Đây chính là lý do bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm biến mất
3-5-2018
Vào tháng 10-2007, Báo Đại đoàn kết do anh Lý Tiến Dũng, một nhà báo nổi tiếng chính trực làm Tổng Biên tập đã cho đăng loạt bài “Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Ai phá nát quy hoạch?”. Báo Tuổi Trẻ do anh Lê Hoàng, cũng nổi tiếng là một nhà báo chính trực làm Tổng Biên tập, đã cho đăng lại trên Tuổi Trẻ online. Không rõ các kỳ tiếp theo có đăng trên Đại Đoàn Kết hay không (nhờ anh Đào Tuấn kiểm tra lại nhé), hiện chỉ còn kỳ 1 “Giấy thông hành cho quá trình phá nát” nằm trên Tuổi Trẻ online: Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Ai phá nát quy hoạch?
Bài báo này cho thấy, Khu đô thị mới Thủ Thiêm (ĐTMTT) được Chính phủ phê duyệt (QĐ 367/TTg) 930ha, trong đó: khu trung tâm 770ha và 160ha để tái định cư cho dân. Sau 6 năm án binh bất động, đến ngày 22-3-2002, văn phòng UBND TP.HCM ban hành một lúc hai thông báo truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Hải đến Kiến trúc sư trưởng và Giám đốc Sở Địa chính nhà đất.
Thông báo thứ nhứt, số 77/TB-VP, yêu cầu cắm mốc giao đủ 770 ha cho khu trung tâm. Điều đáng nói là trong 770h theo quy hoạch thì có đến 130ha mặt nước, có nghĩa là muốn cắm mốc giao đủ thì hoặc là phải lấp 130 ha mặt sông Sài Gòn hoặc là phải lấy 130 ha dành cho tái định cư, nhưng vì lấp sông Sài Gòn là điều không thể nên phải làm theo cách thứ hai.
Thông báo thứ hai là công văn hỏa tốc số 78/TB-VP, yêu cầu xác định 160 ha tái định cư không nhất thiết tập trung 1 địa điểm mà có thể bố trí 3-4 địa điểm trên địa bàn quận 2. Có nghĩa là, diện tích khu đô thị Thủ Thiêm được Thủ tướng phê duyệt đã bị ông Lê Thanh Hải tự tiện cho “sáng tác” thêm một diện tích khá lớn nữa. Đáng chú ý là, bản đồ quy hoạch sau đó được UBND TP cho “cho vẽ một đường dích zắc, lắt léo, thò lên, thụt xuống theo ranh giới của các dự án tư nhân, đang được phân lô, bán nền và coi đó là ranh quy hoạch của khu trung tâm. Đưa 28 dự án tư nhân ra khỏi ranh quy hoạch mà thực tế đây chính lại là đất để TĐC cho dân”. Để bảo kê cho 28 dự án phân lô bán nền của tư nhân đáng lẽ phải được thu hồi đó, UBND TP đã thu hồi đất một cách phi pháp của dân để bù vào.
Đó là tóm tắt nội dung mà bài báo đã đề cập. Từ đó đến nay, nghe nói quy hoạch Thủ Thiêm tiếp tục thò ra lấn tới nữa, dân tiếp tục bị giải tỏa một cách phi pháp nữa, nhưng đâu còn bản quy hoạch gốc mà đối chiếu.
Khi dân kiện, yêu cầu phải đối chiếu bản đồ quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì tấm bản đồ này đã biệt tích. Nó biệt tích một cách triệt để, chứng tỏ rằng nó đã được những người rất có quyến lực tổ chức cho nó “bỏ trốn”, trốn khỏi các bộ ngành ở Trung ương, trốn luôn khỏi Văn phòng Chính phủ là nơi lưu giữ Quyết định của Thủ tướng. Bằng chứng là, theo báo Tuổi Trẻ, khi Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trực tiếp giải quyết khiếu nại của dân liên quan đến khu đô thị Thủ Thiêm cũng không tìm thấy tấm bản đồ quy hoạch này.
Đọc bài trên Đại Đoàn kết xin một lần nữa nghiêng mình trước anh linh của nhà báo Lý Tiến Dũng. Tôi biết một trong những lý do khiến anh bị cho thôi chức Tổng Biên tập là đã can trường cho đăng bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp phản đối việc dỡ bỏ Hội trường Ba Đình để xây dựng nhà Quốc Hội mới, bức thư đã bị các báo từ chối vì Ban Tuyên giáo Trung ương cấm đăng (hình như theo lệnh miệng của người đứng đầu Chính phủ lúc đó), giờ còn biết thêm anh đã đương đầu từ rất sớm với các nhóm lợi ích vô cùng thế lực ở TP.HCM nữa.
Thứ Năm, 03/05/2018 - 16:14
Bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm: "Làm gì có mà tìm!"
Dân trí Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) - cho rằng, TPHCM cần sớm trả lời sòng phẳng, thẳng thắn với người dân là không có bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, vì Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cũng không có.
>> "Truy tìm" bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm đang thất lạc
Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp.
- Tại buổi đối thoại với người dân Thủ Thiêm tại TPHCM năm 2017, ông từng khẳng định rằng “đến nay qua kiểm tra thì hoàn toàn không thấy bản đồ kèm theo quy hoạch được duyệt theo quyết định của Thủ tướng”. Trước đó Ban Tiếp công dân Trung ương đã từng “đi tìm” bản đồ quy hoạch này?
- Nhiều lần tôi nói là phải trả lời với người dân là không có đi. Tất cả các nơi đều không có bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Bây giờ phải tìm biện pháp xử lý cho người dân thôi. Sai đâu nhận đấy.
- Thưa ông, suốt những năm qua, một số người dân Thủ Thiêm gửi đơn thư tới các cơ quan Trung ương khiếu nại chủ yếu về vấn đề gì?
- Họ khiếu nại chủ yếu về việc không nằm trong quy hoạch, thu hồi đất của họ nằm ngoài quy hoạch. Họ cũng có một số bản đồ photo thể hiện nằm ngoài quy hoạch; rồi chuyện thu hồi quá quy hoạch.
TPHCM cứ bảo có quy hoạch, nhưng hỏi bản đồ đâu thì không có. Chúng tôi đã đối thoại với Chủ tịch TPHCM, họ xác định là không tìm thấy.
Sau đó, Phó Thủ tướng Thường trực họp nhiều cuộc, với cả Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước nhưng đến thời điểm này không có.
Nói với dân mãi là thất lạc bản đồ quy hoạch là không đúng. Đừng có nói thế, bây giờ phải nói là không có. Chả lẽ có mà bị mất thì mất ở tất cả các cơ quan à? Ở đây có cả trách nhiệm của nhiều cơ quan nữa chứ.
Cho đến hiện tại, Thanh tra Chính phủ đang có cuộc thanh tra theo kế hoạch tại khu Thủ Thiêm, có đưa nội dung này vào thanh tra nhưng người dân vẫn yêu cầu Thanh tra Chính phủ thành lập đoàn thanh tra liên ngành để giải quyết tố cáo của họ. Họ tố cáo việc thu hồi đất không có quyết định, không đúng quy hoạch.
- Theo ông tại sao TPHCM không chịu thừa nhận không có bản đồ quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm?
- Tôi họp với lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cũng nêu ý kiến rằng nên nói thẳng với người dân đến giờ không có bản đồ quy hoạch và cần tìm biện pháp giải quyết tốt cho người dân. Chúng tôi không thể nói khác được. Giờ phải nói với người dân như thế nào, giải quyết ra sao.
Phối cảnh khu đô thị Thủ Thiêm
- Còn TPHCM thì sao?
- Họ trả lời rằng đang giao tìm, giao tìm, tìm mãi. Làm gì có mà tìm! Nói chung là không có. Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cũng không có chứ đừng nói là không tìm thấy.
- Đến nay có tổng cộng bao nhiêu người dân ở Thủ Thiêm vẫn đang tiếp tục khiếu nại, thưa ông?
- Hiện tại còn hơn 100 hộ dân và họ đang ở đây (Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, số 1 Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, Hà Nội), có đoàn ở đây tới 4-5 tháng. Họ liên tục tới nhà riêng lãnh đạo Trung ương để yêu cầu.
Đã có chỉ đạo rất nhiều lần rồi nhưng TPHCM không thể trả lời được. TPHCM trả lời vậy thì không thuyết phục được người dân. Mình nghe cũng thấy không thuyết phục.
- Điều đó có thể hiện sự trốn tránh trách nhiệm? Và cơ quan nào cần sớm đứng ra giải quyết dứt điểm?
- Thanh tra Chính phủ phải kết luận thôi. Trốn tránh trách nhiệm rõ rồi, nhưng không thể trốn trách nhiệm với dân và cả với Chính phủ được. Bây giờ phải trả lời rõ ràng công khai minh bạch, không thể nói với người dân khác được. Giờ quan trọng là hậu quả pháp lý cần phải giải quyết với người dân.
- Xin cảm ơn ông!
Tại cuộc họp báo ngày 2/5, ông Võ Văn Hoan - Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho biết, Bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM) tỉ lệ 1/5.000 kèm theo Quyết định số 367/1996 của Thủ tướng là văn bản pháp lý về quy hoạch dự án này đến nay tìm chưa thấy.
"Từ đó tới nay hơn 20 năm rồi, công tác lưu trữ không tìm thấy bản gốc đó. Nghe nói hình như đã tìm thấy một bản sao... Quyết định 367 kèm theo bản đồ đó là cơ sở pháp lý để Thủ tướng phê duyệt dự án nên không thể không có bản đồ được"- ông Hoan nói.
Ông Hoan cho rằng bản đồ khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện chưa tìm thấy chứ không phải là không có.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại buổi tiếp dân định kỳ của Thanh tra Chính phủ chiều 29/5/2017 do Phó tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn chủ trì, các hộ dân Thủ Thiêm đã yêu cầu các sở, ngành TPHCM xuất trình bản đồ quy hoạch 1/5.000.
Trả lời người dân khi đó, ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng Ban Tiếp công dân trung ương nói: "Tôi khẳng định luôn là đến nay qua kiểm tra thì hoàn toàn không thấy bản đồ kèm theo quy hoạch được duyệt theo quyết định của Thủ tướng".
Tại thời điểm đó, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM cho rằng dự án được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch năm 1996, bản đồ tỉ lệ 1/5.000. Tuy nhiên, trong phê duyệt của Thủ tướng không thể hiện rõ quy mô và ranh khu vực quy hoạch tương ứng của dự án Thủ Thiêm.
Đến năm 1998, UBND TPHCM căn cứ vào Quyết định 13585 của kiến trúc sư trưởng phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000 để ban hành quy hoạch. Ranh của dự án căn cứ theo bản đồ được duyệt (theo Quyết định 13585) với quy mô 618ha, không kể diện tích sông Sài Gòn.
Đại diện Sở Quy hoạch - kiến trúc TP còn khẳng định ranh này được duyệt theo đúng thẩm quyền và ổn định từ năm 1998 để triển khai công tác bồi thường.
Thế Kha (thực hiện)
Dân trí Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định như vậy tại cuộc họp báo Chính phủ Thường kỳ tháng 4, diễn ra tối 3/5/2018. Ông Hùng cho biết, bản đồ bị thất lạc là dựa trên quy hoạch chung khu vực được phê duyệt năm 1996; còn khu đô thị được triển khai xây dựng hiện nay là theo bản quy hoạch năm 2005…
Quy hoạch Thủ Thiêm không dựa trên bản đồ bị thất lạc?
Dân trí Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định như vậy tại cuộc họp báo Chính phủ Thường kỳ tháng 4, diễn ra tối 3/5/2018. Ông Hùng cho biết, bản đồ bị thất lạc là dựa trên quy hoạch chung khu vực được phê duyệt năm 1996; còn khu đô thị được triển khai xây dựng hiện nay là theo bản quy hoạch năm 2005…
>> Bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm: "Làm gì có mà tìm!"
>> "Truy tìm" bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm đang thất lạc
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Lê Quang Hùng trao đổi về 2 nội dung: tấm bản đồ thất lạc là bản đồ nào và việc thất lạc này để lại hệ luỵ thế nào?
Ông Hùng thông tin, việc xây dựng khu đô thị Thủ Thiêm được thực hiện theo 2 bước là triển khai theo quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết (quy hoạch chung thì xuất bản bản đồ 1/5000 và quy hoạch chi tiết thì xuất bản bản đồ 1/2000), sau đó được cụ thể hoá và tiến hành phân giới cắm mốc trên thực địa.
Nguyên tắc chung, quy hoạch sau là sự triển khai, chi tiết hoá của quy hoạch trước.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm có 2 lần điều chỉnh quy hoạch, một lần là theo quy hoạch chung được phê duyệt năm 1996 và một lần là điều chỉnh quy hoạch năm 2005.
Ông Hùng khẳng định, như vậy ở Thủ Thiêm có rất nhiều loại bản đồ khác nhau. Về hệ luỵ, Thứ trưởng Bộ xây dựng cho biết, quá trình triển khai dự án khu đô thị này, việc xác định ranh giới, thu hồi, giải phóng mặt bằng… thực hiện trên quy hoạch chung được phê duyệt năm 2005. Hiện nay, tất cả các bản đồ, các văn bản là cơ sở pháp lý liên quan đều có đầy đủ.
“Việc triển khai dự án, thu hồi giải phóng mặt bằng hiện tại là thực hiện trên bản quy hoạch này” – ông Hùng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Hùng cho biết, tấm bản đồ bị thất lạc là theo bản quy hoạch chung được phê duyệt năm 1996. Về cơ sở pháp lý, bản đồ này đã được thay thế bằng bản quy hoạch chung năm 2005.
Ông Hùng giải thích, như vậy, việc thất lạc tấm bản đồ về trách nhiệm, hệ luỵ thế nào thì chỉ liên quan đến việc triển khai thực hiện bản quy hoạch trước. Còn thực tế triển khai khu đô thị hiện tại có đầy đủ bản đồ, quy hoạch, cơ sở pháp lý.
Không cần tìm lại bản đồ năm 1996?
Trao đổi thêm với PV Dân trí sau khi kết thúc cuộc họp báo, nói về việc Trưởng Ban tiếp dân Trung ương vừa khẳng định tấm bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm “làm gì có mà tìm”, ông Hùng cho rằng, hiện tại, quan trọng là thực hiện quy hoạch khu đô thị theo bản đồ năm 2005, không tìm lại bản đồ năm 1996 làm gì.
“Tôi cũng không khẳng định có bản đồ năm 1996. Còn bản đồ năm 2005 là do các cơ quan lập mới, phê duyệt mới hoàn toàn” – ông Hùng giải thích - "Bản đồ năm 1996 thì đã được triển khai quy hoạch chi tiết vào năm 1997-1998 và người ta dựa trên thực địa này và tổ chức thi tuyển kiến trúc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, sau đó người ta lập quy hoạch, phê duyệt lại. Thậm chí lần sau đó là điều chỉnh mới hoàn toàn".
Về ý nghĩa của tấm bản đồ bị thất lạc với việc triển khai xây dựng khu đô thị, Thứ trưởng Lê Quang Hùng phân tích, cần xét ở ngữ cảnh cụ thể. Có 2 thời điểm phải làm rõ. Thời điểm hiện tại, bản đồ 2005 chính là căn cứ pháp lý để thực hiện dự án khu đô thị.
“Còn thực tế, có thể có một số hộ dân đã được thực hiện thu hồi, giải phóng mặt bằng trước 2005 thì đương nhiên việc này phải dựa vào bản quy hoạch trước. Có chăng thì đó là điểm cần phải thẩm định. Tuy nhiên, việc đó cũng chỉ là bước hồi tố, còn về bản chất pháp lý thì hiện tại, dự án được thực hiện theo bản quy hoạch năm 2005” – ông Hùng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhắc lại, có rất nhiều bản đồ khác nhau trong dự án này. Mà từ bản đồ tỷ lệ 1/5000 sang bản đồ 1/2000 cũng đã có rất nhiều điểm khác nhau. Tỷ lệ 1/5000 nghĩa là 5m trên thực tế được thể hiện tương đương 1mm trên bản đồ, không thể chính xác cao được. Vậy nên, trên thực địa, việc cắm mốc, so trên bản đồ, có thể cách xa… 5m.
P.Thảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét