Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

Trung Quốc mới là "đạo diễn" vụ Triều Tiên thử bom nhiệt hạch?



HỒNG THỦY

(GDVN) - Lý do là bởi, Triều Tiên là con bài mặc cả tốt nhất của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp với Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Giáo sư Panos Mourdoukoutas, Chủ nhiệm Khoa Kinh tế, LIU Post, New York ngày 9/1 bình luận trên Forbes, không nên mong đợi Trung Quốc sẽ trừng phạt Bắc Triều Tiên vì tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch của nước này hôm 6/1. Theo ông lý do là bởi, Triều Tiên là con bài mặc cả tốt nhất của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp với Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un là người ký lệnh vụ thử "bom nhiệt hạch", ảnh: Reuters.
Điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ không gây áp lực với Triều Tiên vì vụ thử hạt nhân trừ phi Bắc Kinh nhận được "cái gì đó" đổi lại từ phía Hoa Kỳ, ví dụ như một lập trường mềm hơn của Mỹ trong tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Trong thực tế, hoạt động thử bom nhiệt hạch của Bắc Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh Mỹ - Nhật đang gia tăng áp lực lên Trung Quốc trước tham vọng và hành động bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Đông và Hoa Đông. 
Hơn nữa vào ngày cuối cùng của năm 2015 Nhật Bản và Hàn Quốc đã xích lại gần nhau khi đạt được thỏa thuận giải quyết vấn đề xin lỗi, bồi thường cho phụ nữ Hàn Quốc bị buộc làm nô lệ tình dục cho lính Nhật trong Chiến tranh Thế giới II, động thái đã khiến Bắc Kinh bất mãn.
Trong tháng 8, Mỹ đã bắt đầu mở rộng sự hiện diện của hải quân ở Biển Đông và thực hiện các hoạt động tuần tra tự do hàng không hàng hải, chống lại việc Trung Quốc bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).
Trong bối cảnh này lại bất ngờ nổ ra vụ Triều Tiên thử bom nhiệt hạch, liệu nó có liên quan gì đến Nhật Bản và Hoa Kỳ hay không? Liệu Trung Quốc đã biết trước về vụ nổ này? Khó có thể nói rõ, khi Bình Nhưỡng luôn cố gắng khuếch trương các vụ nổ hạt nhân với dư luận trong và ngoài nước, còn bề ngoài Trung Quốc đã nhanh nhảu lên tiếng tố cáo hoạt động này.
John Kerry hối thúc Trung Quốc phạt Triều Tiên, Vương Nghị lắng nghe và im lặng
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị về việc kêu gọi Bắc Kinh hợp tác ủng hộ một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trừng phạt CHDCND Triều Tiên vụ thử bom nhiệt hạch hôm 6/1.
Trong cuộc điện đàm hôm Thứ Năm, Ngoại trưởng Mỹ nói với ông Nghị rằng, không thể tiếp tục xử lý vấn đề Bắc Triều Tiên như trước nữa. Nếu không có sự hỗ trợ từ Bắc Kinh, biện pháp trừng phạt chặt chẽ hơn đối với Bắc Triều Tiên sẽ có tác động hạn chế.
Tuy nhiên ông Vương Nghị chỉ nhắc lại rằng, Trung Quốc đã cam kết phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và sẽ làm việc với Hoa Kỳ và các nước khác. Trong khi các nước lớn chưa đạt được thỏa hiệp, thì 2 miền Triều Tiên bắt đầu chĩa về nhau và bắt đầu cuộc chiến tranh tâm lý, tuyên truyền.
Theo Nikkei Asian Review ngày 9/1, bắt đầu từ Thứ Sáu tuần này quân đội Hàn Quốc đã tuyên truyền ầm ĩ chống Bình Nhưỡng bằng hệ thống loa phóng thanh ở khu phi quân sự. Bắc Triều Tiên đã điều động quân số áp sát các vị trí xung yếu ở biên giới.


Hồng Thủy


Trung Quốc từ chối gây áp lực, trừng phạt Bắc Triều Tiên


(GDVN) - Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, nước này không phải là nguyên nhân mấu chốt, cũng chẳng phải chìa khóa giải quyết vấn đề,

Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Yonhap News ngày 9/1 đưa tin, Trung Quốc đã từ chối đề nghị của Mỹ - Nhật - Hàn về việc gây áp lực với Bắc Triều Tiên trong khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đề nghị nhanh chóng đưa ra các lệnh trừng phạt mới với Bình Nhưỡng về vụ nước này "thử bom nhiệt hạch".
Để đảm bảo hiệu quả của bất kỳ biện pháp trừng phạt nào cứng rắn hơn với Bắc Triều Tiên, cộng đồng quốc tế đang đổ dồn sự chú ý vào thái độ của Trung Quốc, nước láng giềng đang được cho là nắm giữ sức sống của nền kinh tế Triều Tiên.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã kêu gọi Trung Quốc chấm dứt cách tiếp cận bình thường với Triều Tiên vì nó đã không phát huy hiệu quả.
Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, nước này không phải là nguyên nhân mấu chốt, cũng chẳng phải chìa khóa giải quyết vấn đề.
Điều này cho thấy sự mâu thuẫn trong lập trường của Bắc Kinh về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tân Hoa Xã và Thời báo Hoàn Cầu một lần nữa đổ lỗi cho chính sách của Mỹ, Nhật, Hàn đã khiến ông Kim Jong-un theo đuổi loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này.


Hồng Thủy

(Quốc tế) - Triều Tiên tuyên bố đã “thu nhỏ được bom nhiệt hạch” và coi đó là một quân bài chiến lược giúp quốc gia này không đi vào “vết xe đổ” của Libya và Iraq.

Triều Tiên tuyên bố “kĩ thuật và công nghệ trong nước” đã giúp quốc gia này gia nhập các cường quốc hạt nhân, đủ sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và ngăn chặn các thế lực “thù địch” khỏi các cuộc “xâm lược”.
“Bom nhiệt hạch được Triều Tiên thử nghiệm là một biện pháp tự vệ nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền hợp pháp của đất nước khỏi các mối nguy cơ hạt nhân ngày càng tăng cao và các thế lực thù địch. Bom nhiệt hạch giúp bán đảo Triều Tiên đảm bảo hòa bình và an toàn”, thông báo được hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đăng tải mới đây.
Triều Tiên: Có bom nhiệt hạch sẽ không bị "xâm lược"
Triều Tiên tuyên bố đã thu nhỏ được bom nhiệt hạch để gắn lên các tên lửa xuyên lục địa.
Thông báo khẳng định phát triển vũ khí hạt nhân là cần thiết để ngăn chặn Mỹ khỏi can dự vào các vấn đề của Triều Tiên. Lịch sử cho thấy các mối quan hệ quốc tế thường được giải quyết theo “luật rừng” và Mỹ hay dùng “các nước yếu làm quân cờ thí mạng trong các hoạt động quân sự”.
Bình Nhưỡng gọi hạt nhân là “thanh kiếm quý giá và mạnh mẽ nhất” bảo vệ hòa bình, an ninh đất nước. Triều Tiên dẫn lại vụ can thiệp (mà nước này xem là “xâm lược”) của Mỹ vào Iraq năm 2003 và Libya năm 2011, khẳng định nếu hai quốc gia trên có vũ khí hạt nhân và bom nhiệt hạch, mọi chuyện đã khác.
“Chính quyền Saddam Hussein ở Iraq và chính quyền Gaddafi ở Libya không thể thoát khỏi số mệnh tuyệt diệt khi từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của mình. Mỹ và phương Tây đã khiến hai quốc gia này buộc phải thay đổi con đường của chính mình”. Đoạn thông báo cho biết đây là “bài học cay đắng” Triều Tiên rút ra từ hai sự kiện có sự góp mặt của Mỹ.
Trả lời trước các chỉ trích của cộng đồng quốc tế sau vụ thử bom nhiệt hạch hôm 6.1, Bình Nhưỡng khẳng định thật là “ngu ngốc” nếu muốn nước này từ bỏ hoặc tạm dừng chương trình hạt nhân của mình.
Triều Tiên sẽ đồng ý từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân chừng nào mà “Mỹ dừng chính sách thù địch nhằm vào Triều Tiên, và các nước đế quốc từ bỏ việc xâm phạm chủ quyền quốc gia khác bằng vũ lực”.
(Theo Dân Việt)

Không có nhận xét nào: