Trong Tây Du Ký hồi thứ 64, tác giả Ngô Thừa Ân đã mượn lời Đường Tăng để nói lên suy nghĩ của mình. Câu nói ấy, không rõ hữu ý hay vô tình, khi đối chiếu với Trung Quốc của ngày hôm nay, lại trở thành một “dự ngôn” chính xác đến lạ thường.
Câu nói ấy là: “Nhân thân nan đắc, Trung thổ nan sinh, chính Pháp nan ngộ; toàn thử tam giả, hạnh mạc đại yên”. Nghĩa là: Thân người khó được, Trung thổ khó sinh, chính Pháp khó gặp; nếu được cả ba điều, thì may mắn lắm thay.

Câu nói trên cũng có thể thuyết minh lại là: Làm người đã khó, làm người ở Trung Quốc còn khó hơn. Đã được làm người lại sinh ra ở Trung Quốc, thì có thể gặp được chính Pháp chính Đạo hay không, lại còn khó hơn gấp vạn lần!
Vậy vì sao lại nói là “khó”, và cái khó ấy là khó ở chỗ nào?
Trong Tây Du Ký hồi thứ 64, tác giả Ngô Thừa Ân đã mượn lời Đường Tăng để nói lên suy nghĩ của mình. (Ảnh minh họa: soha.vn)
Làm người đã khó…
Năm xưa, Khổng Tử từng giảng: “Duy thiên địa vạn vật chi mẫu, duy nhân vi vạn vật chi linh”, nghĩa là, duy có Trời Đất là mẹ của vạn vật, duy có con người là anh linh của vạn vật. Con người là anh linh của vạn vật, vậy nên sinh mệnh nào ở thế gian cũng mong được đắc thân người.
Nhưng thân người hữu hạn, “tấm áo da người” chỉ có ngần ấy thôi, muốn được chuyển sinh thành người đâu phải chuyện dễ dàng? Trong Kinh Trung Bộ có một ẩn dụ ví von với cái khó được làm người, kể rằng: Có người quăng một khúc gỗ xuống biển, trên khúc gỗ ấy lại có một cái lỗ. Một ngọn gió từ phương Đông thổi nó dạt về hướng Tây, một ngọn gió từ phương Tây thổi nó dạt về hướng Đông, một ngọn gió từ phía Bắc thổi nó trôi qua phía Nam, một ngọn gió từ phía Nam lại thổi nó trôi qua phía Bắc. Cứ thế, khúc gỗ lênh đênh trôi dạt trên biển. Trong biển ấy lại có một con rùa mù cả hai mắt, 100 năm mới nhô đầu lên mặt nước một lần. Liệu, có khi nào con rùa ấy trồi lên lại có thể đút đầu vào đúng cái lỗ ấy được không? Xác suất này xảy ra mới thật hy hữu làm sao! Ấy vậy mà, thân người mất rồi, được sinh làm người trở lại còn khó hơn cả việc con rùa mù chui cổ vào cái lỗ ấy.
Cho nên nói, “nhân thân nan đắc”, có được thân người mới thật khó lắm thay!
Làm người Trung Quốc còn khó hơn
Làm người khó là vậy, nhưng làm một người Trung Quốc còn khó hơn ngàn lần!
Không tin, bạn hãy thử đến Trung Quốc mà xem. Ở đây có những em bé vừa sinh ra đã bị bỏ rơi, vừa sinh ra đã bị sát hại. Thậm chí, các em còn bị tước đoạt quyền làm người ngay từ trong bụng mẹ. Những vụ trẻ sơ sinh bị kẹt trong ống nước, bị bỏ vào thùng rác, bị vứt vào bồn cầu… Không còn là điều gì mới lạ. Kể từ khi chính sách một con trở thành “thiết luật” của nước này, những em bé sinh ra làm ‘con thứ’ hay làm ‘phận nữ’ đều không được cha mẹ các em chào đón. Ấy là chưa kể rằng, có bệnh viện ở Trung Quốc còn công nhiên rao bán trẻ mới sinh, lại có những “nhà máy trẻ sơ sinh” – tức là nơi chuyên nuôi các em bé sơ sinh trong lúc chờ được bán ra ngoài…
Được rồi, bây giờ hãy giả sử một em bé may mắn được làm người. Nhưng làm một “người Trung Quốc” đâu phải chuyện dễ dàng? Ở các nước phương Tây, mà cũng không cần nói đâu xa, ngay các quốc gia láng giềng như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, đâu đâu người ta cũng ý thức gìn giữ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nhưng ở Trung Quốc ngày nay, bất cứ ai cũng phải hít thở bầu không khí ô nhiễm và tiêu dùng các loại hàng hóa và thực phẩm độc hại. Trung Quốc được coi là “công xưởng của đồ giả” khi tất cả mọi thứ đều có thể làm giả, từ gạo giả, thịt giả, trứng giả, sữa giả, cho đến bằng cấp giả, truyền thông giả, và ngay cả những lời hứa hẹn của chính phủ cũng là giả nốt!
Chẳng thế mà, mỗi lần ra nước ngoài, các du khách Trung Quốc đều đổ xô tới các siêu thị để mang được càng nhiều hàng ngoại về càng tốt. Đơn cử như một chuỗi siêu thị lớn ở Đan Mạch, sau khi chứng kiến đoàn du khách Trung Quốc “vét sạch” các kệ hàng sữa bột trong siêu thị, họ đã phải quy định hạn chế số lượng đối với mỗi người mua. Vì sao những du khách ấy lại làm thế? Ấy là vì một nỗi sợ mang tên “sống ở Trung Quốc, tiêu dùng hàng Trung Quốc”.
Không những thế còn có một sinh viên đại học đang kiếm được gần 90.000 đô một năm bằng cách chuyển sữa bột trẻ em về Trung Quốc. (Ảnh: tinnuocuc.net)
Nhà báo Trình Khải, một Hoa kiều ở Mỹ từng kể lại rằng:
“Tôi đã sống ở Mỹ hơn 26 năm, gần 10 năm nay, mỗi năm đều có người từ Trung Quốc đến, hoặc từ Mỹ về Trung Quốc du lịch hoặc thăm người thân trở về, họ đều nói với tôi rằng: Trung Quốc đã giàu mạnh rồi, nhìn thấy những tòa nhà cao tầng ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông còn khí thế hơn cả những tòa nhà chọc trời ở Manhattan của New York, ngay cả người Trung Quốc hạng 2, hạng 3 sống ở thành phố, cũng giàu có hơn cả người Mỹ. Quả nhiên, mấy năm nay tôi thấy ngày càng có nhiều người Trung Quốc đến Mỹ du lịch, họ hễ đến nơi nào, thì tranh nhau mua sắm đồ hiệu các loại, cứ như thể có tiền nhiều đến nỗi tiêu xài không hết vậy”.
“Nhưng họ không biết rằng bên dưới những tòa cao ốc ấy lại là nơi chôn thi hài của những người nghèo và những cặp vợ chồng già. Mỗi một đồng tiền mà họ móc ra đều nhuốm máu và nước mắt của những người nghèo khổ cơ cực làm lụng cả đời vẫn ăn không đủ no, nuôi không nổi con cái, không có tiền khám bệnh, chỉ còn cách đi đến đường cùng…”.
Nếu làm người bình thường mà khổ đến vậy, thì, làm một bậc tài phú, ví dụ như các ông chủ tai to mặt lớn, hoặc siêu sao màn bạc, minh tinh màn ảnh, vừa có tiền lại có tiếng nói, chẳng phải sẽ tốt hơn sao? Ấy đừng, đừng vội cho rằng họ được sống yên bình. Làm tài phú thì khổ vì thuế má, khổ vì luật pháp, lại khổ vì phải giao hảo với các “quan trên”; làm “phú nhị đại” (con em của các tài phiệt và tỷ phú) thì khổ vì định kiến, khổ vì cái bóng của cha mẹ, lại khổ vì “ngoài tiền ra thì chẳng có gì”; ngay cả làm ngôi sao thì cũng phải chấp nhận những góc khuất đen tối khác.
Diễn viên Dương Mịch nói về vấn nạn quấy rối tình dục và xâm phạm đời sống riêng tư trong showbiz rằng: “Đó là chuyện hết sức bình thường, xảy ra mỗi phút, mỗi ngày ở Trung Quốc. Phim nào cũng chứng kiến một vài diễn viên được nhận vai nhờ qua đêm với ê-kíp”. Bởi vì, đúng như một nhà làm phim ở Hồng Kông từng thừa nhận: “Nói đến cùng, đó là quy luật ở showbiz. Bạn muốn hào quang tỏa sáng, bạn phải chấp nhận giẫm chân lên danh dự của chính mình”.
Làm ngôi sao thì phải chấp nhận những góc khuất đen tối, ngay cả Dương Mịch cũng phải chấp nhận rằng: Đó là chuyện hết sức bình thường, xảy ra mỗi phút, mỗi ngày ở Trung Quốc. (Ảnh: afamily.vn)
Người Trung Quốc muốn gặp được chính Pháp, lại còn khó hơn gấp vạn lần!
Có người nghĩ: Sống ở Trung Quốc sao mà khó quá, thôi thì xuất gia đi tu cho lành vậy. Sai lầm! Không phải tôi muốn nói rằng bạn đừng xuất gia, mà là cái ảo tưởng ‘xuất gia sẽ được yên phận’ là một ý nghĩ sai lầm.
Ngày nay, đằng sau vẻ phô trương bề thế của một “Trung Quốc giàu mạnh” là cuộc đàn áp tín ngưỡng, đàn áp đức tin, và đàn áp tôn giáo. Chùa chiền bị đập phá, kinh thư bị hủy hoại, tăng ni và đạo sĩ bị ép phải hoàn tục… Những ngôi chùa và đạo viện may mắn trụ lại được đều bị biến thành điểm du lịch, thương mại, buôn Thánh bán Thần dưới cái mác “bảo tồn di sản văn hóa”.
Đơn cử như Phật giáo Tây Tạng, một tôn giáo đã có hàng ngàn năm lịch sử huy hoàng, nhưng chỉ sau vài chục năm ngắn ngủi của cuộc Cách mạng văn hóa, các lạt ma hoặc là chấp nhận “vào Đảng”, hoặc là buộc phải rời Tây Tạng sống lưu vong. Vào năm 1959, Đức Đạt Lai Lạt Ma cùng với hơn 80.000 người dân Tây Tạng phải vượt qua dãy Hy Mã Lạp Sơn đến tị nạn tại Ấn Độ, cho đến nay họ vẫn không thể trở về.
Thậm chí, những người không theo tôn giáo nhưng có tín ngưỡng, có đức tin, và mong muốn làm người lương thiện cũng bị chà đạp không thương tiếc. Họ tin vào Chân – Thiện – Nhẫn, họ hiểu rằng tu luyện mới là ý nghĩa của làm người. Cả cuộc đời của họ là để đồng hóa với đặc tính vũ trụ, sống chân thật, thiện lương; họ sống giữa đời thường và làm các việc giống như một người bình thường, nhưng trong tâm không ngừng đề cao đạo đức, thăng hoa cảnh giới, hành xử theo Pháp Lý của vũ trụ.
Tất nhiên, là một người tu luyện, họ không màng danh lợi, cũng không màng đến cái gọi là “quyền lực” nơi thế gian. Thế nhưng, chính sự phổ truyền rộng rãi của Chân-Thiện-Nhẫn lại khiến người cầm quyền lo sợ sẽ mất đi quyền lực. Và bằng cách bôi nhọ và chụp lên cái mũ “tà giáo”, rồi lại dựng lên màn kịch tự thiêu giả mạo, cuộc đàn áp đã nổ ra như thế.
Khi chính nghĩa bị đàn áp, tín ngưỡng bị chụp lên cái mũ “tà giáo”, người tu luyện bị giam cầm, bức hại, thậm chí bị giết hại để lấy nội tạng bán cho các bệnh nhân cần ghép tạng… thì còn ai dám đứng lên bảo vệ chính nghĩa?
Một người vợ khóc bên cạnh chồng, người đã bị bức hại đến chết tại một trung tâm tẩy não. Anh đang cầm trong tay một tài liệu mà bị ép buộc phải ký, đó là phải từ bỏ niềm tin vào Chân Thiện Nhẫn. (Ảnh: falunart.org)
Kể từ khi cuộc đàn áp được phát động vào tháng 07 năm 1999 cho đến nay, rất nhiều người Trung Quốc không dám nhắc đến “Chân – Thiện – Nhẫn”, không dám lên tiếng bảo vệ người lương thiện, họ cũng không dám tin vào tu luyện. Do đó Trung Quốc nơi ấy, dẫu bạn có đặt vào tay họ kinh thư Phật Pháp, đưa họ đến với chính Pháp, chính Đạo, thì họ cũng không dám đặt chân vào.
Thế cho nên, người Trung Quốc mà mong được chính Pháp, quả là khó lắm thay!
***
Người Trung Hoa xưa có câu: “Thiện ác hữu báo”. Mấy năm nay, người Trung Quốc xôn xao vì chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” thanh trừ các tham quan trong ĐCSTQ. Những tham quan ấy là ai? Đều là những quý ngài một thời lừng lẫy, quyền uy tột đỉnh, như “thái tử Đảng” Bạc Hy Lai, nguyên Cục trưởng Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân, cựu Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Chu Vĩnh Khang… Mặc dù họ ngã ngựa bởi tội danh tham nhũng, nhưng nếu nhìn xâu xa hơn, thì tất cả đều là những người đứng đầu trong chiến dịch bôi nhọ Chân – Thiện – Nhẫn, bức hại người tu luyện, đàn áp tín ngưỡng và đức tin.
Xem ra, làm người Trung Quốc khó thật, làm người tốt đã khó, mà làm “người bức hại người tốt” cũng chẳng dễ chịu gì!
Tâm Minh
Có thể bạn quan tâm :