Thứ Năm, 6 tháng 12, 2018

VNTB - Huế xây “lăng Tố Hữu” là thách thức dư luận?; Tố Hữu, người ta đang bỉ bôi ông ấy


Giang Nam (VNTB) 


Mấy bữa nay báo Đại Đoàn Kết đưa tin gắn gọn nhà cầm quyền Huế chuẩn bị xây dựng khu lưu niệm Tố Hữu 28 tỷ và chiếm hơn 4000 m đất công của huyện Quảng Điền trong năm 2019 bằng ngân sách nhà nước. Các báo khác không ngó ngàng đưa tin chuyện này. Cộng đồng FB thì ồn lên trút giận vào nhà thơ chính khách quá cố và cả chính quyền địa phương.

Nhớ lại 9 năm trước (2009), báo chí thông tin gia đình bà Vũ Thị Thanh cựu Phó Ban Tuyên giáo TW, bà quả phụ Tố Hữu, tưng bừng khánh thành “Nhà lưu niệm Tố Hữu” diện tích gần 120m2 gồm 2 tầng ở quận Cầu Giấy (Hà Nội). Để quảng bá “nhà lưu niệm” bà chủ mời các quan chức lúc bấy giờ như Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; ông Tô Huy Rứa - Ủy viên BCT, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; hoặc có tên tuổi như Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Lê Đức Anh. (VOV ngày 4/10/2009).

Tuy nhiên, 9 năm trôi qua trong lặng thầm, không ai quan tâm cái “nhà lưu niệm” ấy. Không báo chí nào đưa tin tiếp theo về hiệu ứng công chúng đối với cái Lưu niệm ấy nữa. Dường như ai cũng muốn quên đi.
Kế hoạch xây khu tưởng niệm cố Nhà thơ Tố Hữu gặp phản ứng. 
Năm 2018, tức 10 năm sau, chính quyền Huế lại công bố dự án xây “Khu lưu niệm Tố Hữu 2019”.

Tại sao bây giờ Huế phải ưu ái cho một người gốc Huế đã mồ yên mả đẹp ở Nghĩa trang Mai Dịch cao cấp Hà Nội là Tố Hữu ?

Tôi băn khoăn, dựa trên cơ sở nào và mục đích gì Huế xây Khu lưu niệm Tố Hữu ?

Nếu vì đền ơn đáp nghĩa thì Huế còn bao nhiêu liệt sĩ xứ Huế đã được đền đáp thỏa đáng?

Có bao nhiêu người con xứ Huế trong số khoảng 2.500 liệt sĩ chưa về nhà sau hơn 30 năm phơi mưa nắng trên những dãy núi đá ở Hà Giang và còn Lạng Sơn, Cao Bằng nữa ? Và trong số hài cốt hàng vạn liệt sĩ đã thiệt mạng trong các cuộc chiến từ 1945 – 1954, 1954 – 1975, 1979 – 1985 ở Cam pu chia, vẫn còn vất vưởng đâu đó !

Có bằng chứng gì cho rằng Tố Hữu có công lao đặc biệt với Huế chăng ?

Có gì chứng minh Tố Hữu yêu Huế?

Tố Hữu trước Sự biến tháng Tám năm 1945 viết thế này:

“Ta nện gót trên đường phố Huế
Dửng dưng không một cảm tình chi” !

Rút cục, động cơ nào khiến chính quyền Huế tôn vinh cố nhà thơ Tố Hữu với trị giá 28 tỷ và 4 000 mét vuông đất để làm gì?

Nếu tin tưởng vào giới chuyên môn thì xin hãy đọc Kỷ yếu Hội thảo chuyên đề thẩm định thơ Tố Hữu tại Khoa Văn ĐHSP Hà Nội năm 1992 (mà bản thân người viết cũng có tham gia). Hội thảo qui tụ tham luận của toàn bộ các cơ quan văn học trung ương và địa phương từ thành phố Vinh ra đến Hà Nội. Tóm tắt một câu: Hội thảo đánh giá thơ Tố Hữu rất thấp đến mức như một tuyên bố thay đổi giáo trình văn học.

Mạng xã hội với hàng ngàn câu hỏi: tại sao chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế lại chọn xây dựng Khu lưu niệm Tố Hữu vào lúc này? Cũng như những câu hỏi công chúng các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và nhiều triệu người Việt khác nêu ra cách đây chưa lâu: “Tại sao xây Khu tưởng niệm Fidel Castro ở Quảng Bình, rồi Công viên Fidel Castro ở Quảng Trị ” ?

Câu chuyện đua nhau xây lăng-tẩm tưởng niệm tại những tỉnh còn nghèo ở miền Trung làm không ít người gợi nhớ đến sự tích “Cung A Phòng và tượng đài”: Tần Thủy Hoàng Đế chết trong lúc đang xây dựng cung A Phòng. Tần Nhị thế lên ngôi, vẫn tiếp tục cho xây dựng cung A Phòng, bất chấp việc đó góp phần làm nản lòng dân và kiệt quệ nước Tần. Lý luận của Tần Nhị thế hết sức đơn giản và khốn nạn như sau: “Nếu bãi bỏ việc xây dựng cung A Phòng, thì khác nào chứng tỏ cái sai của tiên đế (trỏ Tần Thủy hoàng).”

Hay, "Nếu không làm việc đó (xây dựng khu lưu niệm), thì khác nào chứng tỏ Tố Hữu là một kẻ tội đồ, lý tưởng của Tố Hữu là đáng vứt bỏ hay sao?.

Tố Hữu, người ta đang bỉ bôi ông ấy

Đăng bởi: Thùy Trâm on Thứ Năm, 6 tháng 12, 2018 | 6.12.18

Việt Nam có lẽ là nơi có nhiều khu lưu niệm không đáng lưu tâm nhất, vì những nhân vật trong ấy nếu không bị người dân chê điểm này thì lịch sử cũng phủ nhận điểm kia. Tệ hơn nữa, có nhân vật vừa nằm xuống thì người dân đua nhau tung hê như thoát được một cái xiềng trong tâm hồn, một nỗi khinh bỉ chen lẫn sợ hãi kéo dài trong đời sống của họ.

Nhà thơ Tố Hữu và tập thơ Theo Chân Bác

Nói đâu xa, Tố Hữu, một nhà thơ quấn quanh mình miếng vải cách mạng và châm loại xăng cảm hứng để tự thiêu nhân cách và phẩm giá bằng những bài thơ không ai dám làm, bởi nó vừa hèn vừa bỉ ổi đến mức một trăm năm sau khi đọc lại người ta vẫn còn thấy mùi vị hố xí của nó vẫn còn phảng phất vậy mà người ta đang quyết tâm xây dựng khu lưu niệm dành cho ông tại quê hương Thừa thiên, Huế.

Tố Hữu hôm nay được tôn vinh như một nhà cách mạng vĩ đại, xây tượng, lập khu lưu niệm đến 28 tỷ, số tiền có thể xây dựng hàng chục ngôi trường cho các em nghèo bất hạnh. Nhưng tiền mặc dù lớn và lấy từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và nguồn huy động hợp pháp khác do UBND huyện Quảng Điền, không phải là câu hỏi khi gắn nó với Tố Hữu, hai chữ “lưu niệm” mới là vấn đề với nhà thơ nổi tiếng này.

Câu hỏi đặt ra: Tố Hữu có xứng đáng được nhân dân thương mến đến nỗi cần một khu lưu niệm để họ tới chia sẻ những thương mến đối với một hiền tài của đất nước hay không? Câu trả lời là một chữ “Không” chắc nịch, bởi nhiều lý do mà lý do nào cũng đạp đổ hình ảnh mà chính quyền này cố công xây dựng cho ông ta.

Tố Hữu có ba vai trò trong suốt cuộc đời cách mạng của ông. Vai trò thứ nhất là làm quan, trong nhiều vị trí cao cấp của đảng. Vai trò thứ hai là làm chính trị và vai trò thứ ba là làm...thơ. Cả ba vai trò ấy đều có vấn đề, mà đều là vấn đề lớn liên quan tới nhiều người, nhiều thế hệ và nhiều năm sau đó.

Nhà thơ Tố Hữu và vợ là bà Vũ Thị Thanh Courtesy Văn Nghệ Công An
Làm quan, Tố Hữu lợi dụng chức quyền đày đọa cả một thế hệ tinh hoa văn học trong phong trào Nhân văn giai phẩm. Đây là một phong trào đòi tự do nghệ thuật và thể hiện quan điểm chính trị của một số văn nghệ sĩ và trí thức sống ở miền Bắc, khởi xướng đầu năm 1955 và kết thúc vào tháng 6 năm 1958.

Là Thứ trưởng Bộ Tuyên truyển khi phong trào Nhân Văn giai phẩm nổi lên, Tố Hữu đã thẳng tay ra lệnh đàn áp, bắt bớ các thành viên của phong trào và cho tới nay người trong cuộc đã vạch trần mọi sự trước dư luận quần chúng. Trần Dần, Phùng Quán, Hữu Loan, Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Văn Cao, Phùng Cung…..Ngày nay thành viên Nhân văn giai phẩm được trả lại sự thật và phục hồi danh dự cho họ nhưng Tố Hữu vẫn lặng im như người ngoài cuộc mặc dù nhiều tư liệu cũng như lời chứng của người trong cuộc cho thấy ông ta chủ trì việc bách hại tự do sáng tác của phong trào này.

Làm chính trị, trong vai trò một Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Tố Hữu tham gia thảo luận và ký quyết định "Giá, lương, tiền" vào tháng 9 năm 1985. Quyết định này đã làm Việt Nam rơi vào vòng xoáy của lạm phát có lúc lên đến 770% và người dân oán thán như bị B52 tận diệt. Tố Hữu trở thành trò hề của kinh tế xã hội chủ nghĩa. Một năm sau cơn khủng hoảng, năm 1986, Việt Nam tiến hành đổi mới, Tố Hữu mất uy tín chính trị vì phải chịu trách nhiệm trong những vụ khủng hoảng tiền tệ nên bị miễn nhiệm các chức vụ quản lý, chỉ còn giữ chức danh đại biểu quốc hội.

Làm thơ có lẽ là lĩnh vực tai tiếng nhất của Tố Hữu. Ông được mệnh danh là nhà thơ cách mạng nhưng bỏ xa đồng nghiệp trong lĩnh vực tuyên truyền và nịnh bợ các tay trùm Cộng sản. Nếu những bài thơ đưa Hồ Chí Minh lên tới mây xanh thì người ta còn có thể hiểu được nhưng với Stalin, con ác quỷ của phe Xã hội chủ nghĩa mà Tố Hữu cũng làm những câu thơ tụng ca y ngang hàng với Thượng đế thì người dân không còn khả năng căm phẫn nữa, họ phỉ nhổ và chà đạp lên những từ ngữ trịch thượng mà Tố Hữu đã dày công sáng tác. Những câu thơ như thế này đã và vĩnh viễn là vết nhơ trong dòng thơ hiện đại Việt Nam, kể cả dòng thơ cách mạng:

“Áo Ông trắng giữa mây hồng
Mắt Ông hiền hậu, miệng Ông mỉm cười
Stalin! Stalin!
Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!

….

Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười”

Bao nhiêu thứ Tố hữu đã làm được lịch sử ghi lại đầy đủ. Chứng nhân trong vụ Nhân văn giai phẩm, gần sáu mươi triệu đồng bào cả nước trong vụ "Giá, lương, tiền" năm 1985 và hàng triệu trẻ con qua nhiều thế hệ học thơ Tố Hữu trong trường chẳng lẽ còn chưa đủ xấu hay sao mà lại bày trò xây dựng khu lưu niệm cho ông ấy?


Cánh Cò
Blog RFA

Không có nhận xét nào: