Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2018

NHỜ ĂN CẮP, ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC ĐÃ BIẾN CÁI CÀY THÀNH THANH GƯƠM Ở QUY MÔ KHỦNG NHẤT

Bài nói của Phó TT Mỹ Mike Pence tại Viện Hudson ngày 4/10/2018. 
(KC dịch do các bạn yêu cầu - nguyên văn ở link dưới)
Ngay từ đầu, TT Trump đã ưu tiên mối quan hệ với Trung Quốc và Tập Chủ tịch. Tháng tư năm ngoái, TT Trump đã đón Tập Chủ tịch tới Mar-a-Lago. Tháng 11 năm ngoái, TT Trump sang Bắc Kinh và được lãnh tụ Trung Quốc đón tiếp thịnh tình. Trong hai năm qua, TT chúng ta đã xây dựng mối quan hệ cá nhân thân tình với Chủ tịch nước CHNDTH và hai bên đã làm việc chặt chẽ trong các vấn đề hai bên cùng quan tâm, quan trọng nhất là việc phi hạt nhân hoá bán đảo Triều tiên.
Nhưng người Mỹ chúng ta cần phải biết rằng ngay lúc này, Bắc Kinh đang thực hiện chiến dịch tổng lực mạnh mẽ của nhà nước sử dụng toàn bộ các phương tiện chính trị, kinh tế và quân sự và cả tuyên truyền rộng rãi nhằm tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc và triệt để khai thác lợi ích của Trung Quốc ở Mỹ.

Trung Quốc cũng đang sử dụng sức mạnh theo nhiều cách chưa từng có nhằm gây ảnh hưởng và can thiệp vào chính sách đối nội và chính trị nước Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của TT Trump, Mỹ đã có những hành động quyết đoán để ứng phó với Trung Quốc. Trong Chiến lược An ninh Quốc gia được TT Trump công bố hồi đầu tháng 12, TT nêu lên thời đại hiện nay là thời đại “cạnh tranh giữa các cường quốc”. Các quốc gia đã bắt đầu “khẳng định lại ảnh hưởng ở khu vực và toàn cầu” và họ đang “thử sức với Mỹ, khai thác thế mạnh địa chính trị và muốn thay đổi trật tự thế giới có lợi cho họ.”
TT Trump nói rõ rằng Mỹ đã thực thi chính sách mới đối với Trung Quốc. Chúng ta muốn có mối quan hệ trên cơ sở công bằng, có đi có lại, và tôn trọng chủ quyền và chúng ta sẽ hành độnh tức thời và mạnh mẽ.
Khi thăm Trung Quốc năm ngoái, TT nói rõ “chúng ta đang có cơ hội tăng cường mối quan hệ giữa hai nước và nâng cao đời sống cho công dân nước mình.” Viễn cảnh về tương lai của chúng ta được xây dựng trên những điều tốt đẹp nhất của lịch sử hai nước, khi Mỹ và Trung Quốc hướng tới nhau chân thành và hữu nghị.
Khi quốc gia chúng ta còn non trẻ còn đang tìm kiếm thị trường mới để xuất khẩu, người Trung hoa đã chào mời bán cho thương nhân Mỹ món nhân sâm và da thú. Mỹ đã không dính líu khi Trung Quốc mang nỗi nhục “một thế kỷ bị bóc lột” và Mỹ áp dụng chính sách “Mở Cửa” để chúng ta buôn bán tự do hơn với Trung Quốc trong sự tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc.
Khi các nhà truyền giáo người Mỹ đặt chân tới Trung Quốc, đã có những ấn tượng tốt đẹp về nền văn hoá sâu sắc của một dân tộc lâu đời và cư dân năng động. Các vị đã không chỉ làm việc truyền giáo mà đã lập ra một số trường đại học đầu tiên, ngày nay đã trở thành các trường đại học danh tiếng nhất của Trung Quốc.
Khi xảy ra Thế Chiến thứ hai, chúng ta là đồng minh sát cánh với nhau trong cuộc chiến đấu chống lại chủ nghĩa đế quốc. Khi kết thúc chiến tranh, Mỹ cố gắng mọi mặt để đảm bảo Trung Quốc trở thành quốc gia thiết lập Liên Hiệp Quốc, nơi định hình thế giới thời hậu chiến. Nhưng không bao lâu sau khi chiếm quyền năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bắt đầu chính sách bành trướng độc tài. Thật là khó tin, mới đó là đồng minh với nhau mà chỉ năm năm sau chúng ta lại cầm súng ở hai chiến tuyến ở bán đảo Triều tiên. Cha tôi đã tận mắt chứng kiến cuộc chiến nơi biên giới của tự do.
Nhưng cuộc chiến Triều Tiên tàn khốc dường ấy cũng không ngăn trở mong muốn của cả hai bên muốn khôi phục mối quan hệ hai nước đã có từ lâu. Sự cách biệt của Trung Quốc với Mỹ đã chấm dứt vào năm 1972 và không lâu sau chúng ta lập lại quan hệ ngoại giao và các trường đại học Mỹ bắt đầu đào tạo một thế hệ mới người Trung Quốc là các kỹ sư, doanh nhân, học giả và viên chức chính phủ.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, chúng ta đã tưởng rằng một nước Trung Quốc tự do sẽ là điều tất yếu. Đầy lạc quan với viễn cảnh tương lai vào thời điểm bước sang thế kỷ 21, Mỹ đã đồng ý cho Bắc Kinh được tiếp cận với nền kinh tế của chúng ta, chính chúng ta đã mở đường cho Trung Quốc tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới.
Nước Mỹ thời đó thực thi chính sách với Trung Quốc trong niềm hi vọng rằng Trung Quốc sẽ cho tự do ở mọi lĩnh vực đời sống – không chỉ về mặt kinh tế mà cả về mặt chính trị trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc về tự do kinh điển, tôn trọng sở hữu cá nhân, tự do của con người, tự do tín ngưỡng - là tập hợp các quyền của con người. Nhưng niềm hi vọng ấy của chúng ta đã tan thành mây khói.
Ước mơ về tự do vẫn còn quá xa vời cho người Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc vẫn khua môi múa mép về cái gọi là chính sách “cải cách và mở cửa” nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình thì nay tất cả những điều đó chỉ là nói suông.
Sau 17 năm phát triển, thu nhập quốc dân của Trung Quốc đã tăng gấp chín lần, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Phần quan trọng nhất đem lại thành công này cho Trung Quốc là nhờ vào đầu tư của Mỹ. Đồng thời Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã áp dụng mọi mánh lới xa lạ với thương mai tự do và bình đẳng, như là chính sách áp thuế, áp dụng hạn mức sản xuất, can thiệp đồng tiền, cưỡng bức chuyển giao công nghệ, ăn cắp bản quyền và sở hữu trí tuệ và đãi ngộ các nhà đầu tư công nghiệp nước ngoài bởi các chính sách y như đem kẹo ngọt ra ban phát. Nhờ vậy mà Trung Quốc đã xây dựng thành công cơ sở hạ tầng về chế tạo. Cái được của Trung Quốc là nhờ vào cái mất của các các đối thủ cạnh tranh – nhất là cạnh tranh từ Mỹ.
Hành động của Trung Quốc đã góp phần tạo ra cán cân thương mại thâm hụt về phía Mỹ - năm ngoái con số này lên tới 375 tỷ đô la – gần bằng nửa thâm hụt thương mại toàn cầu. Đúng như TT Trump vừa nói tuần trước rằng trong 25 năm qua “Chúng ta đã xây dựng lại Trung Quốc.”
Bây giờ với chương trình “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”, Đảng Cộng sản Trung Quốc tham vọng sẽ kiểm soát 90 phần trăm các ngành công nghiệp hiện đại nhất, bao gồm các ngành sản xuất người máy, công nghệ sinh học, thông minh nhân tạo. Nhằm thắng thế để lên tới đỉnh cao ở nền kinh tế thế kỷ 21, Bắc Kinh đã ra chỉ thị cho tất cả công chức chính phủ và doanh nhân doanh nghiệp Trung Quốc phải chiếm được các sở hữu trí tuệ của Mỹ bằng mọi giá, bằng mọi cách có thể làm được - mà đây chính là nền tảng của sự lãnh đạo thế giới của Mỹ về mặt kinh tế.
Bắc Kinh đòi hỏi rất nhiều doanh nghiệp Mỹ phải giao bí quyết công nghệ để đổi lấy giấy phép được làm ăn ở Trung Quốc. Trung Quốc cũng phối hợp và bảo trợ việc mua lại các công ty Mỹ nhằm chiếm các sở hữu trí tuệ của các công ty đó. Xấu xa nhất chính là việc các cơ quan an ninh Trung Quốc là đầu sỏ chỉ đạo việc thực hiện việc ăn cắp công nghệ của Mỹ trên tất cả mọi lĩnh vực – kể cả bản đồ thiết kế quân sự tối tân nhất. Bằng cách khai thác công nghệ ăn cắp được như thế, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang biến lưỡi cày thành thanh gươm ở quy mô khủng nhất.
Bắc Kinh đang sử dụng sức mạnh một cách chưa từng có. Trong khi lãnh tụ Trung Quốc đứng tại Nhà Trắng năm 2015 phát biểu rằng quốc gia của ông ta “không có ý định quân sự hoá biển Đông (South China Sea), thì tới nay Bắc Kinh đã triển khai tên lửa tối tân đối biển và đối không trên các cơ sở quân sự xây dựng trên quần đảo, trên các bãi đá và các đảo nhân tạo.
Sự hiếu chiến của Trung Quốc vừa diễn ra ngay trong tuần này, tầu quân sự Trung Quốc cứ thế lao vào chiến hạm US Decatus, chỉ còn cách ta có 45 yards khi chiến hạm chúng ta đang thực thi hải trình trên vùng tự do đi lại trên biển ở biển Đông, buộc chiến hạm của ta phải đổi hướng để tránh đâm nhau. Dù Trung Quốc giở trò quấy nhiễu, Hải quân Mỹ sẽ vẫn tiếp tục bay trên vùng trời, chạy tầu trên vùng biển nơi luật pháp quốc tế cho phép, đáp ứng đòi hỏi chính đáng về lợi ích quốc gia của chúng ta. Không kẻ nào có thể làm chúng ta sợ hãi. Không kẻ nào có thể làm chúng ta lùi bước.
Mỹ đã từng mong rằng sự tự do hoá nền kinh tế sẽ dẫn Trung Quốc tới quan hệ đối tác bền vững hơn với chúng ta và với thế giới. Thế nhưng, Trung Quốc đã làm điều ngược lại, đã chọn cách hiếu chiến cả trong kinh tế để nhờ đó mở rộng quân sự.
Chúng ta cũng từng mong rằng Trung Quốc sẽ hướng tới tự do hơn cho người dân. Cũng đã có lúc Bắc Kinh cũng có vẻ nới ra để người dân được tự do hơn và có những cử chỉ như là tôn trọng nhân quyền. Nhưng mấy năm nay, Trung Quốc đã chọn lối đi ngược hẳn lại, siết chặt sự kiểm soát và đàn áp công dân mình còn ghê gớm hơn. Ngày nay Trung Quốc đã xây dựng một nhà nước có mạng lưới theo dõi con người ở mức chưa từng thấy, càng ngày càng bao rộng hơn và càng ngày càng theo dõi đời sống người ta sâu hơn – Trung Quốc làm được điều đó lại chính là nhờ có trong tay công nghệ của Mỹ.
Nhà cầm quyền Trung Quốc đang nhắm tới năm 2020 sẽ thực hiện việc kiểm soát mọi mặt đời sống con người – như kiểu mà tác giả Orwell đã từng nêu - bằng cái gọi là “Chấm điểm Xã hội Công dân” nhằm “cho phép ai đạt điểm mới được đi đó đây dưới bầu trời này, còn ai không đủ điểm thì không được đi đâu dù chỉ là một bước”. Hiện nay cũng đang diễn ra làn sóng đàn áp tôn giáo, bắt bớ người theo đạo công giáo, đạo Phật và đạo Hồi. Ở khắp nơi đang xảy ra việc đập thánh giá, đốt Kinh thánh và bỏ tù người có đạo. Bắc Kinh cũng đã đạt được thoả thuận với Vatican, cho phép kẻ vô đạo là Đảng Cộng sản được quyền trực tiếp bổ nhiệm Hồng y công giáo. Thời nay quả là thời tăm tối cho người Trung hoa công giáo.
Bắc Kinh cũng đàn áp người Phật giáo. Trong mười năm qua, hơn 150 vị sư Tây Tạng đã tự thiêu để phản đối sự đàn áp của Trung Quốc về tín ngưỡng và văn hoá. Ở Tân Cương, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cho giam cả triệu người Uốcđu theo đạo Hồi vào các trại tập trung nơi họ hàng ngày hàng giờ bị cải tạo.
Lịch sử đã có bài học, quốc gia nào tàn ác với người dân mình thì sự dã man không dừng lại ở nội địa. Bắc Kinh còn nhắm tới việc kiểm soát thế giới rộng hơn nữa. Như Tiến sĩ Michael Pillsbury ở chính Viện Hudson này từng nêu “Trung Quốc hoàn toàn đi ngược lại mọi hành động và mục tiêu của Chính phủ Mỹ.”
Trung Quốc còn áp dụng cái gọi là chính sách “ngoại giao xiết nợ” để mở rộng ảnh hưởng. Trung Quốc đem tiền cho thiên hạ vay tới cả hàng trăm tỷ đô la để xây dựng công trình hạ tầng. Trung Quốc đưa lời mời cho vay tới tất tật các chính phủ các quốc gia từ châu Á tới châu Phi, không từ cả châu Âu và còn cả tới tận châu Mỹ Latinh. Điều kiện các khoản vay tưởng là ngon lành, nhưng lợi thế bao giờ cũng nằm trong tay Bắc Kinh là kẻ nắm đằng chuôi.
Hãy nhìn hoàn cảnh của Sri Lanka đã rơi vào cái bẫy nợ khủng với Trung Quốc để rồi cho phép các công ty Tàu vào xây dựng một công trình cảng biển với giá trị thương mại đáng ngờ. Cách đây hai năm, Sri Lanka không còn khả năng trả nợ, thế là Bắc Kinh gây sức ép buộc Sri Lanka phải giao sở hữu cảng vừa xây xong cho Trung Quốc. Chắc không bao lâu nữa nơi này sẽ trở thành căn cứ quân sự với vị trí mở ra cho Hải quân Trung Quốc khả năng triển khai tấn công.
Ở ngay gần chúng ta đây ngay tại Venezuela, Bắc Kinh đã mua chuộc để thao túng cả hệ thống cầm quyền làm cho chế độ Maduro trở nên tham nhũng và bất lực nhưng giữ chặt quyền lực bằng cách đàn áp người dân. Bắc Kinh đã hứa cho Venezuala vay tới 5 tỷ đô la thông qua các khoản vay mờ ám, điều kiện nghe đơn giản là trả bằng dầu mỏ. Trung Quốc trở thành chủ nợ lớn nhất của nước này, để cho người dân bị tròng vào cổ sợi dây buộc nợ lên tới 50 tỷ đô la. Kết quả là quốc gia bị phá sản và nền cộng hoà cũng mất tích. Bắc Kinh cũng tác động tới chính trị nước này bằng cách trực tiếp tài trợ cho các đảng phái hứa sẽ tuân theo các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc.
Trung Quốc thao túng nhằm tăng cường lợi ích chiến lược toàn cầu càng ngày càng ghê gớm và tinh vi. Vậy mà chính quyền trước đã không làm gì mà còn làm ngơ. Đó là chưa nói trong nhiều trường hợp còn tiếp tay. Nhưng ngày ấy đã qua rồi.
https://www.whitehouse.gov/…/remarks-vice-president-pence-…/

Không có nhận xét nào: