Sự hiện diện của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Đà Nẵng cho thấy ông ở đây để đưa các vấn đề Châu Á Thái Bình Dương vào chương trình nghị sự của mình.
Khi Việt Nam chủ trì Hội nghị APEC với Tuần lễ Cấp cao APEC là hoạt động quan trọng cuối cùng, Đà Nẵng trở thành giao điểm của các con đường địa chính trị.
Một trong những lữ khách phải kể đến là Tổng thống Nga Vladimir Putin, một nhà lãnh đạo mà những ngày này ít được nhắc đến trong quan hệ chính trị với Châu Á Thái Bình Dương, thay vào đó là mối quan hệ rạn nứt với phương Tây.
Khi phương Tây ngày càng tỏ ra thiếu tin cậy Nga, truyền thông dường như tập trung nhiều hơn vào việc đào bới những phương thức mới gây tổn hại lợi ích của phương Tây mà Kremlin có thể thực hiện, trong khi bỏ qua những nỗ lực của Nga nhằm thúc đẩy một chương trình nghị sự mang tính xây dựng về chính trị toàn cầu và khu vực.
Châu Á Thái Bình Dương chỉ là một ví dụ. Khi các đại diện của Trump tại APEC quyết tâm thúc đẩy "thương mại công bằng" thay vì 'thương mại tự do', Nga lại chủ trương xây dựng một bức tường chắn trước các cuộc đàm phán thương mại tự do trong khuôn khổ APEC. Trong bối cảnh này, Nga - vốn không phải là kẻ tình nghi phá vỡ các sáng kiến như vậy - lần này lại có vẻ rất nhiệt tình trong việc tiếp tục xu hướng tự do hoá thương mại.
Tuy nhiên, có một sự cảnh báo. Nga hiện đang lãnh đạo một khối thương mại trong khuôn khổ Liên minh kinh tế Á-Âu (EEU), nơi mà thuế suất được quy định ở cấp độ quốc tế. Điều đó có nghĩa Nga có thể tham gia các hiệp định thương mại tự do như một phần của EEU, chẳng hạn cùng với Kazakhstan, Kyrgyzstan, Armenia và Belarus. Điều này khiến Moscow có thêm nhiệm vụ khó khăn là dành thời gian ở châu Á để giải thích và thuyết phục các đối tác trong EEU rằng Nga quan tâm đến các giao dịch thương mại với các quốc gia xa xôi nơi mà họ có thể thực hiện chút ít thương mại song phương.
Một cách để đối phó với vấn đề hóc búa này là thông qua sáng kiến Đối tác Á - Âu (GEP) mới đây nhất của Nga - từng được đề cập đến trong một bài phát biểu của Putin tại APEC được truyền thông Châu Á đăng tải ngay trước các cuộc họp tại Đà Nẵng.
Sáng kiến GEP nhằm đưa Liên minh Á-Âu trở thành một thị trường duy nhất cho các đối tác trên khắp Âu Á, chủ yếu ở Đông Á. EEU đã ký một hiệp định thương mại tự do với Việt Nam và đang đàm phán với Singapore, có khả năng sẽ ký kết với nước này vào năm 2018. Ý tưởng là xây dựng một hiệp định thương mại tự do và hợp tác kinh tế với các quốc gia châu Á xoay quanh sáng kiến EEU của Nga và Vành đai Con đường của Trung Quốc.
Vấn đề chính đối với Nga ở đây là nước này kém thu hút về kinh tế so với Trung Quốc, nhưng chắc chắn ít đe doạ hơn về chính trị, do đó, là một đối tác an toàn hơn đối với các quốc gia Đông Nam Á.
Cơ hội gặp gỡ
Bản thân APEC có thể là một kế hoạch đa phương của Nga ở châu Á. Nga đã tham gia APEC năm 1998 (cùng với Việt Nam) và diễn đàn này trở thành một phần không thể thiếu trong chính sách của Nga.
Một số nhà quan sát ở Nga cho rằng Nga không theo đuổi chính sách hướng đông tích cực cho tới khi đảm nhận vị trí chủ nhà APEC 2012. Rằng Hội nghị thượng đỉnh này, được tổ chức ở vùng Viễn Đông Nga, là một kinh nghiệm quan trọng về chủ nghĩa đa phương châu Á cho giới tinh hoa Nga. Vladimir Putin lúc đó vừa trở lại nắm quyền với hứa hẹn tăng ảnh hưởng của Nga trên toàn cầu và theo đuổi chính sách đối ngoại đa phương. APEC đã trở thành một diễn đàn đa phương mà Putin quan tâm trong khi nhìn chung ông thường không chú trọng đến các cuộc nhóm họp lớn như vậy.
Một trong những lý do chính của việc Putin tham dự APEC thường xuyên là do ông có thể gặp gỡ song phương với các lãnh đạo trong khu vực.
Lần này ông gồi chung với Donald Trump, Shinzo Abe của Nhật Bản, Tập Cận Bình của Trung Quốc, Moon Jae-in của Hàn Quốc. Cả bốn đều là lãnh đạo của các nền kinh tế lớn, những người hoặc vừa tái lập quyền lực hoặc vừa nhận nhiệm vụ chính trị, họ sẽ đảm trách vị trí này ít nhất vài năm.
Mặc dù cuộc họp chính thức với Trump không diễn ra, nhưng Putin gặp mặt bên lề với ông Tập, Abe, Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Tháng 3/2018, Nga sẽ tiến hành các cuộc bầu cử tổng thống và có lý do để tin rằng Vladimir Putin sẽ ứng cử và giành chiến thắng. Đó là lý do tại sao chúng ta có thể tin tưởng rằng Putin đối thoại với các đối tác ở Đà Nẵng như một người đồng cấp chứ không phải như một tổng thống sắp mãn nhiệm.
Quan hệ kinh tế với Việt Nam
Mặc dù có cuộc họp với ông Trần Đại Quang, chuyến đi của Vladimir Putin đến Đà Nẵng không phải là chuyến thăm chính thức hay chuyến thăm cấp nhà nước.
Không giống như Donald Trump, nhà lãnh đạo Nga sẽ không tới Hà Nội sau hội nghị thượng đỉnh và sẽ không gặp 'tứ trụ'. Mặc dù điều này có thể gây thất vọng nhưng lý do có thể vì ông Trần Đại Quang đã viếng thăm Moscow mùa hè năm 2017 nơi hầu hết các vấn đề chính đã được giải quyết.
Moscow trông đợi mối quan hệ với Việt Nam sẽ được khôi phục thông qua hiệp định tự do thương mại có hiệu lực từ tháng 10 năm ngoái. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam quyết định hủy bỏ các dự án nhà máy điện hạt nhân của Nga và Nhật Bản ở tỉnh Ninh Thuận.
Tăng trưởng thương mại Nga-Việt Nam đã bắt đầu tăng năm 2017 và có thể vượt con số 3,8 tỷ đô la Mỹ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này còn xa mới chạm tới mục tiêu 10 tỷ đô la Mỹ năm 2020. Các rào cản chính của tăng trưởng thương mại không phải là thuế mà là năng lực cạnh tranh hạn chế của các mặt hàng Việt và Nga tại các thị trường trọng điểm, cũng như mức tiêu thụ của các thị trường này.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn sẽ là đối tác mua vũ khí quan trọng của Nga, trong khi Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí số một cho Việt Nam. Hiện đại hóa quân đội là chìa khóa cho Việt Nam nhằm nâng cao năng lực ngăn chặn các can thiệp đầy quyết đoán của Trung Quốc và Nga hiện là nước duy nhất có thể cung cấp các năng lực đó.
Quan hệ Nga-Trung Quốc không phải là một trở ngại ở đây: Bắc Kinh biết rằng Việt Nam thiết lập hệ thống vũ trang theo cách này hay cách khác. Và rằng tốt nhất Việt Nam nên mua chúng từ một nước Nga thân thiện hơn là từ các đối thủ chiến lược ở Mỹ hay châu Âu.
Không kém phần quan trọng là việc Trung Quốc cho rằng vũ khí Nga không đi kèm với dân chủ hóa hoặc các ràng buộc về quyền con người. Vì vậy, Nga có thể sẽ vẫn là đối tác thương mại vũ trang được ưu tiên hơn cho lãnh đạo Việt Nam trong những năm tới, chưa kể đến chi phí nâng cấp vũ khí mới.
Cuối cùng, về phần Việt Nam, sự quan tâm của ông Putin tới Tuần lễ Các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC và tới cuộc gặp với Chủ tịch nước tượng trưng cho sự hiệu quả của chính sách 'đa phương hóa, đa dạng hóa'.
Nga, mặc dù hiện lên như kẻ phá vỡ luật lệ nền chính trị toàn cầu, vẫn đóng một vai trò quan trọng và Việt Nam tự hào là đối tác thân thiết của Nga ở Đông Nam Á.
Do đó, chuyến đi của ông Putin đến Đà Nẵng không chỉ là cách để chỉ ra sự hiện diện và mối quan tâm của Nga tới chủ nghĩa đa phương ở châu Á, mà còn là đề xuất cho một vị trí quyền lực chính trị ở khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Câu hỏi lớn là - liệu các cường quốc châu Á có coi Nga như một đối tác trong khu vực?
Anton Tsvetov là nhà nghiên cứu chính trị Đông Nam Á và Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược (CSR), cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại Moscow. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả và không phản ánh quan điểm của CSR hoặc bất kỳ tổ chức nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét