Thứ Năm, 2 tháng 8, 2018

BT TRƯƠNG QUANG NGHĨA LO: THÀNH ỦY ĐÀ NẴNG NGUY CƠ BỊ "THẤT THỦ" TRONG LĨNH VỰC THÔNG TIN TRƯỚC MẠNG XÃ HỘI

Bí thư Trương Quang Nghĩa: “Chúng ta sợ mạng xã hội, từng này đảng viên mà không nói lại mấy người đấy à”

Đình Thức | 
Bí thư Trương Quang Nghĩa: “Chúng ta sợ mạng xã hội, từng này đảng viên mà không nói lại mấy người đấy à”
Bí thư Trương Quang Nghĩa cho rằng không dùng mạng xã hội sẽ không biết người ta đang nói cái gì

"Tôi có cảm giác là chúng ta sợ mạng xã hội. Nếu không dùng, đóng hết thì không biết họ nói mình cái gì", Bí thư Nghĩa nói.

Sợ mạng xã hội thì không biết họ nói cái gì
Ngày 2/8, ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đã có cuộc làm việc với Sở Thông tin truyền thông về các vấn đề xây dựng Đảng và định hướng phát triển.
Tại buổi làm việc, Bí thư Nghĩa đã đề cập đến sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của mạng xã hội trong đó có facebook, zalo…
Theo thống kê của Sở Thông tin truyền thông, hiện Đà Nẵng có khoảng 750.000 tài khoản facebook, 600.000 tài khoản zalo…
Bí thư Trương Quang Nghĩa: Chúng ta sợ mạng xã hội. Họ dùng facebook thì mình cũng dùng - Ảnh 1.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa
Ông Nghĩa đặt câu hỏi liệu cán bộ, đảng viên có sử dụng mạng xã hội được hay không.
"Tôi có cảm giác là chúng ta sợ mạng xã hội quá. Thế thì các comment của chúng ta thay vì hùa theo thì comment ngược lại. Cái đấy cũng phải coi như là công cụ chứ.
Họ dùng facebook thì mình cũng dùng. Từng này Đảng viên của chúng ta mà không nói lại mấy người đấy à. Nhưng phải làm sao để nó trở thành chủ trương, Ban tuyên giáo sử dụng cái này thế nào?
Họ dùng công cụ này mình tự nhiên sợ quá, đóng hết thì không biết họ chửi mình cái gì, đóng hết thì chỉ có người khác đọc. Nếu như có comment vào đó thì nội dung phải giữ được bản lĩnh của khối Đảng viên.
Nếu có người của Sở Thông tin truyền thồng, Ban tuyên giáo vào hùa với họ ở đấy thì hỏng", Bí thư Nghĩa nói.
Không đưa phong bì là không yên tâm
Bí thư Đà Nẵng cũng đánh giá những thành tựu của Đà Nẵng về công nghệ thông tin như chỉ số PCI, cải cách hành chính, ICT Index, trong đó có sự đóng góp lớn của Sở Thông tin truyền thông.
Tuy nhiên, ông Nghĩa đề nghị ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, tiến hành kiểm tra ngay Cổng thông tin điện tử thành phố. Theo ông Nghĩa, Cổng thông tin điện tử được doanh nghiệp, các địa phương đánh giá rất thấp.
Ông Nghĩa cũng cảnh báo chỉ trong vài năm tới, các địa phương khác sẽ vươn lên và Đà Nẵng phải lo lắng cho vị thế của mình.
"Sẽ có lúc chúng ta mong muốn lọt được top 10 chứ không còn top đầu nữa đâu. Nếu vẫn đang mơ màng thì chúng ta sẽ tụt hậu rất nhanh", ông Nghĩa cảnh báo.
Theo ông Nghĩa, Đà Nẵng có những kỳ vọng về cải cách hành chính, chính quyền điện tử nhưng không được như mong đợi. Ông lất ví dụ Sở Xây dựng minh bạch trong việc cấp giấy phép xây dựng, đưa lên mạng để bất cứ ai cũng có thể biết công trình được xây bao nhiêu tầng, thời gian khởi công, thời gian hoàn thành, giải pháp xây dựng… Bí thư Nghĩa đánh giá đó không phải là thông tin bí mật gì cả.
Bí thư Trương Quang Nghĩa: Chúng ta sợ mạng xã hội. Họ dùng facebook thì mình cũng dùng - Ảnh 3.
Bộ phận một cửa ở Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng đang phục vụ khách hàng
"Nhiều người bảo công khai thông tin thì nhà thầu bị mấy nhà cung cấp suốt ngày gọi điện mời chào. Cái đó không phải là câu chuyện quản lý Nhà nước mà là quan hệ doanh nghiệp với nhau. Còn Nhà nước cần minh bạch cái này", ông Nghĩa nói.
Tương tự, ông Nghĩa cho rằng việc Sở Tài nguyên môi trường cũng không công khai sổ đỏ là không được. Ông Nghĩa khẳng định sổ đỏ chẳng có chuyện gì giấu diếm, không sợ lộ tên ông nọ, ông kia.
"Đây cũng là một cách công khai minh bạch. Ai sợ cái sự minh bạch đó. Mấy ông quan chức à, hay là ai, mấy nhà buôn?", ông Nghĩa đặt câu hỏi.
Ngoài ra, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định những thông tin về quy hoạch, đất đai khu vực nào có chức năng gì phải công khai hết. Doanh nghiệp, người dân ở bất cứ đâu cũng đọc, biết được. Theo ông Nghĩa, làm được như vậy Đà Nẵng mới là nơi đáng sống.
Bí thư Nghĩa cũng thừa nhận trong quá trình cải cách, dịch vụ công trực tuyến gặp nhiều khó khăn từ chính tâm lý của người dân. Việc cải cách nhằm hạn chế tiếp xúc giữa công dân và cán bộ để giảm thiểu tiêu cực.
"Người Việt Nam làm trực tuyến là cảm thấy thiếu thiếu cái gì, không yên tâm bởi vì không bỏ ra được cái phong bì năm bảy đồng bạc. Họ không yên tâm khi không thấy có người nhận được phong bì của mình, không biết là việc của mình có chắc chắn hay không. Đây là thói quen vô cùng nguy hiểm", ông Nghĩa nói.
theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào: