Với 5 loại thuế và một số khoản phí như chi phí định mức, lợi nhuận định mức lên đến 8.214 đồng/lít. Giả thiết đặt ra nếu trừ các khoản thuế, phí kể trên giá xăng Việt Nam chỉ ở mức 7.816 đồng/lít.
Nếu không “gánh” thuế và phí, giá xăng chỉ hơn 7.800 đồng/lít
Ảnh minh họa.
Gánh nặng thuế, phí
Từ ngày 4/1 vừa qua, sau khi đã điều chỉnh giảm gần 400 đồng/lít, giá bán lẻ đối với mặt hàng xăng RON 92 tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đang ở mức 16.030 đồng/lít.

Dự báo đầu giờ chiều ngày hôm nay (19/1) giá xăng bán lẻ sẽ tiếp tục được điều chỉnh giảm , mức giảm có thể nhỉn hơn so với lần điều chỉnh trước đó.
Trong lần điều chỉnh ngày 4/1, Bộ Công Thương cho biết, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày kể từ ngày 20/12 đến hết ngày 3/1/2016 là 51,391 USD/thùng xăng RON 92.
Bảng tính giá cơ sở được công bố bởi Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho thấy, trước ngày điều chỉnh 4/1 giá CIF tính giá cơ sở là 7.520 đồng/lít, giá CIF tính thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt là 7.514 đồng/lít.
Đáng lưu ý, bảng giá cơ sở cho thấy, thuế nhập khẩu (20%) là 1.505 đồng/lít, thuế tiêu thụ đặc biệt (10%) là 902 đồng/lít, thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít, thuế giá trị gia tăng là 1.457 đồng/lít, tổng cộng các khoản thuế là 6.864 đồng, tương đương 42,8% giá bán lẻ xăng dầu.
Bên cạnh đó, 2 khoản chi phí định mức và lợi nhuận định mức cũng được tính vào giá xăng dầu là 1.350 đồng/lít. Các khoản thuế, phí kể trên lên đến 8.214 đồng/lít, tương đương 51,2% giá bán lẻ xăng dầu.
Nếu không “gánh” thuế và phí, giá xăng chỉ hơn 7.800 đồng/lít
Thuế, phí chiếm từ 47-50% trong cơ cấu giá xăng bán lẻ. Đồ họa: Tâm An
Một khoản khác là mức trích quỹ bình ổn giá xăng dầu 300 đồng/lít cũng được tính vào giá cơ sở.
Lợi nhuận định mức, bình thường hay "ưu ái phi lý"?
Trong số các khoản thuế, phí kể trên thuế bảo vệ môi trường, lợi nhuận định mức, quỹ bình ổn giá là những khoản đã từng gây bức xúc trong dư luận, nhiều ý kiến trái chiều về sự cần thiết của quỹ bình ổn giá xăng dầu, cho rằng không nên tiếp tục duy trì.
Cụ thể, đối với thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít được áp dụng từ 1/5/2015, đúng thời điểm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng giảm từ 35% xuống còn 20%.
Đại diện Bộ Tài chính từng khẳng định, việc tăng thuế môi trường lên 300% không ảnh hưởng, làm tăng giá bán lẻ xăng dầu mà sẽ bù đắp một phần ngân sách bị thâm hụt và đảm bảo theo đúng các cam kết quốc tế.
Thậm chí, còn cho rằng, mức tăng thuế bảo vệ môi trường như trên vẫn thấp hơn mức thuế nhập khẩu giảm do thực hiện theo các cam kết quốc tế.
Tuy nhiên, phép so sánh được Bộ Tài chính đưa ra thay vì tính giá xăng dầu ở 2 thời điểm phải trên cơ sở mức thuế bảo vệ môi trường là mức cũ và mức mới để so sánh Bộ Tài chính lại quy tất cả các phép tính trên cơ sở mức thuế bảo vệ môi trường mới.
Đối với quỹ bình ổn giá xăng dầu, phản hồi ý kiến cho rẳng nên bỏ quỹ bình ổn xăng dầu, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) từng cho biết, việc quy định định mức như vậy sẽ có tác dụng tích cực tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp .
Nguyên nhân vì sẽ khuyến khích doanh nghiệp lựa chọn bạn hàng, thời cơ giá nhập tốt, tổ chức mạng lưới kinh doanh hợp lý để có giá vốn thực tế thấp hơn giá cơ sở thì sẽ có lợi nhuận cao hơn mức lợi nhuận định mức quy định 300 đồng/lít,kg được tính trong giá xăng, dầu.
"Ngược lại nó sẽ tạo ra sức ép đối với các doanh nghiệp tổ chức mạng lưới kinh doanh chưa hợp lý... có chi phí kinh doanh cao hơn chi phí kinh doanh định mức thì có thể có lợi nhuận sẽ ít thậm chí không có lợi nhuận phải tích cực tổ chức lại hoạt động kinh doanh để mang lại hiệu quả", ông Tuấn phân tích.
Về mức lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở với mức 300 đồng/lít,kg, ông Tuấn cho biết, đây là mức lợi nhuận giúp doanh nghiệp duy trì hệ thống, ổn định kinh doanh và tạo lập thị trường. “Nếu so sánh với các ngành kinh doanh khác thì việc quy định về lợi nhuận định mức như vậy không phải là lớn”, ông Tuấn khẳng định.
Trong khi đó, ý kiến của một số chuyên gia kinh tế cho biết, lợi nhuận định mức 300 đồng/lít được tính vào cơ cấu giá xăng là ưu ái phi lý mà không ngành nào được hưởng.
"Theo nguyên tắc doanh nghiệp phải đối mặt với cả lãi lẫn lỗ. Nếu làm khéo được lãi, không sẽ lỗ thậm chí phá sản hoặc có lúc lãi cao, lãi thấp, hòa vốn không thể ấn định mức lãi nhất định là 300 đồng/lít xăng như hiện nay", vị chuyên gia này cho biết.
TÂM AN

20-40 tỷ USD bốc hơi mỗi năm vì đút lót, hối lộ

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đứng thứ hai trong danh sách nhận được nhiều khiếu nại nhất liên quan đến tham nhũng, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông và cấp nước.

Phát biểu tại Hội nghị "Tăng cường quản trị thúc đẩy phát triển tại Việt Nam" tổ chức sáng nay (20/1), bà Conchita Carpio Morales - thành viên cơ quan thanh tra Philippines nhận định nạn đút lót, hối lộ đang là "kẻ thù" của phát triển và quản trị hiệu quả, cần phải loại bỏ mạnh mẽ. "Các quốc gia đang phát triển thất thoát khoảng 20 - 40 tỷ USD mỗi năm do hối lộ, đút lót, tham ô và tham nhũng", bà Morales nhấn mạnh.
Do đó, bà kêu gọi Chính phủ các nước cần có những hành động quyết liệt hơn để đẩy lùi tham nhũng, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển bền vững. Chung quan điểm, đại diện Ngân hàng Thế giới Anders Hjorth Agerskov chỉ ra khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đang là nơi có tỷ lệ dự án bị khiếu nại gian lận, tham nhũng cao thứ hai toàn cầu, chỉ sau châu Phi và Việt Nam được coi là điểm nóng.
Trong danh sách 20 quốc gia nhận được nhiều khiếu nại nhất, Việt Nam đứng thứ hai, chỉ sau Ấn Độ. Ngành giao thông và cấp nước được coi là bị "đệ đơn" nhiều nhất, tiếp đó là nông nghiệp và năng lượng. "Có thể con số này chưa phản ánh hoàn toàn sự thật nhưng là điều cần suy ngẫm", ông Agerskov nhấn mạnh.
duong-sat-8818-1421736668.jpg
Nghi án hối lộ tại dự án Đường sắt đô thị Hà Nội là một điểm nóng trong quản lý, sử dụng vốn ODA năm qua.
Các chuyên gia cũng nhận định một trong những "nút thắt" lớn với Việt Nam là quản lý tại các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển (ODA). Trong 30 năm qua, Việt Nam đã được cam kết tài trợ 80 tỷ USD, phần lớn số tiền này được phân bổ cho các dự án phát triển hạ tầng kinh tế như cảng biển, sân bay, đường sá... Song trên thực tế, những biểu hiện tiêu cực, gian lận, tham nhũng tại các dự án này vẫn đáng lo ngại cho các cơ quan quản lý của Việt Nam cũng như nhà tài  trợ.
"Những nghi án tham nhũng, hối lộ hay những vi phạm pháp luật khác trong các dự án xây dựng hạ tầng có sử dụng nguồn vốn ODA được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây đang gây bức xúc, bất bình trong dư luận", Phó tổng thanh tra Chính phủ - Trần Đức Lượng cho biết trong bài tham luận hội thảo.
Trong đó, điển hình là các vụ án tại Ban quản lý các dự án (PMU18) thuộc Bộ Giao thông vận tải năm 2005; vụ án nhận hối lộ tại dự án đại lộ Đông -  Tây (PCI) năm 2008 và gần đây nhất là nghi án hối lộ tại dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (JTC) hiện đang trong quá trình điều tra làm rõ.
Các dự án ODA thường là những công trình lớn, phức tạp về kỹ thuật và thực hiện trong thời gian dài với nhiều bên liên quan nên nguy cơ xảy ra tham nhũng, gian lận rất cao. Tuy nhiên, đại diện Thanh tra Chính phủ thừa nhận những vụ việc được phát hiện và xử lý trong thời gian qua chưa tương xứng với đánh giá rủi ro trong lĩnh vực này.
"Trong cả 3 vụ việc điển hình nêu trên, những nghi vấn tham nhũng, sai phạm không phải do chủ đầu tư hay các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm quản lý nguồn vốn ODA phát hiện mà do báo chí nước ngoài đưa tin (vụ việc PCI và JTC) hay vụ án PMU được cơ quan điều tra phát hiện từ vụ án hình sự khác (cá độ bóng đá)", ông Lượng cho biết.
Theo người đứng đầu cơ quan Thanh tra, nguyên nhân quan trọng khiến các dự án ODA dễ phát sinh gian lận là một bộ phận lãnh đạo địa phương nhận thức chưa đúng, coi tất cả các khoản vay ODA như viện trợ không hoàn lại nên đặt mục tiêu được phê duyệt ODA là ưu tiên cao nhất, chưa chú trọng đúng mức tới yêu cầu phải sử dụng hiệu quả nguồn vốn này.
Bên cạnh đó, một số người đứng đầu địa phương, hay bộ ngành có thể có tâm lý hữu khuynh, lo ngại khi những sai phạm bị phát hiện sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ ngoại giao và chính sách hợp tác phát triển ở cấp quốc gia giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ, dẫn tới đấu tranh chống gian lận tham nhũng trong lĩnh vực quản lý, sử dụng ODA chưa hiệu quả.
Thông lệ các hiệp định cung cấp ODA cũng quy định khi các hành vi gian lận, tham nhũng được phát hiện thì số tiền sai phạm bị thu hồi sẽ được hoàn trả cho nhà tài trợ mà không thu về Ngân sách Nhà nước. "Những nguyên nhân này có thể tác động tới tâm lý người đứng đầu cơ quan chức năng quản lý khi chỉ đạo thực hiện hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán cũng như quan điểm xử lý sai phạm tại các dự án ODA", Tổng thanh tra Chính phủ cho hay.
"Phải thực sự thay đổi tâm lý coi ODA là nguồn viện trợ không hoàn lại, hoặc chí ít thì đời mình chưa phải lo trả nợ, dẫn tới trình trạng lobby ODA để thực hiện các dự án không thực sự cần thiết hoặc buông lỏng công tác giám sát, triển khai", vị này khẳng định.
Phương Linh