Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn - Chủ tịch SOM APEC 2017 - cho biết hiện vẫn đang “để ngỏ” khả năng Mỹ quay trở lại Hiệp định TPP trong Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Bởi TPP là một tiến trình mở, không chỉ Mỹ mà các nền kinh tế khác đều có thể tham gia.
Đề cập tới Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, trong khuôn khổ hợp tác của khu vực châu Á — Thái Bình Dương (APEC) có nhiều kênh khác nhau để đưa tới liên kết hợp tác, tăng cường liên kết hợp tác giữa các nền kinh tế trong khu vực và TPP cũng chỉ là 1 kênh.
Ông Sơn nhấn mạnh, ngoài TPP, hiện trong khu vực châu Á — Thái Bình Dương có những khu vực mậu dịch tự do rất sâu và rộng như Cộng đồng kinh tế ASEAN và trên 150 các Hiệp định thương mại tự do song phương ở khu vực. Ngay trong khu vực hiện nay cũng đang diễn ra Hiệp định đối tác toàn diện gồm 10 nước ASEAN và 6 nước khác ở trong khu vực đang trong tiến trình đàm phán, triển khai…
"Riêng với Việt Nam, việc tham dự TPP cũng thể hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại nói chung. Trong lĩnh vực kinh tế, việc đa dạng hóa các thị trường, mở rộng liên kết kinh tế cũng là một ưu tiên. Vì vậy, Việt Nam đã tham gia TPP ngay từ đầu" — ông Bùi Thanh Sơn cho hay.
Cũng theo Chủ tịch SOM APEC 2017, trong bối cảnh mới khi TPP chỉ còn 11 nước, Việt Nam sẽ phối hợp tích cực với các nền kinh tế khác để thúc đẩyvà thu hẹp khoảng cách, tạo ra được sự cân bằng lợi ích tốt nhất sau khi Hoa Kỳ đã rút khỏi TPP, trên cơ sở đó sẽ đáp ứng được lợi ích của các thành viên còn lại.
Trả lời câu hỏi Hoa Kỳ có quay trở lại TPP trong dịp APEC hay không, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết: "Chúng tôi vẫn để ngỏ".
Sở dĩ để ngỏ sự quay trở lại TPP của Mỹ, bởi Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng TPP là một tiến trình mở, nên không chỉ Mỹ mà các nền kinh tế khác về lâu dài vẫn có thể tham gia TPP.
Trước đó, Trưởng đoàn đàm phán của 11 nước thành viên TPP đã họp tại Nhật Bản. Các bên đang thu hẹp các khác biệt liên quan tới các quan điểm của mình về TPP và hướng tới có hội nghị cấp Bộ trưởng và hội nghị cấp cao tại Đà Nẵng của TPP.
Hiệp định TPP ban đầu gồm 12 quốc gia, gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ, Việt Nam. Được đàm phán dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, TPP nhằm xóa bỏ các rào cản thương mại và thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa các quốc gia thành viên vốn chiếm 40% GDP toàn cầu.
Tuy nhiên, ngay ngày đầu nhậm chức 20/1/2017 Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP, điều này được cho là nhằm thực hiện một cam kết trong chiến dịch tranh cử mà ông nói có thể giúp ngăn chặn tình trạng nước Mỹ bị mất việc làm.
Sau khi Mỹ rút, 11 quốc gia thành viên còn lại của TPP đã nhất trí tiếp tục các cuộc đàm phán về cách thức nhằm duy trì TPP.
Ngày 10 — 11/11 tới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tới Đà Nẵng tham dự Tuần lễ cấp cao APEC. Sau đó, ông Donald Trump sẽ rời Hà Nội và có hoạt động thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong 2 ngày 11-12/11.
"Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Donald Trump diễn ra ngay trong năm đầu tiên cầm quyền. Điều này thể hiện sự quan trọng cũng như sự quan tâm của phía Hoa Kỳ không chỉ với khu vực mà còn đối với Việt Nam", ông Sơn bình luận.
Thứ trưởng Sơn cho rằng, Việt Nam — Hoa Kỳ đã xây dựng quan hệ đối tác toàn diện từ năm 2013, và mối quan hệ này đang tiếp tục phát triển sâu rộng trên các lĩnh vực.
"Tôi tin rằng chuyến thăm của Tổng thống Trump tới Việt Nam lần này sẽ tiếp tục để hai bên trao đổi, tìm ra các biện pháp làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Hoa Kỳ, phù hợp với xu thế chung của khu vực", thứ trưởng Sơn nói.
Nguồn: Dantri, PLO
(Sputniknews)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét