Thứ Ba, 23 tháng 10, 2018

Xử lý sai phạm đất đai ở các thành phố lớn; Muốn lò cháy rực thì phải có “gió tươi” thổi vào



Thaotin | 


Muốn lò cháy rực thì phải có “gió tươi” thổi vào, muốn có “gió tươi” thì phải lấy từ bên ngoài chứ không thể lấy từ phòng lạnh.
                 Ai giỏi vào phá dỡ biệt phủ của tôi đi? ( Chú thích ảnh của chủ blog)

Ngày 3/3/2015 Thiếu tướng Phan Như Thạch, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam đã phải “tự nguyện” phá dỡ khu biệt thự rộng 17.750 m2 tọa lạc tại khu vực núi Hải Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
Lý do khiến vị tướng công an này phải phá dỡ nhà cửa là do ngày 4/2/2015, Ủy ban Nhân dân quận Liên Chiểu đã công bố quyết định xử phạt đối với gia đình ông Thạch vì xây dựng các biệt thự trái phép.
Ủy ban Nhân dân quận Liên Chiểu đã quyết định xử phạt tướng Thạch 22,5 triệu đồng, buộc ông Thạch phải tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng vi phạm.

Thiếu tướng Phan Như Thạch buộc phải tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng vi phạm. Ảnh: Zing.vn

Báo chí đưa tin: “Nguyên Phó Chủ tịch Vĩnh Phúc chiếm đất xây biệt thự: Chưa xử lý vì chưa xin được… chữ ký (của đương sự – người viết)”. [1]
Báo Tienphong.vn viết: “Kết luận của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa tháng 11/2015 nêu rõ, trong việc triển khai dự án khu resort và dự án sân golf, diện tích 127.808,4 mét vuông mà FLC đã thu hồi, sử dụng (trong đó, có gần 56.000 mét vuông đất rừng phòng hộ, gần 69.000 mét vuông đất bãi biển) là diện tích không được Uỷ ban Nhân dân thị xã Sầm Sơn bàn giao”. [2]
Nêu vài dẫn chứng để thấy, đối tượng lấn chiếm đất công không chỉ là cán bộ, công chức mà còn các doanh nghiệp tư nhân, và đương nhiên không thể không nhắc đến những người dân bình thường.
Người dân dựng lều chăn vịt, quán cà phê trong mảnh đất được sử dụng hợp pháp ngay lập tức bị chính quyền “thăm hỏi”, vậy phải chăng cơ quan bảo vệ pháp luật đã làm rất tốt nhiệm vụ được giao?
Câu trả lời là chưa.
Câu chuyện quản lý đất đai của thủ đô Hà Nội là một minh chứng. Xin nêu hai ví dụ:
Thứ nhất, việc xây dựng chung cư cao tầng tại bán đảo Linh Đàm phá vỡ quy hoạch là điều rất nhiều bài báo đã đề cập.
Ở đây, bên cạnh nhiều dấu hiệu vi phạm khác thì quy hoạch cho phép mật độ xây dựng 20-30%, thực tế là từ 50-90%, vậy đây có phải là lấn chiếm đất công?
Thứ hai, việc xây dựng nhà ở, biệt thự tại huyện Sóc Sơn.
“Xây biệt phủ trên đất rừng ở Sóc Sơn: Sai phạm kéo dài gần hai thập kỷ chưa giải quyết xong!”. [3]
“Biệt thự ca sĩ Mỹ Linh vi phạm xây dựng từ hơn 10 năm trước”. [4]
“Biệt thự nguy nga mọc trên đất rừng phòng hộ Sóc Sơn, Hà Nội”. [5]
Hà Nội là thủ đô cả nước, chỉ Hà Nội là có Luật Thủ đô (Luật số 25/2012/QH13) vậy những sai phạm về quản lý đất đai tại Hà Nội không thể không có trách nhiệm của tất cả các cơ quan, từ chỉ đạo của Thành ủy, thực hiện của Ủy ban Nhân dân, giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan bảo vệ pháp luật: Công an, Kiểm sát, Tòa án – Thanh tra, Kiểm tra,…
Cho đến nay việc “cắt ngọn” toà nhà 8B Lê Trực vì sao vẫn chưa hoàn thành?
Vì vào giữa năm 2016, chủ đầu tư công trình 8B Lê Trực đã khởi kiện quyết định cưỡng chế của Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình ra Tòa án Nhân dân Hà Nội.
Nhưng hơn 1 năm trôi qua, Tòa án đã thụ lý nhưng vẫn chưa xét xử. [6]
Khu nhà của gia đình Mỹ Linh – Anh Quân “vi phạm xây dựng từ hơn 10 năm trước” cho đến nay vẫn tồn tại phải chăng vì Mỹ Linh là một trong số ít người được gắn mác “Diva” hay vì ca sĩ này khéo “hát”?
Xin trích dẫn giải thích về khái niệm “Diva” trong từ điển Bách khoa toàn thư mở:
“Trong thuật ngữ âm nhạc thế giới cũng như Việt Nam ngày nay, diva được dùng để nhắc đến những nữ ca sĩ có giọng hát tuyệt vời, sự nghiệp lâu năm, vững bền…
Diva được dùng theo nghĩa xấu thì là để diễn tả một người phụ nữ nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc hay phim ảnh, nhưng có những đòi hỏi cao và cực kỳ khó tính về quyền lợi cá nhân của mình”. [7]
Báo Dantri.com.vn chạy một cái tít đầy ẩn ý: “Mỹ Linh chiến thắng ấn tượng các vết bẩn cứng đầu”. [8]
Phải chăng ở Sóc Sơn cũng tồn tại “các vết bẩn cứng đầu” và chiến thắng của gia đình ca sĩ này cùng hàng loạt “ca” nhưng thiếu “sĩ” khác cũng không có gì đặc biệt?
Nếu quả như vậy thì gia đình ca sĩ này dùng loại “bột giặt” gì để “chiến thắng”?
Nếu thành phố Hà Nội không có loại “bột giặt” đủ mạnh để trả lại sự “tinh khôi” của núi rừng Sóc Sơn, nếu nhà nước không có những “màng lọc” siêu lớn để lọc hết chất thải từ các cơ sở công nghiệp thì viễn cảnh nước Việt không còn cả rừng vàng lẫn biển bạc chắc chắn sẽ không quá xa vời.
Vi phạm trong quản lý đất đai tại Việt Nam lỗi trước tiên thuộc về chính quyền, chính xác là thuộc về những bộ phận liên quan như Tài nguyên môi trường, Xây dựng, Thanh tra, Kiểm tra,… trong đó không thể không nhắc đến vai trò lãnh đạo của các tổ chức đảng.
Không có sự tiếp tay hoặc làm ngơ của cơ quan có trách nhiệm, người dân làm sao có thể xây biệt phủ không phép?
Không có sự tiếp tay hoặc làm ngơ của Kiểm lâm, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng có bị tàn phá như hiện tại?
Không có sự buông lỏng quản lý của chính quyền, các doanh nghiệp có dám xả thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường?
Điều kỳ lạ là rất nhiều vụ việc vi phạm, đại diện các cơ quan có trách nhiệm đều đổ lỗi cho “khách quan”:
Cá chết do tảo đỏ; Dây điện rơi gây chết người do sét đánh; Đường cao tốc vừa nghiệm thu đã hỏng do … mưa; cán bộ bòn rút tiền ngân sách thì chỉ bị rút kinh nghiệm…
Có thể thấy một bộ phận không hề nhỏ cán bộ công chức ngày nay rất chịu khó học hỏi kinh nghiệm của thế hệ trước trong việc “thủ sẵn” những lý lẽ biện minh cho sai phạm theo kiểu nhiều tiền xây biệt thự là do “làm thối móng tay” hay “buôn chổi đót, chạy xe ôm” chứ không hề biết đến khái niệm “nhận lỗi”.
Chừng nào sự minh bạch vẫn còn là thứ xa xỉ, chừng nào một triệu người kê khai tài sản chỉ có vài người không trung thực thì chừng đó đất công còn bị lấn chiếm, rừng còn bị tàn phá, biển còn bị ô nhiễm và niềm tin còn bị suy giảm.
Gốc rễ của vấn đề nằm ở … các loại củi.
Nếu lò chưa đủ nóng thì “củi khô” cũng không thể cháy chứ đừng nói “củi vừa vừa” hay “củi tươi”.
Muốn lò cháy rực thì phải có “gió tươi” thổi vào, muốn có “gió tươi” thì phải lấy từ bên ngoài chứ không thể lấy từ phòng lạnh.
Nguồn: http://giaoduc.net.vn/gdvn-post192038.gd

Xử lý sai phạm đất đai ở các thành phố lớn

Người dân lên thành phố Hà Nội khiếu kiện về đất đai ngày 29 tháng 8 năm 2012.
Người dân lên thành phố Hà Nội khiếu kiện về đất đai ngày 29 tháng 8 năm 2012.
 AFP
Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội đề nghị Chính phủ chấn chỉnh, xử lý các sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai, nhất là tại các thành phố lớn.
Đề nghị được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh đưa ra sáng 22/10. Theo đó, chính phủ cần chỉ đạo rà soát lại toàn bộ hệ thống quy hoạch và xây dựng hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ.
Bên cạnh đó cần kiểm soát chặt chẽ việc phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tránh lợi ích nhóm nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai.
Cùng ngày 22/10, bà Nguyễn Thị Nguyệt, trưởng phòng Thanh tra TP Hà Nội công bố quyết định thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng tại huyện Sóc Sơn, đồng thời làm rõ quá trình thực hiện kết luận Thanh tra Chính phủ đã được công bố từ năm 2006. Thời gian thanh tra là 45 ngày.
Báo Lao Động trích dẫn phát biểu của ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn rằng sẽ thanh tra toàn bộ quá trình sử dụng đất rừng tại huyện Sóc Sơn trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2018.
Trước đây UBND TP Hà Nội cũng đã nhiều lần gửi văn bản chỉ đạo xử lý sau thanh tra đến UBND huyện Sóc Sơn nhưng nơi đây giải quyết rất chậm nên tiếp tục để xảy ra các vi phạm.
Vụ việc vi phạm xây dựng nhà, biệt thự trên đất rừng phòng hộ tại Sóc Sơn được nhắn đến nhiều sau vụ nữ ca sỹ Mỹ Linh lên tiếng đồng thuận kế hoạch xây dựng nhà hát giao hưởng tại Thủ Thiêm, nơi cơ quan chức năng bị kết luận có sai phạm khi tiến hành cưỡng chế lấy nhà đất của dân.
Vi phạm trong thu hồi, cưỡng chế đất đai, cấp đất công cho doanh nghiệp cũng là nguyên nhân khiến nhiều người dân phải khiếu kiện suốt mấy chục năm qua. Họ kiện lên đến các cấp ở trung ương tại Hà Nội; thế nhưng nhiều vụ được người trong cuộc cho biết không hề được giải quyết mà các cơ quan chức năng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Không có nhận xét nào: