Trước những hành động ngày càng quả quyết của Trung Quốc để củng cố vị thế trên Biển Đông, Hoa Kỳ cần phải hành động mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên pháp luật, bắt đầu với việc chuyển từ thế trung lập trong các tranh chấp sang chống đối đòi hỏi chủ quyền thái quá của Bắc Kinh, theo kiến nghị của các quan chức Mỹ cũng như các nhà nghiên cứu.
Đề xuất được đưa ra tại Hội thảo thường niên lần thứ 8 về Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington tổ chức vào cuối tháng Bảy năm 2018.
Lâu nay lập trường chính thức của Mỹ về các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông được tóm gọn trong tuyên bố nổi tiếng của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton ở Hà Nội hồi cuối năm 2010 là Mỹ không đứng về bất cứ bên nào trong tranh chấp nhưng sẽ hành động để bảo vệ luật pháp quốc tế và duy trì tự do hàng hải ở vùng biển chiến lược này.
Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, Bắc Kinh ngày càng mở rộng ảnh hưởng trên Biển Đông mà đỉnh điểm là việc họ bồi đắp và quân sự hóa các thực thể mà họ kiểm soát ở quần đảo Trường Sa.
Hiện nay, hiện trạng trên Biển Đông đã thay đổi theo chiều hướng ngày càng có lợi cho Trung Quốc. Đô đốc Phil Davidson, tư lệnh mới của Bộ chỉ huy Mỹ ở Thái Bình Dương, đã từng nói trước Thượng viện Mỹ hồi tháng Tư năm nay rằng Trung Quốc ‘hiện đã kiểm soát trên thực tế Biển Đông trong mọi kịch bản ngoại trừ xung đột quân sự với Mỹ’.
Tình hình đó đòi hỏi Mỹ phải thay đổi cách tiếp cận: chuyển hướng từ sự ‘kết hợp giữa can dự và cạnh tranh’ sang ‘đối đầu’, dân biểu Ted Yoho, chủ tịch của tiểu bang châu Á-Thái Bình Dương của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, đề xuất trong bài diễn văn chủ đề của ông tại hội thảo của CSIS.
“Hoa Kỳ đang đứng trước một thời khắc quan trọng khi chúng ta phải quyết định liệu ưu tiên của chúng ta vẫn là kiểm soát quan hệ (với Trung Quốc) hay những đe dọa về hành động thù địch của Trung Quốc có đủ mạnh để chúng ta phải chống đối quyết liệt hay không,” ông Yoho nói.
“Quan hệ Hoa Kỳ-Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đang tiến sang giai đoạn mới là đi từ cạnh tranh sang đối đầu, ngay cả khi việc đối đầu này có nguy cơ làm gián đoạn một số nội dung của quan hệ hai nước,” ông nói và khẳng định rằng những lợi ích của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ‘đang ngày càng lạc điệu với những chuẩn mực quốc tế và đối nghịch với lợi ích của Mỹ’.
“Tôi cho rằng cách hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông cho thấy tại sao quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc giờ đây cần phải được định hình bằng đối đầu,” ông nói.
Ông nói mặc dù lâu nay Mỹ vẫn duy trì tương đối đều đặn các hoạt động tuần tra để bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) trên Biển Đông và giúp các quốc gia nhỏ cũng có tranh chấp ở vùng biển này tăng cường năng lực hải quân, nhưng ông thừa nhận rằng ‘nếu thực lòng đánh giá thì những chiến lược này là không đủ ở thời điểm này’.
“Ngày nay không có gì mà Mỹ làm có thể làm chậm, ngăn chặn hay đảo ngược được những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông,” ông nói và cho biết lợi ích của Mỹ cũng như các đối tác của Mỹ ở vùng biển này ‘đang trong tình trạng xấu hơn so với thời điểm một năm rưỡi trước (tức thời điểm Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền)’ với việc cán cân quân sự đang nghiêng về phía Trung Quốc và các hòn đảo nhân tạo của họ đang ngày càng được quân sự hóa nhiều hơn trong thời gian qua trong khi Trung Quốc không hề chịu hậu quả gì sau khi đã phớt lờ phán quyết của tòa án quốc tế bác bỏ yêu sách đường chin đoạn của họ.
“Do đó, các quốc gia có tranh chấp khác trở nên nhút nhát hơn và không có không gian để lên tiếng,” dân biểu Yoho nói.
Vị dân biểu này thừa nhận rằng nguyên nhân của sự thất bại trong chính sách của Mỹ là ‘Mỹ luôn tập trung vào quá trình giải quyết tranh chấp’ với mong muốn các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình tuân theo luật pháp quốc tế. Điều này có nghĩa là Mỹ không bao giờ thách thức đòi hỏi chủ quyền thái quá của Trung Quốc hay xác định luôn là những vùng biển tranh chấp đó thuộc chủ quyền của ai. Nói cách khác, về kết quả tranh chấp thì Washington giữ thái độ trung lập.
“Chính quyền Trump nên kiên quyết phản đối yêu sách lãnh thổ quá mức của Trung Quốc trên Biển Đông và xem xét những lựa chọn khả dĩ để chống lại yêu sách bất hợp pháp này,” ông nói và cho biết Mỹ không nên tập trung vào mỗi vấn đề tự do hàng hải nữa. “Chúng ta sẽ không thể nào thúc đẩy lợi ích của mình và của các nước đối tác cho đến khi chúng ta thách thức yêu sách giả mạo của Trung Quốc.”
Ông cũng thừa nhận rằng các chiến dịch FONOP mà lâu nay Mỹ vẫn thực hiện không giúp ích gì trong việc thách thức trực tiếp chủ quyền của Trung Quốc.
Những giải pháp vị dân biểu này đưa ra để chống lại yêu sách chủ quyền của Trung Quốc bao gồm khiến cho Bắc Kinh nhận lãnh hậu quả cho những việc họ làm; thay đổi biến số trong tính toán lợi hại của ông Tập khi ông quyết định có hành động trên Biển Đông – chẳng hạn như tăng cường mạnh mẽ sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực nếu Bắc Kinh tiếp tục quân sự hóa; trừng phạt kinh tế đối với bất cứ cá nhân nào có liên quan đến việc xây đắp đảo nhân tạo; bắt Bắc Kinh phải gánh chịu cái giá về ngoại giao – chẳng hạn như không mời Trung Quốc tập trận RIMPAC mà thay vào đó mời Đài Loan tham gia; sử dụng chính cách làm của Bắc Kinh như khi họ làm với Hàn Quốc trong vụ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD là trừng phạt về thương mại, tẩy chay du lịch, hàng hóa.
“Không có lý do gì để ông Tập thay đổi tính toán nếu như ông đạt được những lợi ích chiến lược với một cái giá cực kỳ thấp là không có gì ngoài hình ảnh tiêu cực trên báo chí và sự lên án của quốc tế,” ông Yoho lập luận.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng việc chống lại yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ‘không chỉ là công việc của riêng nước Mỹ’ mà Mỹ cần sự phối hợp của các nước đồng minh trên thế giới.
“Khi chúng ta có phán quyết của tòa trọng tài để giải quyết tranh chấp, chúng ta cần các cường quốc lớn phối hợp cùng với nhau để đưa ra lập trường rằng: đây chính là chuẩn mực kể từ nay trở về sau,” ông nói và đề cập đến vai trò của ASEAN và các nước như Nhật, Pháp, Ấn, Úc, Canada vốn đã có các tiếng nói và hành động để bảo đảm tự do lưu thông trên Biển Đông.
Ông cũng đề xuất Mỹ nên ‘đáp trả mạnh mẽ và tức thời’ trước ‘chiến thuật vùng xám’, hay ‘lát cắt từ từ’ của Trung Quốc – tức là có những hành động lấn tuyến nhưng vẫn được giữ dưới ngưỡng khiến đối thủ có thể đáp trả mạnh mẽ, một chiến thuật mà lâu nay Trung Quốc đã vận dụng một cách thành công để bành trướng trên Biển Đông.
“Nếu chúng ta không làm ngay, thì năm năm nữa hãy nghĩ chúng ta sẽ ở đâu?” ông nói và so sánh hành động của Trung Quốc trên Biển Đông với hành động của Nga dùng vũ lực sáp nhập Crimea. Ông gọi đó là ‘hình thức chiến tranh mới của các cường quốc chuyên chế và xét lại (trật tự cũ) để ‘tấn công vào tự do, dân chủ’ và ‘biến thế giới thành một nơi mà kẻ yếu bị kẻ mạnh ức hiếp’.
Ông nói rằng ông đã nghe thấy những lời phàn nàn từ những quốc gia trong khu vực rằng ‘Mỹ đang ở đâu?’ hay ‘Mỹ có còn cam kết với khu vực không?’
“Tôi đứng đây để nói với quý vị từ quan điểm của Tiểu ban Châu Á-Thái Bình Dương của Hạ viện rằng chúng tôi vẫn cam kết hiện diện ở khu vực và chúng tôi muốn tiếp tục duy trì nền hòa bình đã được kiến tạo từ sau Đệ nhị Thế chiến,” ông phát biểu.
Ông Bill Hayton, chuyên viên nghiên cứu cao cấp tại Viện Chatham House, Anh Quốc, và là người theo dõi tình hình Biển Đông lâu năm, cũng đồng ý với phân tích của dân biểu Yoho là cách làm của Mỹ tập trung FONOP không có tác dụng đối với Trung Quốc.
“FONOP cũng có cái lý của nó là vạch ra lằn ranh trên biển về việc vi phạm UNCLOS (Công ước Quốc tế về Luật Biển),” ông Hayton giải thích. “Nhưng đây không phải là chiến lược (để đấu lại Trung Quốc). Trung Quốc có thể vẫy tay khi những tàu chiến của Mỹ đi qua và sau đó họ vẫn tiếp tục làm những gì họ đang làm.”
Ông Hayton dẫn chứng là việc tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ cập cảng Đà Nẵng hồi đầu tháng Ba ‘không hề ảnh hưởng gì’ với sự quả quyết của Trung Quốc với Việt Nam. Chưa đầy một tuần sau khi tàu USS Carl Vinson ra khỏi Biển Đông thì đến lượt hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc tiến vào theo đúng con đường mà tàu Mỹ đã đi ra và sau đó công ty Repsol phải hủy bỏ việc thăm dò dầu khí với Việt Nam.
“Tôi cho rằng điều mà các quốc gia đông nam Á muốn ở Hoa Kỳ là tăng cường bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp xét trên việc tiếp cận các tài nguyên trên biển như dầu khí và tôm cá (tức là quyền lợi của các nước nhỏ được khai thác tài nguyên mà họ cho là của họ). Điều đó sẽ giúp hình ảnh của Mỹ trở nên hết sức tốt đẹp ở khu vực thay vì chỉ là một cường quốc cho tàu chiến đi vào vùng biển này,” ông phân tích.
Ông Hayton nói ông đồng ý với quan điểm của dân biểu Yoho rằng Mỹ nên tiến xa hơn là chỉ giữ lập trường trung lập trên Biển Đông và nên xem xét, thách thức các đòi hỏi chủ quyền để xem đòi hỏi nào là hợp pháp còn đòi hỏi nào là phi pháp.
“Việc phản công giờ đây nên tập trung vào việc xác định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hợp pháp (của từng quốc gia tranh chấp) và Mỹ nên giúp tăng cường khả năng kháng cự của những nước đông nam Á trước các vụ xâm nhập vào EEZ của họ,” ông Hayton đề xuất.
Trao đổi thêm với VOA bên lề hội thảo về các chiến dịch FONOP của Mỹ, ông Hayton cho rằng việc chính quyền Mỹ dựa vào số lần FONOP nhiều hơn chính phủ tiền nhiệm để chứng tỏ mình có lập trường cứng rắn hơi với Trung Quốc trên Biển Đông thực ra ‘không có tác dụng gì với Trung Quốc’.
Ông cho rằng FONOP không giải quyết được vấn đề thực sự trên Biển Đông là ‘Trung Quốc đang xâm phạm quyền và lợi ích của các nước nhỏ’ và Mỹ và các cường quốc nên đi xa hơn FONOP để bảo vệ quyền lợi các nước trong khuôn khổ UNCLOS.
Trả lời câu hỏi của VOA rằng có phải chính quyền của Tổng thống Donald Trump lơ là với tình hình trên Biển Đông hơn chính phủ tiền nhiệm, ông Hayton nói: “Cũng công bằng khi nói chính quyền Trump quan tâm nhất đến thương mại, sau đó là vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên trong khi Biển Đông xếp dưới hơn nữa trong những vấn đề mà ông Trump quan tâm nhưng tôi chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy chính quyền Trump yêu cầu hải quân dừng các hoạt động tuần tra trên Biển Đông. Ông ấy không thể nào giải quyết mọi hồ sơ cùng một lúc.”
Về phần mình, bà Collin Willet, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về châu Á của Quốc hội Mỹ, nói rằng việc Mỹ từ bỏ lập trường trung lập của mình ‘là một việc rất khó’ do phải xác định ranh giới chủ quyền hợp pháp của từng bên tranh chấp trên Biển Đông và đối chiếu với các thực thể mà họ chiếm giữ.
“Khi chúng ta nói rằng đường chín đoạn của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý thì cũng được,” bà Willet phân tích, “Nhưng sau đó thì nước nào mới sở hữu không gian đó để thế giới có cái gì đó làm cơ sở để phản ứng?”
Ngược lại với quan điểm cho rằng các chiến dịch FONOP không có tác dụng răn đe Trung Quốc, từ góc độ của Trung Quốc, Tiến sỹ Trương Phong, chuyên gia nghiên cứu của Khoa Quan hệ Quốc tế của Đại học Quốc gia Úc ở Canberra, nói rằng Bắc Kinh có cái nhìn hoàn toàn khác với Mỹ về các chiến dịch FONOP mà ông cho là ‘đe dọa đến an ninh của Trung Quốc’.
Theo ông Trương, trong khi Washington coi FONOP là để gửi ‘thông điệp pháp lý’ đến Bắc Kinh về tự do hàng hải theo luật quốc tế thì Bắc Kinh nhìn nhận FONOP dưới góc độ an ninh.
“Cho đến nay Trung Quốc đã phản ứng lại FONOP và những hành động triển khai quân sự khác của Mỹ trên Biển Đông một cách tương đối có chừng mực,” ông Trương cho biết, “Nhưng nếu Mỹ cố tình tiến quá sát đến các hòn đảo (mà Trung Quốc hiện đang nắm giữ) thì đó có thể xem là hành động khiêu khích quân sự đi quá xa so với việc gửi thông điệp pháp lý.”
“Bắc Kinh sẽ cảm thấy bị đe dọa, họ có thể sẽ phản công và xung đột sẽ xảy ra,” ông nói và nói thêm rằng vấn đề hiện nay là quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc PLA có thể chịu đựng sự tăng cường sức ép này của Mỹ thêm bao lâu nữa nếu như các chiến dịch FONOP diễn ra thường xuyên hơn và mang tính khiêu khích nhiều hơn.
Theo ông Trương thì bức tranh chiến lược trên Biển Đông hiện ‘đang lâm vào thế bế tắc’ mà theo đó ‘Mỹ không thể nào bứng Trung Quốc khỏi các hòn đảo mà không phải dùng đến vũ lực – vốn không có khả năng xảy ra, trong khi Trung Quốc cũng không thể tác động đến chính sách quân sự của Mỹ bao gồm FONOP và đẩy Mỹ ra khỏi các vùng biển gần với các hòn đảo của họ mà không có đối đầu quân sự - vốn cũng không có khả năng xảy ra’.
Ông Trương cho rằng việc Mỹ triển khai lực lượng đến Biển Đông sẽ khiến Trung Quốc càng củng cố vị trí của mình. “Trong mắt của Trung Quốc nếu Mỹ càng tỏ ra khiêu khích thì Trung Quốc sẽ càng xây dựng sự hiện diện quân sự của mình quyết liệt hơn,” ông nói.
Về quan điểm cho rằng Trung Quốc đang giữ quyền kiểm soát thực tế trên Biển Đông, Tiến sỹ Trương Phong cho rằng cần phải xác định rõ là Bắc Kinh có mục tiêu trở thành cường quốc chi phối về quân sự ở vùng biển này hay họ chỉ đang muốn nâng cao năng lực phòng vệ và răn đe để bảo vệ vị trí hiện tại của họ.
“Trung Quốc đang cố gắng làm cho Biển Đông bớt là ao nhà của Mỹ, nhưng liệu họ có thể biến nó thành ao nhà của Trung Quốc hay không?” ông nói. “Tôi không cho rằng họ sẽ làm được.”
“Làm sao Trung Quốc có thể ngăn cho quân đội Mỹ hoạt động trong khu vực mà không tránh khỏi xung đột? Làm sao Trung Quốc có thể đẩy quân đội Mỹ ra khỏi Biển Đông. Ngay cả giờ đây quân đội Mỹ vẫn tự do hoạt động bất cứ ở đâu và bất cứ cách nào họ muốn.”
Trả lời câu hỏi của VOA về việc Trung Quốc bồi đắp đảo và quân sự hóa trên Biển Đông có đi ngược lập trường của Trung Quốc là ‘giải quyết hòa bình các tranh chấp’ và làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc như là một ‘cường quốc có trách nhiệm’ và ‘đang trỗi dậy hòa bình’ hay không, ông Trương Phong nói quan điểm của Bắc Kinh là việc bồi đắp đảo ‘không vi phạm bất cứ điều luật quốc tế nào trước khi có phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực vào năm 2016’.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét