Lãnh thổ Việt Nam đang bị đe dọa bởi hành vi bán nước của các doanh nghiệp Việt trong suốt một thời gian dài thông qua xuất khẩu cát sang các quốc gia láng giềng, tiếp tay bồi đắp biển đảo, mở rộng phạm vi lãnh thổ cho các nước này. Vấn đề đặt ra là hành động kinh doanh bất hợp pháp này tại sao lại được các doanh nghiệp thực hiện một cách trơn tru mà không gặp bất kỳ bất cập nào từ các ban ngành? Phải chăng phía sau đó là một đường dây cấu kết ngầm, ký kết ăn chia, tạo kênh vận chuyển dễ dàng đưa cát ra nước ngoài, âm thầm bán cát kiếm lợi nhuận?
Cát là một phần trong hệ thống tự nhiên biển, tạo nên một thực thể biển hoàn chỉnh. Cát cũng tạo nên phần lãnh thổ quốc gia tương tự như đất, thậm chí là quý hơn đất vì nó giữ vững đường bờ biển cho lãnh thổ. Nếu nói đất quý hơn vàng, thì không ngoa khi cho rằng không loại vàng nào có thể sánh bằng cát, nhất là đối với các quốc gia có đường biển dài dọc suốt lãnh thổ như Việt Nam. Thế mà trong suốt nhiều năm qua, để tìm kiếm lợi ích kinh tế ngắn hạn, bỏ qua các tác động bên ngoài từ môi trường, rất nhiều doanh nghiệp đã tiến hành khai thác cát vô tội vạ. Các doanh nghiệp này dựa vào mối quan hệ đặc biệt với chính quyền địa phương và các ban ngành, công khai tiến hành các hoạt động buôn lậu cát.
Các ghe tàu bơm hút cát bất chấp tình trạng sạt lở đất, thủy sản chết hàng loạt |
Từ năm 2010, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê chuẩn văn bản cấm xuất khẩu cát nhiễm mặn. Tuy nhiên, đến năm 2013, Bộ Xây dựng đã cho phép xuất khẩu cát nhiễm mặn thông qua hình thức “xã hội hóa” với lý do lấp liếm là “nhằm tiết kiệm chi phí nạo vét thông luồng”. Rõ ràng, đây là nhiệm vụ của Bộ Giao thông Vận tải và dùng ngân sách nhà nước để thực hiện. Vì sao phải tiến hành xã hội hóa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp bán cát sang nước ngoài? Phải chăng đằng sau nó là cả một nhóm lợi ích đang chia chác, xà xẻo tài nguyên quốc gia?
Lộ diện thế lực đứng sau “bảo kê” cho hoạt động từ khai thác đến xuất khẩu cát
Theo số liệu thống kê, từ năm 2016, cả nước đã có hơn 10 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cát nhiễm mặn được Bộ Xây dựng cấp giấy phép. Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng và các địa phương đã phê duyệt 40 dự án nạo vét, khối lượng cát tận thu khoảng 250 triệu m3. Nếu tính theo gía khai báo hải quan của các doanh nghiệp là 1USD/m3 cát, thậm chí là thấp hơn chỉ 0,8 và 0,9USD/m3, thì tổng số tiền thu được nhờ bán cát là 5,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, một bản hợp đồng bằng tiếng Anh được ký kết giữa công ty Hải Dương KG và Công ty JIA DA Investment & Construction, có trụ sở tại Campuchia vào tháng 05/2015 lại cho thấy thông tin ngược lại. Theo đó, Công ty Hải Dương KG bán cát tại Phú Quốc cho Công ty JIA DA Investment & Construction với giá 4,4 USD/m3 .
Trung Quốc mua cát đắp cho các đá, đảo xâm chiếm từ Việt Nam để xây dựng căn cứ quân sự |
Với giá bán cát thực tế là 4,4 USD/m3 thì con số 5,7 tỷ đồng thu được nhờ bán cát nói trên chỉ là trên văn bản khai báo, còn số thực tế mà các doanh nghiệp thu về tính ra gấp hơn 4 lần. Vậy số tiền khổng lồ còn lại đã chảy đi đâu? Phải chăng nó được dùng để bôi trơn cho mọi khâu hoạt động, từ cấp phép khai thác phi pháp, gia hạn thời gian nạo vét đến quá trình thông quan?
Theo thông tin điều tra, các văn bản đề nghị gia hạn cho doanh nghiệp nạo vét, khai thác cát của UBND các tỉnh Kiên Giang và tỉnh Khánh Hòa trình lên Bộ Xây dựng, chỉ HAI hay BỐN NGÀY sau đã có văn bản chấp thuận. Hiệu quả làm việc cao hay một quy trình siêu tốc cho thấy sự khuất tất mịt mờ, bảo kê doanh nghiệp khai thác tài nguyên xuất khẩu ra nước ngoài với giá rẻ mạt?
Bán “lãnh thổ” cho các nước láng giềng
Các nước khu vực Đông Nam Á rất coi trọng vấn đề cải tạo biển đảo, đặc biệt, đối với Singapore mở rộng lãnh thổ luôn là phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Từ khi độc lập vào năm 1965, diện tích của quốc gia này đã mở rộng thêm 22%, tăng từ 580 km vuông lên 710 km vuông. Chính phủ Singapore dự kiến đến năm 2030 sẽ mở rộng thêm 56 km vuông đất.
Cát được chuyển xuống đảo Tekong, Singapore, tiếp tay cho quốc đảo này mở rộng phạm vi lãnh thổ |
Ngoài Singapore, Trung Quốc cũng đang tích cực thu mua cát giá cao nhằm tăng cường bồi đắp cho các đảo, đá đã xâm chiếm từ Việt Nam. Các hoạt động nạo vét, lấn biển để bồi đắp, cải tạo trên diện rộng nhằm mở rộng diện tích các vị trí Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam như: Châu Viên, Chữ Thập, Gạc Ma, Ga Ven và Ken Nan vẫn đang diễn ra. Diện tích đảo, đá mà nước này xâm chiếm trên Biển Đông của Việt Nam đã tăng lên 400lần, tương đương 800ha từ tháng 01/2014.
Việc các quốc gia này tăng diện tích đá, đảo, lãnh thổ đồng nghĩa với việc Việt Nam ngày càng giảm diện tích đất, lãnh thổ, trong đó biểu hiện rõ ràng nhất chính là tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng, cứ mỗi năm bờ sông lại mất đi 2 -3m đất.
Trong trường hợp này, rõ ràng lãnh thổ không tự nhiên mất đi, nó chỉ bị chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác thông qua hành vi bán cát kiếm lợi nhuận của các doanh nghiệp. Lãnh thổ Việt Nam 4.000 năm dựng và giữ giờ đang bị các doanh nghiệp và sự tiếp tay của lực lượng bảo kê phía sau bán đi với giá rẻ mạt hơn bao giờ hết.
Mai Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét