Thứ Năm, 3 tháng 5, 2018

Ông Trọng làm trong sạch đảng

Tác giả: David Brown
Dịch giả: Song Phan
30-4-2018
TBT Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: AP
Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng trông giống như một ông cụ hiền hòa nhưng ông cứng như sắt. Ông ta chắc chắn mọi điều tốt hơn nhiều năm trước, khi Việt Nam vẫn còn nghèo nhưng đảng Cộng sản cầm quyền vẫn còn trong sạch. Ông là một nhà lý thuyết, một người tin tưởmg Mác Lênin chân thành mà hai năm trước đây đã chiếm ưu thế trong một cuộc tranh giành quyền lực đầy kịch tính. Bây giờ ông nhắm tới việc dọn sạch những kẻ thoái hóa, chờ thời và cơ hội. Dù thích ông hay không, đã đến lúc để tâm đến Tổng Bí thư Trọng.

Kể từ khi Hồ Chí Minh loại bỏ các đối thủ và gần một thập niên sau đó, buộc Pháp phải từ bỏ thuộc địa châu Á của mình, đảng CSVN đã nắm quyền tuyệt đối – đầu tiên ở miền bắc và sau 1975, trên toàn cõi Việt Nam.
Hào quang cách mạng của Đảng đã bị hao mòn mấy thập niên trước. Đến năm 2016, nó trông giống như mafia (Cosa Nostra) châu Á, đang thu gọn và san sẻ một phần đáng kể tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cho lợi ích cá nhân.
Tầm nhìn bị thách thức
Đó không phải là tầm nhìn của ông Trọng. Trong nhiều năm, ông đã vận động để khôi phục lại kỷ luật nội bộ của đảng CSVN và, khi làm như vậy, đánh bóng hình ảnh của nó. Được bầu vào vị trí chóp bu của đảng, là Tổng Bí thư vào năm 2011, ông Trọng là biểu tượng của truyền thống, của niềm tin không lay chuyển vào chủ nghĩa Mác-Lênin và của tính nghiêm ngặt về đạo đức. Trong hết phát biểu này tới phát biểu khác, thông điệp của ông đều gần giống như nhau: “Nếu chúng ta cho phép thoái hóa và tham nhũng xảy rachúng ta sẽ mất đảng và hệ thống chính trị của chúng ta; mọi thành công của cách mạng sẽ chìm xuống biển“.
Cảnh báo điềm gỡ này của Trọng thường được đón nhận bằng những nụ cười châm biếm. Các quan hệ tham nhũng đã trở thành chất keo dán tổ chức đảng với nhau, củng cố các liên minh và thúc đẩy các quan chức trẻ tham vọng. Kẻ đáng ghét nhất (bête noire) của ông Trọng, cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã thành công và ý thức hệ là chuyện quá khứ. Dù Việt Nam phát triển theo hướng nào, chắc chắn không ăn khớp với tầm nhìn của Trọng.
Việc Dũng khinh thường ý thức hệ là rõ mồn một. Theo tiêu chuẩn của đảng, Dũng liều lĩnh và xấc xược. Ông đề cao các nhà kỹ trị, thúc đẩy việc toàn cầu hóa một cách hăng hái và chống lại sự can thiệp của Bộ Chính trị vào công việc của Chính phủ. Ông coi bộ máy của đảng là một trở ngại và đã sẵn sàng nhìn nó bị co lại. Và, mặc dù là một thủ tướng hai nhiệm kỳ tương đối có năng lực, rõ ràng Dũng đã dung túng hành vi tham nhũng của cấp dưới. Và mặc dù bằng chứng đầy đủ để buộc tội là hiếm, nhiều người nhớ đến Dũng “chỉ đơn giản là một quan tham và một tên côn đồ”, lời của một nhà quan sát tinh tường.
Căm ghét Dũng
Trọng căm ghét Dũng. Tại Hội nghị Trung ương đảng năm 2012, Trọng đưa ra một nghị quyết khiển trách nhưng không thành công. Dù bị nhục nhã, mất uy tín, Tổng Bí thư vẫn kiên trì. Khi Đại hội lần thứ 12 đến gần, ông đã huy động một liên minh “ai cũng được trừ Dũng”, buộc Dũng phải nghỉ hưu và bảo đảm cho chính ông một nhiệm kỳ Tổng Bí thư năm năm thứ hai.
Quả thật, phe Dũng bị đánh tan nát. Trong đảng CSVN, sự thù địch với “các nhóm lợi ích” – Dũng, các nhân vật thân cận mới phát của Dũng cùng bè cánh của họ – giờ đã cháy dữ dội đến mức Trọng nổi lên với một đa số những người ủng hộ đáng tin cậy được chọn trong một Bộ Chính trị 19 uỷ viên. Gốc gác của họ báo hiệu một sự thay đổi trong quan điểm: Sáu ủy viên là tướng công an. Năm người khác được rút ra từ ban bí thư của đảng.
Không giống như năm 2011, lần này Trọng có một được sự uỷ nhiệm rõ ràng. Tổng bí thư thích nói rằng, ông chỉ là một trong những người ngang bằng trong một ban lãnh đạo tập thể, điều đó không đúng. Bây giờ, rõ ràng ông ta là một thủ lĩnh, một lãnh đạo đã nhìn thấy chiến thắng của mình tại Đại hội lần thứ 12 như một chiến thắng cho truyền thống của đảng, một sự uỷ nhiệm cho phép tấn công liên tục vào cơ cấu tham nhũng, và một cơ hội để đàn áp sự lan truyền của ý kiến bất đồng.
Động lực chống tham nhũng của các chế độ độc đoán trưng ra thường là để trừng phạt những kẻ thua cuộc mà không làm thay đổi hệ thống gây ra hành vi tham nhũng. Kể từ Đại hội lần thứ 12, các nhà phân tích ở Việt Nam đã theo dõi xem liệu Trọng có phải là nhà cải cách đích thực hay không. Có phải ông ta đang khao khát loại bỏ tham nhũng ở bất cứ nơi nào ông ta tìm thấy nó, hay chỉ đơn thuần có ý định loại đi các đối thủ tham nhũng?
Chiến dịch chống tham nhũng
Chế độ mới bắt đầu với việc phá hủy một phần mạng lưới chính trị của Dũng. Đến cuối năm 2016, các công tố viên áp sát các nhà quản lý của PetroVietnam, công ty dầu mỏ nhà nước và một số công ty con, các chi nhánh, các ngân hàng liên kết và các quan chức của Bộ chịu trách nhiệm giám sát PetroVietnam. Ngoài các vụ bắt giữ, còn có vụ cách chức Bí thư Đảng  ủy Sài Gòn Đinh La Thăng, và loại ông ta ra khỏi Bộ Chính trị vào giữa tháng 5 năm 2017.
Thăng từng là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và trước đó là người đứng đầu PVN; ông là người có địa vị cao nhất được giữ lại từ thời Ông Dũng.
Tuy nhiên vào giữa năm 2017, vụ bê bối đã nổi lên, không dính dáng một cách rõ ràng với cựu thủ tướng. Tại Đà Nẵng, hành vi trộm cắp trong việc phát triển các khu nghỉ dưỡng bãi biển năm sao đã dẫn đến vụ cách chức bí thư đảng ủy thành phố này và việc bắt giữ một sĩ quan cảnh sát cao cấp đã trở thành doanh nhân, bị bắt khi ông ta cố chạy trốn khỏi Việt Nam. Sau đó, kể từ đầu năm nay, sự chú ý của công chúng đã dán chặt vào việc một băng nhóm cờ bạc có tổ chức nằm trong Bộ Công an và được các sĩ quan công an cao cấp bảo vệ bị vạch ra.
Như vậy, động lực chống tham nhũng không có dấu hiệu giảm sút. Tất cả điều này đã được báo chí Việt Nam tường thuật đầy đủ và truyền thông quốc tế cũng có tường thuật rải rác. Trọng có câu nói nổi tiếng, được nhiều người lưu ý rằng, thay vì chùng lại, ông có ý định cho thêm củi vào lò.
Truyền thông Việt Nam cũng đang theo sát tiến độ của một quyết định của Bộ Chính trị để đưa khoảng 1000 nhà lãnh đạo đảng cao cấp, kể cả các cán bộ mới nghỉ hưu, thông qua một cuộc kiểm toán nghiêm ngặt tài sản cá nhân của họ. Mong muốn góp phần, báo chí đã đăng các câu chuyện về các biệt thự và nhà nghỉ mới xây gần đây, các căn nhà ở lộng lẫy không thể sắm được với đồng lương nhà nước. Mặc dù có vẻ không thận trọng nếu báo chí nêu rằng các quan chức Việt Nam rất khéo léo trong việc che giấu những nguồn thu bất hợp pháp, nhưng họ sẵn sàng cổ vũ Trọng, nếu như lần này, những cuộc kiểm toán làm tuôn ra cả bầy quan tham.
Trừng phạt đối với các cán bộ
Một vũ khí không kém mạnh mẽ trong nhiệm vụ của Trọng trong việc khôi phục kỷ luật và đạo đức của đảng, là chiến dịch xác định và trừng phạt các nhà lãnh đạo đảng suy thoái về tư tưởng.
Vào tháng 10, ban chấp hành trung ương đảng đã thông qua một danh sách gồm 27 điều xấu xa được cho là đã làm suy thoái đạo đức, lối sống và hiệu suất của các đảng viên mọi cấp. Nghị quyết này nêu rằng, các cán bộ lãnh đạo cần phải được xem xét kỹ lưỡng với sự khắt khe đặc biệt, và vì đó, các đảng viên cao cấp chắc hẳn đang tranh giành nhau để chứng minh rằng họ không phải dính vào điều nào trong 27 điều này.
Nếu quá khứ là tiền lệ, chiến dịch kiểm toán cùng chiến dịch chống suy thoái đều sẽ không đến đâu, nhưng lần này có thể khác. Đối với Nguyễn Phú Trọng, các chiến dịch chống tham nhũng bình thường và suy thoái tư tưởng là thành quả của một nỗ lực cả đời người. Ở tuổi 73, Tổng bí thư đã quá tuổi nghỉ hưu và sốt ruột để hoàn thành sứ mệnh tẩy rửa Đảng và phục hồi quyền lực của nó.
Hiện tại, tất cả bằng chứng cho thấy Trọng đang nắm vững khác thường tổ chức đảng CSVN và thông qua nó, các thể chế của chính phủ. Tại kỳ họp toàn thể BCH Trung ương  sẽ triệu tập vào tháng 5, ông ta có thể sẽ nâng các đàn em của mình vào một số vị trí còn trống trong bộ chính trị. Kỳ họp này cũng đã được quảng bá rộng rãi như một sự tập trung quyết định vào việc “xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là những người ở cấp chiến lược, với đầy đủ tài đức và uy tín cho nhiệm vụ của họ”.
Hội nghị Trung ương 7 sẽ đáng nhớ?
Tạp chí của đảng tập trung đặc biệt vào việc phát hiện các cán bộ bị nhiễm bởi những điều xấu xa về “tự diễn biến” và “tự chuyển hoá”. Thông qua các thuật ngữ Mác-Lênin, các triệu chứng là mất niềm tin vào ý thức hệ, khinh thường quyền lực đảng, hành động vị kỉ và thực dụng, tham vọng chức quyền, bè cánh, tham nhũng và lạm dụng chức quyền. Đó là biểu hiện cho những điều xấu xa mà Trọng phát hiện trong phong cách lãnh đạo của Dũng và các cộng sự thân cận của ông ta.
Cuộc vận động của Trọng thu hút sự chú ý tập trung của khoảng 4 triệu đảng viên, những người mà chức vụ, sự thăng tiến của họ, và đối với nhiều người, thu nhập ngoài sổ sách đang có nguy cơ. Đó cũng là một vấn đề đáng quan tâm đối với những người khác có thu nhập ít nhiều phụ thuộc vào việc theo đuôi (au courant) các xu hướng của Đảng.
Tuy nhiên, đối với 90% dân số Việt Nam, điều quan trọng nhất là liệu Đảng Cộng sản độc quyền, dù với ban lãnh đạo nào, có thể lèo lái đất nước hướng tới một mức sống cao hơn, thậm chí vươn xa tới vị thế thu nhập trên trung bình do Ngân hàng Thế giới dự kiến. Chừng nào mà đảng còn mang tới sự thịnh vượng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho  người bình dân cũng như một ít người ưu tú, thì việc nắm quyền của đảng còn an toàn.
David Brown là một cựu nhân viên ngoại giao Mỹ có nhiều kinh nghiệm về Việt Nam. Ông thường đóng góp bài cho báo Asia Sentinel.
© Copyright Tiếng Dân – Bản tiếng Việt

Không có nhận xét nào: