09/01/2016 11:12 GMT+7
TT - Theo TS Trần Công Trục, đây là hành động có chủ đích và tính toán từ trước, hoàn toàn không lệch với những gì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố khi thăm Mỹ, Anh, Việt Nam và Singapore.
Hành động của Trung Quốc có chủ đích và tính toán từ trước, hoàn toàn không lệch với những gì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố khi thăm Mỹ, Anh, Việt Nam và Singapore. |
Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, biện pháp đấu tranh ngoại giao, pháp lý vẫn là thích hợp nhất so với biện pháp quân sự. Bởi vì hòa bình luôn luôn là nguyện vọng tha thiết nhất của nhân loại.
Biển Đông đang là một trong số những điểm nóng của thế giới. Có thể nói đây là thời khắc mà mọi ứng xử đều hết sức thận trọng, phải đặt lợi ích chung vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và thế giới lên trên hết. Vì vậy, không nên “đổ thêm dầu vào lửa”.
Cách ứng xử thích hợp nhất là phải thật sự bình tĩnh, cảnh giác; phải thu thập, đánh giá và cung cấp thông tin cho các lãnh đạo chính trị một cách chuẩn xác để có được các quyết định đúng đắn, kịp thời nhất trong bối cảnh hiện tại.
Điều quan trọng là bất kể ai, dù đó là Mỹ hay Trung Quốc..., nếu hành xử không theo đúng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bất chấp các thỏa thuận đã đạt được, vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng của mình thì phải kiên quyết phản đối và đấu tranh đến cùng, không khoan nhượng.
Qua hai lần thử nghiệm máy bay của Trung Quốc trên đường băng xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, có thể rút ra một số nhận xét sau:
1. Đây là hành động có chủ đích và tính toán từ trước, hoàn toàn không lệch với những gì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố khi thăm Mỹ, Anh, Việt Nam và Singapore.
Trung Quốc sẽ chỉ đẩy mạnh hơn các hoạt động tương tự nhằm tăng tối đa quyền kiểm soát ngoài thực địa về quân sự và hành chính, đặc biệt tăng tốc trước khi Hội đồng trọng tài quốc tế The Hague ra phán quyết về vụ kiện của Philippines liên quan “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đơn phương đòi hỏi trên Biển Đông.
2. Một khi Trung Quốc quân sự hóa xong tám thực thể (tính thêm đá Én Đất, mà nguồn tin từ một tờ báo hải ngoại của người Trung Quốc ở New York nêu ra hôm 4-1), Biển Đông sẽ hoàn toàn nằm trong tầm khống chế, kiểm soát của Trung Quốc về mặt quân sự.
Trung Quốc sẽ tìm cách thỏa hiệp với Mỹ để không xảy ra đụng độ, nhưng chắc chắn Bắc Kinh sẽ không lùi bước.
3. Về mặt quân sự và an ninh, chín tiền đồn quân sự (tính thêm Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa) sẽ giúp Trung Quốc khống chế về chiến lược toàn bộ khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là với xu hướng rót tiền đầu tư mạnh cho hải quân mà trọng tâm là hạm đội Nam Hải, không quân và việc thay đổi cơ cấu chỉ huy trực tiếp từ ông Tập Cận Bình - tư lệnh chiến khu/tư lệnh quân chủng - đơn vị tác chiến, nguy cơ chiến tranh ở Biển Đông sẽ ngày càng tăng.
4. Trung Quốc không thể đánh bật hay đẩy Mỹ khỏi Biển Đông, nhưng sau khi các căn cứ của Trung Quốc đã quân sự hóa xong xuôi, việc tuần tra tự do hàng không, hàng hải của Mỹ không còn nhiều ý nghĩa thực tế, và Mỹ cũng khó có khả năng phá hủy các căn cứ này.
Mỹ - Trung Quốc cùng tồn tại ở Biển Đông, có thể gầm ghè nhau, nhưng khó bên nào dám mạo hiểm nổ súng trước. Trung Quốc sẽ tăng khả năng kiểm soát trên thực tế.
Lúc đó Trung Quốc sẽ bắt đầu quá trình đàm phán với các thành viên ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) hoặc đàm phán với các nước về vấn đề chủ quyền ở thế thượng phong về mặt quân sự và theo định hướng của Trung Quốc.
TS TRẦN CÔNG TRỤC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét