụng mà không biết (ND).
[3] Tài sản âm: nguyên văn phụ tư sản (负资产), tạm hiểu là tài sản có giá trị thấp hơn giá trị khoản vay nợ dùng để mua nó (ND).
[4] Thế hệ sau của các khai quốc công thần; ở đây ý nói Tập Cận Bình (ND).
[5] Ý nói sự dàn xếp, dung hòa một cách vô nguyên tắc (ND).
220
1 2 391
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét