Thảo Vy (VNTB)
Ngày 29 tháng 7 năm 2016, chỉ trong vài giờ đồng hồ, những màn hình và hệ thống máy tính ở sân bay Việt Nam đã bị hacker tấn công với những thông điệp phỉ báng Việt Nam và Philippines. Sau đó, hệ thống máy tính của các cơ quan và doanh nghiệp Việt Nam xuất hiện mã độc giống như thế. Nhóm hacker này được cho là nhóm 1937cn từ Trung Quốc.
Giờ thì có lẽ các nhóm hacker ấy không cần phải cực nhọc trong tìm kiếm lỗ thủng để tấn công hệ thống mạng của Việt Nam nữa. Lý do: hôm 14-9-2018, Văn phòng liên lạc của Cảnh sát Trung Quốc tại Việt Nam đã tổ chức khánh thành Phòng LAB do Bộ Công an Trung Quốc viện trợ cho Bộ Công an Việt Nam.Công ty công nghệ thông tin Lý Á (Trung Quốc) là nơi cung cấp thiết bị cho viện trợ này.
Coi như Trọng Thủy xưa ở Cổ Loa, còn hiện nay thì về ở rể tại TP.HCM.
Thông cáo báo chí viết rằng, Thiếu tướng Vũ Ngọc Lân, phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an Việt Nam, cho biết triển khai biên bản ghi nhớ về kết quả hợp tác phòng, chống tội phạm lần thứ 5 giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Trung Quốc, Bộ Công an Trung Quốc đã quyết định viện trợ Bộ Công an Việt Nam hệ thống thiết bị "phòng thu thập, khôi phục chứng cứ dữ liệu điện tử" (gọi tắt là phòng LAB) đặt tại TP.HCM.
Hình ảnh buổi lễ viện trợ thiết bị của Bộ Công an Trung Quốc và Bộ Công an Việt Nam. Ảnh: baodatviet |
8 năm về trước có một Trọng Thủy khác đã được Bắc Kinh cho làm rể tại Đà Nẵng. Năm 2010, phòng LAB do Bộ Công an Trung Quốc viện trợ được đặt tại Công viên phần mềm Đà Nẵng, số 2 Quang Trung, quận Hải Châu đã được đi vào vận hành.
Trong khi phía Bộ Công an tiếp nhận hai phòng LAB do Trung Quốc trang bị để chuyên “thu thập, khôi phục chứng cứ dữ liệu điện tử”, thì Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 24-4-2018 đã lên tiếng phản đối Trung Quốc cài đặt các thiết bị tác chiến điện tử mới gây nhiễu sóng trên đá Chữ Thập và đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trước đó, trong một báo cáo của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam công bố vào tháng 4-2013, có tới 6/7 hãng viễn thông ở Việt Nam đang sử dụng thiết bị công nghệ của Huawei và ZTE. Đặc biệt, hiện có hơn 30.000 trạm thu phát sóng của các nhà mạng Việt Nam sử dụng thiết bị của hai tập đoàn Trung Quốc này.
Cách đây hơn 6 năm, Ủy ban Tình báo Quốc hội (CIC) của Mỹ lần đầu tiên đưa ra tuyên bố công khai rằng thiết bị của Huawei và ZTE có thể gây ra rủi ro an ninh quốc gia, qua đó cáo buộc 2 công ty này đã không hợp tác trong cuộc điều tra của ủy ban và từ chối làm rõ mối quan hệ của họ với chính phủ Trung Quốc.
Từ nhiều năm nay, Mỹ coi ZTE và Huawei là mối đe dọa an ninh quốc gia. Các nhà mạng lớn của Mỹ đều hạn chế tối đa việc sử dụng thiết bị viễn thông của các công ty này. Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành một lệnh “từ chối đặc quyền xuất khẩu” đối với ZTE, theo đó cấm các công ty Mỹ bán các linh kiện và phần mềm cho thương hiệu đó trong vòng 7 năm.
Trở lại với Việt Nam. Luật An toàn Thông tin mạng năm 2015 có quy định tại Điều 34 “Xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự”, theo đó không thể có việc tiếp nhận hàng viện trợ về thiết bị “thu thập, khôi phục chứng cứ dữ liệu điện tử” từ Công ty công nghệ thông tin Lý Á (Trung Quốc) như thông cáo báo chí của Cục Đối ngoại, Bộ Công an Việt Nam.
Liệu phòng LAB do Bộ Công an Trung Quốc viện trợ cho Bộ Công an Việt Nam hôm 14-9-2018 có các mối liên hệ với Chính phủ Trung Quốc, bao gồm các cáo buộc liên quan đến hoạt động gián điệp do Bắc Kinh bảo trợ?.
Và liệu có liên quan gì ở chuyện viện trợ phòng LAB diễn ra hôm 14-9, nhưng phải hai hôm sau thì Cục Đối ngoại (Bộ Công an) mới đưa ra cho báo chí trong chuỗi sự kiện thời sự là trong ngày 16-9, tại TP HCM, Ủy viên Bộ Chính trị, phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cùng Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đồng chủ trì phiên họp lần thứ 11 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc?.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét