Thương Nguyễn Thị
"Công thức thần kỳ
của Trung Quốc là gì?
Một mặt, Eximbank và CDB tự tài trợ cho chúng bằng cách phát hành trái phiếu cho các ngân hàng thương mại Trung Quốc mua, một khoản chi được bảo đảm bởi khoản tiền gửi tiết kiệm của 1,3 tỉ người Trung Quốc. Vì không có phúc lợi nhà nước, người dân Trung Quốc tiết kiệm trên 40% thu nhập của họ, mức tiết kiệm cao nhất trên thế giới. Mặt khác, số lượng tiền gửi khổng lồ này được kết hợp với điều các nhà kinh tế gọi là “thắt chặt tài chính”, trong hệ thống của Trung Quốc có nghĩa là người gửi tiền buộc phải thua lỗ với khoản tiết kiệm của họ."
Đầu
tư ra nước ngoài của Trung Quốc và các khoản cho vay của chính phủ Trung Quốc
từ lâu đã được báo chí thế giới đặc biệt quan tâm thông tin. Qua truyền thông,
các chuyên gia và học giả cũng đã liên tục thông tin và bình luận về hai vấn đề
bức xúc này. Nhưng đa phần các bài báo, các bài phân tích đều đề cập đến một dự
án cụ thể, một khoản vay cụ thể. Không hài lòng với các thông tin manh mún, hai
nhà báo người Tây Ban Nha là Juan Pablo Cardenal và Heriberto Araujo đã bỏ ra
hơn 2 năm ròng rã, từ năm 2009 đến đầu năm 2011 để lấy tài liệu, điều tra và
viết nên cuốn sách Đạo Quân Trung Quốc Thầm Lặng. Bản gốc tiếng Tây Ban Nha có
tên La Silenciosa Conquista China xuất bản năm 2011 tại Tây Ban Nha, bản dịch
Anh ngữ có tên là China’s Silent Army của Catherine Mansfield xuất bản tại Anh
và Hoa Kỳ vào năm 2013. Bản tiếng Việt có tựa đề Đạo Quân Trung Quốc Thầm Lặng
được dịch giả Nguyễn Đình Huỳnh chuyển ngữ từ bản dịch tiếng Anh, được Nhà xuất
bản Hội nhà văn ấn hành năm 2016. Những câu trích dẫn có ngoặc kép trong bài
này được lấy từ bản dịch tiếng Việt.
Hai
nhà báo người Tây Ban Nha, đúng nguyên tắc báo chí độc lập và khách quan, đã
tiến hành đến trực tiếp hiện trường tác nghiệp để tìm hiểu về các dự án do
Trung Quốc đầu tư hay tài trợ để tránh rơi vào các bẫy giai thoại và truyền
miệng. Và cũng để bảo đảm tính độc lập của cuốn sách, hai nhà báo này đã không
tìm tài trợ từ bất cứ nguồn nào, hay nói cách khác, họ tự bỏ tiền túi cho những
hành trình cam go và tốn kém. Họ đã đến hơn 20 quốc gia, bay 80 chuyến bay với
tổng chiều dài 235.000 km, và họ đã “vượt qua mười một biên giới đất liền và
mạo hiểm sinh mạng của mình trong hành trình 15.000 km trên những cung đường
nguy hiểm và những lối mòn bẩn thỉu”, theo lời hai nhà báo này. Hai nhà báo
J.P. Cardenal và H. Araujo đã thực hiện tổng cộng 500 cuộc phỏng vấn trong
những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Cũng theo hai nhà báo này, họ đã thỏa thuận
với nhau sẽ tuân thủ một nguyên tắc cơ bản là ngoài việc lắng nghe tất cả các
phía, họ sẽ ưu tiên tiếng nói từ các cấp của nhà nước Trung Quốc, những người
đang điều khiển đằng sau sự bành trướng của Trung Quốc. Hai nhà báo dũng cảm
này đã không đặt ngọn đuốc dưới ánh đèn sân khấu mà làm sáng tỏ những góc tối
nhất. Kết quả là, một cuốn sách không dựa vào những tài liệu mơ hồ, những đồn
thổi vu vơ, chỉ dựa vào những tư liệu sống động đã ra đời.
Theo
đánh giá của các nhà điểm sách, Đạo Quân Trung Quốc Thầm Lặng là cuốn sách đầu
tiên khảo sát sự tăng trưởng chưa từng thấy của đầu tư kinh tế Trung Quốc vào
thế giới đang phát triển và tác động của nó ở các quốc gia tiếp nhận, đồng thời
đưa ra bức tranh thực tế hiếm hoi về cỗ máy tàn phá khủng khiếp là tập đoàn
Trung Quốc- “China Inc”.
Đầu tư hay tàn phá?
Theo
Đạo Quân Trung Quốc Thầm Lặng, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc
chủ yếu diễn ra trong các ngành khai thác tài nguyên. “Lời nguyền tài nguyên”-
một thuật ngữ dùng để chỉ việc khai thác tài nguyên chỉ có lợi cho một nhóm
người, có hại cho cộng đồng, tàn phá môi trường hoàn toàn đúng với các ông chủ
Trung Quốc. Myanmar, một nước láng giềng của Trung Quốc là nạn nhân thảm hại
đầu tiên mà cuốn sách nhắc đến.
Vào
năm 2005, cứ mỗi 7 phút lại có một chiếc xe tải chở 15 tấn gỗ xẻ khai thác bất
hợp pháp ở Myanmar qua cửa khẩu và bon bon tiến về Trung Quốc. Hay nói cách
khác, mỗi năm có một triệu mét khối gỗ xẻ quý giá biến mất khỏi rừng Myanmar để
đáp ứng nhu cầu gỗ tăng cao ở Trung Quốc. Tài sản rừng và đa dạng sinh học
khổng lồ của Myanmar đã khiến Trung Quốc vươn vòi bạch tuộc vào khu vực Kachin,
khai thác khốc liệt các khu rừng, các khoáng sản và đá quý. “ Công thức thường
được áp dụng: người Myanmar cấp phép khai thác tài nguyên thiên nhiên cho ai
trả giá cao nhất trong khi người Trung Quốc trả giá cao và chẳng thắc mắc gì.
Bên thứ nhất trở nên giàu có một cách ghê tởm, còn bên thứ hai lấy đi ngọc
bích, vàng và gỗ. Những người thua cuộc duy nhất là hơn một triệu dân phần lớn
nghèo khó trong vùng, những người không thấy điều kiện sống của mình cải thiện
chút nào dù tài sản quốc gia bị cướp phá tàn bạo”.
Công
cuộc khai thác mỏ của các ông chủ người Trung Quốc tại khu vực Cachin của
Myanmar đã làm bùng nổ các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm và AIDS. Trong
cuốn sách, một người dân bản địa đã mô tả vùng đất Cachin là một nơi dã man như
thời trung cổ, đó là vùng đất tàn bạo và tuyệt vọng, tràn lan ma túy, AIDS,
bệnh tật, là chỗ trú khốn cùng, là đày ải không cùng và đau khổ triền miên.
Cộng
hòa liên bang Nga cũng là một nạn nhân tồi tệ của việc người Trung Quốc tận lực
khai thác gỗ ở khu vực Viễn Đông. Trong khoảng thời gian dài kể từ năm 1992,
mỗi năm có khoảng 10 triệu mét khối gỗ từ CHLB Nga xuất sang Trung Quốc, điều
đó cũng có nghĩa là, mỗi năm các tay chơi Trung Quốc khai thác và mua từ Nga 10
triệu mét khối gỗ quý. Quá trình khai thác theo lối tận diệt rừng của người
Trung Quốc với sự tiếp tay tích cực của những người Nga tham lam đã làm suy
thoái nghiêm trọng hệ sinh thái vùng Viễn Đông. Quá trình hủy diệt này đã tác
động tiêu cực đến loài hổ quý hiếm Siberia: rừng kiệt quệ và không còn nguồn
thức ăn nên loài hổ Siberia đã nhiều lần phải ăn thịt lẫn nhau.
Mozambique
cũng là nạn nhân đau thương của lòng tham Trung Quốc. Người Trung Quốc “ cho
người Mozambique vay tiền để những người này làm hình nộm kiếm cho công ty giấy
phép mà theo luật chỉ cấp cho công dân Mozambique. Cũng bằng cách cấp các khoản
vay cho người Mozambique để họ mua các phương tiện cần thiết và nộp tiền mặt ký
quỹ theo yêu cầu của chính quyền để có giấy phép khai thác , các công ty Trung
Quốc chồng chất các khoản nợ lên người dân địa phương, buộc họ phải bán tài
nguyên thu được từ rừng cho người Trung Quốc với điều kiện rất thuận lợi”. Hai
nhà báo Juan Pablo Cardenal và Heriberto Araujo không có số liệu về gỗ quý từ
Mozambique xuất sang Trung Quốc nhưng họ dẫn lời một doanh nhân kinh doanh gỗ
người Tây Ban Nha ở Mozambique: “ Dưới tay người Trung Quốc, 25% rừng đã biến
mất ở các tỉnh Sofala, Zambezia và Nampula, đó mới là kể sơ. Bốn hoặc 5 năm nữa
sẽ không còn lại gì. Nếu khai thác gỗ vẫn tiếp tục ở mức hiện tại, toàn bộ dự
trữ gỗ cứng của Mozambique sẽ bị xóa sổ trong vòng chưa đầy mười năm”. J.P.
Cardenal và H. Araujo kết luận chắc nịch : “Sự làm ngơ hoàn toàn của chính
quyền Trung Quốc trong việc theo dõi nguồn gốc của gỗ- một quy trình được các
nước có trách nhiệm thường xuyên thực hiện- hoàn tất cách làm của tội ác hoàn
hảo này”.
Cho vay trách nhiệm hay
chiếm đoạt?
Các
khoản cho vay của chính phủ Trung Quốc đối với các quốc gia nghèo thực chất là
gì? Là ân tình, là trách nhiệm, là giúp đỡ, hay là một âm mưu, hay là chiếm
đoạt? Đạo Quân Trung Quốc Thầm Lặng giúp người đọc có câu trả lời chuẩn xác.
Công
hòa dân chủ Congo(DRC) có lẽ là quốc gia nghèo đói và chậm phát triển nhất thế
giới. Và Trung Quốc đã chọn quốc gia nghèo đói này để ký kết hợp đồng lớn nhất
của mình ở Châu Phi. Trên cơ sở hợp đồng đã ký trong năm 2008, Trung Quốc chịu
trách nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho sự phát triển của DRC để đổi
lấy quyền khai thác trữ lượng đồng và coban khổng lồ của quốc gia này trong
vòng 30 năm tiếp theo. Không có chính sách cả hai cùng thắng trong hợp đồng có
nhiều điều khoản mù mờ, có lợi cho Trung Quốc, có hại cho DRC. Không có công
bằng trong hợp đồng thế kỷ này. “ Trước tiên, giá trị của nguồn tài nguyên mà
Trung Quốc có được từ khai thác mỏ của Congo vượt áp đảo đầu tư của Trung Quốc.
Trong khi các công ty nhà nước Trung Quốc đầu tư 6 tỉ đô la thông qua Ngân hàng
Eximbank của Trung Quốc, lợi nhuận mà coban và đồng có thể mang lại cho
Sicomines – công ty liên doanh chịu trách nhiệm quản lý đầu tư, tiến hành xây
dựng cơ sở hạ tầng mới, vận hành mỏ và phân chia lợi nhuận thu được từ khai
thác tài nguyên này- có khả năng đạt từ 40 tỉ đến 120 tỉ đô la, nói cách khác,
gấp từ 6 lần đến 20 lần giá trị đầu tư”. Hai nhà báo Tây Ban Nha xác quyết
rằng, hợp đồng này đã làm DRC mất ít nhất là 20 tỉ đô la từ tài nguyên khoáng
sản. Người Trung Quốc chân thành hay người Trung Quốc tham lam?
Angola
là nạn nhân đau đớn của các khoản vay từ Trung Quốc. Vào năm 2004, giữa Angola-
một quốc gia có trữ lượng dầu mỏ cực kỳ lớn và Trung Quốc ký một thỏa thuận đặc
biệt, theo đó, Trung Quốc sẽ cho Angola vay 14,5 tỉ đô la thông qua các ngân
hàng nhà nước của Trung Quốc, Angola sẽ trả cho Trung Quốc mỗi ngày 200.000
thùng dầu, và cho phép các công ty Trung Quốc khai thác tài nguyên khoáng sản
của Angola. Trung Quốc được gì ngay sau khi thỏa thuận có hiệu lực? Mỗi ngày có
200.000 thùng dầu cho một thị trường khổng lồ đang đói nhiên liệu, một lô khai
thác dầu ngoài biển Angola. Angola nhận được gì? Một nhà hoạt động xã hội người
Angola nói với hai nhà báo Tây Ban Nha: “(Trung Quốc) đã thực hiện một số dự án
xây dựng lớn ở Angola. Không có cái nào trong số đó được bàn giao. Hoàn toàn
không. Và điều đó dẫn chúng tôi đến một câu hỏi: họ có thực sự cho chúng tôi
vay? Tiền có thực sự đến và liệu nó có bị đánh cắp hay bị làm sao?”.
Tại
Angola, Trung Quốc đã tài trợ và tiến hành xây dựng sân bay quốc tế có tổng vốn
đầu tư 2 tỉ đô la. Dự án này, theo thiết kế, rất lớn, và dự kiến hoàn thành vào
năm 2010. Nhưng vào thời điểm năm 2010, dự án này chỉ là những bức tường lạnh
lùng. Tuy nhiên, chính quyền Angola không bao giờ phàn nàn về tiến độ rùa bò
của dự án mà họ cho rằng rất có ý nghĩa với sự phát triển của Angola. Những
khoản hối lộ hậu hĩnh từ giới doanh nhân Trung Quốc đã làm cho mồm miệng các
quan chức nín lại.
Ai
thắng, ai thua trong thỏa thuận Angola- Trung Quốc? Không ai khác ngoài con cá
mập luôn luôn đói khát.
Thế
giới văn minh từ lâu đã đặt ra câu hỏi: chính phủ Trung Quốc lấy nguồn tiền nào
để cho các nước nghèo vay một cách phóng khoáng khi mà cách đây hơn 10 năm họ
chưa có tiềm lực mạnh như bây giờ? Trong quá trình thực hiện thiên phóng sự
điều tra Đạo Quân Trung Quốc Thầm Lặng, hai nhà báo J.P. Cardenal và H. Araujo
đã tìm thấy câu trả lời chính xác, và đây thực sự là một sự thật đau đớn: “Từ
đâu các ngân hàng Eximbank và CDB có được nguồn lực không giới hạn của họ? Làm
thế nào mà một quốc gia đang phát triển như Trung Quốc lại có thể trở thành một
thế lực tài chính hùng mạnh khi phần còn lại của thế giới đang phải trải qua
khủng hoảng kinh tế? Công thức thần kỳ của Trung Quốc là gì? Câu trả lời cho bí
ẩn này được tìm thấy ngay tại trung tâm của chế độ độc tài: nói ngắn gọn, chính
người dân Trung Quốc chi trả cho giấc mơ và tham vọng của nhà nước Trung Quốc,
cho dù họ có thích hay không. Vì sao? Một mặt, Eximbank và CDB tự tài trợ cho
chúng bằng cách phát hành trái phiếu cho các ngân hàng thương mại Trung Quốc
mua, một khoản chi được bảo đảm bởi khoản tiền gửi tiết kiệm của 1,3 tỉ người
Trung Quốc. Vì không có phúc lợi nhà nước, người dân Trung Quốc tiết kiệm trên
40% thu nhập của họ, mức tiết kiệm cao nhất trên thế giới. Mặt khác, số lượng
tiền gửi khổng lồ này được kết hợp với điều các nhà kinh tế gọi là “thắt chặt
tài chính”, trong hệ thống của Trung Quốc có nghĩa là người gửi tiền buộc phải
thua lỗ với khoản tiết kiệm của họ. ….Vì vậy, tổn thất tài chính người dân
Trung Quốc phải gánh chịu vừa khớp với nhu cầu của “công ty Trung Quốc”, sử
dụng số tiền này(với lãi suất trên thực tế bằng 0) cung cấp cho các công ty nhà
nước tài chính giá rẻ để thực hiện cuộc chinh phục toàn cầu… Vì vậy, cây đũa
thần kỳ diệu của việc tài trợ vốn không giới hạn được trả với giá cực đắt bởi
những người tiết kiệm Trung Quốc, đồng thời, đối thủ cạnh tranh thương mại của
Trung Quốc tố cáo nguồn tín dụng ưu đãi này là không công bằng”.
Đạo
Quân Trung Quốc Thầm Lặng là một cuốn sách rất đáng để đọc, nhất là đối với
những người muốn tìm hiểu cách thức bành trướng toàn cầu của “công ty Trung
Quốc” đang làm thay đổi cuộc sống của mọi người trên hành tinh này. Cuốn sách
này cũng sẽ giúp người đọc hiểu tại sao Trung Quốc lại vồ vập với chiến lược
“một vành đai, một con đường”, hay chiến lược “Trung Hoa mộng”. Cuốn sách cũng
chỉ ra rằng, chỉ có các quốc gia có nền chính trị độc tài- nơi các chính trị
gia luôn hào hứng với các khoản hối lộ khổng lồ, mới vồ vập với các khoản đầu
tư và các khoản cho vay từ chính quyền Trung Quốc.
Tâm Don (VNTB)
Dã tâm quân sự của Trung Quốc thông qua “Vành đai và con đường” tại Pakistan
- Huệ Anh
- •
- Thứ Sáu, 21/12/2018 • 750 Lượt Xem
Kế hoạch “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc được chính phủ nước này nói là dự án kinh tế thuần túy, nhưng dư luận vẫn luôn nghi ngờ đằng sau sáng kiến này còn có cả mục đích mở rộng quân sự. Truyền thông Mỹ có được một bản “kế hoạch bí mật” giữa Trung Quốc và Pakistan, theo đó kế hoạch “Một vành đai, Một con đường” của hai nước Trung Quốc và Pakistan bao gồm phát triển máy bay quân sự, hệ thống dẫn đường, hệ thống radar và chiến hạm.
Tờ New York Times bản tiếng Trung đưa tin hôm 20/12, tờ báo này đã tra cứu “kế hoạch bí mật” giữa Trung Quốc và Pakistan, kế hoạch này được nhận định là một phần của kế hoạch “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc, mục đích là mở rộng quy mô sản xuất máy bay, vũ khí và trang bị khác của Trung Quốc tại Pakistan.
Bản tin cho biết, đề nghị chưa được tiết lộ này là do không quân Pakistan và quan chức Trung Quốc đưa ra hồi đầu năm, hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan sẽ xây dựng một đặc khu kinh tế tại Pakistan để sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ mới.
Đề nghị này đã được quan chức Bộ Quy hoạch và phát triển của Pakistan xác nhận, đề nghị sẽ mở rộng hợp tác về chiến đấu cơ JF-17 hiện nay. Máy bay chiến đấu được lắp ráp tại Khu liên hợp hàng không Kamra do quân đội Pakistan vận hành. Nó được Trung Quốc thiết kế để cung cấp cho Pakistan một phương án thay thế cho máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ.
Đề nghị này còn nhắc đến, hai nước Trung Quốc – Pakistan cùng chế tạo hệ thống dẫn đường, hệ thống radar và chiến hạm chở vũ khí tại nhà máy của Pakistan.
Thực ra, từ trước năm 2013, khi công bố kế hoạch “Một vành đai, Một con đường”, Trung Quốc – Pakistan đã ký kết xây dựng mạng lưới vệ tinh, xây dựng “hệ thống dẫn đường Bắc Đẩu” để thay thế hệ thống GPS của Mỹ.
Trong sách trắng năm 2015 của mình, chính phủ Trung Quốc nói rằng mạng vệ tinh này là một phần của “Con đường tơ lụa thông tin”. Giống như hệ thống GPS, hệ thống dẫn đường Bắc Đẩu cũng có chức năng dân dụng và quân dụng.
Bản tin cho biết, nếu thử nghiệm hệ thống này có tiến triển thuận lợi, Bắc Kinh có thể sẽ cung cấp dịch vụ quân sự của hệ thống Bắc Đẩu cho các nước khác, từ đó xây dựng một tập đoàn hành động quân sự quốc gia khó có thể bị Mỹ giám sát. Đến năm 2020, 35 vệ tinh của hệ thống này và các vệ tinh của nước hợp tác trong “Một vành đai, Một con đường” phóng lên, sẽ hoàn thiện hệ thống Bắc Đẩu. Tuy nhiên hệ thống này là một mối đe dọa đối với Mỹ.
Tháng 5 năm nay, Bộ Quốc phòng Mỹ đệ trình báo cáo lên Quốc hội nước này nói, mặc dù Trung Quốc công khai phản đối quân sự hóa không gian, nhưng quân đội Trung Quốc vẫn tiếp tục tằn cường năng lực quân sự không gian của mình, trong đó có việc Trung Quốc phát triển hệ thống dẫn đường Bắc Đẩu và vũ khí mới.
Bản tin dẫn lời của quan chức Islamabad (Pakistan) nói, những kế hoạch này đang trong giai đoạn phê chuẩn cuối cùng, dự tính chính phủ đương nhiệm sẽ phê chuẩn dự án này.
Trung Quốc đề xuất sẽ đầu tư 1 nghìn tỷ USD (Đô la Mỹ) vào kế hoạch “Một vành đai, Một con đường”, hiện tại có khoảng 70 nước tham gia.
Tuy nhiên cùng với việc kế hoạch được thực thi, nhiều vấn đề nổi cộm tại các nước tham gia vào kế hoạch này cũng dần thể hiện rõ. Theo nhiều kênh truyền thông đưa tin, ít nhất 13 nước rơi vào rủi ro khủng hoảng nợ vì dự án “Một vành đai, Một con đường”, trong đó có quốc gia châu Á, châu Phi, châu Âu. Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ cung cấp khoản vay 62 tỷ USD cho Pakistan, hiện tại có hơn một nửa công trình trong “Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan” đã được hoàn thành.
Những nước rơi vào khủng hoảng nợ, có nước bắt buộc phải nhượng lại một phần quyền sở hữu khu vực, cơ sở hạ tầng cho Trung Quốc hoặc cho Trung Quốc thuế thời gian dài.
Ví dụ như cảng Gwadar Port của Pakistan, 91% thu nhập của cảng này trong thời gian 40 năm tới sẽ thuộc về Trung Quốc; cảng Hambantota của Sri Lanka phải cho Trung Quốc thuê 99 năm.
Những cảng này được cho là có vị trí chiến lược quan trọng, đúng là quân đội Trung Quốc chuẩn bị mở rộng cứ điểm chiến lược “vòng trân châu” ở quanh Ấn Độ Dương.
Năm ngoái, Trung Quốc đã sử dụng căn cứ quân sự ở nước Djibouti của châu Phi, đây là căn cứ quân sự mà Trung Quốc ngồi chễm trệ ở nước ngoài, đã được bố trí các thiết bị quân sự. Căn cứ quân sự này cách căn cứ quân sự Lemonnier (Camp Lemonnier) của Mỹ tại Cuba chỉ 6 dặm Anh.
Trong “Báo cáo về quân lực Trung Quốc” của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố ngày 16/8 có nói, kế hoạch “Một vành đai, Một con đường” và Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á của Trung Quốc, lợi dụng tổng hợp các thủ đoạn, sử dụng thực lực tăng trưởng kinh tế, ngoại giao và quân sự, để tiếp tục mở rộng sức ảnh hưởng ra toàn cầu.
Tuy nhiên, “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc ngày càng bị nhiều nước sở tại cũng như các nước châu Âu Mỹ chỉ trích. Ví dụ như sự kiện Lãnh sự quán Trung Quốc bị tấn công hồi tháng 11, tổ chức vũ trang “Quân giải phóng Balochistan” (Balochistan Liberation Army) đã cảnh cáo chính phủ Trung Quốc, không nên tiếp tục lợi dụng danh nghĩa của “hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan” để chiếm đoạt nguồn tài nguyên và đất đai của tỉnh Balochistan, nếu không họ sẽ tấn công lần nữa.
Huệ Anh
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét