Thứ Hai, 20 tháng 3, 2017

4 cách Nga-Trung có thể đánh chìm tàu sân bay Mỹ

QS | 

4 cách Nga-Trung có thể đánh chìm tàu sân bay Mỹ
Ảnh minh họa

Song song với sự tồn tại của tàu sân bay, lực lượng hải quân các nước cũng đồng thời phát triển kế hoạch để đánh bại chúng.

Tàu sân bay trở thành tàu chiến chủ lực trong tác chiến hải quân kể từ những năm 1940 và đến nay vẫn đại diện cho sức mạnh hải quân hiện đại. Tuy nhiên, gần như song song với sự tồn tại của tàu sân bay, lực lượng hải quân các nước cũng đồng thời phát triển kế hoạch để đánh bại chúng.
Chi tiết của những kế hoạch này đã thay đổi theo thời gian, song các nguyên tắc vẫn được giữ nguyên. Một số người cho rằng cán cân công nghệ quân sự đang dần lệch khỏi phía tàu sân bay, chủ yếu do những bước tiến mới của Nga và Trung Quốc.
Theo chuyên gia Robert Farley - Giảng viên cấp cao tại Trường Ngoại giao và Thương mại Quốc tế Patterson, Đại học Kentucky, dưới đây là 4 cách mà Nga-Trung có thể đánh chìm tàu sân bay Mỹ:
1. Ngư lôi
Ngày 17/9/1939, tàu ngầm U-29 của Đức đã phóng ngư lôi và đánh chìm tàu HMS Courageous của Anh. Đây là tàu sân bay đầu tiên bị chìm do tàu ngầm tấn công.
Trong suốt thế chiến II, Mỹ, Anh và Nhật Bản đã thiệt hại nhiều tàu sân bay vì tàu ngầm. Cũng vì lý do này mà chiếc tàu sân bay khổng lồ Shinano của Nhật đã bị phá hủy vào năm 1944.
4 cách Nga-Trung có thể đánh chìm tàu sân bay Mỹ - Ảnh 1.
Ảnh minh họa tàu ngầm USS Archerfiah Mỹ sau khi đánh chìm tàu sân bay Shinano của Hải quân đế quốc Nhật, biến nó trở thành tàu chiến lớn nhất từng bị đánh chìm bởi tàu ngầm.
Ngư lôi phóng từ tàu ngầm vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các tàu sân bay hiện đại. Tàu ngầm Nga và Trung Quốc thường xuyên thực hành tấn công các nhóm tàu sân bay của Mỹ, cũng như của các lực lượng hải quân đồng minh với Washington.
Các loại ngư lôi hiện đại gây hư hại cho tàu sân bay bằng cách phát nổ bên dưới con tàu, tác động từ vụ nổ này có thể làm vỡ đáy tàu.
May mắn là trên thực tế, chưa có loại ngư lôi nào như vậy đánh trúng chiếc tàu có kích cỡ lớn như tàu sân bay Mỹ, mặc dù Hải quân Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm khác nhau trên tàu sân bay cũ USS America (CV-66) vào năm 2005.
Những cuộc thử nghiệm đó (có vẻ đã sử dụng thuốc nổ dưới nước - tương tự loại từng gây hư hại tàu USS Cole) không làm chìm tàu sân bay Mỹ ngay, mà cần cả một quá trình.
Không ai biết liệu tàu sân bay Mỹ có thể chống chọi được bao nhiêu quả ngư lôi hiện đại trước khi chìm nghỉm, nhưng người ta ước tính rằng thậm chỉ chỉ 1 quả ngư lôi thôi cũng có thể gây hư hại lớn cho tàu sân bay Mỹ, làm cản trở nghiêm trọng hoạt động của nó.
2. Tên lửa hành trình
Năm 1943, người Đức đã dùng bom dẫn đường thông minh để phá hủy thiết giáp hạm Roma của Italia. Những quả bom này sẽ sớm nhường đường cho các tên lửa hành trình tự hành, được triển khai từ máy bay, tàu mặt nước, tàu ngầm hoặc các cơ sở trên bộ.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã phát triển một loạt phương tiện mang để có thể phóng tên lửa hành trình tấn công tàu sân bay Mỹ. Chúng rất đa dạng, từ tàu tuần tra cỡ nhỏ cho tới các phương tiện cỡ lớn như máy bay ném bom chiến lược.
Giả định máy bay ném bom Tu-22 tấn công tàu sân bay Mỹ.
Hiện nay, Nga, Trung và một số quốc gia khác đã triển khai nhiều loại tên lửa hành trình có khả năng đánh chìm các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ. Những tên lửa này rất đa dạng về tầm bắn, tốc độ, phương thức tiếp cận mục tiêu. Loại tiên tiến nhất có thể bay với tốc độ cao (thường là siêu thanh), trong khi khó bị radar đối phương phát hiện.
Tương tự như ngư lôi, chưa có bằng chứng thực tế nào có thể chứng minh mức độ hiệu quả của tên lửa hành trình trước một siêu tàu sân bay hiện đại.
Tuy nhiên, dù không thể đánh chìm thì tên lửa hành trình vẫn có thể gây hư hại nghiêm trọng cho boong tàu sân bay, cản trở hoặc thậm chí làm tê liệt hoàn toàn hoạt động của các máy bay trên tàu.
3. Tên lửa đạn đạo
Trong thập kỷ qua, bước phát triển quan trọng nhất trong lĩnh vực công nghệ tiêu diệt tàu sân bay là chương trình tên lửa đạn đạo chống tàu (ASBM).
Tên lửa DF-21 của Trung Quốc có tiềm năng tấn công các tàu sân bay Mỹ từ khoảng cách mà trước đây vốn bất khả thi. Chúng có thể cơ động trong giai đoạn cuối, dùng phương thức tiếp cận với tốc độ cao để tấn công chiếc tàu sân bay Mỹ đang di chuyển.
Chỉ riêng động năng của tên lửa đã có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho boong tàu, khiến tàu sân bay bị tê liệt toàn bộ hoạt động.
4 cách Nga-Trung có thể đánh chìm tàu sân bay Mỹ - Ảnh 3.
Tên lửa đạn đạo chống tàu DF-21D của Trung Quốc.
Sự ra đời của DF-21 đã buộc Hải quân Mỹ phải tăng cường đáng kể các nỗ lực phòng thủ tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, khả năng nhóm tàu Mỹ có thể chống chọi được trước ASBM hay không vẫn là một câu hỏi lớn. Loại tên lửa này đã buộc Hải quân Mỹ phải xem xét lại vai trò của tàu sân bay trong các cuộc chiến tranh cường độ cao.
4. Sự thận trọng quá mức của Mỹ
Có lẽ Nga và Trung Quốc không cần mất sức tiêu diệt tàu sân bay để khiến chúng "tuyệt chủng". Tất cả những yếu tố như các hệ thống vũ khí có khả năng tiêu diệt tàu sân bay, và khoản chi phí khổng lồ để chế tạo chúng sẽ khiến Mỹ phải thận trọng khi sử dụng những con tàu này.
Chiếc tàu sân bay mới lớp Ford (CVN-78) có chi phí rơi vào khoảng 13 tỷ USD, dù chưa bao gồm chi phí cho lực lượng không quân trên tàu.
Với thành phần gồm tiêm kích F-35C, F/A-18E/F và các máy bay hỗ trợ, giá thành của chiếc tàu sân bay thật sự gây choáng váng, và con số này thậm chí sẽ còn cao hơn nữa nếu tính cả chi phí trang trải cho nhóm hộ tống mà tàu sân bay cần có.
Mặc dù nếu được chế tạo với số lượng nhiều hơn, chi phí cho mỗi tàu sẽ giảm bớt nhưng quá trình chế tạo tàu sân bay lớp Ford tốn rất nhiều thời gian, do mỗi tàu mới đều cần được tích hợp một loạt công nghệ mới, tương tự như khi chế tạo tàu lớp Nimitz trước đây.
4 cách Nga-Trung có thể đánh chìm tàu sân bay Mỹ - Ảnh 4.
Giá trị quá cao của tàu sân bay trở thành điểm yếu lớn nhất của chúng.
Trong trường hợp xảy ra xung đột, các Đô đốc Hải quân và Tổng thống Mỹ sẽ lo ngại về mức độ dễ bị hư hại của tàu sân bay tới mức họ không dám sử dụng chúng một cách quyết đoán và hiệu quả.
Giá trị quá cao của tàu sân bay trở thành điểm yếu lớn nhất của chúng. Quá đáng giá tới mức không thể để bị thiệt hại, tàu sân bay chỉ còn có thể đứng bên lề trong cuộc xung đột cường độ cao của Mỹ với đối thủ ngang tầm.
Nếu tàu sân bay không thể đóng góp được gì trong các cuộc xung đột quan trọng nhất mà Mỹ phải đối mặt, trong khi vẫn phải tốn nhiều nguồn lực khổng lồ để chế tạo và bảo vệ chúng thì điều đó, hơn bất cứ lý do nào khác, sẽ khiến tàu sân bay trở nên lỗi thời, đặt dấu chấm hết cho vai trò biểu tượng sức mạnh hải quân mà chúng đang nắm giữ.
Kết luận
Phải chăng những yếu tố liệt kê ở trên đồng nghĩa với việc tàu sân bay hiện nay đã trở thành phương tiện chiến đấu lỗi thời rồi? Câu trả lời là Không.
Theo ông Farley, Trung Quốc và Nga vẫn liên tục nghiên cứu các phương thức tiêu diệt tàu sân bay bởi họ xem chúng là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng. Họ phát triển hàng loạt hệ thống vũ khí, bởi tàu sân bay đã có biện pháp đối phó thích đáng với nhiều loại trong số này.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đã bắt tay vào phát triển chương trình tàu sân bay nội địa. Hải quân Trung Quốc sẽ sớm triển khai lực lượng tàu sân bay lớn thứ hai thế giới.
Song, cần phải nói rằng tàu sân bay đang đối mặt với những nguy cơ thực sự từ công nghệ quân sự tiên tiến. Mối đe dọa lớn nhất có lẽ đến từ quá trình chế tạo. Trừ phi Mỹ có thể hạn chế tình trạng đội chi chí của tàu sân bay và lực lượng tiêm kích hạm, nếu không, những con tàu này sẽ không dễ giữ được chỗ đứng của chúng trong cấu trúc tổng thể của chính sách quốc phòng Mỹ.
theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào: