Trong vô số bất hạnh đã và đang ập lên đầu người dân Việt, vẫn còn một chút ‘hồng phúc nước nhà’: Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam vẫn nguyên trạng bế tắc đầu tiên về ‘tiền đâu’.
Thu hồi vốn quá lâu hay tuổi thọ chế độ quá ngắn?
Mùa thu năm 2018, một hội thảo giữa kỳ về dự án trên do Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan tư vấn tổ chức đã phóng ra con số dự toán lên đến gần 60 tỷ USD cho Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, tương đương với tổng dự toán thu ngân sách của nguyên năm 2018.
Vào năm 2015, Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam được Bộ trưởng Đinh La Thăng - người đã thốt lên một triết lý để đời ‘Hãy đối xử với bị cáo như một con người!’ rồi giờ đây đang phải nằm khám với án tù giam 31 năm - “mồi” ngay sau khi dự án sân bay Long Thành với giá trị lên tới 15 tỷ USD đã được “tập thể Bộ Chính trị” bật đèn xanh lẫn Quốc hội cúi đầu bấm nút, bất chấp sự phản ứng rộng khắp của dư luận, đa số báo giới và đông đảo người dân.
Cơ cấu dự kiến ít nhất 80% của dự toán gần 60 tỷ USD làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam là từ ‘tiền trên trời rơi xuống’ - tức nguồn viện trợ phát triển chính thức ODA.
Lẽ ra, cơ cấu trên có thể thay đổi theo hướng nguồn tài chính lấy từ đầu tư trong nước, nếu không phải từ một ngân sách tuy đang khủng hoảng thiếu ngoại tệ để trả nợ nước ngoài nhưng lại dư thừa tiền đồng được in ấn thừa mứa trên thị trường nội địa trong hàng chục năm qua, thì cũng được đổ ra bởi những tập đoàn kinh tế cá mập của tư nhân với điều kiện ‘đổi đất lấy hạ tầng cơ sở’ hay được trao đổi bởi những ưu ái đặc biệt lớn về chính sách.
Nhưng sau mọi bàn thảo và hội thảo, phương án ‘tiền đâu’ vẫn hoàn toàn bế tắc. Chẳng có mấy dấu hiệu những cá mập tư nhân chịu bỏ tiền ra, dù chỉ là tiền dồng, với lý do hết sức đơn giản là Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam có thời gian thu hồi vốn quá lâu, trong khi một lý do quá tế nhị khác không thể nói ra là liệu chế độ này còn tồn tại đủ lâu đến thế để giữ nguyên những chính sách ‘đặc cách trục lợi’ cho các nhà đầu tư thân quan chức.
Giờ đây, tất cả đều trông chờ vào nguồn ‘tiền từ trên trời rơi xuống’ - tức ODA.
Cạn nguồn vay hay bi kịch ‘vĩ đại’
Con số Việt Nam vay ODA của nước ngoài từ năm 1993 đến năm 2014 đã lên tới 80 tỷ USD. Sau khi trừ đi 10 - 12% vốn vay không hoàn lại trong số đó, mỗi năm ngân sách Việt Nam phải có trách nhiệm trả nợ quốc tế hàng chục tỷ USD. Mà muốn trả được số nợ này, Việt Nam lại phải tìm cách “vay đảo nợ” của các tổ chức tín dụng quốc tế. Trước đây, những tổ chức này vẫn cho Việt Nam vay vốn “đầu tư phát triển” và vay đảo nợ khá dễ dàng. Nhưng đến năm 2015, WB bất ngờ thông báo hai “tin buồn” cho Việt Nam: Việt Nam đã “tốt nghiệp IDA” mà sẽ không được xếp vào loại quốc gia “xóa đói giảm nghèo”; và từ tháng 7/2017 sẽ không được vay với lãi suất ưu đãi 0,7 - 0,8%/năm cùng thời gian ân hạn đến 30 - 40 năm như trước đây, mà mức lãi suất vay sẽ được nâng lên gấp ba và thời gian ân hạn giảm xuống một nửa.
Trong khi đó, ngân sách Việt Nam vẫn buộc phải làm cái chuyện vừa lo trả nợ vừa phải tiếp tục vay mượn vượt hơn đến 30% số trả nợ hàng năm để phục vụ các khoản chi tiêu thường xuyên khổng lồ của bộ máy gần 4 triệu công chức viên chức và lực lượng vũ trang với 30% ‘không làm gì cả nhưng vẫn lãnh lương’. Trong đó tỷ lệ chi cho lực lượng công an ở Việt Nam lên đến 12% chi ngân sách - một mức chi cực kỳ lớn cho đội ngũ công an chuyên nghề đàn áp dân chúng và nhân quyền, chưa kể gần 5 tỷ USD chi cho bộ máy quốc phòng hàng năm nhưng không hề bảo vệ ngư dân khi bị tàu Trung Quốc tấn công, trong lúc lại lập kỷ lục thế giới về các vụ máy bay quân sự đắt tiền rụng như sung.
Sau hai chục năm nhận ‘lộc trời’, ODA đã trở thành một trong những bi kịch ‘vĩ đại’ nhất của chính thể Việt Nam.
Mỹ không phải là quốc gia duy nhất đặt Việt Nam vào trạng thái zero viện trợ, mà động thái này như thể ‘không hẹn mà gặp’ đã diễn ra phổ biến ở gần hết các nước cấp viện trợ cho Việt Nam, dẫn đến một phát hiện lớn mà ‘đảng và nhà nước ta’ đã không dám công bố trong suốt 4 năm qua: từ năm 2014 đến năm 2018, viện trợ ODA cho Việt Nam luôn cận kề với vạch 0.
Trừ phía Nhật, đến nay hầu như các nguồn ODA vay mượn nước ngoài của Việt Nam đều bế tắc. Từ đầu năm 2016 đến nay, liên tiếp có các cuộc gặp của lãnh đạo Ngân Hàng Thế Giới (WB), Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB) với giới lãnh đạo Việt Nam, nhưng kết quả vẫn cực kỳ nhỏ giọt.
Tất nhiên, giới lãnh đạo Bộ Giao Thông Vận Tải hoàn toàn có thể tưởng tượng ra một kênh hút tiền khác là phát hành trái phiếu quốc tế. Thế nhưng, sự thật trần như nhộng là kênh phát hành trái phiếu quốc tế cho tới nay đã hoàn toàn bế tắc. Nếu vào cuối năm 2015 chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt tuyên truyền cho kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế giá trị 3 tỷ USD, thì đến giữa năm 2016 chính giới quan chức Bộ Tài Chính đã phải gián tiếp xác nhận rằng kế hoạch này đã phá sản. Từ năm 2009 đến nay, ngoài hai lần phát hành trái phiếu quốc tế được coi là “thành công” nhưng về thực chất đều do các tổ chức tài chính trong nước bị “ép” phải mua, không một chỉ dấu xán lạn nào cho thấy các tổ chức tài chính, ngân hàng và doanh nghiệp nước ngoài nào quan tâm đến “giấy lộn” của chính phủ Việt Nam. Bằng chứng sống động nhất là 500 hồ sơ mà Ngân Hàng Nhà Nước gửi chào đối tác nước ngoài về mua nợ xấu của Việt Nam vẫn chưa nhận được một hồi âm nào cho tới nay.
Hoang tưởng giai đoạn cuối hay hồng phúc còn rơi rớt
Bí nguồn vay ODA chính là nguồn cơn vì sao vào kỳ họp quốc hội cuối năm 2016, một dự án “khủng” khác là điện hạt nhân Ninh Thuận - có số dự toán lên đến 10 - 20 tỷ USD, bất ngờ bị chính phủ tuyên bố “ngừng.” Ngay lập tức, một số chuyên gia “phản biện trung thành” và báo đảng cất lời tụng ca “chính phủ của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dũng cảm ngừng dự án này.”
Đến cuối năm 2016, Bộ Tài Chính đã phải có văn bản trả lời về dự án đường cao tốc Bắc-Nam (một dự án ‘song sinh’ với Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam), trong đó đánh giá dự án này là “chưa có cơ sở,” “không hợp lý,” và chưa biết lấy đâu ra tiền cho dự án lên tới 230.000 tỷ đồng khi nợ công đã sát trần 65% GDP.
Nhưng “nợ công đã sát trần” chỉ là một cách nói ma mị. Trong thực tế nếu tính cả nợ của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước - đối tượng do các bộ ngành chủ quản nắm vốn và thường được Chính phủ bảo lãnh vay vốn - nợ công quốc gia đã lên đến 210% GDP.
Còn giờ đây là số phận đen bạc của Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, cũng là hồng phúc còn rơi rớt lại cho dân tộc Việt vì hầu như chắc chắn không phải gánh thêm 50 tỷ USD nợ công.
Hoang tưởng giai đoạn cuối vẫn thường là di căn dứt điểm của một thể chế chỉ biết ăn không biết làm. Ngay cả vào lúc nền kinh tế đã “chắc suất” bên bờ vực thẳm của nợ công và nợ xấu, còn nền ngân sách quốc gia lao xuống đáy của hoài mộng tìm đâu ra từng chục ngàn tỷ đồng để chi lương công chức, giới lãnh đạo quen mùi dự án hàng trăm ngàn tỷ vẫn nhuốm đầy ảo giác về “ăn ODA”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét