Thứ Tư, 15 tháng 11, 2017

Mao Trạch Đông từng nói một câu khiến cả hội nghị sởn gai ốc

Trong Hội nghị Thường ủy Bộ Chính trị bổ sung năm 1966, Mao Trạch Đông trong tâm trạng tức giận đã vuột ra một câu nói khiến tất cả hội trường phải im lặng…

Mao Trạch Đông, luu thiếu kỳ,
Mao Trạch Đông và Lưu Thiếu Kỳ. (Ảnh: RFI)
Tháng 05/1966, trong Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng, Mao Trạch Đông đã thông báo đề xuất triển khai cuộc vận động “Cách mạng Văn hóa”. Nhưng Cách mạng Văn hóa lại bị Lưu Thiếu Kỳ và một số lãnh đạo cấp cao khác của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tìm cách ngăn chặn.
Học giả sinh sống tại Mỹ Cao Văn Khiêm trong tác phẩm “Trung Quốc muốn tiến bộ, phải triệt để phê bình Mao” của mình đã nói rằng, để thay đổi cục diện “lạnh tanh” của cuộc vận động, Mao đã quyết định phải hâm nóng bằng Cách mạng Văn hóa.
Ngày 01/08/1966, Mao Trạch Đông triệu tập Hội nghị Trung ương 11 khóa 08 của ĐCSTQ, lần này Mao thay đổi cách làm so với trước đây, đích thân thực hiện khâu chuẩn bị và chủ trì hội nghị. Hội nghị ban đầu dự kiến diễn ra trong 5 ngày và trong chương trình hội nghị cũng không xen vào Hội nghị Thường ủy Bộ Chính trị mở rộng.
Hội nghị lần này giống với Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng diễn ra vào tháng 05/1966, không khí vô cùng căng thẳng, những người đến tham dự luôn ở trong tâm trạng bất an, không muốn phát biểu vì sợ nhỡ sẽ nói sai điều gì, nhưng lại không thể không biểu đạt ý kiến, thế là ai cũng nhắm vào phê bình Tổ công tác của Mao Trạch Đông, kiểm điểm bản thân mình “không theo kịp tư tưởng của chủ tịch”, “phạm phải sai lầm mang tính chất phương hướng”, v.v.
Nhưng trong hội nghị rất ít người nã pháo vào Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, hơn nữa đều biểu đạt rằng không hiểu được tư tưởng của Cách mạng Văn hóa mà Mao Trạch Đông đã phát động. Điều này khiến cho Mao Trạch Đông thất vọng, Mao vốn kỳ vọng trong hội nghị sẽ có người lên tiếng tích cực ủng hộ mình, chỉ trích Lưu Thiếu Kỳ.
Vì thế, Mao Trạch Đông đã in và phát 2 bài báo viết về tạo phản cách mạng do Hồng vệ binh Đại học Thanh Hoa viết, cũng như lá thư hồi đáp do tự tay mình viết ra làm văn kiện cho hội nghị để nhóm một mồi lửa.
Trong lá thư phản hồi, Mao Trạch Đông biểu đạt thái độ vô cùng ủng hộ đối với tinh thần diệt tạo phản của Hồng vệ binh: “Bất luận là ở Bắc Kinh hay trên toàn quốc, trong cuộc vận động Cách mạng Văn hóa, tất cả những người biểu đạt thái độ cách mạng giống các bạn, chúng tôi đều ủng hộ”. Tuy nhiên nó cũng không mang lại nhiều tác dụng, hội nghị vẫn diễn ra vô cùng nặng nề.
Thấy hội nghị trôi qua mà vấn đề vẫn chưa được giải quyết, Mao Trạch Đông rất lo lắng. Mao nhìn nhận rằng gốc rễ lực cản trở cuộc Cách mạng Văn hóa tồn tại trong nội đảng chính là Lưu Thiếu Kỳ, cũng có khá nhiều người đồng tình với Lưu Thiếu Kỳ về phương diện tư tưởng. Nếu như không mau chóng giải quyết triệt để Lưu Thiếu Kỳ, thì không những không cách nào thay đổi cục diện, mà sẽ còn như ‘kiếm củi ba năm thiêu một giờ’, lưu lại tai họa về sau.
Mao Trạch Đông, luu thiếu kỳ,
Trong thời Cách mạng Văn hóa, cựu chủ tịch ĐCSTQ Lưu Thiếu Kỳ bị phê bình đấu tố. (Ảnh: Freewechat)
Mao vuột ra một câu nói khiến cả hội nghị sởn gai ốc
Ở trong tình huống này, Mao Trạch Đông quyết định tự thân xuất mã, làm bầu không khí hội nghị căng thẳng tột đỉnh, khi đưa ra vấn đề Lưu Thiếu Kỳ. Ngày 04/08, Mao bổ sung thêm Hội nghị Thường ủy Bộ Chính trị vào chương trình và đích thân Mao chủ trì hội nghị này. Trong hội nghị này Mao đã áp dụng kế kích tướng chỉ trích Lưu Thiếu Kỳ lệch lạc phương hướng, lộ tuyến sai lầm, làm trái với chủ nghĩa Mác.
Khi bị Mao khiển trách, nhục mạ, Lưu Thiếu Kỳ đã không lường trước được họa sát thân, dần dần không kiểm soát được tâm trạng của mình, cuối cùng không thể nhịn được nữa, Lưu Thiếu Kỳ bùng nổ xung đột cãi vã với Mao, còn dùng câu mà bản thân Mao thường nói để đáp lễ: “Mất chức à, không sợ mất chức, không sợ giáng cấp, không sợ khai trừ đảng viên, không sợ vợ ly hôn, không sợ ngồi tù mất đầu”.
Giống như đổ thêm dầu vào lửa, Mao sau đó đã vuột ra một câu khiến cho mọi người sởn gai ốc: “Bọn đầu trâu mặt ngựa hiện đang ngồi ở đây”, đồng thời tuyên bố hủy chương trình hội nghị ban đầu, chuyển sang thành phân tổ truyền đạt nội dung cuộc họp Thường ủy mở rộng này.
Sau khi hội nghị kết thúc, Mao nhận định Lưu Thiếu Kỳ đã không có thuốc chữa, cuối cùng hạ quyết tâm mỗi người một ngả với Lưu Thiếu Kỳ, bãi bỏ địa vị nối nghiệp của Lưu Thiếu Kỳ. Mao quyết định kéo dài ngày họp Trung ương, thay đổi chương trình hội nghị, bắt tay thực hiện công tác tư tưởng, tổ chức…
Ngày 05/08, Mao Trạch Đông viết bài “Một bài báo của tôi – Nã pháo vào Bộ Tư lệnh”, đã dùng ngôn ngữ vô cùng gay gắt, kịch liệt lên án Lưu Thiếu Kỳ “đứng trên lập trường của giai cấp tư sản phản động, thực hành chuyên chính của giai cấp tư sản, chống đối lại vận động Cách mạng Văn hóa oanh liệt của giai cấp vô sản, khiến phải trái trắng đen lẫn lộn, vây quét cách mạng, áp chế bất đồng ý kiến, thực hành khủng bố trắng, dương dương tự đắc, thể hiện sự hung hăng của giai cấp tư sản, tiêu diệt chí khí của giai cấp vô sản!”.
Bài báo này của Mao sau đó đã được in và phát cho toàn hội nghị nhằm phê bình tư tưởng của Lưu Thiếu Kỳ. Toàn bộ hội nghị Trung ương chuyển sang “vạch trần phê phán” Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình.
Cùng lúc đó, Mao Trạch Đông bí mật phái Uông Đông Hưng triệu hồi Lâm Bưu vốn đang xin nghỉ đi điều dưỡng tại Đại Liên về Bắc Kinh tham gia hội nghị, trợ chiến cho mình, chuẩn bị dùng Lâm Bưu thay thế Lưu Thiếu Kỳ làm người nối nghiệp. Sau đó Lưu Thiếu Kỳ đã bị hạ bệ và bị giam lỏng, bức hại cho đến chết.
Lê Hiếu

Không có nhận xét nào: