Ngày 1/12 tại Argentina, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí về một “lệnh ngừng bắn thương mại” giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đồng loạt đưa tin lãnh đạo hai nước đã đạt được thỏa thuận trên tại bữa tiệc tối diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) tại Buenos Aires.
Tờ “Nhân dân Nhật báo” cho biết Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình nhất trí hai nước sẽ không áp thuế bổ sung nhằm vào nhau kể từ ngày 1/1/2019, thời điểm Mỹ dự kiến tăng thuế đối với lượng hàng hóa 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc từ 10% lên 25%.
Theo thỏa thuận, một khi Mỹ ngừng áp thuế bổ sung, Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hóa Mỹ và đồng ý mở cửa thị trường. Hai bên thỏa thuận ngừng áp thuế bổ sung trong một giai đoạn 90 ngày, viện dẫn những tiến triển trong đàm phán thương mại.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông Trump và ông Tập Cận Bình đã đạt được sự đồng thuận về những vấn đề quan trọng, đồng thời nhất trí xúc tiến đàm phán để tiến tới xóa bỏ các khoản thuế bổ sung đánh vào hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước.
Hai bên không công bố chi tiết của thỏa thuận đình chiến thương mại, song đều đánh giá cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình diễn ra tích cực, hiệu quả. Cố vấn thương mại hàng đầu của Tổng thống Trump, ôngLarry Kudlow, nói với báo giới rằng cuộc hội đàm kéo dài hơn 1 giờ đã diễn ra “rất tốt” và hai nhà lãnh đạo “rất hạnh phúc” khi gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Argentina.
Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch Trung Quốc nêu rõ: “Kể từ cuộc gặp trước, đã có nhiều thay đổi trong tình hình thế giới. Với tư cách hai nước lớn, Trung Quốc và Mỹ có tầm ảnh hưởng đặc biệt và chia sẻ trách nhiệm quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng thế giới. Hợp tác là lựa chọn tốt nhất cho cả hai. Tôi mong muốn nhân cuộc gặp hôm nay trao đổi với Ngài Tổng thống về những vấn đề cùng quan tâm và kế hoạch cho quan hệ Mỹ-Trung giai đoạn tiếp theo”.
Ngay sau khi bữa tiệc tối kết thúc, Nhà Trắng đã ra một tuyên bố cho biết Tổng thống Trump đánh giá quan hệ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “rất đặc biệt”.
Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã leo thang căng thẳng, đặc biệt trong vấn đề thương mại. Trong hơn 3 tháng qua, hai bên đã liên tiếp triển khai 3 gói áp thuế vào hàng hóa nhập khẩu của nhau và nâng quy mô áp thuế của các bên lên tới 360 tỷ USD với mức áp thuế bổ sung từ 5-25%. Tổng thống Trump dự kiến nâng mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc lên 25% so với mức 10% hiện tại. Ngoài ra còn đánh thuế bổ sung với 267 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu khác.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc thậm chí còn đe dọa ảnh hưởng tới thành công của Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Argentina, như điều từng xảy ra đối với Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Papua New Guinea hồi tháng trước.
Tuy nhiên, cuối cùng lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã tìm được sự đồng thuận, dù mới chỉ là bước khởi đầu trên một chặng đường dài tiến tới hạ nhiệt căng thẳng song phương. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20, mâu thuẫn Mỹ-Trung cũng đã không cản trở các nhà lãnh đạo G-20 đưa ra tuyên bố chung.
Ngày 1/12, sau hai ngày làm việc khẩn trương và căng thẳng, Hội nghị thượng đỉnh G-20 đã chính thức khép lại với việc thông qua tuyên bố chung, khẳng định sự đồng thuận trong những vấn đề được coi là gai góc nhất và có nhiều sự khác biệt nhất như thương mại quốc tế, bảo vệ môi trường và di cư.
Phát biểu tại phiên bế mạc, Tổng thống nước chủ nhà Mauricio Macri khẳng định việc các nước thành viên đạt được sự đồng thuận để ra tuyên bố chung của hội nghị phản ánh sự cần thiết phải hồi sinh thương mại quốc tế và những lo ngại về hậu quả của biến đổi khí hậu. Mặc dù vậy, đây cũng chính là hai vấn đề từng là những thách thức của Tổng Trump, người không thực sự đồng tình với cách tiếp cận thương mại tự do của Liên minh châu Âu và cũng từng tuyên bố rằng ông thậm chí không tin rằng biến đổi khí hậu tồn tại.
Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo G20 khẳng định thương mại quốc tế và đầu tư là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới, tạo việc làm và phát triển, đồng thời thừa nhận sự đóng góp của hệ thống thương mại đa phương để thực hiện mục tiêu này. Cho rằng hệ thống hiện nay chưa thực hiện tốt vai trò của mình, các nhà lãnh đạo G20 bày tỏ sự ủng hộ với một sự cải tổ cần thiết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của mình.
Liên quan tới biến đổi khí hậu, văn kiện bản chỉ ra rằng các nhà lãnh đạo G20 đã lưu ý về báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc về tác động của sự nóng lên của Trái đất, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng chống lại các diễn biến thời tiết khắc nghiệt và thiên tai. Phát biểu bế mạc của Tổng thống Argentina cũng đề cập tới Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc sẽ được tổ chức vào tuần tới, coi đó là cơ hội để thảo luận những vấn đề cần phải cải thiện để hoàn thành những cam kết trong lĩnh vực này.
Trên cơ sở đó, tuyên bố chung cho biết các bên tham gia ký kết Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu khẳng định đây là một cam kết không thể đảo ngược, phản ánh trách nhiệm khác nhau, cũng như khả năng tương ứng tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi quốc gia. Văn kiện cũng ủng hộ những hành động và hợp tác tại các nước đang phát triển, đặc biệt là các quốc gia dễ bị tổn thương.
Tuyên bố chung nêu rõ, mặc dù vẫn kiên quyết thực hiện quyết định rút khỏi Thỏa thuận Paris, song chính phủ Mỹ khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với tăng trưởng kinh tế và năng lượng thông qua việc sử dụng tất cả các nguồn năng lượng và công nghệ, cũng như bảo vệ môi trường.
Trong phiên họp toàn thể cuối cùng của hội nghị, các nhà lãnh đạo G20 cũng nhất trí cho rằng cuộc cách mạng công nghệ là một thách thức tác động tới việc làm và không thể tách rời khỏi giáo dục và đào tạo thường xuyên. Cùng với đó, hội nghị cũng thảo luận và thống nhất việc thúc đẩy bình đẳng giới, coi đó là một nhiệm vụ trọng tâm chứ không chỉ là một thực tế của công bằng xã hội và phát triển.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét