Trong khi vẫn chưa hứa hẹn gì sẽ đổ viện trợ không hoàn lại số lượng lớn để “cứu chính thể Việt Nam”, cách chơi của Trung Quốc là tập trung khống chế những doanh nghiệp lớn ở những lĩnh vực quan trọng, thông qua đầu tư nước ngoài và tiến tới mua cổ phần chi phối.
Cùng với hiện tượng kinh tế Việt Nam phải nhập siêu trong 2 tháng đầu năm 2017 (cùng kỳ những năm trước thường xuất siêu), làn sóng đổ vốn của các doanh nghiệp Trung Quốc vào thị trường Việt cũng là một hiện tượng có vẻ logic với chuyến đi của Tổng bí thư Trọng đến Bắc Kinh vào tháng Giêng năm 2017.
Những số liệu từ Bộ kế hoạch và Đầu tư cho biết trong 2 tháng đầu năm 2017, Trung Quốc đã vượt qua Hàn Quốc, Nhật Bản để trở thành đối tác lớn thứ 2 về FDI của Việt Nam sau Singapore. Cũng trong thời gian này, các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đã đăng ký thực hiện 123 dự án tại Việt Nam và 174 lượt mua cổ phần, chiếm 21,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Ngày càng nhiều ý kiến lo ngại nguồn vốn đầu tư Trung Quốc không mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam về môi trường, công nghệ… Nhưng một vị chuyên gia an ủi: Việt Nam không thể từ bỏ cuộc chơi với Trung Quốc mà quan trọng phải biết cách chơi.
Thực ra, cách an ủi theo đường lối “cách chơi” trên đã được giới quan chức Việt Nam, đặc biệt là Bộ Công thương thời Vũ Huy Hoàng, tung ra cứ mỗi khi công luận sôi trào về việc Việt Nam phải nhập siêu đến ba chục tỷ USD hàng năm từ Trung Quốc (chưa kể hai chục tỷ USD nhập lậu), thậm chí cả đến ớt và tăm cũng nhập từ Trung Quốc.
Chẳng lẽ đó lại là “cách chơi” của Việt Nam mà vẫn khiến kinh tế Trung Quốc đè đầu cưỡi cổ dân ta?
Có quan chức công an vẫn cố động viên tinh thần Việt là trong 23 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trong lịch sử Việt nam, ta đã chống quân Trung Quốc đến 21 lần và lần nào cũng thắng.
Nhưng đó chỉ là chuyện kháng chiến. Còn trên phương diện kinh tế, Việt Nam chỉ toàn từ thua đến thua. 90% tổng thầu chính của các công trình xây dựng là Trung Quốc. Từ năm 2008 cho đến tận gần đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn cắm mặt nhập khẩu điện từ doanh nghiệp Trung Quốc, bất chấp giá bán điện của các doanh nghiệp trong nước chỉ bằng 1/3 giá Trung Quốc. Trong khi đó, Bộ Công thương đã được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng biến thành một cơ quan “thân Trung” với quá nhiều thành tích làm lợi cho “thiên triều”.
Vậy “cách chơi” là như thế nào? Hay cứ tự an ủi và ma mị nhau, để sau đó đâu vẫn vào đó?
Để “tội đồ” Vũ Huy Hoàng vẫn bằng an cho tới giờ này…
Còn bây giờ là thời của Bộ trưởng công thương Trần Tuấn Anh.
Công bằng mà xét, ông Trần Tuấn Anh và dường như có cả sự chỉ đạo của ông Nguyễn Xuân Phúc, đã có được vài động tác kềm bớt làn sóng can thiệp của kinh tế Trung Quốc vào kinh tế Việt Nam. Song tất cả vẫn chỉ là muối bỏ biển.
Trung Quốc đang trở nên tinh ranh hơn rất nhiều. Trong khi vẫn chưa hứa hẹn gì sẽ đổ viện trợ không hoàn lại số lượng lớn để “cứu chính thể Việt Nam”, cách chơi của Trung Quốc là tập trung khống chế những doanh nghiệp lớn ở những lĩnh vực quan trọng, thông qua đầu tư nước ngoài và tiến tới mua cổ phần chi phối.
Để từ những doanh nghiệp này, Trung Quốc sẽ phát triển những mũi thọc sâu vào cơ thể kinh tế Việt Nam, đặc biệt sẽ khuấy đảo dữ dội nếu tình hình “có biến”
Minh Quân
(VNTB)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét