Thứ Ba, 16 tháng 10, 2018

Jim Mattis có bàn Cam Ranh với Việt Nam?

Không loại trừ việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đến Hà Nội vào trung tuần tháng Mười năm 2018 sẽ nhắm đến một cách thực chất việc tăng cường sự hiện diện của tàu Mỹ tại vùng biển Việt Nam, trong đó có quân cảng Cam Ranh.

Vào năm 2012, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Panetta đã từng đến Cam Ranh...
Tình thế đã gần như chín muồi để bàn về Cam Ranh, thậm chí để quyết định xem số phận của cảng nước sâu tối quan yếu này sẽ thuộc về ai trên bàn cờ tay ba Mỹ - Trung - Nga.

Đã từ khá lâu nay, Cam Ranh có thể được xem là một hình mẫu cho quan điểm “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước”, nhưng cũng rất có thể đang ẩn giấu một cuộc so kè giữa hai thế lực “thân Trung” và “hướng Mỹ” trong nội bộ đảng CSVN.

Tháng 10/2016, chỉ ít ngày sau khi 2 tàu khu trục Mỹ cập cảng Cam Ranh - sự kiện lần đầu tiên kể từ năm 1975, một sự kiện khác cũng mang tính lần đầu tiên và được quan tâm không kém là 3 tàu chiến Trung Quốc cũng cập cảng Cam Ranh.

Có phải khi đó “tập thể Bộ Chính trị” đã cùng lúc quyết định cho cả tàu chiến Mỹ lẫn Trung Quốc được cập cảng Cam Ranh theo sách lược “đu dây” truyền thống, hay còn nhân tố nào khác? Nếu không phải là Bộ Chính trị quyết định việc này thì ai đã bật đèn xanh cho tàu Mỹ và ai mời tàu Trung Quốc vào Cam Ranh?

Gần đây, đã có một số nguồn tin dự đoán rằng một trong những tâm điểm mà hai phía Việt Nam và Mỹ thảo luận sẽ là cảng quân sự Cam Ranh. Theo đó, sự gia tăng hiện diện của hải quân Mỹ ở Cam Ranh có thể được phía Việt Nam đồng thuận hơn, trong đó có thể kể đến vai trò tăng lên của đội ngũ cố vấn Mỹ, và có thể cả một số hoạt động tuần tra chung, phối hợp tập trận chung giữa hai nước trong tương lai không xa.

Chuyến công du Việt Nam của Jim Mattis diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang tiến vào giai đoạn căng thẳng của chiến dịch dựng đứng hàng rào thuế quan đầu tiên do Tổng thống Donald Trump là tổng đạo diễn, trong khi các hạm đội 7 và hạm đội 5 của hải quân Hoa Kỳ ngày càng áp sát Biển Đông, trong bối cảnh ngày 10/10/2018 Thượng Viện Hoa Kỳ đã thông qua đạo luật cắt đứt đường lưỡi bò của Trung Quốc trên Biển Đông.

Còn tương lai về một cuộc xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực này đang dâng lên như một cơn sóng thần cấp độ vừa phải.

Lẽ dĩ nhiên là Mỹ cần có Cam Ranh như một căn cứ quân sự mà từ đó có thể khống chế được đến 2/3 Biển Đông.

Còn Việt Nam?

Không có nhu cầu khống chế Biển Đông cho mục đích an toàn hàng hải và tác chiến quân sự như Mỹ, nhưng Việt Nam lại cần khai thác dầu khí - tiềm năng gần như duy nhất vào lúc này để mang lại ngoại tệ cứu đảng.

Song chính vào lúc này, giới chóp bu Việt Nam lại bị hành hạ không ngớt bởi cái bóng của Vương Nghị - ngoại trưởng Trung Quốc với gương mặt lạnh như tiền - và lời đề nghị như thể chiếu chỉ của họ Vương về ‘Trung Quốc và Việt Nam cùng hợp tác khai thác dầu khí trên biển’.

Nếu chấp nhận đề nghị trên, Việt Nam sẽ phải mời kẻ cướp vào nhà để bị trấn lột. Khi đó, toàn bộ các mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ thuộc Bãi Tư Chính, mỏ Cá Voi Xanh ở ngoài khơi Quảng Nam, Quảng Ngãi, và mỏ Lan Đỏ ở phía nam Việt Nam sẽ phải dâng hiến cho Trung Quốc theo một tỷ lệ ăn chia theo kiểu ‘cướp trắng’.

Giờ đây, trong cơn quẫn bách mất ngủ lẫn mất ăn, Hà Nội đã một lần nữa phải cầu viện Hoa Kỳ, mà cụ thể là kêu gọi một sự hỗ trợ từ hải quân Hoa Kỳ để “chiến lược lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để từng bước đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển” của Bộ Chính trị Việt Nam tìm được lối thoát may rủi.

Vào lần này, Việt Nam liệu có nhượng bộ Mỹ về Cam Ranh? Sẽ có một tương lai Cam Ranh cho Mỹ thuê dài hạn để Việt Nam tạm tránh thoát mối đe dọa khủng khiếp từ ‘đồng chí tốt’ Bắc Kinh?

Minh Quân

(VNTB)

Không có nhận xét nào: