Thứ Năm, 18 tháng 10, 2018

Đòn thương mại Mỹ phát huy tác dụng: Dân TQ thấy tương lai bi kịch, Bắc Kinh mất bình tĩnh

Hải Võ | 

Đòn thương mại Mỹ phát huy tác dụng: Dân TQ thấy tương lai bi kịch, Bắc Kinh mất bình tĩnh
(Ảnh: MarketWatch)

Tờ Nhân dân Nhật báo mới đây lên tiếng bác bỏ gay gắt luồng ý kiến bi quan về tương lai của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại với Mỹ.

Ý kiến bi quan lan rộng trong dư luận Trung Quốc
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đang tích cực chống lại luồng ý kiến ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ trong nước, thể hiện thái độ bi quan. Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc - ngày 17/10 trấn an công chúng rằng xung đột thương mại với Mỹ chỉ tác động rất nhỏ lên tương lai của đất nước.

Khẳng định những ảnh hưởng từ các đòn đánh thương mại của chính quyền tổng thống Donald Trump là hạn chế, NDNB cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc không phụ thuộc vào Mỹ, và Trung Quốc là một nước "siêu lớn", đủ để tự mình đi lên.
Tờ báo thúc giục người dân không mất niềm tin vào viễn cảnh tốt đẹp trong tương lai.
"Một số người theo chủ nghĩa bi quan ở Trung Quốc lập luận rằng chúng ta không thể thắng cuộc chiến thương mại [với Mỹ] hay không có đủ khả năng để chiến tranh thương mại," NDNB nêu.
"Một số thậm chí cho rằng chiến tranh thương mại có thể làm lệch hướng 'vận mệnh quốc gia' của Trung Quốc, và tin rằng chiến tranh thương mại sẽ kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc trong vài thập kỷ tới."
Bài xã luận chỉ trích các ý kiến bi quan trên là "vô căn cứ" và đánh giá sai tình hình kinh tế Trung Quốc, cũng như bỏ qua "những ưu thế độc đáo về thể chế" của Trung Quốc - bao gồm sự lãnh đạo của đảng và bộ máy nhà nước mạnh mẽ để tận dụng được các nguồn lực quan trọng.
Bài viết của NDNB là một phần trong nỗ lực tuyên truyền của Bắc Kinh nhằm củng cố lòng tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp vào thị trường trong nước, trong bối cảnh nền kinh tế đứng trước sự lo ngại ngày càng gia tăng của công luận về rủi ro "tổn thương lâu dài" trong cuộc đối đầu thù địch với Mỹ.
Đài phát thanh nhà nước Trung Quốc (CNR) cũng tham gia vào chiến dịch quan hệ công chúng. Đài này xuất bản một xã luận trên website của mình vào tối 16/10, nói rằng Trung Quốc có rất nhiều "đạn dược" để chống lại Mỹ trong chiến tranh thương mại.
"Hành động kiềm chế và lý trí của Trung Quốc không có nghĩa là Trung Quốc đã hết đạn," bài viết có đoạn. "Ngược lại, khả năng phục hồi cùng thị trường khổng lồ của nền kinh tế Trung Quốc trao cho đất nước kho đạn dược hùng mạnh để đối đầu với cuộc chiến thương mại này."
Bắc Kinh và Washington chưa chính thức nối lại các vòng đàm phán để hóa giải mâu thuẫn thương mại, dù nhiều báo cáo gần đây cho hay tổng thống Trump có thể gặp chủ tịch Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina cuối tháng 11 tới.
Trong khi đó, ông Trump cảnh báo sẽ áp thuế quan mới lên thêm 267 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc - động thái tấn công lên gần như toàn bộ mặt hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.
Đòn thương mại Mỹ phát huy tác dụng: Dân TQ thấy tương lai bi kịch, Bắc Kinh mất bình tĩnh - Ảnh 1.
Lo lắng vẫn gia tăng trong dư luận Trung Quốc bất chấp chiến dịch tuyên truyền của nhà nước (Ảnh minh họa: Bloomberg)
Thị trường Trung Quốc đủ sức hấp thụ hết tác động của chiến tranh thương mại
Thực trạng tác động của chiến tranh thương mại lên kinh tế Trung Quốc sẽ được xác định vào thứ Sáu tới (19/10), khi Cục thống kê nhà nước (NBS) ra báo cáo về tăng trưởng kinh tế quốc gia trong quý ba. Tốc độ tăng trưởng được ước đoán là 6.6%, giảm nhẹ so với 6.7% trong quý hai.
Thị trường tài chính Trung Quốc đã "ngấm đòn" mạnh trong chiến tranh thương mại. Chỉ số chứng khoán Thương Hải mất khoảng 25% trong năm nay, trong khi đồng Nhân dân tệ mất giá 9% so với hồi tháng 2.
Quan ngại của công chúng Trung Quốc về tác động tiêu cực của bất kỳ thuế quan nào mới từ phía Mỹ, cùng với khả năng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc để né đòn của Mỹ, đang ngày càng rõ rệt, bất chấp Bắc Kinh cố gắng kiểm soát thông tin trong phạm vi hẹp.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thể hiện quyết tâm của ban lãnh đạo trong cuộc chiến thương mại trường kỳ với Mỹ, nếu cần thiết. Trong chuyến khảo sát tỉnh Hắc Long Giang tháng trước, ông nói chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ buộc Trung Quốc phải tự thân vận động để phát triển và đó "không phải là chuyện xấu".
Trong xã luận ngày 17, tờ NDNB khẳng định chiến tranh thương mại sẽ không làm quá trình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bị "sảy chân", mà tác động lên nền kinh tế sẽ được hạn chế "trong phạm vi có thể kiểm soát".
"Lý do quan trọng, mà nhiều người dựa vào đó để đưa luận điểm bi quan, là họ nhìn nhận sai rằng sự cởi mở của Trung Quốc với thế giới là sự mở cửa [chỉ] với Mỹ, và do đó họ thổi phồng sức mạnh của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung."
"Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, nhưng không phải là đối tác duy nhất," tờ báo chỉ ra. "Hãy nhìn vào hãng Huawei, dù Mỹ đã ngăn cấm Huawei tham gia vào thị trường Mỹ, nhưng Huawei vẫn khá thành công tại các nước khác."
"Cơn gió mạnh có thể tạo ra sóng lớn giữa hồ, nhưng sẽ không là gì giữa đại dương," báo đảng Trung Quốc so sánh, nói rằng thị trường nội địa Trung Quốc đủ lớn để hấp thụ hết "cú sốc" từ chiến tranh thương mại.
theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào: