Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2016

Những quyết định khó khăn trong lịch sử Quốc hội

70 năm qua, nghị trường từng nhiều lần "dậy sóng" khi quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước, như: bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, lựa chọn phương án thi công công trình thủy điện Sơn La...
Ngày 10/3/1988, đang ở năm thứ hai của nhiệm kỳ thì Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng đột ngột qua đời. Theo quy định của Hiến pháp, ngày 11/3/1988, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công ký quyết định cử ông Võ Văn Kiệt khi ấy đang là Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng làm quyền Chủ tịch cho đến khi Quốc hội bầu Chủ tịch mới.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhớ lại, tháng 6/1988, Quốc hội khóa 8 họp kỳ thứ ba. Tại kỳ họp, ông Đỗ Mười (khi đó đang là Thường trực Ban Bí thư, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) được giới thiệu vào chức vụ này. Nhiều đại biểu Quốc hội đã không đồng tình và yêu cầu giới thiệu thêm ông Võ Văn Kiệt.
"Trước đây những gì Đảng đã quyết định thì đại biểu Quốc hội chỉ giơ tay biểu quyết để hợp thức hoá, Đảng đã giới thiệu ai thì Quốc hội cứ thế thông qua. Nhưng lúc bấy giờ đại biểu khá quyết liệt trong việc bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Với quan điểm đổi mới tư duy, một số đại biểu giới thiệu ông Võ Văn Kiệt, yêu cầu phải cho đại biểu Quốc hội giới thiệu người thấy ưng ý. Lúc này ông Kiệt là người có tư duy đổi mới nhất", tướng Thước kể.
nhung-quyet-dinh-kho-khan-trong-lich-su-quoc-hoi
Ông Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt. Ảnh tư liệu
Đại biểu Lý Chánh Trung đề nghị đưa cả hai ứng cử viên là ông Đỗ Mười và ông Võ Văn Kiệt ra bầu. “Một trong những động lực giúp chúng tôi vận động bà con Sài Gòn xuống đường là để chống bầu cử độc diễn ở Sài Gòn. Bây giờ, chúng ta có độc lập mà vẫn độc diễn thì chúng tôi khó ăn nói với bà con lắm”, ông Trung nói.
Đại biểu Ba Thi - Nguyễn Thị Ráo phát biểu: “Chúng tôi tha thiết đề cử đồng chí Võ Văn Kiệt. Nhân dân miền Nam, nhất là nhân dân Sài Gòn rất kính trọng đồng chí Võ Văn Kiệt. Vì vậy, tôi tha thiết đề nghị Quốc hội bầu đồng chí Kiệt”.
Quốc hội đã thảo luận sôi nổi và cuối cùng 33/53 đoàn đại biểu đề cử ông Võ Văn Kiệt như là ứng cử viên thứ hai để đưa ra bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Ông Kiệt lúc ấy đã từ chối và giải thích: “Tôi là đảng viên, tôi tuân thủ nguyên tắc Đảng. Ban Chấp hành Trung ương đã giới thiệu đồng chí Đỗ Mười rồi thì nếu có gì khác, chúng ta phải báo cáo Trung ương”.
Chủ tịch Quốc hội lúc bấy giờ là ông Lê Quang Đạo đã cho dừng thảo luận để xin thêm ý kiến. Cuối cùng, Đảng chấp nhận kiến nghị này. Ngày 22/6/1988, Quốc hội bỏ phiếu bầu chức danh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng dựa trên hai ứng viên do Đảng giới thiệu và Quốc hội đề cử.
"Kết quả ông Đỗ Mười thắng cử với 296 phiếu (63%), còn ông Võ Văn Kiệt được 168 phiếu (37%). Đây là lần đầu tiên và cho đến nay cũng là lần duy nhất bầu người đứng đầu Chính phủ có 2 ứng cử viên. Điều đó thể hiện quyền cử tri thông qua người đại biểu đã được thực hiện, đó là dân chủ thực sự", tướng Thước nhấn mạnh.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước kể.
Tranh cãi Sơn La cao - Sơn La thấp
Năm 2001, dự án thủy điện Sơn La được đưa ra Quốc hội khóa 10 thảo luận. Ba phương án được đưa, thứ nhất là Sơn La cao (mực nước hồ thủy điện trung bình 265 m) với hai bậc thang Sơn La cao - Hòa Bình. Thứ hai là Sơn La thấp (215 m), với ba bậc thang Lai Châu - Sơn La thấp - Hòa Bình. Phương án 3 là Sơn La nhỏ (205 m), với bốn bậc thang Lai Châu - hai đập ở Sơn La - Hòa Bình.
Có ba phương án, nhưng gần như phương án 1 được chốt vì có sự đồng thuận của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, phương án này gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn do mực nước thiết kế cao lại nằm trong khu vực có thể có động đất, gây lo ngại về tác động môi trường sinh thái, an ninh quốc phòng... Do đó ngày 29/6/2001, dự án thủy điện Sơn La được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, nhưng chưa quyết phương án xây dựng.
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão còn nhớ rõ, nghị trường Quốc hội trở nên nóng hổi với nhiều tranh cãi quyết liệt. Nhóm bảo vệ phương án Sơn La cao thì đưa ra lý lẽ thuyết phục, còn nhóm phản bác thì nghiên cứu, tập hợp tư liệu để thuyết phục đại biểu khác chỉ nên đồng tình phương án Sơn La thấp.
Là công trình trọng điểm quốc gia nên thủy điện Sơn La phải đáp ứng được 5 tiêu chí: số tiền, di dân, tác động đến Chính trị, an ninh quốc phòng và môi trường. "Gay cấn là có 2 phương án Sơn La cao và Sơn La thấp. Cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì, thẩm định đều đề nghị Sơn La cao. Nhưng các chuyên gia về thuỷ lợi thuỷ điện, như ông Nguyễn Đình Tranh, Trần Nhơn thì kiên quyết bảo vệ phương án Sơn La thấp do lo ngại vấn đề an toàn", ông Mão kể.
Nguyên chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, cũng làm trong nghề thủy lợi, thủy điện nên ông đã nghiên cứu rất kỹ cái hại của Sơn La cao, từ đó thuyết phục những đại biểu khác chưa hiểu biết về vấn đề này.
Cũng phản đối phương án thủy điện Sơn La cao, ông Nguyễn Văn Khá, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh khi đó nói trước nghị trường: “Nếu đập Sơn La vỡ, chiếc xe tăng 4 tấn ở Sơn Tây sẽ bị thổi bay như lá vàng. Sau 30 phút, toàn đồng bằng Bắc Bộ chìm sâu 40-60 m, cướp đi sinh mạng 15 triệu người”.Sau nhiều cuộc tranh luận gay gắt, cuối cùng Quốc hội quyết định phương án Sơn La thấp.
Nguyên chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão kể.
Vấn đề điện nông thôn
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước kể, trước đây nhà nước không có tiền nên chỉ kéo điện được ở thành phố, còn nông thôn huy động nhân dân góp sức. Sau này, giá điện của nông thôn cũng tính như thành phố khiến người dân không hài lòng. Họ đề nghị điện lực lấy tiền của dân để kéo điện thì bây giờ trả lại tiền cho dân.
Vấn đề này được đưa ra bàn luận liên tiếp 2-3 kỳ họp nhưng không được giải quyết. Thậm chí, người đứng đầu ngành điện lúc bấy giờ còn trả lời kiểu thách thức: Nếu dân không đồng ý để nhà nước sử dụng đường dây điện nữa thì tháo ra, chúng tôi kéo đường dây mới.
"Tôi nói, đồng chí lấy tiền đâu mà thay, nói như vậy là không muốn trả tiền cho dân? Tại sao lúc khó khăn thì xin gạo, xin vũ khí của dân, giờ lại thách đố dân. Như vậy là không được", tướng Thước kể.
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão kể thêm, Bộ trưởng Công nghiệp Đặng Vũ Chư khi đó 4 lần trả lời trước Quốc hội chỉ nói đại ý nêu cao tinh thần của người dân, nêu cao tinh thần tự lực tự cường, nhưng cái quan trọng là xử lý như thế nào thì không trả lời được nên tạo bức xúc cho đại biểu và người dân.
Trong kỳ họp cuối cùng, đại biểu Quốc hội 3 khóa 8, 9, 10 Nguyễn Quốc Thước kể, trước kỳ họp khi về tiếp xúc cử tri, người dân đã nói "bác ra lần này không làm rõ được vấn đề trả lại tiền kéo điện cho dân, về chúng tôi cách chức bác". "Mỗi năm 2 lần họp, vấn đề điện nông thôn bàn bạc kéo dài 3-4 kỳ, bây giờ nhà nước có trả tiền cho dân không? Thủ tướng hãy trả lời có trả cho dân hay không?", ông Thước chất vấn trước Quốc hội.
Thủ tướng Phan Văn Khải sau đó đã bàn bạc với Chính phủ và trả lời trước Quốc hội rằng tổng số tiền 870 tỷ đồng huy động từ dân, Thủ tướng đề nghị trích một phần kinh phí xin Quốc hội thông qua để bù đắp lại cho công lao đóng góp của nhân dân. Nhưng Thủ tướng cũng đề nghị địa phương không phải chia ra chi trả cho các hộ gia đình mà lấy đó làm quỹ xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trở lại nâng cao chất lượng lưới điện nông thôn, làm phúc lợi cho địa phương.
Đấu tranh để được truyền hình, phát thanh trực tiếp phiên chất vấn
Quốc hội khoá 9 bắt đầu được truyền hình và phát thanh trực tiếp những phiên họp quan trọng, đó là giữa năm 1994, kỳ họp thứ năm. Để có được điều này, Quốc hội đã vấp phải nhiều cản trở vì việc này chưa từng có. Nhưng với tinh thần đổi mới và thành quả Quốc hội khoá 8 đã nung nấu, Văn phòng Quốc hội đã nghiên cứu ý tưởng, hình thành đề án, đưa ra 3 phiên thảo luận để tạo sự đồng tình, sau đó báo cáo Bộ Chính trị 2 lần.
Ông Vũ Mão cho hay, có sự công phu như vậy vì ông lo sợ truyền hình sẽ có khiếm khuyết, nguy hiểm cho đất nước. Nhiều người đặt câu hỏi, nếu truyền hình trực tiếp, bí mật quốc gia bị ảnh hưởng vì các vị Bộ trưởng trả lời hay đại biểu hỏi lộ bí mật thì sao?
"Tôi đã mang sinh mệnh chính trị của mình ra để chịu trách nhiệm. Ngày đó mai chất vấn rồi, truyền hình đã chuẩn bị, đã thông báo cho dân mà hôm nay vẫn có sự cản trở. Trưa đó tôi mời các đồng chí Nông Đức Mạnh, Phan Văn Khải, An Duyệt đến và thuyết phục truyền hình trực tiếp, tôi sẽ là người chịu trách nhiệm", ông Mão kể và cho biết phiên trả lời chất vấn được truyền hình trực tiếp sau đó rất thành công, và những kỳ họp sau ngày càng thành công hơn.
Hoàng Thùy
Video: Hoàng Phương

Không có nhận xét nào: