Thứ Hai, 2 tháng 10, 2017

Ông Lê Khả Phiêu: Dân, Đảng ủng hộ TƯ và Tổng Bí thư làm mạnh mẽ!

Thứ 2, 06:00, 02/10/2017

VOV.VN - Công tác cán bộ vô cùng quan trọng, để bồi dưỡng một cán bộ đòi hỏi rất nhiều vấn đề, nên mất một cán bộ là thiệt hại cho tổ chức, cho cách mạng.
“Vùng cấm trước đây cũng có, nhưng vừa qua “khui” được nhiều thứ, đó là bước mạnh mẽ của Trung ương, của Bộ Chính trị và đồng chí Tổng Bí thư. Chính cái đó thể hiện sự kiên quyết, giờ đang phải làm và nghiên cứu tiếp tục làm” - Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhấn mạnh khi trả lời báo chí.
Cán bộ tốt có khi thành xấu nếu không kịp uốn nắn
PV: Vừa qua, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương có nhiều kết luận, kỷ luật và đề nghị xử lý cán bộ vi phạm. Ông có suy nghĩ gì?
Ông Lê Khả Phiêu: Từ khi có Đảng ta đã có các Nghị quyết về công tác cán bộ và đã thấy công tác cán bộ cực kỳ quan trọng, sự lựa chọn để đào tạo trở thành cán bộ cũng lại là một bước vô cùng quan trọng. Bồi dưỡng rồi nhưng khi vào thực tiễn cuộc sống mới thể hiện bố trí người cán bộ đó có đúng và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ hay không.
nguyen tong bi thu le kha phieu: dan, dang ung ho tu va tong bi thu nguyen phu trong lam manh me!  hinh 1
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Muốn đánh giá sát nhất cán bộ phải thông qua thực tiễn, phải dựa vào quần chúng nhân dân
Có người tốt nhưng không phù hợp với công việc được bố trí. Chính quá trình theo dõi, giám sát cán bộ chưa thật sát nên có khi bố trí ở vị trí đáng ra ở cấp thấp lại vượt vài cấp hay chưa hợp lý nên mới có vấn đề nọ, vấn đề kia.
Tuy nhiên, cũng có tình huống người cán bộ được đánh giá đúng, bố trí đúng, nhưng khi vào thực tế thì người đó không phát huy được, thậm chí mắc sai sót. Như thế cũng tức là đánh giá chưa sát, chưa chắc.
Muốn đánh giá sát nhất cán bộ phải thông qua thực tiễn, phải dựa vào quần chúng nhân dân và các tổ chức, các cấp.
PV: Liệu có tiêu cực trong công tác cán bộ dẫn đến những sai sót không, thưa ông?
Ông Lê Khả Phiêu: Có nhiều cái ta đánh giá đúng, đưa cán bộ phù hợp, nhưng cũng có lần ta đánh giá sai, chưa sát để tìm ra yếu tố đánh giá chính xác về con người nên bố trí không đúng.
Bản thân cán bộ là một chuyện, nhưng tổ chức quản lý cán bộ phải chặt chẽ, phải hiểu được quá trình trưởng thành của cán bộ, có ưu nhược điểm gì. Chỉ thấy vài thành tích tốt rồi tâng lên ghê gớm khiến họ tự kiêu, trở thành người thành tích, rồi sau đó lại thoái hoá dần dần, nên người tốt cũng có khi thành xấu.
Cái quan trọng nhất khi nói đến công tác cán bộ là bản thân cán bộ phải tự bồi dưỡng, rèn luyện, tự phấn đấu, nhưng tổ chức phải biết được cái mạnh, cái yếu của họ. Chưa kể đến tiêu cực, nể nang mà chỉ cần những người có thành tích nhiều nhưng nảy sinh vài cái yếu mà tổ chức không thấy hoặc bỏ qua thì cái yếu nảy sinh khiến cái mạnh giảm đi, dẫn đến người cán bộ ban đầu tốt nhưng về sau phải loại. Mất cán bộ là rất đau, vì để bồi dưỡng được một cán bộ đòi hiểu rất nhiều vấn đề, mất một cán bộ là thiệt hại cho tổ chức, cho cách mạng.
Theo dõi con người cán bộ phải có quá trình, có bản lĩnh của cơ quan tổ chức và phải dựa vào quần chúng. Như gieo hạt giống, phải theo dõi xem nó phát triển thế nào. Cán bộ khi ở trên Trung ương và đi xuống thực tiễn, vào miền núi hay đồng bằng lại thể hiện rất khác nhau. Khi vào hoạt động thực tế thì anh muốn giấu cái xấu cũng rất khó, người ta biết cả. Khi anh làm việc, cái xấu của anh người ta biết cả chứ. Do đó, đánh giá đúng thì người cán bộ biết mình tốt thế nào, mình có tật gì để sửa, nhờ thế mà có người trở thành giỏi.
Cán bộ là cái gốc, công tác cán bộ là vấn đề cơ bản, nên cái gốc phải phát huy mới phát triển.
Có sai có kỷ luật, dứt khoát phải làm
Nghị quyết của Đảng nhấn mạnh tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nhiều trường hợp cụ thể thời gian qua cũng cho thấy quyết tâm xử lý tập thể, cá nhân sai phạm là không có vùng cấm. Theo ông, có thể hài lòng với kết quả đó chưa?
Ông Lê Khả Phiêu: Vùng cấm trước đây cũng có, nhưng vừa qua “khui” được nhiều thứ, đó là bước mạnh mẽ của Trung ương, của Bộ Chính trị và đồng chí Tổng Bí thư. Chính cái đó thể hiện sự kiên quyết, giờ đang phải làm và nghiên cứu tiếp tục làm.
nguyen tong bi thu le kha phieu: dan, dang ung ho tu va tong bi thu nguyen phu trong lam manh me!  hinh 2
"Vừa qua làm được như thế là đáng mừng, không phải hời hợt đâu, tiến bộ đấy, nhưng cũng không phải như thế là hết, mà vẫn còn"
Vừa qua là bước đi tốt, nhưng không phải như thế là xong mà làm sao để mọi Đảng viên tự giác để mình không vi phạm pháp luật, giữ con người mình trong sáng. Sức đề kháng của mỗi Đảng viên, dù ở cấp thấp hay cấp cao đều phải có dũng khí giữ gìn cho đúng. Còn có sai thì có kỷ luật, dứt khoát phải làm.
PV: Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cũng đã được quan tâm hơn, hạn chế việc trách nhiệm cá nhân “trốn” trong tập thể, thưa ông?
Ông Lê Khả Phiêu: Vấn đề vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tương đối có bước tiến. Bộ trưởng một Bộ phụ trách để xảy ra vấn đề thì trước hết trách nhiệm anh thế nào, rồi cấp phó phụ trách, rồi Đảng bộ…
Vừa qua làm được như thế là đáng mừng, không phải hời hợt đâu, tiến bộ đấy, nhưng cũng không phải như thế là hết, mà vẫn còn. Qua thực hiện có kinh nghiệm và tiếp tục làm hơn nữa, cứ như thế nhân dân và trong Đảng ủng hộ để các đồng chí Trung ương và Tổng Bí thư làm mạnh mẽ.
Ưu điểm, khuyết điểm đến đâu phải chỉ rõ đến đó để có mức xử lý cho phù hợp. Hình thức kỷ luật phải được lòng người, cũng phải thấy trong từng điều kiện, hoàn cảnh, từng trường hợp, nhưng dứt khoát phải có xử lý.
Công tác cán bộ vừa qua tiến bộ, từ đó góp phần xây dựng chỉnh đốn Đảng tốt lên, cái đúng cái sai phân minh hơn, làm cho tính tích cực cách mạng, vai trò vị trí người cộng sản mẫu mực hơn, có răn đe và chắc chắn hạn chế bớt tiêu cực.
PV: Nhiều người đã về hưu cũng bị xử lý vì có vi phạm trước đó, không ít trường hợp bị xoá bỏ chức vụ từng giữ. Vấn đề này cần được nhìn nhận thư thế nào để thấy được sự răn đe, thưa ông?
Ông Lê Khả Phiêu: Tất nhiên về hưu rồi thì không còn giữ chức vụ, nhưng phải coi đó là án kỷ luật của Đảng cho nghiêm minh. Dù về hưu rồi vẫn là Đảng viên, vi phạm thì cũng phải xử lý. Tinh thần như thế là đúng, nên làm, phải chỉ ra và qua đó răn đe các Đảng viên khác đừng có như thế.
Đang làm tốt rồi và phải làm tốt hơn nữa
PV: Nói đến lựa chọn và bố trí cán bộ thì vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành những tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể cho chức danh thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, như cán bộ đó phải không tham vọng quyền lực, không tham nhũng... Ông có cho rằng những tiêu chí, tiêu chuẩn này sẽ giúp loại cán bộ không xứng đáng?
Ông Lê Khả Phiêu: Nó có tác dụng. Không phải trước đây không nói tới, nhưng giờ ta cụ thể hoá ra. Trước đây Bác Hồ đã nói nhiều lần câu không ham quyền lực, nhưng giờ anh “chạy chức, chạy quyền” là anh ham quyền lực chứ còn gì nữa. Hay trình độ văn hoá anh thấp mà khai cao lên để có vị trí này kia thì cũng là ham quyền lực.
nguyen tong bi thu le kha phieu: dan, dang ung ho tu va tong bi thu nguyen phu trong lam manh me!  hinh 3
"Thấy sai thì nói sai, có khuyết điểm thì báo cáo chứ đừng có bao che, như thế Đảng mới trong sạch được. Khuyết điểm mà được chỉ ra thì người có khuyết điểm có thể sửa chữa, trở thành người tốt"
Những người có vi phạm phải bị xử lý kiên quyết, mạnh mẽ. Vừa qua làm thế là có bước tiến quan trọng, cảnh tỉnh mọi Đảng viên, làm cho nhân dân hài lòng nhưng nói hết chưa thì nói thẳng là còn chưa hết vi phạm.
PV: Cán bộ vi phạm cũng được cho có nguyên nhân từ kiểm soát quyền lực chưa thật tốt. Vậy vấn đề này cần thực hiện thế nào, thưa ông?
Ông Lê Khả Phiêu: Trước hết phải là tinh thần tự giác của từng người, thứ hai là phải làm đúng điều lệ Đảng, tự phê bình và phê bình, sinh hoạt phải dân chủ, bình đẳng.
Tự phê bình và phê bình cũng phải rất tự giác, đấu tranh thẳng thắn, nói rõ với nhau, thấy sai thì nói sai, có khuyết điểm thì báo cáo chứ đừng có bao che, như thế Đảng mới trong sạch được. Khuyết điểm mà được chỉ ra thì người có khuyết điểm có thể sửa chữa, trở thành người tốt.
Cùng với đó tăng cường kiểm tra, thanh tra, nhưng cơ quan kiểm tra làm không đủ đâu. Anh có chức có quyền lo thu vén bản thân rồi đời sống, nguyện vọng của dân anh bỏ qua là rất nguy hiểm. Dân mất lòng tin, dân thờ ơ thì rất nguy hiểm!
Công tác cán bộ giờ ta đang làm tốt rồi nhưng phải làm tốt hơn nữa.
PV: Vâng, xin cảm ơn nguyên Tổng Bí thư!./.
Hội nghị Trung ương 6 khoá XII chuẩn bị khai mạc sẽ bàn về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho biết, vấn đề này đã từng làm nhưng chưa đạt hiệu quả, bộ máy không những không tinh giản mà cứ phình ra. 
“Lần này phải làm cho tổ chức bộ máy tinh gọn, chất lượng cao, nếu không làm được việc đó sẽ dẫn đến trì trệ, khiến bộ máy trở thành quan liêu thì rất nguy hiểm. 
Không làm không được nữa rồi. Tất nhiên phải có cách làm đúng nhưng trước hết phải đặt vấn đề kiên quyết làm, không làm thì không phát triển được” – nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói. 

Ngọc Thành/VOV.VN

Ông Lê Khả Phiêu: Đừng để tinh thần 'đốt lò' chống tiêu cực nguội đi

Cựu Tổng bí thư cho rằng, việc các cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng hàng loạt vụ tiêu cực như vừa qua là "bước đi mạnh mẽ".

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu có cuộc trao đổi với báo chí về công tác chỉnh đốn Đảng, trước việc vừa qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật, đề nghị kỷ luật nhiều lãnh đạo cấp cao có vi phạm, khuyết điểm. 
ong-le-kha-phieu-dung-de-tinh-than-dot-lo-chong-tieu-cuc-nguoi-di
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: HT
- Nhiều cán bộ đương chức và về hưu đã bị xác định có sai phạm và nhận kỷ luật trong gần hai năm qua. Ông nhìn nhận như thế nào về việc này?
Vừa qua các cơ quan chức năng khui ra được nhiều tiêu cực của cán bộ các cấp, đó là bước đi mạnh mẽ của Trung ương, của Bộ chính trị và Tổng bí thư.
Khi phát hiện cán bộ có sai phạm thì dứt khoát phải kỷ luật, không có vùng cấm. Tất nhiên, kỷ luật ai đó không phải là dìm họ xuống, và cũng không thể xử lý nhẹ nhàng, né tránh, án kỷ luật phải đúng quy định và hợp lòng dân. Tuỳ điều kiện, hoàn cảnh từng trường hợp để xử lý, như vụ Đà Nẵng là phải xử lý, nhưng quan trọng là mức độ nào.
Theo thẩm quyền thì Bộ Chính trị và Trung ương sẽ xem xét thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng (nhiệm kỳ 2015-2020) và Bí thư Thành ủy; hiện Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có đề nghị do vậy tôi nghĩ, Hội nghị Trung ương 6 tới đây sẽ quyết định việc này.
Chúng ta thường nói xây và chống, ở đây không phải chỉ kỷ luật cán bộ sai phạm là xong, mà phải xây dựng được cơ chế để mỗi đảng viên tự giác không vi phạm pháp luật, luôn ý thức giữ bàn tay mình trong sạch.
- Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu, trong chống tiêu cực, chống tham nhũng thì điều quan trọng là tạo ra được xu hướng, tất cả các cơ quan đều vào cuộc, "cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy". Ông nghĩ sao về nhận định này?
- Tùy tình hình cụ thể, chúng ta đã có những thời kỳ chống tham nhũng, chống tiêu cực rất nóng bỏng.
Riêng thời kỳ này, tôi thấy rằng ta dám làm, làm kiên quyết và tinh thần là cấp cao cũng không né tránh. Nhưng còn nữa thì sao, nếu như cấp cao khác hoặc cấp cao hơn có tiêu cực thì sao? Tôi cho rằng cũng phải mạnh mẽ đấu tranh, đừng để tinh thần chống tiêu cực nguội đi.
Phỏng vấn nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu 2
- Gần đây Trung ương ban hành tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ cấp cao, trong đó có tiêu chuẩn là "tuyệt đối không tham vọng quyền lực". Theo ông, tiêu chuẩn này được hiểu như thế nào?
- Những biểu hiện như "chạy chức, chạy quyền" chính là sự bộc lộ của tham vọng quyền lực, hay gần đây nóng lên chuyện bằng cấp của một số cán bộ cũng tương tự như vậy. Anh trình độ văn hóa thấp mà khai gian dối để "trang trí", để giúp cho mình leo cao là không thể chấp nhận được. 
Khi con người đã tham vọng quyền lực thì phải tìm cách chạy, chạy cách này không được thì anh chạy cách khác, thậm chí làm hại đồng chí, đồng nghiệp của mình, như vậy là rất nguy hiểm. Vừa qua các cơ quan chức năng xử lý được các trường hợp như vậy là bước tiến quan trọng, giúp cảnh tỉnh nhiều người.
Không chỉ cán bộ đương chức mà nhiều người đã về hưu cũng bị kỷ luật. Tuy nhiên, có trường hợp một vị nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, khi bị đề nghị kỷ luật thì trả lời "tôi về hưu rồi, muốn xử lý ra sao thì xử". Ông nghĩ sao về việc này?
- Trước đây, với những cán bộ phát hiện có vi phạm mà đã về hưu thì tổ chức chỉ rút kinh nghiệm, hiện cơ quan chức năng xử lý cả những người đã về hưu. Trong số các mức độ kỷ luật có việc cách chức vụ người đó từng nắm trong quá khứ.
Tất nhiên, về hưu thì làm gì còn chức mà cách, nhưng đó là án kỷ luật của Đảng, nhằm đảm bảo sự nghiêm minh. Án kỷ luật này sẽ được ghi vào hồ sơ, báo cho chi bộ Đảng nơi người đó sinh hoạt. Đây cũng là cách răn đe những cán bộ khác phải giữ được phẩm chất của người đảng viên, không còn suy nghĩ về hưu rồi thì sẽ được tha.
Hoàng Thùy
( Vnexpress)

Không có nhận xét nào: