Trân Văn
Dư luận lại bị khuấy động. Lần này là vì quyết định của 105 đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa chín: Tại một phiên họp bất thường diễn ra vào sáng 8 tháng 10, họ nhất trí chi 1.508 tỉ đồng để xây “Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch” tại Thủ Thiêm.
***
Theo Tờ trình mà chính quyền TP.HCM trình cho Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa chín, thành phố này hiện có ba Nhà hát nhưng cả ba (Nhà hát Lớn – 406 ghế, Nhà hát Hòa Bình – 2.500 ghế, Nhà hát Bến Thành – 1041 ghế) đều đã xây từ lâu, quy mô nhỏ, không đủ để tổ chức những chương trình tầm cỡ, chưa kể còn xuống cấp trầm trọng. Cũng vì vậy, cần phải xây “Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch” với hai khán phòng: Lớn (1.200 ghế), Nhỏ (500 ghế), sảnh có thể dùng làm sân khấu ngoài trời để biểu diễn các chương trình nghệ thuật phục vụ công chúng. Cũng theo Tờ trình vừa kể, chi phí xây dựng “Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch” là tiền bán đấu giá khu đất số 23 Lê Duẩn, quận 1 – nơi từng là trụ sở Công ty Xổ số kiến thiết TP.HCM - nên không ngại thiếu.
Chuyện Hội đồng nhân dân TP.HCM thông qua Nghị quyết về “Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch” tại Thủ Thiêm đã làm hàng chục triệu người phẫn nộ vì cho tới giờ, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại TP.HCM nói riêng và tại Việt Nam nói chung vẫn chưa xác định giải pháp để hàng chục ngàn gia đình ở Thủ Thiêm được sống ổn định sau hai thập niên vất vưởng không ra hồn người vì việc tổ chức – thực hiện quy hoạch bán đảo Thủ Thiêm. Rất nhiều facebooker xem Nghị quyết về “Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch” tại Thủ Thiêm là quyết định “nhảy múa trên oan khiên”, “hoan ca trên những xác người”. Nguyễn Tiến Tường giải thích, khó có thể gọi nghị quyết ấy bằng tên khác vì Thủ Thiêm là nơi có những người chết trong uất hận, có những người sống không bằng chết, đến giờ Thủ Thiêm vẫn là nơi đẫm nước mắt và đầy những mảnh đời rách nát, chưa thấy ánh sáng công lý.
Sự kiện 100% đại biểu Hội đồng nhân dân tán thành đề nghị dành 1.508 tỉ đồng xây “Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch” tại Thủ Thiêm trong bối cảnh Sài Gòn cứ mưa là ngập, giao thông tắc nghẽn, thiếu đủ loại công trình công cộng, từ bãi đậu xe trở đi, trường học và bệnh viện quá tải, bệnh nhân, kể cả bệnh nhi phải nằm ở hành lang, cầu thang, kể cả nằm dưới gầm giường làm thiên hạ căm giận. Xuân Sơn Võ nhấn mạnh, nếu cần cải thiện khả năng thụ cảm nghệ thuật của dân chúng, trước hết, hãy giúp họ sống bớt chật vật, hãy để cho tâm hồn họ tự do, tự do tư duy, tự do biểu đạt. Nếu cần hãnh diện với thế giới, trước tiên, hãy cải thiện vị trí của quốc gia này trên các bảng xếp hạng của thế giới, đừng vội cạnh tranh với những Con sò, Philharmonie de Paris… Một năm, sân khấu của những nhà hát, nhà văn hóa ở TP.HCM có bao nhiêu đêm sáng đèn? “Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch” tại Thủ Thiêm dành cho ai mà cần xây dựng cấp bách đến như vậy? Tầng lớp cai trị đã có hệ thống chăm sóc sức khỏe riêng, nghĩa trang riêng, lăng tẩm chiếm hàng héc ta đất, bấy nhiêu chưa đủ nên phải có nhà hát riêng cho mình nữa sao?
Chẳng riêng mạng xã hội, hệ thống truyền thông chính thức cũng không giấu diếm sự bất bình, Nghị quyết về “Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch” tại Thủ Thiêm là nguyên nhân khiến VTC nêu thắc mắc: Hình như các vị không thấu nỗi đau, nỗi khổ của dân (3)? Tại sao TP.HCM đang thiếu tiền để giải quyết những vấn đề cấp bách liên quan đến dân sinh mà lại xây nhà hát? Tại sao không tu sửa các nhà hát hiện hữu mà phải xây mới? Đã có những facebooker như Ly Doi bỏ thời gian làm một thống kê để so sánh, Sài Gòn vốn không thiếu những trung tâm đáp ứng nhu cầu văn hóa – nghệ thuật của công chúng. Từ 1975 đến nay, đa số các loại rạp (hát, chiếu phim) ở Sài Gòn bị biến đổi công năng và đó là một kiểu chiếm đoạt công sản mà chẳng ai bận tâm. Chẳng riêng những trung tâm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa – nghệ thuật của công chúng, công thổ - công sản như các doanh trại của quân đội cũng đã trở thành nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, biệt thự,… Theo Ly Doi, lõi của vấn đề là những khuất tất, thiếu minh bạch trong quản lý, thiếu viễn kiến trong điều hành (lúc đầu, dự tính xây nhà hát ở 23 Lê Duẩn rồi đổi ý, chuyển qua Công viên 23 tháng chín, nay quyết định chọn Thủ Thiêm) và chọn sai thời điểm biều quyết đã biến ý tưởng xây xây “Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch” tại Thủ Thiêm thành một trái bom.
Đã có không ít facebooker như Nguyễn Hồng Lam nhấn mạnh họ không phản đối ý tưởng xây dựng một nhà hát cho giao hưởng, vũ kịch tại Sài Gòn. Vấn đề là thời điểm và địa điểm. Vào lúc này, Thủ Thiêm đang là tâm của oán thán. Đồng ý chi 1.508 tỉ đồng để xây “Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch” tại Thủ Thiêm là bằng chứng về sự kém cỏi cả trong nhận thức lẫn khả năng chính trị thực tiễn và tỉ lệ đồng thuận 100% chứng tỏ đó là sự yếu kém có hệ thống và của cả hệ thống. Phải chăng quyền lợi chính trị đã khiến ý thức trách nhiệm trong từng cá nhân đại biểu bị hóa thạch? Chỉ trích của công chúng đối với ý tưởng xây dựng “Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch” tại Thủ Thiêm không phải vì đúng – sai mà bởi ý tưởng đó vô đạo. Chẳng khác gì chưa xây đã sụp vì nền móng giữa lòng dân mục ruỗng. Vội vàng chỉ để tạo thêm một vết nhơ đồ sộ. Không thể xem 100% đồng thuận là hợp lý. Tỉ lệ đó chỉ khẳng định một sự thật cay đắng: Các đại biểu không nhận thấy giá trị của lòng dân, chỉ nhìn ra cơ hội mà không thấy đạo lý.
Giữa trận bão của dư luận, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM – đã góp thêm gió khi thản nhiên bảo rằng, “Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch” tại Thủ Thiêm là một công trình “vì dân”, và quyết định thực hiện công trình này là do “nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân”. Phạm Hoài Nhân đã khái quát nỗ lực góp gió cho bão thành đại cuồng phong như thế này: Bây giờ ở Sài Gòn bây giờ mà bạn nghe hô “Quyết Tâm” thì có nghĩa là... quyết tâm nếu người hô là quan chức.Còn nếu người hô là dân – nhất là dân Thủ Thiêm - thì đó là tiếng chửi thề, là khốn nạn, là vô lương tâm! Dẫu khéo léo hơn nhưng ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch TP.HCM - cũng không thoát ra khỏi sự lúng túng khi biện giải rằng, “Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch” tại Thủ Thiêm nằm trong qui hoạch và là một công trình thuộc loại không thể không có đối với một đô thị tầm vóc như TP.HCM. Song song với việc xây dựng nhà hát này, chính quyền TP.HCM sẽ xây thêm… vài bệnh viện. Thật ra thì ông Phong không đơn độc. Đã có một số văn nghệ sĩ, trí thức phụ họa rằng TP.HCM cần một nhà hát cho nghệ thuật có tính hàn lầm như giao hưởng, vũ kịch.
Đến mức này thì các Kiến trúc sư nhập cuộc, trong đó có Lê Quang đang sống tại Đức. Qua bài viết khoảng 3.500 chữ đăng trên facebook của mình, Quang nêu hàng loạt dẫn chứng cả xưa lẫn nay để chứng minh, với thiên hạ, dẫu nhà hát gia tăng giá trị của đô thị nhưng nhà hát chỉ hình thành khi đô thị đã đạt đến độ chín trong các khoản đầu tư dài hạn (cơ sở hạ tầng, không gian công cộng). “Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch” tại Thủ Thiêm là trường hợp ngược lại: Chưa có đầu tư dài hạn, chưa có, chưa có kế hoạch (kế hoạch từng được lập trong quá khứ không thực hiện được cho thấy đó không phải là kế hoạch tốt). Bên cạnh đó, cưỡng chế - thu hồi đất đã tạo ra khủng hoảng và điều này cho thấy thêm một lần nữa, quyết định xây dựng “Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch” tại Thủ Thiêm thể hiện sai lầm một cách cố hữu của hệ thống công quyền. Giả sử quyết định xây dựng “Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch” tại Thủ Thiêm không xuất phát từ dã tâm (công cộng hóa các khu vực đang có tranh chấp để đẩy những người đang khiếu nại vào thế yếu, cô lập họ) thì trí tuệ và năng lực của hệ thống công quyền vẫn… có vấn đề.
Theo Quang, phải lưu ý đến một khía cạnh khác của nhà hát, đó là tương tác của nhà hát đối với cộng đồng. Các công trình dành cho văn hóa – nghệ thuật ở Việt Nam không chú trọng đến yếu tố này và Bảo tàng Hà Nội với chi phí xây dựng 6.000 tỉ chính là một trong những bằng chứng. Quang nêu hàng loạt câu hỏi: Sau bảy năm từ ngày khánh thành, nơi này tổ chức được bao nhiêu triển lãm nghệ thuật, bao nhiêu sự kiện văn hóa? Đơn vị vận hành lưu trữ thêm được bao nhiêu hiện vật? Bộ sưu tập các tác phẩm tăng thêm bao nhiêu? Thực hiện được bao nhiêu dự án bảo tồn? Kết nối được với bao nhiêu cơ sở nghệ thuật trên thế giới? Bao nhiêu nghệ sĩ trẻ nhận được tài trợ để phát triển sự nghiệp? Đào tạo ra được bao nhiêu curator (nhà định hướng nghệ thuật)? Tổ chức được bao nhiêu cuộc đấu giá tác phẩm? Bán được bao nhiêu tác phẩm? Khả năng tự tạo ra của cải và khả năng sinh lãi là bao nhiêu?... Chắc chắc các thông số đó đều tiệm cận với số “0”. Thứ duy nhất không gần với số “0” chính là chi phí vận hành và bảo trì công trình, chắc chắn không ít hơn mười chữ số mỗi năm. Đối chiếu với một số nơi khác trên thế giới, Quang khẳng định, những công trình trị giá ngàn tỉ không thể quyết định môi trường thực hành văn hóa, nghệ thuật của một thành phố. Môi trường ấy được định hướng và dẫn dắt bởi các cơ chế và chính sách. Văn hóa - nghệ thuật luôn đòi hỏi cơ chế cởi mở, tự do, khuyến khích tất cả các thành phần của nó hoạt động hết khả năng. Nếu cho rằng chỉ cần xây những công trình trị giá ngàn tỉ là có nền văn hóa - nghệ thuật phát triển thì suy nghĩ ấy còn thua cả suy nghĩ của một đứa trẻ. Có xây vài công trình ngàn tỉ mà vẫn còn tồn tại Sở Văn hóa với chất lượng nhân lực như hiện nay thì xây xong cũng chỉ để tổ chức tiệc cưới, Đại hội Công nhân - Viên chức thôi!
Quang thắc mắc, xây các công trình văn hóa – nghệ ngàn tỉ để làm gì khi những “nghệ sĩ” vẫn im re trước những bất công, sai trái, vẫn co ro, khúm núm, bợ đỡ cường quyền? Xây các công trình văn hóa – nghệ ngàn tỉ để làm gì khi còn “phê duyệt” nghệ thuật và tất cả những thứ đã được “phê duyệt” chỉ là nghệ thuật nửa vời, được tạo ra bởi những người tự xưng là “nghệ sĩ” - đang dò dẫm trong đêm tối và phó mặc cho sự may rủi sẽ đưa mình đến với nơi vốn dĩ chỉ dành cho những kẻ can đảm và có đức tin? Quang đã dẫn một ý kiến của William Ralph Inge để kết bài viết đang được rất nhiều facebooker và diễn đàn điện tử chia sẻ: Nhà hát? Hẳn nhiên, nó là phản chiếu của cuộc đời và có lẽ chúng ta nên cải thiện cuộc đời của chúng ta trước khi nghĩ đến việc chúng ta có thể cải thiện bất kỳ nhà hát nào hay không.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét