Giới phân tích nhận định, Lưỡng hội Trung Quốc 2017 tương đối "im ắng", thậm chí có phần "kỳ lạ" so với kỳ họp 5 năm trước.
Theo giới chuyên gia, nhận định trên hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế tại Trung Quốc và hiện tượng này xuất phát ít nhất từ ba nguyên nhân.
Thứ nhất, Đại hội XVIII đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012 đã đạt được đồng thuận về tư tưởng, xác định mục tiêu chung rõ ràng.
ĐCSTQ đã xác lập được các mục tiêu chính trị. Sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền đã lập tức đề xuất khái niệm "Giấc mộng Trung Hoa" - được miêu tả là "cuộc phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Quốc".
Trong đó, báo cáo Đại hội XVIII đã đề cập đến "hai mục tiêu 100 năm". Hội nghị trung ương 3 năm 2013 xác định phương án cải cách sâu rộng toàn diện.
"Không nói chuyện suông ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, nỗ lực làm việc nhằm phục hưng dân tộc" được ông Tập nhấn mạnh tại một cuộc họp báo quốc tế trong những ngày đầu nhậm chức.
Thứ hai, Trung Quốc đã xây dựng nên một trật tự chính trị ổn định mới. Tập Cận Bình được xác lập trở thành "hạt nhân lãnh đạo" mới của ĐCSTQ. Cơ chế "cửu long trị thủy" và vấn đề "chính lệnh không từ Trung Nam Hải" dưới thời cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã được giải quyết.
"Cửu long trị thủy" là cơ chế lãnh đạo mà 9 Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc như dưới thời ông Hồ Cẩm Đào được phân chia quyền lực tương đối đồng đều.
Mỗi người gần như trở thành "quyền lực tuyệt đối" trong hệ thống do mình quản lý.
"Chính lệnh không từ Trung Nam Hải" tức chỉ bộ phận quan chức cấp dưới nhằm đạt lợi ích riêng đã không chấp hành thực thi chính sách do trung ương chỉ thị.
Theo giới phân tích, đội ngũ quan chức địa phương trên toàn Trung Quốc đã được cải tổ đáng kể, một số khu vực, đơn vị mang dấu hiệu như "vương quốc độc lập" đã được phá bỏ.
Thứ ba, chiến dịch chống tham nhũng do ông Tập khởi xướng vẫn chưa kết thúc, hàng loạt "hổ lớn" tiếp tục bị điều tra.
Đồng thời, quyền lực của Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) - cơ quan phụ trách chống tham nhũng của đảng - ngày càng được khẳng định và nâng cao. Các quan chức Trung Quốc nói chung đều chịu sự ràng buộc về kỷ luật.
Ngoài ra, giới quan sát cũng cho rằng, nguyên nhân khiến Lưỡng hội (kỳ họp Quốc hội và Chính hiệp toàn quốc thường niên của Trung Quốc) 2017 trở nên "buồn tẻ" còn xuất phát từ một nguyên nhân sâu xa khác nếu so sánh với Lưỡng hội 5 năm trước.
Trước thềm Lưỡng hội 2012, vụ Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai bị phanh phui hành vi tham nhũng, cùng với đó là nhiều thông tin về việc tranh giành quyền lực đã làm chấn động dư luận Trung Quốc, tạo thành hiệu ứng dây chuyền.
Trong khi hiện nay, nước Mỹ vừa trải qua cuộc bầu cử Tổng thống 2016 tốn nhiều giấy mực của báo chí, còn châu Âu đang bước vào "năm bầu cử" khi nhiều nước lớn như Pháp, Đức... có khả năng thay đổi ban lãnh đạo, nên Lưỡng hội Trung Quốc 2017 vô hình trung trở nên "tẻ nhạt", thậm chí "kỳ lạ".
"Có lẽ, biểu hiện chính trị ổn định, trầm lắng hiện nay mới là trạng thái vốn có của chính trị Trung Quốc, phù hợp với bản sắc văn hóa hướng nội của đất nước tỷ dân", Đa chiều bình luận.
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét