Thứ Ba, 7 tháng 3, 2017

HOÀNG TRẦN CƯƠNG VÀ "NGHỆ"... NGỮ

HOÀNG TRẦN CƯƠNG, NGÔN NGỮ QUÊ HƯƠNG

Hoàng Trần Cương
Một nông thôn Việt Nam đang tan rã.
Thơ cố gắng đi tìm những mảnh vỡ của chúng.
Trong tiếng nói thất lạc, nơi những đứa trẻ bên lề, thơ tìm lại không chỉ mảnh vỡ mà cội nguồn của chúng. Thơ đi tìm ý nghĩa, đối thoại, tra vấn, mạch nối kết. Như lời kêu gọi:
Lần đầu tiên cha nghe tiếng con thất lạc
Cha ơi cha
Con xin cha đừng bán đất
Rồi biết kiếm đâu ra nước giếng ngọt thế này
Nhưng thường thì Hoàng Trần Cương nhẹ nhàng hơn, anh chỉ tả lại, kể lại câu chuyện của mình:
Ngày tảo mộ cả làng dậy sớm
Ngạt ngào xôi nếp thơm
Mùi cỏ dại cay nồng
Mùi hương bay ríu giọng
Những chi tộc gần xa về hội ngộ
Mơ hồ phấn mưa bay
Mỗi lần đọc đoạn này tôi đều nhớ cảnh làng cũ của mình, không còn nữa. Tôi nghĩ, Trầm Tích của Hoàng Trần Cương là cố gắng đi ngược sự tan rã, là tiếng nói của trở lại, phân tích, cất giữ, chống lại lãng quên. Chống lại sự lưu manh hóa nông thôn.
Thơ anh là phối hợp của trường ca và trữ tình.
Trường ca, như một thể thơ, sau mấy mươi năm, vẫn còn lạ đối với nhiều người. Khởi đầu bởi các nhà thơ miền Bắc và trong chiến tranh. Đó là sự phối hợp giữa ít nhất ba truyền thống: thơ trữ tình, thơ chính trị, các trường ca tự sự như sử thi Tây Nguyên, trong bối cảnh đương đại. Thật ra phân biệt sử thi và trường ca là khó, tuy nhiên có thể cho rằng truyện kể và nhân vật anh hùng là hai đặc trưng cho sử thi truyền thống, trong khi trường ca hiện đại kết hợp các yếu tố trữ tình cá nhân, sự phá bỏ cốt truyện, đời thường hóa. Nếu ba khuynh hướng sau này được đẩy đi quá xa, ngoài tầm kiểm soát của tác giả, trường ca chỉ còn là bài thơ dài, ngụy trang như một thể loại riêng biệt.
Sợ con nít lằn lưng trên cái chõng đan bằng tre cật
Không biết ai đã luồn vào dưới lưng tôi một tấm mo nang
Cái mo cau mẹ lượm được ở cuối vườn từ năm ngoái
Đem vào giấu trong buồng và lấy đá dằn lên
Tôi mát lạnh trong hơi của đá
Nhắm mắt ngủ ngon lành
Một đoạn ngắn của trường ca mà đầy đủ như chuyện kể trọn vẹn. Trầm Tích có nhiều đoạn như thế, nhưng chúng nối mạch vào nhau liên tục không gián đoạn.
Trầm Tích mười chín chương, chương đầu là Nguồn Cội, chương cuối là Miền Trung, với dung lượng chia đều cân đối. Ra mắt từ 1989, giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 2000. Hoàng Trần Cương còn viết những bài thơ ngắn, và sau Trầm Tích, những trường ca khác nữa, nhưng nhìn chung chúng chưa sánh được với đỉnh cao này.
Nhà thơ Hoàng Trần Cương
Nhà thơ Hoàng Trần Cương
Câu của anh “cấu trúc của làng” có thể dùng để mô tả khái quát tính chất không gian và cấu trúc của tập thơ. Ẩn dụ trung tâm là miền Trung, xứ Nghệ. Một cái làng. Làng là cấu trúc của gia đình, huyết thống, đất nước. Làng là cấu trúc của tình yêu. Trầm Tích tràn ngập những câu thơ đẹp. Nhan đề ẩn chứa sức mạnh của lối chọn chữ đặc biệt của tác giả. Có lẽ anh muốn nói đến các vỉa tầng địa chất, đá trầm tích, chứa đựng hóa thạch. Nơi cất giữ cội nguồn văn hóa. Khó có một nhan đề nào đúng hơn. Thể trường ca cổ điển, như dùng để kể các sự tích anh hùng, đã được làm mới lại bởi các nhà thơ Việt Nam trong mấy mươi năm nay, với những yếu tố của nghệ thuật hiện đại. Nhiệm vụ của tác giả trường ca là tìm trong ngôn ngữ hôm nay những yếu tố của sự thay đổi của đời sống một cách chủ động, tức là việc tạo lập thế giới mới. Tôi nghĩ, đây là những sáng tạo: kết hợp tính bi hùng, tính trữ tình, chất tự sự, tính triết lý, và cấu trúc chương hồi. Ngay khi nhà thơ phá vỡ quy ước cổ điển, thì trường ca vẫn là câu chuyện kể và vẫn phải kể với đám đông: nó phải lên giọng.
Những gì đã có
Cố đừng để mất
Sự phân chia trường ca và thơ ngắn chỉ là ước lệ, có ích cho một số phân tích, nhưng sự phân chia ấy có thể giả tạo, vì mối quan hệ giữa chúng là phức hợp. Sự nhấn mạnh quá đáng vào các định nghĩa thể loại sẽ làm hại sự thưởng thức đối với tác phẩm vượt ranh giới. Thơ Hoàng Trần Cương mô tả trung thực những hoàn cảnh khốn khó của con người trong môi trường khắc nghiệt, thậm chí tàn bạo và thù địch, một hoàn cảnh xã hội khắc nghiệt không kém, với những bất công và tội ác đã được nhiều người nói tới hay vẫn còn bị khuất lấp:
Mẹ ơi
Tận bây giờ con vẫn còn hoảng hốt
Cái buổi chiều những tưởng cha đi
Bỗng dưng trời đất thâm sì
Lốc rừng dựng đứng
Giông bão ùa về lừng lững
Mây đặc trời
Tối bưng
Gió chém
Mưa đâm
Sợi dây trói nới thầm
Từ tay cha rụng xuống
Mẹ bảo: May mà trời có mắt
Cha không nói gì
Người lẳng lặng cầm sào đi xốc lại cây rơm
Những bất hạnh này, dù được giải thích hay chỉ được biện hộ, đã nhận ra khuôn mặt người làm chứng của chúng giữa đám đông: thơ ca (*). Những câu thơ chua chát và ngọt ngào của Trầm Tích nói về lòng dũng cảm, sự hy sinh, tha thứ và bao dung, nói về chiến tranh, những mất mát, nói về hòa bình, với niềm vui và thất vọng, nhưng cao hơn hết, thơ nói về lòng tri ân trước cuộc đời, trước đất trời, đất nước. Vì anh có câu thơ “dâng tặng mùa màng”, nên tôi nghĩ, Trầm Tích như một lời dâng tặng. Một nghi lễ. Hãy nghe anh kể chuyện khởi đầu:
Mẹ tôi đẻ rơi tôi bên cối giã gạo
Tôi lấm láp đáp mình vào đất
Gió Lào mặc cho tôi chiếc áo màu nâu
Cha đi vắng
Giọng thản nhiên, mộc mạc, nhưng cách dùng chữ của anh kỹ. Chỉ bằng một khởi đầu thế thôi, người ta có thể biết bài thơ sẽ đi xa, bao quát: người mẹ nông dân tần tảo làm việc đến lúc đẻ bên cối giã gạo, đứa con ra đời lăn mình vào đất, đứng lên từ đó, giữa đất và gió Lào, màu da sạm nâu, nhà chỉ hai mẹ con.
Những người đàn ông miền Trung thường đi vắng
Vài năm tạt qua nhà một lần
Để lại đứa con
Là một nhà thơ hiện thực, Hoàng Trần Cương nắm chắc kỹ thuật mô tả sự vật, nhưng không ngừng tìm cách mở rộng các ứng dụng của chúng, đặc biệt cách chọn chữ, ngắt câu, thay đổi giọng điệu ở các khúc quanh, từ trần trụi, gay gắt, đến nhẹ nhàng buông thả. Một nhà thơ non tay sẽ dừng lại ở ba câu trên. Nhưng câu cuối sau đây mới đúng hồn người Việt nam.
Để lại mùi rạ thơm trên mái nhà vừa dọiHoàng Trần Cương sử dụng một số thủ pháp nghệ thuật đặc sắc. Các câu hầu hết ngắn, số chữ thay đổi, các chữ được xếp gần như chen khít vào nhau, như bức tường toàn những tảng đá ghép lại không có vôi vữa, mà vẫn chặt chẽ bền vững.
Dằng dặc dải làng quê thưa thắt
Những vạt lúa đỏ đuôi luội mình đổ rạp
Chỏng chơ nồi cơm ngày đói khát
Đôi khi cũng với một ngôn ngữ chặt chẽ như vậy, anh học được cách tách chúng ra, buông thả, và do đó làm cho câu thơ trở nên nhẹ nhõm, trở nên man mác bồi hồi, chỉ trong vài chữ ngắn.
Buồn có mang tình sông 
Lở bồi tức tưởi
Niềm vui đỏ ớt
Cay mờ tháng năm 
Hoàng Trần Cương có những câu cuối mênh mông, giàu tưởng tượng, nâng cả một đoạn thơ lên như đoạn vừa rồi. Khó viết (original). Trong khi những câu được nhiều người khen, thật ra là những câu nhiều tu từ, và có lẽ dễ lập lại hơn:
Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa
Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam
Là ví von. Anh rất tài tình khi mô tả một cảnh sinh hoạt cụ thể :
Đọi cà pháo chất cao có ngọn
Rồi khoai lang ngọt bùi
Đêm quê kiểng lành hiền
Chuyện trò như ngô nổ
Những khát vọng niêm phong vào Trầm Tích
Cất giữ sơ sài trong bóng trăng non
Mặc dù đôi khi gượng ép:
Những con cá ươn trên thúng mẹt chợ quêTon tót nhảy khi nghe hơi tiền mới
Hình ảnh đẹp nhưng chưa hoàn toàn thuyết phục:
Trăng đầu tháng đỏ ngầuNhư cái bã trầu ai nhè ngang đỉnh núi
Bên dưới một vẻ ngoài chân quê mộc mạc, thô ráp, thơ anh buồn se sắt, có nhiều suy nghĩ bất ngờ, vượt lên so với nhiều nhà thơ cùng thời, đi hẳn ra ngoài lề thói cũ, với sự nghi ngờ triết học. Đó là khuynh hướng hiện đại (**). Nhưng khác với hiện đại Tây phương, anh không bi quan; mô tả chiến tranh nhưng ít lên án; mô tả sự khắc nghiệt tàn bạo của con người hay thiên nhiên nhưng không kèm lòng oán giận.
Ôi! Quê hương
Cái đòn gánh trĩu hai đầu đất nước
Gió bão thù chi với mảnh đất này
Nối đuôi nhau xếp hàng ngang đen sì ngoài biển
Than mà không trách. Cũng một giọng ấy anh đã dùng khi nói về sự kiện khác, bạn bè, chiến tranh, xã hội. Dung lượng lớn của một trường ca cho phép anh kể nhiều chi tiết, thậm chí có những ý trùng lặp, những đoạn thừa ra. Có những chương thật hay, xuất sắc, như Nguồn cội, Miền Trung, Đá đỏ, trung bình như chương Cá gỗ, yếu và loãng hơn như Vốn và lãi, nhưng ngay cả ở những chương chưa xuất sắc, vẫn có những câu thơ làm người đọc dừng lại.
Trầm Tích có cấu trúc cân đối, nhiều chuỗi liên tưởng song song, không phải chỉ dùng làm cho câu thơ trở nên bóng bẩy, như các danh từ đi với danh từ, động từ đi với động từ, mà tạo ra sự hợp lý cho một ý tưởng. Đến lượt chúng các ý tưởng trong cả một đoạn dài cũng phải phù hợp với cấu trúc song song.
May cho làng còn lại cây đa
Cây đa đề không ai rõ tuổi
Trẻ con trốn học chui vào hốc đa
Sáo đen uống nước chui vào hốc đa
Quạ khoang rình mồi chui vào hốc đa
Những câu chuyện của bà
Từ cây đa bươn ra
Nhờ cấu trúc song song này mà các ý tưởng trong toàn bài, các sự kiện được mô tả, trong khi lập lại về tu từ, thì lại không lập lại về ý tưởng và không gây ra nhàm chán. Nếu cứ thế đi xa hơn nữa, mà điều này cũng đôi khi xảy ra trong Trầm Tích, các câu thơ về sau sẽ đuối dần, như một người đánh đu quá lâu trên rễ đa, thế nào cũng rớt:
Những niềm tin của con
Từ cây đa buông rễ
Bóng đa là nơi giấm những vui buồn thành của ăn của để
Bóng đa là phong vũ biểu của làng
Bóng đa tàng hình con ma cố Bợ
Vân vân. Mặc dù sử dụng thể tự do, các câu dài ngắn thường xuyên thay đổi, chất giọng của anh có nhạc điệu riêng, thống nhất từ đầu đến cuối. Anh nói về quê hương, nhưng đó không phải thơ hoài niệm. Một thế hệ các nhà thơ gần gũi Hoàng Trần Cương cũng không có khuynh hướng hoài niệm. Sự hiện diện của quá khứ trong khi không phải là tính chất quan trọng nhất thì cũng không phải là sự trang sức. Sự tồn tại của chúng là hiển nhiên và đơn giản, cấu thành một phần của đời sống hôm nay. Sự tích hợp hiện tại và quá khứ là thay thế cho nỗi bi quan, sự lo âu, sự thất lạc. Hoàng Trần Cương không dựa vào các thể thơ cố định, nhưng những câu thơ của anh, trên trang giấy, tạo nên một hình thức, một dạng thể rõ ràng. Thơ anh không những chỉ được nghe bằng tai mà còn được đọc bằng mắt. Và ngược lại. Biểu tượng của tình yêu quê hương trở thành tia chớp, chúng giữ lại hơi nước, cơn bão, sức mạnh của ngôn ngữ Hoàng Trần Cương không những được thể hiện mà còn được nén lại, giữ lấy, chờ đợi. Cảm giác như có một lực hiện diện trong những câu thơ của anh, một lực đẩy, sức hút, vật chất (***).
mảnh đất nghèo
mồng tơi không kịp rớt
chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ
Câu thứ hai làm tôi phân vân. Sự kếp hợp giữa hài hước và trữ tình là việc khó của các nhà thơ Việt Nam hôm nay. Nhưng Hoàng Trần Cương nhanh chóng vượt qua cái khó ấy: trong một kho từ vựng hạn chế, anh có một vốn suy tư rộng lớn, vạm vỡ chờ đợi. Tôi ví dụ, anh có thể triết lý mà không rơi vào bẫy vụn vặt:
Không gian mênh mông
Đầy giới hạn
Thời gian vô tận
Mãi long đong
Ngửa mặt va ngày
Mở mắt vấp đêm
Ngã ba ngã tư
Đèn vàng đèn đỏ
Đi khó
Về cũng khó
Lối trước ngõ sau
Nhan nhản lõm lồi
Sắp đặt đời mình đâu chỉ tự mình thôi
Nhân nói về từ vựng, chúng ta có thể thấy ngôn ngữ Trầm Tích có những đặc điểm sau:
– Nhiều từ địa phương: mặn và khắn, thâm sì, dọi…
– Những từ phổ thông nhưng dùng nhiều ở một địa phương: mùi rạ thơm, khét…
– Nhiều tính từ. Mục đích của chúng là làm thay đổi nghĩa, làm tăng cường:
Mùi cỏ còn đắng nghét đến hôm nay
Mùi cỏ dẫn con vào năm tháng thơm lành
Mùi cỏ mặn và khắn như lông bò tẩm nắng
Mùi cỏ khét dây trói tay cha
Trong bốn câu thơ có năm tính từ. Đắng thì đắng nghét, thơm thì thơm lành.
– Dùng các chữ lấp láy: lục đục, hì hục, mướt mịn, mượt mà…
– Dùng nhiều động từ hoặc động từ kèm theo trạng từ: đứng lì, dong mưa, trào sặc sụa, gió chém, mưa đâm…
– Phương pháp nhân cách hóa dày đặc. Các sự vật đều như có hồn, chia sẻ đời sống với con người:
Mưa giờ ngọ chưa qua gió giờ mùi đã đến
Cay đắng lắng vào trái ớt lúc còn xanh
Đất vắt kiệt mình nước mọng múi chanh
Các phép so sánh với tần số cao:
Ngày xưa lúa tự bò về nhà
Hạt to như bắp chuối
Khi chưa bị người ta xua đuổi
Nắng vàng mơ từ mờ sớm đến chiều hôm
Câu ví dặm gầy nhom thì thào như người mới ốm
Tuy vậy vẫn có những phép nhân cách hóa vội vàng, chưa thuyết phục lắm: 
Một sáng quân thù ập đến
Đã thấy tre chống nạnh đứng trước thềm
Làm thế nào để biết một phương pháp nhân cách hóa là hợp lý và thuyết phục, hay ngược lại? Ẩn dụ và nhân cách hóa là sự chuyển dịch từ một sự vật này đến một sự vật khác, giữa chúng là một khoảng cách không được quá gần và không được quá xa. Quá gần thì nhàm chán, quen thuộc, quá xa thì trở nên gượng gạo, vì giữa chúng không có liên hệ nào. Vậy, phép tu từ của Hoàng Trần Cương khó nhọc và tài hoa. Không hiểu sao, tôi vẫn thích những câu mộc mạc này hơn:
Anh sẽ về quê kiểng 
Nằm xoài trên cỏ non
Mặt không cần úp nón
Nhấm ngọn mưa đầu nguồn 
Những đoạn thơ như thế đều có thể đi lướt qua bên mình bạn, xúc động đến nỗi một vài chữ dù chưa thích đáng, vẫn không cản được cái momentum của nhiều dòng. Sự suy nghĩ dân quê, những lề thói cũ kỹ ảnh hưởng trầm trọng đến sự tiến hóa của dân tộc, về hướng dân chủ và văn minh, những lề thói ấy cũng được bộc lộ trong nhiều câu, có thể vô thức:
Đói cơm còn chịu được
Đói chữ thì khổ to
Trong làng người già bảo
Phải ra thị thành thôi
Cái học hiện nay ở nước ta vẫn là cái học từ chương, toàn bộ là dẫn đến làm giàu hay làm quan. Ở đây còn có truyền thống bỏ làng ra đi, tìm tương lai ở thành thị: đầu mối của sự hoang tàn trong khi nông thôn là cái nôi đạo đức, văn hóa. Không phải chỉ trong chiến tranh mà phẩm giá con người được thử thách; chính đời sống dân sự thời bình mới là phép thử hiệu nghiệm nhất: những con phượng hoàng chiến tranh gãy cánh.
Cho con biết cười biết khóc
Biết yêu người mình yêu như chính yêu mình
Biết bạn bè không có nhiều lắm đâu dẫu mặt đất ngày càng đông chật

Khác với thơ, trường ca viết cho người đọc, hướng tới người đọc. Nhưng độc giả của anh ở đâu? Điều cốt lõi có lẽ là yếu tố nhân vật và tính chất đa nhân vật. Vì sử dụng nhiều nhân vật, nhà thơ cũng dùng phương pháp mặt nạ. Một trường ca có lẽ cần tránh các khuyết điểm: quá dài một cách không cần thiết, quá nặng về lời kể đơn tuyến và về cái tôi trữ tình của tác giả. Sự kể chuyện cần phải có nhiều giọng, có tính đối thoại, cần tránh tính văn xuôi được vần hóa, biến thành một bài thơ tự bộc lộ như thi hóa các hồi ký. Tuy nhiên nếu thành công, trường ca hơn hẳn các loại thơ ngắn vì tạo dung lượng lớn, sự tiếp xúc thường xuyên, tính chất huy động, phát hiện cao; khả năng làm thay đổi suy nghĩ và tình cảm của độc giả là lớn. Trường ca phải nói được sự thay đổi của một nhân vật, bộc lộ những điểm yếu và điểm mạnh của nhân vật ấy, làm cho người đọc hóa thân thành nhân vật. Đọc một trường ca xong người đọc thấy xứng đáng với thời gian mình bỏ ra, và họ sẽ đọc lại. Trong khi thơ trữ tình Việt Nam đang vận động nhanh về phía chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại, thì trường ca di chuyển chậm: cấu trúc, sự cân bằng, truyền thống, ca ngợi cái cao cả và vững bền, tính cách dân tộc. Tháng Tư năm 2008 trên căn gác của nhà thơ Hoàng Cầm, tôi đã được nghe tác giả đọc một trích đoạn của Trầm Tích. Lúc đó anh hơi say, sau một bữa uống ngoài trời nóng nực, nhưng vẫn minh mẫn lạ lùng. Anh thuộc hết các đoạn thơ. Tôi ngạc nhiên về một thứ ngôn ngữ chưa hề nghe, đậm đặc, giàu có, tha thiết.
Nếu so với trường ca của người cùng thế hệ và hoàn cảnh lính chiến, sẽ thấy Hoàng Trần Cương ít nhắc đến chiến tranh, ít nhắc đến chi tiết cụ thể của cuộc binh đao. Anh không thiên về việc sử dụng bút pháp anh hùng ca. Phong cách của Hoàng Trần Cương rõ ràng khác biệt, cách dùng chữ của anh nặng tính khách quan, nhưng đôi khi lập đi lập lại cùng một giọng điệu, đôi khi khá cũ. Điều này làm anh vừa khác so với người khác vừa hơi có chút quá đà, nặng tính chất địa phương. Mối quan hệ giữa một bộ phận và cái phổ quát, giữa tính riêng tư và khả năng chia sẻ, là mối quan hệ mà tất cả những người viết đều phải giải quyết.
Mẹ tôi đẻ rơi tôi bên cối giã gạo
Rất riêng mà vẫn có tính lịch sử.
Tính bi kịch trong trường ca: lúc nào thì bi kịch hóa trở thành một thủ pháp nghệ thuật đắc thế, lúc nào thì không. Anh viết về chiến tranh mà như không phải về chiến tranh, thật ra là về tình mẫu tử trong chiến tranh:
Đêm Trường Sơn nhập nhoà pháo sáng
Con máy mắt liên hồi
Chắc mẹ thầm nhắc gọi
Xin mẹ đừng lang thang ra ngoài ngõ
Đừng tựa lưng thêm vào nơi mẹ đứng chờ con
Đó là giá trị cộng đồng khi một nhà thơ nói về cá nhân. Trầm Tích là thơ tâm linh, lễ dâng hiến. Là lời hát tặng làng xưa, kinh cầu, tiếng sóng dòng sông, lời ca ngợi hòa bình, mồ hôi của đất, muối của cánh đồng, ý chí của cỏ cây. Khả năng quan sát đặc biệt cũng dễ nhận ra:
Những vạt lúa đỏ đuôi luội mình đổ rạp
Chỏng chơ nồi cơm ngày đói khát
Sự phức hợp về ngữ pháp của một câu không phải là sự phong phú của đời sống. Khả năng quan sát mới là khởi điểm của tưởng tượng, của chiều sâu suy tư, vì vậy suy tư của tác giả, những ý tưởng, bắt sâu trong đời sống, có sức thuyết phục hơn cả.
Trong trường ca, cần thấy thủ pháp đổi giọng của người kể chuyện là cần thiết.
Em là cơn mưa
Vỗ về nắng hạn
Xanh như tán lá
Cần phân biệt giữa một bên là việc làm chứng, thơ như một nhân chứng, và một bên là mang lại hiểu biết, tin tức, về một thời đại, một vùng đất. Vào lúc này, sự tan rã của văn hóa nông thôn, và tất nhiên cả văn hoá thành thị, mà chúng ta tạm thời không đề cập ở đây, chính sự hỗn loạn này là động lực sâu thẳm của thơ, kẻ đi tìm diện mạo đích thực của tâm hồn. Trầm tích của Hoàng Trần Cương không phải là những kết tụ theo thời gian một cách thụ động, không phải hoài niệm của người lớn tuổi đối với tuổi thơ mà là vận động có ý thức, là tình yêu được cấu trúc như một ngôn ngữ. Trầm tích ấy của anh chính là thông điệp, là lời kêu gọi đối với con người: trung thành, giữ lại cái chúng ta đang mất, giữ lấy điều chúng ta đang đập vỡ. Có một trạng thái cân bằng thường xuyên biến đổi giữa hoàn tất và chưa xong, giữa phá hủy và sáng tạo, giữa tự bộc lộ bản thân và mô tả khách quan đời sống, sự cân bằng ấy làm nên sức mạnh của Trầm Tích.
Với Hoàng Trần Cương, ngôn ngữ là quê hương. Không những thế, ngôn ngữ và quê hương là một. Một vật thể, một thực hữu, cần được giữ gìn nguyên vẹn.
Đối với thực hữu ấy, thơ trữ tình là ký ức, trường ca là ký ức tập thể.
(trong loạt bài Đọc Thơ)

(Nguồn: http://nguyentrongtao.info/2017/03/06/hoang-tran-cuong-ngon-ngu-que-huong/ )
Chú thích:
(*) Trần Vũ Long – “Người thơ trầm tích”:
“Vào một buổi trưa, cậu bé học vỡ lòng hớn hở chạy về thì thấy nhà cửa tan hoang rồi bị niêm phong lại. Mấy mẹ con bà cháu bị dân quân đẩy ra ngoài đồng, sống chết mặc bay. Cay đắng hơn, người cha của ông là một đảng viên từ năm 46, đang là Chánh văn phòng Uỷ ban kháng chiến tỉnh Nghệ An bị quy là địa chủ đầu sỏ và bị dẫn ra hành hình ngay trong chiều hôm ấy. Tất cả mấy mẹ con bà cháu cũng bị lùa ra để chứng kiến cảnh tượng ghê rợn đó. Trong trí nhớ của cậu bé Hoàng Trần Cương khi đó như in cảnh sáu dân quân cầm súng trường đang chuẩn bị giương lên, mấy mẹ con bà cháu thì sợ sệt rúm ró vào nhau sau vành móng ngựa kết bằng dây chuối. May thay, khi mà cha ông đã bị trói vào cột, giờ hành hình sắp đến, trời bỗng nổi trận mưa giông, tất cả dân làng bỏ chạy tán loạn. Pháp trường vắng hoe, chợt người đội trưởng đội hành hình hét lớn: “Nỏ ai xem thì bắn mần chi”. Vậy là buổi hành hình bị hoãn lại sang ngày hôm sau. Nhưng, ngay buổi tối hôm đó, có lệnh sửa sai, một chiếc xe ôtô đít vuông đã mời bố ông lên xe rồi đưa ra Vinh. Mấy tháng sau gia đình mới được biết bố ông được đưa ra Hà Nội công tác. Trong khoảng thời gian đó mấy mẹ con bà cháu vẫn sống trong một túp lều lụp sụp giữa đồng không mông quạnh, đi mót khoai, mót lạc, mò cua bắt ốc, làm thuê cuốc mướn để sinh sống.”
(http://trannhuong.net/tin-tuc-15698/nguoi-tho-tram-tich.vhtm)
(**) Czeslaw Milosz: “when poets discover that their words refer only to other words and not to reality which must be described as faithfully as possible, they despair. This is probably one cause for modern poetry’ s somber tone”.
(Stephen Dunn, Walking light, Norton, 1993, p.15)
(***) Có lẽ vì vậy mà Nguyễn Trọng Tạo cho rằng tác giả có một thi pháp động. Xem thêm: Nguyễn Trọng Tạo: Thi pháp đặc sắc của Trầm Tích (https://hoangtrancuong.wordpress.com/2009/07/06/thi-phap-d%e1%ba%b7c-s%e1%ba%afc-c%e1%bb%a7a-tr%e1%ba%a7m-tich/)

Không có nhận xét nào: