Đóng gói than củi xuất khẩu - Ảnh: Lê Dung
Đóng gói than củi xuất khẩu - Ảnh: Lê Dung

Trong năm 2015, xuất khẩu lại có những tăng trưởng đột biến. Trong đó, đáng chú ý nhất là than củi, viên nén mùn cưa.
“Cơn sốt” than củi
“Từ mấy tháng cuối năm 2015 đến nay, có rất nhiều doanh nghiệp (DN) liên lạc với chúng tôi nhờ tìm đầu mối xuất khẩu than củi sang Trung Đông…”, ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty cp VIETGO - một công ty chuyên tư vấn, xúc tiến xuất, nhập khẩu cho biết. Theo ông Việt, trong khoảng một năm qua, VN nổi lên như một nước xuất khẩu than củi chính cho các nước sử dụng nhiều than củi, nhất là Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc do có những biến động về nguồn cung trên thị trường này. 
Bà Vũ Kim Hạnh, Tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA), cho rằng hiện nay các cơ quan quản lý quá chú trọng đến những mặt hàng lớn mà không thấy rằng có những mặt hàng tuy nhỏ như than củi, mùn cưa... lại có hiệu quả rất cao. “Trước đây, chúng ta đã thấy có nhiều mặt hàng nhỏ như xơ dừa, rơm rạ... tuy không phải phổ biến nhưng sau này, tổng kết, đánh giá lại thì thấy nó đem lại giá trị khá cao trong xuất khẩu. Tuy nhiên, với một số mặt hàng như than củi, ngoài việc quan tâm, thúc đẩy, hỗ trợ DN, chúng ta cũng nên thận trọng, xem xét nguồn gốc xuất xứ, nếu không sẽ có những rủi ro cho xuất khẩu”, bà Hạnh nói.
Về điều này, ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty VIETGO cho biết, hiện nay, 100% lô hàng than củi xuất đi, nếu là than củi của VN đều được phép vì là than đốt từ gỗ rừng sản xuất, rừng trồng: bạch đàn, keo, nhãn, vải... “Than củi nhập từ Lào, xuất khẩu theo đường quá cảnh, tuy có loại đốt từ gỗ rừng tự nhiên nhưng cũng là loại than đốt từ loại gỗ rừng đã được cho phép khai thác do không phù hợp quy hoạch và các nước nhập khẩu họ cũng không ra quy định hạn chế với loại than củi này”, ông Việt nói.
“Nhật Bản, Hàn Quốc là 2 nước có đường bờ biển nhiều, hải sản là món ăn thường xuyên và họ đa phần nướng nên cần than củi nhiều. Các nước Trung Đông như: Iraq, Iran, Ô man, Thổ Nhĩ Kỳ…, nhu cầu dùng than cũng luôn cao. Các nước châu Âu là xứ lạnh, họ cũng có nhu cầu than… Gần đây, do thiếu nguồn cung nên các nước này chuyển qua nhập khẩu từ châu Á, trong đó VN là nguồn cung tốt nên mặt hàng này đang trở nên rất “nóng” trên thị trường”, ông Việt cho biết.
Cũng theo Giám đốc VIETGO, trước đây, các nước Trung Đông, châu Âu đa số nhập than củi từ các nước châu Phi, nơi có nhiều than củi từ gỗ rừng tự nhiên với chất lượng tốt, giá rẻ, khoảng cách vận chuyển gần. Nhưng kể từ cuối năm 2014, khi dịch Ebola bùng lên ở một số nước châu Phi, việc nhập khẩu nhiều loại hàng hóa từ các quốc gia này, trong đó có than củi bị cấm nghiêm ngặt nên các nước Trung Đông thiếu than củi. “Chính vì vậy, nhà nhập khẩu ở các thị trường này đã xoay sang châu Á, trong đó có VN do có nguồn than đốt khá tốt ở một số vùng ĐBSCL, Bắc bộ..., nhất là có than củi nhập quá cảnh từ Lào - quốc gia có nhiều rừng tự nhiên. Tháng 12.2015, chúng tôi có 25 đơn hàng nhờ tìm mua than. Đến tháng 1 này, hầu như ngày nào cũng có 1 - 2 DN hỏi tìm mua than mà nguồn cung cũng không đủ”, ông Việt cho biết.
Về hiệu quả của mặt hàng này, theo một DN có tham gia xuất khẩu, các nước nhập khẩu chủ yếu đặt hàng than đốt từ những loại cây gỗ nhãn, vải, hay gỗ rừng tự nhiên (từ Lào) do loại than này chất lượng cao, cùng 1 container nhưng có thể chở tới 24 tấn/container loại 40 feet trong khi than từ bạch đàn, keo chỉ chở được 16 - 17 tấn/container. “Hiện nay, các DN đổ dồn nhập khẩu than củi từ Lào do chất lượng tốt hơn, giá nhân công rẻ, giá than cũng rẻ, chỉ khoảng 3,5 - 4 triệu đồng/tấn trong khi giá than củi sản xuất tại VN đã khoảng 6 triệu đồng/tấn. Mua than từ Lào xuất khẩu lãi khoảng 2 - 2,5 triệu đồng tấn, trong khi mua than củi ở VN xuất đi chỉ lãi khoảng 600.000 đồng/tấn”, ông này cho biết.