Bài “Chia nhỏ, đổi tên dự án để xây trung tâm hành chính ngàn tỉ?” trên tờ Thanh Niên số ra ngày 3 tháng 9 rất ngắn nhưng lại khắc họa rất rõ nét diện mạo – khả năng “kiến tạo” của chính phủ…
Theo bài viết vừa dẫn thì chính quyền tỉnh Hải Dương vừa đề nghị Thủ tướng Việt Nam cho “điều chỉnh hình thức đầu tư của công trình Trung tâm Hội nghị và Quảng trường”. Người ta phát giác “công trình Trung tâm Hội nghị và Quảng trường” là một phần của “công trình Trung tâm Hành chính tỉnh Hải Dương”.
Năm 2014, chính quyền tỉnh Hải Dương đệ trình kế hoạch thực hiện “công trình Trung tâm Hành chính tỉnh Hải Dương” (bao gồm: Trung tâm Hội nghị, Quảng trường, trụ sở của Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội và các sở, ngành của Hải Dương), tổng vốn đầu tư là 2.600 tỉ đồng. Khoản tiền khổng lồ này sẽ được gom lại từ việc bán công thổ, công thự và chính phủ rút công khố giúp chính quyền tỉnh Hải Dương bù cho đủ.
Xây dựng các “trung tâm hành chính” vốn là một thứ dịch tại Việt Nam. Thay vì bận tâm về việc làm sao phát triển địa phương theo đúng nghĩa của hai từ này thì chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam chỉ chú ý đến chuyện làm sao để “trung tâm hành chính” của mình to, đẹp hơn các tỉnh, thành phố khác.
Với lý do gom tất cả cơ quan công quyền về một chỗ sẽ “tạo sự thuận lợi cho dân chúng khi cần giao dịch hành chính”, ngân khố Việt Nam đã chi cả trăm ngàn tỉ cho các “trung tâm hành chính”: Sau khi chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chi 1.000 tỉ xây “trung tâm hành chính” ở thành phố Bà Rịa, chính quyền tỉnh Bình Dương chi 1.400 tỉ xây “trung tâm hành chính” ở thành phố mới Bình Dương. Bởi chính quyền thành phố Đà Nẵng nâng mức chi tiêu cho “trung tâm hành chính” của thành phố Đà Nẵng lên 2.000 tỉ nên chính quyền tỉnh Đồng Nai chi 2.200 tỉ cho việc xây dựng một “trung tâm hành chính” ở thành phố Biên Hòa. Chính quyền tỉnh Khánh Hòa muốn phá kỷ lục nên nâng mức chi tiêu cho “trung tâm hành chính” ở thành phố Nha Trang lên 3.000 tỉ,…
Phong trào xây dựng các “trung tâm hành chính”, “quảng trường”, tượng đài”, “cổng chào”, “tháp biểu tượng”,… phát triển không ngưng nghỉ thành ra năm ngoái, lúc Văn phòng Chính phủ Việt Nam công bố “kế hoạch vay - trả nợ 2017”, thiên hạ không ngạc nhiên khi chính phủ dùng tới 316.300 tỉ đồng/342.060 tỉ mà Việt Nam dự trù hỏi vay (243.300 tỉ đồng vay các nguồn trong nước và vay thêm của các quốc gia khác 98.760 tỉ đồng) để “cân đối ngân sách”. “Cân đối ngân sách” là bù đắp bội chi (172.300 tỉ đồng) và trả nợ gốc (144.000 tỷ đồng)!
Cần lưu ý rằng, do thu không đủ chi, phải liên tục vay mượn để chi nên hồi tháng 11 năm 2015, Thủ tướng Việt Nam đã yêu cầu chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc chính quyền trung ương, tạm ngưng xây dựng các “trung tâm hành chính”. Chính quyền tỉnh Hải Dương không cam tâm nên tìm đủ mọi cách thực hiện cho bằng được “công trình Trung tâm Hành chính tỉnh Hải Dương”: Chẻ công trình thành nhiều phần, đặt tên mới cho từng phần (“Trung tâm Hội nghị và Quảng trường” được tách ra khỏi “công trình Trung tâm Hành chính tỉnh Hải Dương” để trở thành “Trung tâm Văn hóa xứ Đông”), tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất dự án Ecoriver (Khu Đô thị ven sông Thái Bình) thu về để đó 850 tỉ đồng rồi xin thực hiện “Trung tâm Văn hóa xứ Đông” (1)…
Nhìn một cách tổng quát, chính quyền tỉnh Hài Dương không chỉ bất tuân thượng lệnh mà còn sắp đặt kế hoạch để gạt thượng cấp… Cứ như tường thuật của tờ Thanh Niên thì chính quyền tỉnh Hài Dương không qua mặt được Bộ Xây dựng và thay mặt chính phủ Việt Nam, bộ này chỉ yêu cầu chính quyền tỉnh Hải Dương giải thích tường tận tại sao phân kỳ xây dựng “công trình Trung tâm Hành chính tỉnh Hải Dương”, đồng thời nhắc nhở chủ trương chung rằng tạm thời, không được dùng công quỹ để xây các “trung tâm hành chính” rồi… thôi!
***
Đâu chỉ có chính quyền tỉnh Hải Dương!
Lệnh tạm ngưng xây dựng các “trung tâm hành chính” được ban hành hồi tháng 11 năm 2015 nhưng trong hai năm 2016, 2017, chính quyền các tỉnh Long An (2), Vĩnh Long (3), Thanh Hóa (4),… vẫn thi nhau bán công thổ, công thự để hoàn thiện các “trung tâm hành chính” kèm biện bạch theo kiểu “chủ động, tự cân đối nguồn vốn” chỉ xin hỗ trợ một phần từ công quỹ.
Từ lúc nào công thổ, công thự không được xem là công sản thành ra không cần tiết kiệm, “chủ động” bán bao nhiêu để “tự cân đối” cũng được? Còn có quốc gia nào khác dưới gầm Trời này, lệnh từ chính phủ là một chuyện, chính quyền các cấp có thực thi hay không lại là chuyện khác, cả giới có thẩm quyền ra lệnh lẫn giới có nghĩa vụ thừa hành cùng xem không tuân thủ là bình thường, chẳng có gì đáng phải bận tâm?
Không thấy cấp nào, chẳng có ngành nào “chủ động, tự cân đối nguồn vốn” cải tạo, xây dựng các công trình phúc lợi, phục vụ dân sinh, vẫn chỉ là hệ thống công quyền từ trên xuống dưới tìm đủ mọi cách giành giựt, gạt lẫn nhau để dựng lên những “trung tâm hành chính”, “quảng trường”, tượng đài”, “cổng chào”, “tháp biểu tượng”,…to hơn, tốn kém nhiều hơn. “Tiết kiệm, chống lãng phí” vẫn chỉ là khẩu hiệu, chẳng ai bảo được ai, chẳng thấy viên chức nào âu lo khi nợ nần chồng chất, nội lực quốc gia suy kiệt. “Chính phủ kiến tạo” vận hành theo kiểu như thế thì sẽ kiến tạo ra thứ gì? Nhà mồ chăng?
Chú thích
(1) https://thanhnien.vn/thoi-su/chia-nho-doi-ten-du-an-de-xay-trung-tam-hanh-chinh-ngan-ti-999505.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét