Thứ Năm, 11 tháng 10, 2018

THAY XÂY NHÀ HÁT, TƯỢNG ĐÀI BẰNG VIỆC TÌM HÀI CỐT LIỆT SĨ ĐANG NẰM RẢI RÁC TRÊN CÁC VÁCH ĐÁ VỊ XUYÊN



Chú em tôi liệt sĩ Phạm Hữu Tạo, sinh năm 1959, thuộc C 2 D 1 E 876, F 356 đã hy sinh trong trận 12/7/1984 khi tham gia tấn công Cao điểm 772 Vị Xuyên, Hà Giang...Năm 1985 gia đình tôi nhận được báo tử do Đại tá Nguyễn Xuân Được Ký, hiện ông có tên là Nguyễn Văn Được là Thượng tướng, Chủ tịch Hội CCB Việt Nam. Trong báo tử ghi: Do tính chất trận chiến đấu ác liệt không lấy được thi hài...Tôi muốn chuyển tấm giấy báo tử này tới Thượng tướng Nguyễn Văn Được, với tư cách người đã ký giấy báo tử của em trai tôi và hiện đang là Chủ tịch Hội CCB VN quan tâm tới vấn đề này...

Xin giới thiệu tậm nguyện của CCB F 313 Trần Nam Thái phát biểu về chủ đề này

Nam Thái Trần ( CCB F 313)
4 giờ · 

Nói về cuộc chiến tranh bảo vệ BGPB không thể không nói tới chiến trường Vị Xuyên Hà Giang.
Nói về chiến trường Vị Xuyên Hà Giang không thể không nói về hàng ngàn xác thân liệt sỹ vẫn đang còn lưu lạc nơi chiến địa , chưa được quy tập .
Là người lính đã từng suốt hơn 3 năm trời ở Vị Xuyên, từng cùng đồng đội rất nhiều lúc phải đội pháo đạn , mò mẫm giữa bãi mìn để đi gom tìm , vận tải những thân xác anh em đồng đội bị hy sinh , tôi thực sự vô cùng thất vọng với lối ứng xử của những cơ quan hữu trách thời hậu chiến .
Vẫn biết rằng để giữ được cương thổ của Tổ quốc trước sự xâm lăng của kẻ thù , những người lính phải chiến đấu. Đã chiến đấu ắt phải có hy sinh, mất mát. Sự đổ máu, hy sinh thân mình một cách thầm lặng, khiêm nhường của những người lính chính là sự hy sinh lớn nhất.
Việc thân xác của họ bị thất tán chôn vùi nơi chiến trường cũng nằm trong sự hy sinh cao
cả ấy. Tất cả những điều đó đã trở nên rất đỗi bình thường ở mọi chiến trường, ở mọi cuộc chiến tranh trong sự nghiệp dựng nước , giữ nước của mọi thế hệ người lính QĐND trên mảnh đất Việt Nam .
Thế nhưng, khi chiến tranh đã kết thúc, cương thổ của Tổ quốc đã được gìn giữ vẹn nguyên , không lẽ người ta lại có thể ứng xử hờ hững, lạnh lẽo với mảnh đất mà nơi đó đã từng có hàng chục ngàn những người lính mang mồ hôi xương máu và cả cuộc đời, thân xác của mình ra để bám trụ, gìn giữ như vậy sao? Vì lẽ gì ?
Tại sao ngày ấy, trên mảnh đất ấy, những người lính thế hệ chúng ta có thể ăn đói mặc rách, đầu đội pháo, chân đạp mìn, chấp nhận đối mặt với cái chết để chiến đấu với kẻ thù. Rồi lại sẵn sàng đương đầu với cái chết để đi tìm đón liệt sỹ, cáng chuyển những thân xác đã tan nát, phân hủy của họ để quy tập về nghĩa trang. Thế mà, trong suốt gần ba mươi năm yên bình đã qua, với những điều kiện thuận lợi, người ta lại không thể làm tiếp được việc tìm kiếm những hài cốt bị thất lạc ấy? Vì sao ?

Hay tại bởi dốc núi quá cao, đường đi lối lại quá gập ghềnh khúc khuỷu? Hay tại bởi những quả đạn, trái mìn sát thương vẫn còn nằm rải rác quá nhiều trên mảnh đất ấy? Hay tại bởi làn không khí chết chóc đau thương vẫn còn phủ kín nơi đó dù chiến tranh đã qua suốt từng ấy năm trời? Hay những trang sử thi đẫm máu bi thương ngày đó cần phải được khép lại, cất kín, để cho những trang mới đẹp đẽ hơn rồi sẽ được viết ra?
Tất cả những điều đó đều có thể là câu trả lời dẫu chưa được hợp tình hợp lý lắm cho câu hỏi xót xa đau đớn ấy. Và, là những người từng khoác áo lính, chúng ta sẵn sàng chấp nhận như một nghĩa cử. Hương hồn các liệt sỹ cũng sẵn sàng như thế. Chỉ mong rằng đừng bao giờ còn có chiến tranh nữa xảy ra trên mảnh đất Vị Xuyên nói riêng và mảnh đất quê hương Việt Nam nói chung .
Trong khoảng 4-5 năm nay , thỉnh thoảng có thông tin người dân đi rừng phát hiện hài cốt liệt sỹ, báo cho cơ chính quyền địa phương để quy tập. Giữa năm 2018 này, lại có thông tin bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang đã thành lập đội truy tìm quy tập liệt sỹ. Mừng vì những động thái nghĩa cử và trách nhiệm đó, vẫn thấy đầy rẫy suy tư lo lắng về việc thực hiện .
Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, việc thiết thực nhất và nên làm đầu tiên hiện nay chính là phải sớm đưa được hài cốt anh em liệt sỹ về Nghĩa trang , không để nằm vương vất trên các khu chiến địa nữa.
Để làm được việc đó, đối với các cơ quan dân, chính, đảng của tỉnh Hà Giang, nên xúc tiến việc vận động các cơ quan truyền thông tuyên truyền kêu gọi sự quan tâm ủng hộ của nhà nước và xã hội .
Về phía Quân đội, nên tiến hành rà phá vật liệu nổ, đồng thời tìm, gom nhặt hài cốt bộ đội. Nếu là hài cốt cá nhân , thì lấy mẫu phẩm gửi giám định ADN , lưu lại thành bộ . Nếu là những mảnh hỗn độn không thể phân biệt, thì mai táng thành mộ tập thể.
Về phía các gia đình có liệt sỹ hy sinh tại Vị Xuyên trong khoảng thời gian có chiến sự ( căn cứ theo giấy báo tử, với những thông tin về đơn vị, ngày tháng, địa điểm hy sinh, đồng thời kết hợp với những thông tin từ đồng đội còn sống...), cũng tiến hành xét nghiệm ADN của gia đình, lập thành ngân hàng ADN. Sau này, mỗi khi có di cốt liệt sỹ , sẽ đối chiếu ADN của liệt sỹ với ngân hàng ADN này để tìm nhân thân liệt sỹ.
Muốn xúc tiến được những việc này , cần có kinh phí . Tiền trong ngân quỹ quốc phòng, trong ngân quỹ địa phương, từ các nguồn tài trợ của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, hay tiền đóng góp từ tập thể, cá nhân .v.v...Tất cả đều là của nhân dân. Nên chăng , hãy tạm gác việc xây dựng những công trình tưởng niệm, kỷ niệm...lại, huy động những nguồn kinh phí đó vào các việc thiết thực nhất bây giờ:
- Rà phá vật liệu nổ .
- Tìm kiếm , gom nhặt di cốt .
- Xác định ADN của di cốt .
- Hỗ trợ các thân nhân liệt sỹ xét nghiệm ADN .
- Hỗ trợ gia đình bố mẹ đẻ, vợ con liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn.
Thai60 tôi thiết nghĩ, muốn tri ân liệt sỹ một cách thiết thực nhất, không gì bằng hãy tập trung nhân tài vật lực, trí năng, tình cảm của mọi người trong xã hội để lo những việc đó. Sẽ có ích và thiết thực hơn rất nhiều so với việc xây lên những cây hương, những công trình tưởng niệm, để rồi chỉ khói hương, khóc lóc, cảm thương ....
Những công trình ấy cũng rất nên có, những biểu đạt nghĩa cử nhớ thương ấy cũng không thể thiếu. Nhưng, một khi đồng đội liệt sỹ của chúng ta 30 năm qua vẫn còn nằm phơi xương trắng trên những sườn đồi vách đá đầy rẫy bom mìn kia, một khi thân nhân liệt sỹ vẫn còn quá nhiều gia cảnh túng quẫn bần hàn trong cuộc sống thường ngày... Xin hãy bắt tay vào làm những điều thiết thực nhất, đúng với những nguyện ước lớn lao nhất của họ .
Xin hãy làm mọi cách để đưa liệt sỹ về nghĩa trang , đừng để chút di cốt cuối cùng của họ phải tiếp tục lưu lạc, rữa tan trong sự hững hờ quên lãng .
Xin hãy làm mọi cách để thân nhân liệt sỹ được vợi bớt khó khăn trong cuộc sống vật chất, được ấm lòng hơn trong đời sống tình cảm, tinh thần.
Xin hãy tôn vinh, tri ân liệt sỹ bằng chính những việc làm thiết thực nhất cho họ và thân nhân của họ .
Là những người lính, thời còn trẻ tráng, chúng ta đã từng sẵn sàng cống hiến hy sinh cho Tổ quốc, cho nhân dân. Đến nay, sau mấy mươi năm, chúng ta vẫn sẵn sàng gác lại những vinh quang cống hiến của mình sang một bên, để làm những điều nghĩa cử thiết thực nhất cho cuộc đời này, bằng khả năng của mình...
Vài lời tâm sự từ cõi lòng ngổn ngang suy tư ,

Thai60 xin chia sẻ giãi bày cùng các đồng đội và bạn bè.

Không có nhận xét nào: