Mai V. Phạm
19-12-2018
Tám cơ quan an ninh – trong đó có sáu cơ quan thuộc chính phủ Hoa Kỳ và hai cơ quan thuộc Quốc hội – đều đồng thuận rằng, Putin đã “trực tiếp ra lệnh” trong chiến dịch tác động và mị dân, nhắm vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, nhằm phá hoại niềm tin của công chúng đối với các định chế dân chủ và làm suy yếu nền dân chủ Hoa Kỳ, gồm:
- Cơ quan Tình báo Trung ương (Central Intelligence Agency)
- Giám đốc Tình báo Quốc gia (Director of National Intelligence)
- Cục Điều tra Liên bang (Federal Bureau of Investigation)
- Cơ quan An ninh Quốc gia (National Security Agency)
- Bộ Tư pháp (Department of Justice)
- Bộ Nội an (Department of Homeland Security)
- Ủy ban Tình báo Hạ viện (House Intelligence Committee)
- Ủy ban Tình báo Thượng viện (Senate Intelligence Committee)
Trước hết cần minh định các cơ quan an ninh cao cấp này đều thuộc chính phủ Trump, không phải chính phủ Obama. Những người đứng đầu của các cơ quan này đều do ông Trump trực tiếp đề cử và được Quốc hội dưới quyền kiểm soát (majority) của Đảng Cộng hòa phê duyệt. Và quan trọng hơn, cả hai Ủy ban Tình báo của Hạ viện và Thượng viện đều dưới quyền kiểm soát của Đảng Cộng hòa.
Nga phá hoại nền dân chủ Hoa Kỳ như thế nào?
Theo báo cáo của các cơ quan tình báo và an ninh Mỹ, Nga đã tích cực sử dụng không gian mạng (cyberspace) để hack các cơ sở hạ tầng quan trọng, tiến hành các chiến dịch tuyên truyền kích động sự thù hằn và chia rẽ, lan truyền thông tin sai lệch, hack các hệ thống bầu cử cấp tiểu bang với mục tiêu giúp ông Trump thắng cử.
Các tin tặc của chính phủ Nga đã gửi email lừa đảo (phishing) tới 122 quan chứcđịa phương nhằm xâm nhập vào hệ thống của họ, để tác động đến kết quả bầu cử theo báo cáo của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA). Các quan chức của Bộ Nội an cũng báo cáo các tin tặc của chính phủ Nga đã nhắm vào các hệ thống bầu cử ở 21 tiểu bang Hoa Kỳ.
Bản cáo trạng của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ vào tháng 7/2018 kết tội 12 sĩ quan tình báo quân đội Nga, cáo buộc can thiệp cuộc bầu cử năm 2016: Nga đã xâm nhập website của một ủy ban bầu cử cấp bang và đánh cắp thông tin của khoảng 500.000 cử tri, bao gồm tên, địa chỉ, số an sinh xã hội, ngày sinh và số bằng lái xe. Bản cáo trạng còn vạch trần hàng trăm ngàn tài khoản tự động (bots accounts) và tài khoản giả (fake accounts) của an ninh Nga trên các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram và Twitter với mục đích lan truyền tin giả, nhằm hạ uy tín Hillary Clinton, kích động sự chia rẽ, nâng cao vị thế của Trump.
Cách bầu cử Tổng thống của Hoa Kỳ dựa trên hệ thống Đại cử tri (Electoral college) và nguyên tắc “winner-take-it-all” (người thắng ăn cả – trừ tiểu bang Maine và Nerbraska). Theo Hiến pháp Mỹ, mỗi bang được giao phó cho lượng phiếu Đại cử tri tương đương với đại diện tại Quốc hội (riêng District of Columbia được 3 phiếu). Ứng cử viên Tổng thống nào giành được ít nhất 270 phiếu Đại cử tri (trong tổng số 538 phiếu) sẽ thắng cử. Nguyên tắc “người thắng ăn cả” quy định ứng viên nào với đại đa số phiếu bầu phổ thông sẽ giành được toàn bộ phiếu Đại cử tri của bang đó. Tận dụng cách bầu cử khá đặc trưng của Mỹ, Nga đã đẩy mạnh tuyên truyền tại các bang có tính quyết định.
Clint Watts, cựu Sĩ quan FBI và là chuyên gia An ninh mạng hàng đầu của Hoa Kỳ, đã đưa ra các bằng chứng thuyết phục, chứng minh Putin đã giúp Trump thắng ít nhất hai tiểu bang Michigan và Wisconsin. Đội ngũ an ninh Nga chỉ cần tập trung tuyên truyền dối trá tại các bang quyết định, khiến các cử tri Mỹ chán nản, thất vọng và không đi bầu cho bà Hillary hoặc bầu cho ứng cử viên thứ 3 (không có cơ hội thắng), thì ông Trump sẽ vượt qua bà Clinton số phiếu phổ thông và giành thắng lợi phiếu Đại cử tri tại bang đó. Cụ thể, chỉ vỏn vẹn khoảng 80 ngàn phiếu phổ thông – là con số vô cùng nhỏ tại 3 tiểu bang đã giúp Trump giành chức tổng thống: Trump thắng phiếu phổ thông rất khít khao ở bang Michigan 10,704 phiếu; Wisconsin 22,177 phiếu; và Pennsylvania 46,465 phiếu. Ba tiểu bang này đã mang về cho Trump 46 phiếu Đại cử tri và góp phần quyết định cho thắng lợi ngôi vị Tổng thống thứ 45.
Michael Schmitt, Giáo sư Luật của trường đại học Havard và U.S. Naval War College, và cũng là chuyên gia nổi tiếng hàng đầu về luật quốc tế, đã khẳng định, Putin không cần phải “đánh” Mỹ bằng quân sự, mà chỉ cần tấn công vào tâm trí và tác động tới khả năng suy nghĩ độc lập của những cử tri không nắm rõ thông tin. Hàng chục triệu cử tri độc lập (independent voters) và cử tri chưa xác định sẽ bầu cho ứng viên tổng thống nào (undecided voters), đã bị tác động bởi bộ máy tuyên truyền dối trá và mị dân của Nga.
Hôm 17/12/2018, Thượng viện Mỹ công bố các báo cáo chứng minh sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 có quy mô rộng hơn so với báo cáo trước đó. Theo đó, cơ quan Nghiên cứu Internet (Internet Research Agency) của chính phủ Nga, đã thao túng chính trị Mỹ bằng cách kích động chia rẽ, cực đoan và thuyết âm mưu, cũng như lan truyền các thông tin sai lệch tới các cử tri. Họ còn kêu gọi người Mỹ gốc Phi tẩy chay cuộc bầu cử năm 2016 hoặc làm sai quy trình bỏ phiếu. Báo cáo còn tiết lộ, từ khi ông Trump đắc cử, Nga đã truyền đi các thông điệp vận động cử tri gốc Mỹ Latinh nghi ngờ chính phủ Mỹ. Richard Burr (Đảng Cộng hòa), chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, cáo buộc hành vi của Nga khiến công chúng mất niềm tin vào nền dân chủ Mỹ và các hoạt động của Nga vẫn chưa dừng lại.
Tại sao Putin muốn Trump đắc cử?
Một trong những chính trị gia mà Putin ghét ra mặt là bà Hillary Clinton bởi vào tháng 12/2011 Putin cho rằng Hillary chính là người đã kêu gọi người dân Nga tổ chức các cuộc biểu tình phản đối các cuộc bầu cử trá hình, gian lận của Putin. Putin căm giận và cay cú với bài phát biểu kể tội Putin của Ngoại trưởng Hillary Clinton: “Người dân Nga, cũng như người dân ở khắp nơi, xứng đáng để chính quyền lắng nghe tiếng và kiểm phiếu một cách công bằng. Và điều đó có nghĩa là họ xứng đáng một cuộc bầu cử công bằng, minh bạch và các nhà lãnh đạo phải có trách nhiệm với họ”.
Putin cảm thấy quyền lực chính trị của mình bị bà Hillary Clinton đe dọa và vô cùng tức giận trước bài phát biểu “không nể nang” của Hillary, vốn vạch trần bộ mặt gian trá và độc tài của Putin trước thế giới. Và đó cũng là lý do vì sao Putin ra lệnh an ninh chính phủ Nga tích cực đánh phá Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống 2016.
An ninh Nga đã chuẩn bị các kế hoạch lăng xê cho Trump từ năm 2015. Maria Butina là người vừa bị FBI bắt giữ và đồng ý nhận tội danh âm mưu hoạt động cho Nga trên đất Mỹ vào 10/12/2018. Nữ gián điệp 29 tuổi này đã viết một bài báo vào tháng 6/2015 – thời điểm Trump công bố tranh cử Tổng thống, lập luận rằng, chỉ có tổng thống Đảng Cộng hòa mới mang lại kết quả tốt đẹp cho quan hệ Mỹ-Nga. Một tháng sau, tháng 7/2015, tại một sự kiện ở Las Vegas có sự tham gia của ứng viên Trump, gián điệp Maria Butina đã giơ tay, muốn đặt 1 câu hỏi cho Trump. Chắc chắn, không phải ngẫu nhiên mà Trump chỉ và chọn Maria. Nữ gián điệp hỏi Trump nghĩ như thế nào về biện pháp trừng phạt, cấm vận của Mỹ đối với Nga sau khi Nga xâm lược Crimea vào năm 2014. Trump trả lời: “Tôi nghĩ tôi rất hợp ý với Putin. Tôi không nghĩ nước Nga lại cần cấm vận”.
Trong cuộc họp báo chung tại hội nghị thượng định Mỹ – Nga tại Helsinki, Finland vào ngày 16/7/2018, một phóng viên đã hỏi Putin như sau: “Ông có muốn Tổng thống Trump thắng cử không? Và ông có ra lệnh cho nhân viên chính phủ giúp Trump thắng cử không?” Putin trả lời: “Có, tôi có. Có, tôi có. Bởi vì Trump muốn bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Nga”.
Điều đáng nói là trước cuộc họp thượng đỉnh Trump-Putin, các cơ quan tình báo Mỹ đã báo cáo với Trump về các hoạt động phá hoại của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016. Thế nhưng, trước toàn dân thiên hạ, Trump nghi ngờ bản báo cáo của chính nội các mình và gọi nước Mỹ là ‘ngốc nghếch’ và ‘ngớ ngẩn’ khi để quan hệ Nga và Mỹ xấu đi.
Putin, kẻ thù của dân chủ
Sau khi Boris Yeltsin bất ngờ từ chức tổng thống Nga ngày 31/12/1999, trùm tình báo KGB là Putin nhận chức tổng thống Nga vào ngày 7/5/2000. Sau gần 20 năm cầm quyền (lâu nhất kể từ sau khi chế độ cộng sản sụp đổ tại Liên Xô), Putin liên tiếp bỏ tù các nhà báo dám nói lên sự thật và thanh trừng các nhà bất đồng chính kiến để thâu tóm quyền lực.
Putin luôn xem nền dân chủ và cuộc vận động dân chủ (democracy advocate) của Hoa Kỳ là một mối đe dọa với quyền lực chính trị của hắn. Một dân tộc chia rẽ, mất niềm tin vào các chuẩn mực dân chủ (bầu cử công bằng, minh bạch chính phủ) sẽ khiến nền dân chủ Hoa Kỳ suy yếu.
Giúp Trump – một ứng viên không xem trọng dân chủ và ngỏ ý giúp Putin dần loại bỏ các cấm vận mà Hoa Kỳ đã và đang trừng phạt Nga – là Putin cũng giúp chính mình củng cố quyền lực. Một Hoa Kỳ suy yếu và xem nhẹ việc bảo vệ dân chủ, nhân quyền, sẽ giảm bớt tầm ảnh hưởng toàn cầu và không quan tâm đến những việc làm sai trái của Putin (bỏ tù bất đồng chính kiến, ám sát đối lập, nhà báo…).
Trump là tổng thống cận đại đầu tiên không công bố thuế thu nhập cá nhân (tax returns) mặc dù hứa sẽ công khai cho dư luận. Trump cũng là tổng thống đầu tiên đang bị các cơ quan an ninh liên bang (federal của chính phủ Trump) và tiểu bang (state) điều tra ít nhất 17 vụ liên quan đến bầu cử và gian lận tài chính dính líu đến Nga. Và Trump cũng là tổng thống đầu tiên bị chính Bộ Tư pháp của mình chỉ ra làtội phạm nghiêm trọng (felon) trong một bản cáo trạng đầu tháng 12/2018.
Các hoạt động phá hoại bầu cử Mỹ năm 2016 của Putin là khá thành công khi gieo rắc được sự chia rẽ và chi phối được khá nhiều cử tri. Đọc nhiều bản tin sai lệch hoặc tin giả sẽ có ảnh hưởng độc hại đến khả năng suy nghĩ, vì thế phải học cách kiểm chứng thông tin vì “thông tin dối trá còn nguy hiểm hơn sự ngu dốt”. Một nền dân chủ suy yếu khi cử tri không đi bầu hoặc bầu “cho có” và thiếu vắng sự tham gia tích cực của các cá nhân và tổ chức.
Chính quyền Hoa Kỳ luôn tin rằng, bảo vệ nhân quyền và vận động dân chủ sẽ mang lại lợi ích và an ninh cho chính dân Mỹ. Từ khi nhậm chức cho đến nay, Donald Trump liên tục bóp nghẹt các định chế quan trọng như tự do báo chí, tự do ngôn luận và độc lập tư pháp – đúng như Putin mong đợi và dự đoán. Sẽ không ai vui sướng hơn Putin, Tập Cận Bình, Kim Jong-Un… khi tổng thống Hoa Kỳ chỉ tập trung bảo vệ lợi ích của chính mình và chà đạp lên các chuẩn mực dân chủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét