Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

Nền Kinh Tế Trung Cộng Vỡ Bong Bóng

Trong khi đó, theo ông Scissors, số nợ của tư nhân, doanh nghiệp và chính phủ tăng $20 trillions (trillion hay ngàn tỉ) đô la. Những dịch vụ do mắc nợ nhiều khiến cho người đi vay giảm bớt khả năng tiêu dùng, và không thể thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh được.
Cali Today News - Bong bóng kinh tế Trung Cộng vừa mới vỡ bung. Từ nay những nhà quản lý kinh tế của nước này đành phải chịu thua, không còn chối cãi được nữa. Trước đây họ vẫn thường được xem là những người có đôi đũa thần, đủ khả năng điều động nền kinh tế phát triển với tỉ lệ cao, bất kể trở ngại nào. Không một ai tin rằng nền kinh tế Trung Cộng sẽ mãi mãi phát triển với tỉ lệ 10% hàng năm, nhưng không ai ngờ rằng hiện tượng thối lui, không thể giữ mức phát triển hai hàng số lại xảy ra sớm như vậy, và nó gây ra tình trạng xáo trộn trong thị trường chứng khoán, cũng như nhiều hậu quả vang dội toàn cầu.
Trung cộng là một quốc gia có nền kinh tế khổng lồ, chỉ cần giảm mức phát triển vài phần trăm cũng đủ tạo ra những ảnh hưởng hết sức to lớn. Chúng ta hãy lược sơ qua tình hình phát triển của nền kinh tế nước này: Theo Quĩ Tiền tệ Quốc tế từ năm 2007 đến năm 2011, mức phát triển hàng năm của Trung Cộng vào khoảng 10.6%. Trong ba năm sau đó, mức phát triển hạ xuống còn 7.6%. Trong năm 2015, theo con số nhiều người cho biết vào khoảng 6.9%. Như vậy tức là có sự suy xụp rất rõ ràng, không thể chối cãi được.
Mặc dù Trung cộng có số thặng dư lớn trong cán cân mậu dịch, nước này cũng phải nhập cảng rất nhiều - khoảng $2 ngàn tỉ đô la (trillion) vào năm 2014 - và do đó, mức cầu suy yếu của nước này làm cho giá dầu, cũng như giá các mặt hàng nông phẩm trên thế giới sụt giá kinh khủng. (Nhật Báo Wall Street Journal cho biết Trung cộng tiêu thụ một phần tám số dầu hoả trên thế giới, và gần một nửa số thép của thế giới). Những nước xuất cảng nông phẩm như Úc, Ba Tây và Chile phải chịu đựng hậu quả này. Ngoài ra, những nước Á châu như Nam Hàn và Thái Lan cung cấp vật liệu làm hàng điện tử cũng bị ảnh hưởng lây.

Hậu quả xấu nhất - khủng hoảng kinh tế xảy ra - đó là trường hợp Trung quốc gây ra tình trạng giảm phát trên toàn thế giới. Mức phát triển của Trung Cộng tiếp tục giảm mạnh, kéo theo sự sụt giá nông phẩm, và sự suy yếu của mậu dịch thế giới. Điều này sẽ đưa đến tình trạng cắt giảm sản xuất, sa thải công nhân, và nhiều vụ phá sản.
Nếu thảm hoạ trên không xảy ra, nhiều nhà quan sát cho rằng hiện tượng phát triển chậm lại hiện nay là dấu hiệu của chiều hướng suy yếu lâu dài ở Trung Cộng. Ông Derek Scissors, chuyên gia về tình hình Trung Cộng ở Viện nghiên cứu American Enterprise Institute nói rằng: “Trung Cộng sẽ đi đến chỗ trì trệ, chậm lụt.”. Điều này không có nghĩa là nền kinh tế nước này bị sụp đổ, nhưng sẽ từ từ đi đến tình trạng phát triển rất yêú, vào khoảng 1% đến 2%. Tỉ lệ này tương đương với tỉ lệ phát triển đang xảy ra ở Mỹ và các nước Âu châu, mặc dù Trung cộng chưa bắt kịp với mức sống của Hoa Kỳ và Âu châu.
Theo ông Scissors, Trung cộng gặp phải hai vấn đề lớn khiến cho mức phát triển kinh tế của nước này bị chậm lại: Nợ nhiều và dân số già nua, trì trệ. Dân số trở nên già nua sẽ làm cho lực lượng lao động bị thun nhỏ lại, ít công nhân làm việc nên sản lượng của nền kinh tế bị cuốn gấp lại. (Trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến 2040, lực lượng dân số lao động của Trung cộng từ tuổi 15 đến 64 sẽ giảm 14%, tức khoảng 140 triệu người, theo dự phóng của Sở Thống Kê Dân Số Hoa Kỳ.).
Trong khi đó, theo ông Scissors, số nợ của tư nhân, doanh nghiệp và chính phủ tăng $20 trillions (trillion hay ngàn tỉ) đô la. Những dịch vụ do mắc nợ nhiều khiến cho người đi vay giảm bớt khả năng tiêu dùng, và không thể thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh được.
Về lý thuyết, canh tân, phát minh mới sẽ giúp thắng được hai trở ngại kể trên. Nhưng ông Scissors không ưa những gì đang xảy ra ở Trung cộng bởi vì Đảng Cộng Sản không chịu đi theo chính sách để cho thị trường hoàn toàn tự do, và không bảo vệ “tài sản trí tuệ” (ám chỉ những bằng sáng chế, và tác quyền, hay thành quả của phát minh.).
Ngược lại, có một số cho rằng Trung cộng sẽ vẫn tiếp tục duy trì mức phát triển nhanh, dù rằng không nhanh như trước. Họ coi tình trạng suy giảm gần đây chỉ là những vấn đề tạm thời - như đầu tư quá đáng vào nhà cửa, kỹ nghệ nặng và hạ tầng cơ sở, và những việc đó qua thời gian sẽ giúp đề bù đắp những thiếu xót xảy ra. Kinh tế gia Nicholas Lardy thuộc Viện Nghiên Cứu Peterson nói rằng: “Khu vực nhà cửa vẫn còn làm trị trệ mức phát triển. Hiện đang có một số lượng apartment không bán được ở nhiều thành phố. Việc xây nhà mới giảm bớt 25%.”.
Ông Lardy cũng nói rằng vấn đề nợ cũng không đáng sợ như người ta tưởng.Mặc dù khoản nợ tư nhân tăng khá nhanh, nhưng chưa thấm vào đâu so với tình hình nợ nần ở các nước khác. Nợ của chính phủ cũng vậy, không đáng lo. Vấn đề chính nằm ở khoản nợ mà các ngành kinh doanh vay mượn.
Chuyện gì đang xảy ra khi người ta chuyển hướng nền kinh tế từ sản xuất công nghệ sang dịch vụ (như y tế, du lịch, ngân hàngt và giải trí), và dùng nó là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Ông Lardy lý luận rằng người ta quá chú trọng vào sản xuất kỹ nghệ, ngành này suy yếu từ lâu nay, và không quan tâm nhiều đến hoạt động ngành dịch vụ. Trong khi đó, chính trong ngành dịch vụ có mức chi tiêu khá mạnh. Dịch vụ hiện nay chiếm 51% của nền kinh tế, tăng môt phần sáu tính từ năm 2010 cho đến nay. Theo ông Lardy một lý do để giải thích hiện tượng này là vì Trung Cộng cải tiến mạng lưới an toàn xã hội - khoảng 95% dân số đều có bảo hiểm y tế kiểu này hay kiểu khác- do đó cho phép người dân rộng tay chi tiêu nhiều hơn, kể cả những khoản tiền phải để riêng cho những nhu cầu cấp bách.
Câu hỏi cơ bản được đặt ra liệu rằng Trung Cộng sẽ là nguồn gốc chính đem lại sự ổn định và sức mạnh cho nền kinh tế thế giới - hay là ngược lại kinh tế thế giới đem lại sự ổn định cho Trung cộng. Nếu tạm coi chỉ tiêu phát triển hàng năm do chính phủ đặt ra là 6.5%. Đạt được chỉ tiêu này tức là nền kinh tế có dấu hiệu vững mạnh, trừ phi nó xảy ra là nhờ hạ giá đồng tiền, hay tài trợ khoản nợ bằng cách gia tăng mức chi tiêu về hạ tầng cơ sở. Theo kinh tế gia David Dollar ở Viện Brookings làm những trò dối trá trên sẽ chỉ sự lập lại những lỗi lầm trong quá khứ, và chuyển những khó khăn cho thế hệ tương lai. Người ta cũng đặt câu hỏi về sức sống tiềm ẩn của nền kinh tế Trung Cộng.
Bài phân tích của Robert J Samuelson trên Washington Post ngày 13/1/2016
Nguyễn Minh Tâm dịch

Không có nhận xét nào: