Thứ Ba, 4 tháng 12, 2018

Trân Văn - Khu lưu niệm Tố Hữu: Một tố cáo lóe sáng!; Xung quanh vấn đề phản đối xây tượng Tố Hữu tại Huế

Tin Việt Nam sẽ chi 28 tỉ, trong đó một phần là ngân sách trung ương, một phần là ngân sách địa phương và một phần là những nguồn huy động hợp pháp khác để xây dựng “Khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu” (1) chẳng khác gì một tố cáo!..

Một con đường được đặt tên Tố Hữu ở Hà Nội.
Việt Nam đang chìm trong biển nợ nần cả cũ lẫn mới. Trong một báo cáo về nợ nần quốc gia, Kiểm toán Nhà nước dự trù, năm nay, Việt Nam sẽ phải vay 195.000 tỉ đồng để hệ thống công quyền bù đắp bội chi, 146.770 tỉ đồng để trả nợ gốc và 40.000 tỉ đồng khác để cho vay lại. Kiểm toán Nhà nước ước đoán, đến cuối năm nay, nợ nần của Việt Nam sẽ xấp xỉ 63,9% GDP.

Tuy hệ thống công quyền khẳng định nợ nần chưa vượt ngưỡng an toàn theo tiêu chí của Việt Nam nhưng Ngân hàng Thế giới (WB) không lạc quan như vậy vì Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia dẫn đầu về tỉ lệ tăng trưởng của nợ nần (2). Rủi ro đang gia tăng khi trong vòng ba năm tới, chính quyền Việt Nam phải trả 50% tổng số nợ đã vay từ các nguồn trong nước.

Chẳng phải chỉ có WB cảnh báo về tính bền vững của tài khóa. Năm ngoái, sau khi thu thập số liệu, ông Vũ Quang Việt, cựu chuyên gia thống kê của Liên Hiệp Quốc, công bố tính toán của ông, theo đó, tính đến hết 2016, nợ nần (bao gồm cả nợ của chính quyền lẫn nợ của khối doanh nghiệp nhà nước mà chính quyền phải trả thay nếu những doanh nghiệp này mất khả năng trả nợ) chung của Việt Nam xấp xỉ 431 tỉ Mỹ kim, tương đương 210% GDP. Kinh tế không những khó phát triển mà còn đối diện nguy cơ khủng hoảng (3).

Giảm chi thường xuyên (chi để duy trì hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền), kiểm soát chặt chẽ chuyện vay và sử dụng tiền vay, hạn chế tối đa những khoản đầu tư vô bổ, sớm kết thúc tình trạng tăng trưởng… nợ nần luôn luôn vượt xa tăng trưởng kinh tế, đã được các chuyên gia trong và ngoài Việt Nam, các tổ chức tài chính quốc tế xem là giải pháp duy nhất để tránh kinh tế - tài chính quốc gia sụp đổ.

Tuy nhiên trên thực tế, biên chế vẫn thế, thậm chí không những không giảm mà còn tăng. Đầu tư cho các công trình vô bổ như cổng chào, tượng đài, khu lưu niệm, quảng trường,… vẫn tiếp tục được phê duyệt. Chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng nỗ lực hỏi vay cả ngoài lẫn trong nước. Nội lực của các nguồn thu, đặc biệt là nội lực của khối doanh nghiệp tư nhân suy giảm nhưng thuế, phí vẫn tăng. Chi thường xuyên nay đã xấp xỉ 70% tổng chi. Chi cho phát triển (đầu tư để gia tăng nguồn thu) vẫn giảm

***

Tuần trước, nhiều người Việt than “nhục” khi Đại sứ quán Nhật tại Việt Nam gửi thư cho cả chính quyền TP.HCM lẫn chính phủ Việt Nam cảnh báo, sẽ dừng thi công tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên vì phía Việt Nam “chậm thanh toán” khoản tiền chừng 100 triệu Mỹ kim cho các nhà thầu của Nhật.

Chi phí đầu tư tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên đã tăng từ 17.000 tỉ lên 47.000 tỉ. Nhật từng phê duyệt cho Việt Nam vay 42.000 tỉ (88,4%), Việt Nam phải chi thêm 11,6% vốn đối ứng (khoảng 5.000 tỉ). Bởi chính quyền TP.HCM không thể tự cân đối được khoản vốn đối ứng nên cậy tới chính phủ. Chính phủ thì khẳng định là có tiền nhưng phải chờ Quốc hội biểu quyết.

Xét ở góc độ kinh tế, cảm giác “nhục” khi xảy ra chuyện nhà thầu Nhật ngưng thi công vì phía Việt Nam “chậm thanh toán” không quan trọng bằng thiệt hại do dự án metro Bến Thành – Suối Tiên “chậm tiến độ” (không hoàn thành đúng dự kiến). Thiệt hại cho công quỹ sẽ là những chục ngàn tỉ.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) từng công bố một nghiên cứu cảnh báo, mỗi dự án đầu tư “chậm tiến độ” sẽ làm chi phí đầu tư tăng thêm 17,6% trong năm đầu tiên (trong đó có 6,5% là do lạm phát và 11,1% là do dự án không tạo ra lợi ích). Nếu thời gian hoàn thành dự án chậm từ hai đến ba năm, chi phí sẽ tăng đến 50% do những tác động phát sinh từ thâm hụt tài chính (4). Nếu dựa vào tính toán của ADB để tính thì có thể ước đoán ngay thiệt hại từ “chậm thanh toán” cho các nhà thầu Nhật đang thi công tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên là bao nhiêu.

Tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên khởi công từ 2010 và lẽ ra phải hoàn thành hồi 2015 nhưng vì thiển hiểu biết khi soạn – lập dự án, quản trị - điều hành tồi khi thực hiện, năm 2018 sắp hết nhưng tuyến metro này vẫn còn dở dang và không viên chức hữu trách nào từ trân xuống dưới có thể trả lời câu hỏi, bao giờ dự án metro Bến Thành – Suối Tiên hoàn tất. 17.000 tỉ vốn đầu tư theo dự kiến ban đầu đã tăng lên gấp ba, chắc chắn sẽ còn tăng nữa vì cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam hết sức chậm chạp trong việc xem xét – phê duyệt quyết định điều chỉnh đầu tư.

***

Bất kể công khố thiếu trước, hụt sau, nợ nần tăng phi mã, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn soạn – lập, phê duyệt hết dự án đầu tư này đến dự án đầu tư khác kiểu Khu lưu niệm Tố Hữu. Tại sao lại xây Khu lưu niệm Tố Hữu - nhân vật mà học sinh cấp hai, cấp ba đã thôi không còn phải tụng niệm các tác phẩm của ông ta suốt bảy năm trung học như thế hệ cha anh, nhân vật mà Xuân Sách từng thay mặt văn giới Việt Nam khái quát cả về tính cách lẫn khả năng:

Ta đi tới đỉnh cao muôn trượng

Mắt trông về tám hướng phía trời xa

Chân dép lốp bay vào vũ trụ

Khi trở về ta lại là ta

Từ ấy tim tôi ngừng tiếng hát

Trông về Việt Bắc tít mù mây

Nhà càng lộng gió thơ càng nhạt

Máu ở chiến trường, hoa ở đây!

- vào lúc này?

Xét về bản chất, câu hỏi tại sao chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế lại chọn xây dựng Khu lưu niệm Tố Hữu vào lúc này (?), cũng chẳng khác gì những câu hỏi mà công chúng các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và nhiều triệu người Việt khác nêu ra cách đây chưa lâu: Tại sao lại xây Khu tưởng niệm Fidel Castro ở Quảng Bình, rồi Công viên Fidel Castro ở Quảng Trị?

Đặt những quyết định đầu tư Khu tưởng niệm Fidel Castro, Công viên Fidel Castro, Khu lưu niệm Tố Hữu,… bên cạnh dự án metro Bến Thành – Suối Tiên để cân phân lợi - hại cho tiến trình phát triển, sẽ có thêm một câu hỏi nữa: Tại sao hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương rất mau mắn, sáng tạo trong việc tìm cho ra tiền, kể cả bán công thổ nhằm bù vào khoản thiếu hụt do ngân sách không kham nổi để hoàn thành cho bằng được Khu tưởng niệm Fidel Castro, Công viên Fidel Castro, Khu lưu niệm Tố Hữu,… nhưng lại rất chậm chạp trong việc xem xét – phê duyệt những dự án như tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên?

Chỉ có một câu trả lời: Soạn – lập, phê duyệt, thực hiện những Khu tưởng niệm Fidel Castro, Công viên Fidel Castro, Khu lưu niệm Tố Hữu,… an toàn hơn vì chỉ có “ta với ta”, còn những dự án như tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên phiền toái hơn vì dính đến Nhật. Nhật chẳng đã từng làm cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và nhiều viên chức của “ta” vỡ mặt vì “cắn” lầm ODA đó sao?

Trân Văn

------------------
Chú thích:

(1) http://daidoanket.vn/van-hoa/khoi-cong-khu-luu-niem-nha-tho-to-huu-vao-nam-2019-tintuc423512
(2) https://vov.vn/kinh-te/chi-tra-no-tang-nhanh-hon-tang-truong-de-doa-ben-vung-tai-khoa-761056.vov
(3) https://www.thesaigontimes.vn/156693/No-tra-no-va-khung-hoang.html
(4) http://baodansinh.vn/du-an-dau-tu-cong-diep-khuc-doi-von-cham-tien-do-d81577.html


(Blog VOA)

Xung quanh vấn đề phản đối xây tượng Tố Hữu tại Huế


Đầu tháng 12/2018, một số tờ báo của nhà nước Việt Nam đưa tin rằng một khu tưởng niệm nhà thơ Tố Hữu sẽ được xây dựng tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, trị giá 28 tỉ đồng, lấy từ ngân sách nhà nước.
 
Thông báo xây dựng khu tưởng niệm ông Tố Hữu tại Huế
Tờ báo mạng Thừa Thiên-Huế hy vọng rằng khu tưởng niệm này sẽ trở thành một địa chỉ văn hóa du lịch của Tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tờ này còn viết rằng ông Tố Hữu không chỉ là một lãnh đạo của Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam mà còn là một nhà thơ cách mạng hàng đầu.

Ông Tố Hữu từng nắm chức vụ Phó Thủ tướng phụ trách về kinh tế của Việt Nam trong những năm 1980, thơ của ông chiếm một phần quan trọng nhất trong sách giáo khoa văn học cho học sinh Việt Nam.

Nhưng ông cũng bị nhiều chỉ trích, cho rằng ông là một nhà thơ làm công việc tuyên truyền cho Đảng Cộng sản.

Theo nhà văn Nguyễn Viện, một người bất đồng chính kiến sống tại Sài Gòn thì cách nhìn nhân vật Tố Hữu, cũng như thơ Tố Hữu có hai góc khác biệt rõ ràng:

Đối với một nhân vật như ông Tố Hữu thì khó có cái nhìn công tâm, tùy theo quan điểm chính trị, lập trường của chúng ta như thế nào. Đối với những người trưởng thành trong bối cảnh xã hội chủ nghĩa, cụ thể là lớn lên ở miền Bắc, thì ngay từ thời trung học, họ đã được tuyên truyền rằng Tố Hữu là một nhà thơ tiêu biểu của cách mạng.”

Ông Nguyễn Viện là một người lớn lên ở miền Nam, cho rằng thơ của Tố Hữu không hay, thơ của ông nặng tính tuyên truyền, đôi khi đến nỗi khát máu, và nịnh bợ quá đáng.

Nhà thơ Hoàng Hưng, sống ở miền Bắc, thuộc thế hệ những nhà thơ nhà văn từng bị đàn áp trong vụ nhân văn giai phẩm, đồng ý với ông Nguyễn Viện rằng thơ Tố Hữu ở miền Bắc, một thời đã thấm sâu vào dân chúng còn hơn cả ca dao. Nhưng ông cho rằng Tố Hữu cũng là người có tài về mặt ngôn ngữ. Ông Hoàng Hưng lấy ví dụ bài thơ Việt Bắc của ông Tố Hữu, dù rằng vẫn là thơ tuyên truyền nhưng có những đoạn tả cảnh núi rừng thiên nhiên, thuần túy thơ ca, vẫn là những câu thơ hay.

Nhà văn Thùy Linh có cùng quan điểm này, rằng dù sau Tố Hữu vẫn là một nhà thơ có tài, nhưng nếu đặt ông vào vị trí độc tôn trong thơ văn Việt Nam thì không đúng.

Ông Tố Hữu bị chỉ trích nhiều nhất ở những câu thơ cổ vũ cải cách ruộng đất, mang tính sắt máu, mà người ta cho là do ông sáng tác:

Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,

Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,

Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,

Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt

Tuy nhiên nhà thơ Hoàng Hưng, dẫn lời nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, nói rằng đây là một nghi án văn chương, chưa chắc Tố Hữu đã làm những câu thơ đó.

Về mặt văn bản học thì không đáng tin lắm đâu. Cũng có nhiều người bảo rằng không phải, chỉ bịa ra thôi. Lại Nguyên Ân bảo rằng đây là một nghi vấn, mà các nhà nghiên cứu Tố Hữu phải chỉ ra rằng có đúng hay không.”

Theo sự cảm nhận cá nhân của nhà thơ Hoàng Hưng thì ông thấy những câu thơ mang tính giết chóc đó quá kém cỏi, có thể không phải từ một người có khả năng về ngôn ngữ như ông Tố Hữu.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân, một người lớn lên ở miền Nam nhận xét về ông Tố Hữu:

Ông ấy là một nhà thơ nổi tiếng, nổi tiếng theo kiểu là hàng đầu của văn học cách mạng. Nhưng đó là chuyện của cách mạng, không phải là chuyện của tôi. Nếu nói là Tố Hữu là một nhà thơ cách mạng cộng sản, thì Louis Aragon cũng theo cộng sản, Jean Paul Sartre thời kỳ đầu cũng chủ nghĩa cộng sản. Sự hấp dẫn của chủ nghĩa cộng sản đối với những văn hào trí thức cỡ đó thì Tố Hữu đi theo chủ nghĩa cộng sản cũng là chuyện bình thường. Nhưng vấn đề là sau đó, Louis Aragon và Jean Paul Sartre đã nhìn nhận lại, đó là thái độ của người trí thức, chúng ta không phê phán sự chọn lựa bạn đầu.”

Louis Aragon là một nhà thơ Pháp, còn Jean Paul Sartre là một nhà triết học Pháp, cả hai đều ủng hộ chủ nghĩa cộng sản trong những năm bắt đầu sự nghiệp của mình.

Ngoài tư cách là một nhà thơ cách mạng, ông Tố Hữu còn được biết như một nhà chính trị, trong đó vai trò của ông được đặc biệt nhấn mạnh trong cuộc đàn áp giới văn chương của phong trào Nhân văn giai phẩm tại miền Bắc sau năm 1954. Nhà thơ Hoàng Hưng, một nạn nhân của cuộc đàn áp đó nói với RFA:

Ngoài cái việc chung thì ông Tố Hữu còn có cái tư thù của ông ấy, vì nhóm Nhân văn dám làm một cuộc hội thảo để phê bình tập thơ Việt Bắc của ông ấy, trong đó có hai người là Trần Dần và Hoàng Cầm.”

Hai ông Trần Dần và Hoàng Cầm là hai nhà thơ bị đàn áp nặng nề trong vụ Nhân văn giai phẩm.

Theo nhà văn Thùy Linh, chính vị trí độc tôn mà cách mạng cộng sản dành cho ông Tố Hữu, cũng như vai trò đàn áp của ông trong vụ Nhân văn giai phẩm làm cho nhiều nhà văn nhà thơ Việt Nam nhìn ông Tố Hữu rất khắc khe, phủ nhận hết những gì gọi là thơ của ông ấy.

Một giáo viên tại Đà Nẵng, gốc Huế, nói với chúng tôi rằng ông cũng có định kiến về ông Tố Hữu, vì thế rất ít đọc về tác giả này.

Với câu chuyện xây khu tưởng niệm ông Tố Hữu tại Huế, người giáo viên này nói:

Theo tôi thấy thì người dân Huế chẳng ai quan tâm đến Tố Hữu hết, kể cả những người hoạt động cách mạng lúc trước, cho nên một công trình bề thế như vậy không cần thiết, hơn nữa xứ Huế là xứ nhỏ nhẹ, vừa phải, không cần làm những công trình đồ sộ vớ vẫn.”

Cả hai người, nhà thơ Hoàng Hưng và nhà văn Nguyễn Viện đều dễ dàng đồng ý với ý kiến này. Ông Hoàng Hưng cho rằng tưởng niệm một nhân vật thì không có gì quá đáng, nhưng với qui mô của dự án như vậy thì không cần thiết. Nhà văn Nguyễn Viện nói thêm rằng với tư cách một nhà chính trị thì ông Tố Hữu là là người mắc phải rất nhiều sai lầm trong những năm ông phụ trách kinh tế, mà bây giờ lập khu tưởng niệm với tiền thuế của dân nữa thì ông hoàn toàn không đồng ý.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân lại đưa ra một ý kiến khác:

Cứ xây đi, để sau này người ta còn có cái để mà hạ xuống. Đó là ý kiến cá nhân của tôi.”

Nhà văn Thùy Linh nói rằng, với hai tư cách, nhà thơ, và chính khách, Tố Hữu hoàn toàn thất bại.
 
Kính Hòa
 
(RFA)

Không có nhận xét nào: