Nếu Việt Nam quản lý không chặt, liệu có chỗ nào người Trung Quốc không đủ khả năng mua?
Đây là nỗi trăn trở, lo ngại của ông Nguyễn Anh Sơn, nguyên Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định khóa XIII, nguyên Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trước sự đổ bộ của các công ty, tập đoàn Trung Quốc vào thị trường bất động sản Việt Nam trong những năm gần đây.
Ông Nguyễn Anh Sơn chia sẻ nỗi lo này ông đã mang từ rất lâu, khi nhìn vào sự có mặt của nhà đầu tư Trung Quốc ở nhiều lĩnh vực khác rồi sang bất động nghỉ dưỡng, các khu vực kinh tế trọng điểm…
Theo vị nguyên ĐBQH, Trung Quốc có nhu cầu xuất khẩu vốn ra nước ngoài nên tìm mọi cách dể xâm nhập vào nhiều quốc gia khác, không riêng gì Việt Nam.
Với thị trường bất động Việt Nam, ông Nguyễn Anh Sơn ghi nhận sự tham gia của các nhà đầu tư Trung Quốc giúp cho thị trường có thêm nguồn vốn, góp phần kích thích thị trường phát triển. Tuy nhiên, điều khiến ông không mấy yên tâm chính là cách tiếp cận, thâm nhập vào thị trường bất động sản Việt Nam của các nhà đầu tư Trung Quốc.
“Họ không tuyên bố gì mà cứ âm thầm săn lùng các dự án bất động sản tại Việt Nam và dần thâu tóm chúng. Bao giờ họ cũng lựa chọn những dự án ở vị trí đắc địa, những khu đất có vị trí quan trọng không chỉ về mặt kinh tế thuần túy, thậm chí có những khu đất mà vị trí của nó trước giờ không có dấu hiệu gì của sự tăng trưởng kinh tế. Vấn đề là nhà đầu tư Trung Quốc nhìn xa hơn và họ có cách thâm nhập rất chậm rãi, không lộ diện.
Nguyên ĐBQH khóa XIII Nguyễn Anh Sơn
Bài học của Đà Nẵng vẫn còn đó. Nhà đầu tư Trung Quốc cứ thông qua người Việt Nam, bằng cách góp vốn mua cổ phần, phần vốn góp của các doanh nghiệp Việt Nam để sở hữu đất tại Đà Nẵng, trong đó có nhiều đất ven biển.
Trong khi đó, người Việt Nam lại suy nghĩ rất đơn giản, cứ kiếm được tiền mà không sai luật thì cứ làm, việc kiếm tiền ấy quá dễ dàng, nhiều người còn tay không bắt giặc. Nhà đầu tư Trung Quốc chỉ cần tư cách pháp nhân của doanh nghiệp trong nước, thông qua đó để sở hữu đất.
Tương tự như cách làm với nhiều lĩnh vực kinh doanh khác, với thị trường bất động sản, nhà đầu tư Trung Quốc thường nhắm vào những dự án lớn đang đóng băng ở Việt Nam. Họ thấu hiểu tình hình khó khăn hiện tại của doanh nghiệp bất động sản Việt Nam và ngã giá dự án với giá rẻ bèo. Họ tinh vi ép giá sao cho càng rẻ càng tốt.
Nếu Việt Nam không quản lý cho chặt thì chẳng có chỗ nào người Trung Quốc không mua được. Họ mua cả bất động sản Mỹ, có chỗ nào họ không đủ khả năng mua?
Vì thế, đối với Việt Nam, nếu không có cảnh báo hay biện pháp để đề phòng thì một ngày nào đó, khi rơi vào thế đã rồi, liệu chúng ta có xử lý được hay không? Những dự án lớn trong các thành phố, ở các địa phương đã bị nhà đầu tư Trung Quốc thâu tóm dễ dàng thì những dự án đất ven biển sẽ ra sao?”, vị nguyên Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trăn trở.
Ông Nguyễn Anh Sơn nhấn mạnh, câu chuyện thâu tóm bất động sản của nhà đầu tư Trung Quốc không hề mới mẻ, nó đã và đang là chủ đề nóng bỏng tại nhiều quốc gia khác trên thế giới như Anh, Mỹ, Australia, nhiều quốc gia Đông Nam Á khác và được cảnh báo từ nhiều năm nay.
Tương tự, tại Việt Nam, “cách làm của nhà đầu tư Trung Quốc từ xưa nay vẫn như thế vậy mà tại sao nhiều doanh nghiệp Việt vẫn cứ bập vào?”, ông đặt câu hỏi.
Từ những lo ngại trên, ông Sơn cho rằng, quan trọng nhất là khâu chọn lọc dự án, Việt Nam không thể cứ tiếp nhận tất cả một cách vô điều kiện. Bên cạnh đó, ông đề nghị cần xem xét các doanh nghiệp của Việt Nam có làm ăn thực sự hay không.
“Để kiểm soát một cách tuyệt đối thì rất khó. Nhưng cứ nhìn vào các doanh nghiệp xem doanh nghiệp nào làm thật, đủ tiềm lực thật thì lọc ra để họ làm. Ngược lại, doanh nghiệp nào chỉ lo nhận tiền của người ta làm rồi để một ngày nào đó để cho người ta chiếm mất thì phải kiên quyết không cho làm.
Đã đến lúc Việt Nam phải quản lý cho chặt chẽ hơn, đừng để một lúc nào đó chúng ta phải nói câu “không ngờ…” và rơi vào thế bị động”, ông Nguyễn Anh Sơn nói.
Nguồn http://baodatviet.vn/bat-dong-san/thi-truong/von-trung-quoc-thau-tom-bds-viet-nam-nhieu-noi-lo-3367281/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét