(Quốc tế) - Tờ National Interest vừa có bài viết về khả năng Mỹ không còn quan tâm gây ảnh hưởng và chấm dứt hoàn toàn việc tác động tới khu vực châu Á. Bài viết do tác giả Harry Kazianis chấp bút. Ông là cựu Tổng biên tập của chính tờ National Interest, đồng thời là nhà nghiên cứu tại nhiều tổ chức như Trung tâm vì lợi ích quốc gia, Viện nghiên cứu chính sách của Trung Quốc, Quỹ Potomac… BBT xin được lược dịch và giới thiệu bài viết này.
“Sự trỗi dậy của Trung Quốc ở châu Á đang tạo ra căng thẳng đáng kể với Mỹ và các đồng minh của nước này. Hiện đang có những tranh chấp ở khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông, mà Mỹ đã ít nhiều vướng vào.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là Mỹ có thể làm gì để hóa giải thách thức mới? Trong một bài viết gần đây trên National Interest, cây bút John Glaser đưa ra một ý tưởng khá táo bạo, là “từ bỏ chiến lược tạo ưu thế (của Mỹ) ở châu Á” và rằng Mỹ “có thể bỏ luôn vai trò gây ảnh hưởng thống trị tại khu vực Đông Á mà không làm tổn hại tới các lợi ích nòng cốt” của nước này.
Glaser giải thích: “Trung Quốc chỉ đe dọa Mỹ trong tình huống Mỹ muốn là một lực lượng áp đảo trong khu vực “sân sau” của Trung Quốc. Đây là chính sách có đóng góp rất ít vào an ninh của Mỹ. Nếu chúng ta từ bỏ chiến lược tạo ưu thế này, nguy cơ xung đột (với Trung Quốc) sẽ thu nhỏ lại. Còn nếu chúng ta cố gắng kiềm tỏa nỗ lực trỗi dậy của Trung Quốc, các dự báo về sự diệt vong có thể sẽ thành hiện thực.”
Glaser tiếp tục nhận định: “Hướng tiếp cận hiện nay (của Mỹ) với Trung Quốc cho thấy một sự kiềm tỏa có tính toán. Nó thể hiện trên ba mặt sau:
1. Duy trì và tăng cường các hiệp ước liên minh với Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Philippines, Thái Lan, vốn là điểm tựa để Mỹ có sự xoay chuyển chiến lược sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
2. Tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực để tạo ra “một lực lượng đồn trú, phân tán về mặt địa lý nhưng ổn định bền vững về mặt chính trị tại khu vực.”
3. Tăng cường dính líu về mặt kinh tế của Mỹ trong khu vực, theo cách thức giảm nhẹ vai trò hoặc trong một số trường hợp là không bao gồm Trung Quốc.”
Sau khi đọc tất cả những điều trên (luận điểm của Glaser), tôi đã tự đặt ra một câu hỏi đơn giản: Tại sao Mỹ phải làm những việc trên? Một danh sách ngắn (và vẫn chưa đầy đủ) lý do dưới đây có thể giải thích động cơ của Mỹ.
– Với mức tăng trưởng ngân sách (quốc phòng) 2 con số, đều đặn gần như mỗi năm trong vòng 20 năm qua, Trung Quốc đã xây dựng một đạo quân mà nhiều người tin là tập trung vào việc đánh bại Mỹ trong một cuộc chiến.
– Chiếm giữ Bãi cạn Scarborough từ Philippines, sau khi rút khỏi một cuộc thương thảo làm giảm căng thẳng do Mỹ đóng vai trò trung gian.
– Kéo giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
– Hết lần này tới lần khác, Trung Quốc tuyên bố Biển Đông là lãnh hải của mình, dù đây là một trong những điểm trung chuyển quan trọng nhất của hoạt động vận tải đường biển quốc tế (với lượng hàng hóa đi qua đây có giá trị hơn 5.000 tỷ USD, trong đó hơn 1.000 tỷ USD là hàng hóa Mỹ).
– Thường xuyên thách thức sự kiểm soát của chính quyền Nhật Bản với nhiều hòn đảo ở Biển Hoa Đông, vốn đã nằm dưới sự quản lý của Tokyo từ những năm 1970. Nhiều lần suýt gây va chạm chết người trên không ở khu vực này.
– Tuyên bố lập Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Hoa Đông.
– Xây trái phép đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Những điều trên cho thấy Trung Quốc đã dẹp bỏ ý tưởng “trỗi dậy hòa bình”, buộc Mỹ phải can thiệp để tiếp tục có ưu thế trong khu vực. Quan trọng hơn, Mỹ muốn duy trì trật tự quốc tế ở châu Á.
Hãy nhớ điều này, đây là một trật tự đặt trên nền tảng hòa bình và thịnh vượng, thứ đã giúp Trung Quốc trỗi dậy trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới (tính theo GDP). Thực tế là Mỹ, dù qua nhiều chính quyền tổng thống, đã luôn cổ súy cho sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chính hành động của Trung Quốc mới thay đổi luật chơi và buộc Mỹ phải phản ứng theo.
Câu hỏi đặt ra ở đây là có gì xấu trong cái gọi là chính sách tạo ưu thế của Mỹ ở châu Á? Theo quan điểm của tôi, dường như Glaser đã coi châu Á Thái Bình Dương giống như một khu vực chư hầu của Mỹ và cho rằng Washington cần phải từ bỏ kiểm soát nơi này.
Thực tế thì ai cũng thấy rằng Washington mang tới nhiều lợi ích cho các đồng minh, như những liên minh an ninh quan trọng, chiếc ô hạt nhân lợi hại, bảo vệ các tuyến đường biển mà dựa trên đó thương mại sẽ phát triển.
Mô hình chiếm ưu thế đã đóng vai trò nền tảng trong chiến lược chung của Mỹ kể từ cuối cuộc chiến tranh Lạnh, giúp gìn giữ an ninh của hệ thống quốc tế, cho phép một giai đoạn tăng trưởng mạnh về hoạt động kinh tế và sự phồn thịnh trên toàn cầu. Như vậy, cả Mỹ và hệ thống toàn cầu đều đã được hưởng lợi từ điều đó.
Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra khi Mỹ từ bỏ cái gọi là sự chiếm ưu thế ở châu Á? Glaser chưa bao giờ cho thấy điều này sẽ dẫn tới những hệ quả cụ thể nào. Liệu Washington có thể làm một việc đơn giản là từ bỏ các cam kết và đảm bảo trong những hiệp ước, thỏa thuận liên minh với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines hay vùng lãnh thổ Đài Loan?
Thế còn mối quan hệ mang tính chiến lược đang lớn lên với các nước như Việt Nam và Ấn Độ thì sao? Liệu Mỹ có thể nói “xin lỗi” một cách đơn giản và bắt đầu rút quân khỏi khu vực? Hay liệu Mỹ sẽ có một màn đổi chác nào đó với Trung Quốc, và sau đó Washington sẽ gây ảnh hưởng từ bờ biển California tới Hawaii, còn Bắc Kinh gây ảnh hưởng tới các khu vực còn lại? Liệu bạn có thể tưởng tượng cảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama bước tới một chiếc micro và thốt ra những lời này?
Mùa Thu vừa qua, một quan chức cao cấp của Đài Loan đã chia sẻ với tôi, khi tôi tới Đài Bắc: “Chúng tôi muốn Mỹ hiện diện nhiều hơn, chứ không phải ít hơn.” Ông này tin rằng Mỹ là lực lượng duy nhất có thể đảm bảo rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ không phải ác mộng của châu Á.
Và trong 3 năm qua, mỗi lần tôi trở lại châu Á, các quan chức cao cấp tôi gặp đều muốn có thêm vai trò lãnh đạo từ Mỹ, cam kết từ Mỹ và cả sự cương quyết từ Mỹ, để chống lại thách thức từ một Trung Quốc đang trỗi dậy và muốn thay đổi nguyên trạng tình hình khu vực.
Trong bối cảnh đó, hãy tưởng tượng việc Mỹ sẽ rời khỏi châu Á. Chỉ nghĩ tới điều này đã đủ để gây kinh sợ, và những tổn hại lên uy tín của chúng ta là không thể sửa chữa được. Đó là lý do vì sao đề xuất của Glaser chỉ nên được đặt đúng chỗ của nó – một sự tưởng tượng thuần túy.”
(Theo Vietnam+)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét