Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

“Moi trộm” 1 triệu m3 cát Cửa Đại?; Cửa Đại, Quảng Nam: Núp bóng dự án cứu bờ biển để “cướp” tài nguyên


Bài liên quan:

>


TP - Biển Cửa Đại (Hội An) sạt lở dữ dội từ 2 năm nay, chính quyền Quảng Nam đã phải cầu cứu các chuyên gia khắp nơi trong và ngoài nước, cũng như thực hiện nhiều phương án cứu bãi biển Cửa Đại. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng về tận nơi thị sát chỉ đạo. Thế nhưng giữa lúc Cửa Đại đang “khát” từng hạt cát, thì có doanh nghiệp thuộc dạng “đại gia” đã có dấu hiệu “moi ruột” tới 1 triệu m3 cát từ Cửa Đại để san nền công trình lấn biển của mình tại Đà Nẵng?
“Moi trộm” 1 triệu m3 cát Cửa Đại?Tàu hút cát tại Cửa Đại. Ảnh: N.T.
Hợp đồng “khủng”
Cụ thể, đó là hợp đồng số 01/017/ĐP “Vận chuyển và bơm cát san nền cho công trình Khu đô thị mới Quốc tế Đa Phước tại địa điểm xây dựng: phường Thanh Bình - Thuận Phước, quận Hải Châu và phường Tam Thuận - Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng”, giữa Công ty Cổ phần Trung Nam (trụ sở tại Đà Nẵng - bên A) và Công ty TNHH Tuấn Sinh (trụ sở tại TP Nam Định - bên B).
Theo điều 1 của bản hợp đồng này: “Bên A đồng ý giao và bên B đồng ý nhận thực hiện công việc hút cát lên tàu, vận chuyển đến công trường và bơm xả cát để san nền dự án Khu Đô thị mới Quốc tế Đa Phước. Địa điểm khu vực hút cát: vùng biển Cửa Đại, TP Hội An, Quảng Nam. Vị trí đặt ống bơm cát vào công trường cách mép nước biển 30m và bắt đầu từ đây sẽ bơm ra xa bờ”. Đơn giá, khối lượng và giá trị hợp đồng ghi rõ 60.000 đồng/m3, với khối lượng 1.000.000 m3 thành tiền 60 tỷ đồng. Hợp đồng cũng ghi rõ số lượng tàu hút, thiết bị bơm (phao bơm) của bên B dự kiến phục vụ thi công là từ 5 - 10 tàu, khoang chứa mỗi tàu phải chở được 800m3 cát. Số lượng thiết bị bơm, ít nhất là 3 hệ thống thiết bị bơm hút, xả. Tùy thuộc khối lượng và thiết bị bơm cần thiết theo từng giai đoạn thi công của dự án.
Theo hợp đồng này, từ tháng 1/2017 đến hết tháng 2/2017 sẽ hút và vận chuyển cát 3.000m3/ngày. Từ tháng 3 đến tháng 9/2017 tăng lên 10.000m3/ngày. Trách nhiệm của Công ty Trung Nam, là: “Chịu trách nhiệm về tính pháp lý của mỏ cát nơi bên B bố trí thiết bị bơm hút, vận chuyển…; Chịu trách nhiệm thả phao xác định khu vực hút cát…; Đảm bảo đủ trữ lượng để bên B khai thác…; Chịu các khoản thuế như thuế tài nguyên môi trường và phí bảo vệ môi trường...”. Nếu chậm trễ thực hiện theo tiến độ hợp đồng trên, bên B là Công ty Tuấn Sinh sẽ phải chịu phạt 2% giá trị của phần công việc chưa thực hiện theo hợp đồng cho mỗi ngày vi phạm. Ngược lại Công ty Trung Nam phải đền bù thiệt hại cho bên hút cát nếu “không cung cấp được hồ sơ pháp lý liên quan đến khai thác cát…”. Hợp đồng được ông Bùi Xuân Định - Tổng GĐ Công ty CP Trung Nam và bà Nguyễn Thị Sinh - Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Sinh cùng ky.
Trong khi đó, sáng 22/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ông Lê Trí Thanh khẳng định với PV Tiền Phong, rằng tỉnh không hề cấp phép cho dự án hút cát nào đưa ra khỏi địa phương. Hiện, tại Cửa Đại chỉ có 2 dự án đang nạo vét luồng lạch từ xa để lấy cát bơm về bãi Cửa Đại chống sạt lở với tổng khối lượng 150.000m3 cát. Một dự án do Cục Đường thủy nội địa thực hiện (80.000m3), và dự án còn lại (70.000m3) do thành phố Hội An quản lý. Thời gian thực hiện bắt đấu từ đầu tháng 2/2017.
Tàu chở cát Cửa Đại “lộn đường” ra… Đà Nẵng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh trả lời PV Tiền Phong về “hợp đồng hút 1 triệu khối cát Cửa Đại”, cho biết sáng 22/3 nghe một số báo điện hỏi ông mới biết. “Tỉnh hoàn toàn không có chủ trương về việc này. Ai làm vậy là hoàn toàn sai phạm”. Ông Thanh cũng đặt nghi vấn, rằng xem đó có phải là hợp đồng “lừa đảo”, hay là hành vi “xúc trộm cát”? Ngoài ra, còn trách nhiệm của Ban quản lý dự án nạo vét, quản lý địa phương, biên phòng, cảnh sát biển… như thế nào? Đã bắt lập biên bản trường hợp nào chưa?
Trong khi đó, ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, kể gần đây có nghe dân địa phương râm ran chuyện xúc cát từ Cửa Đại chở ra Đà Nẵng. Đến rạng sáng ngày 4/3 mới đây, ông Sự được người dân điện báo đang  có tàu chở cát có dấu hiệu đáng ngờ. Lập tức ông điện cho Biên phòng, ủy ban phường Cửa Đại, quản lý Tài nguyên môi trường và cả Phó chủ tịch TP Hội An. Một ca nô và 2 thuyền dân vội chạy đuổi theo, phát hiện 3 tàu chở cát đã chạy tới tận khu vực Điện Ngọc (Điện Bàn) về hướng Đà Nẵng. “Tiếc rằng anh em có lẽ chưa nắm được sự việc nghiêm trọng ở phía sau. Các tàu này nói do “chạy lộn đường”, với lại đều là tàu quen đang hút cát cho dự án chống sạt lở Cửa Đại, nên anh em chỉ buộc các tàu này quay về đổ lại cát vào bãi Cửa Đại, mà không lập biên bản”, ông Sự cho biết. Chủ tịch UBND phường Cửa Đại, ông Nguyễn Sinh trả lời PV đã thừa nhận có sự việc trên.
Ngày 8/3, lãnh đạo Hội An sau đó đã họp khẩn, quyết định từ nay chỉ cho phép các tàu hút cát (thuộc 2 dự án của địa phương) hoạt động từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều, khi đi và về phải thông báo cho đồn biên phòng. Tất cả các tàu hút phải rời khỏi vị trí hút vận chuyển cát về đúng nơi quy định. Trước khi bơm cát vào bãi phải thông báo cho đồn biên phòng, Đoạn quản lý đường thủy nội địa, UBND phường Cửa Đại để giám sát. Đồng thời thông báo cho Ban quản lý dự án, Ban tư vấn thiết kế kiểm tra khối lượng cát trước khi bơm xả. Tuyệt đối nghiêm cấm các phương tiện vận chuyển cát ra khỏi khu vực dự án.
Chiều qua, 22/3, đại tá Nguyễn Hữu Hạnh - Trưởng phòng Phòng chống ma túy- tội phạm (BCH Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam) đã làm việc với Đồn Biên phòng Cửa Đại để nắm tình hình và chỉ đạo  quyết liệt tuần tra, phát hiện và bắt giữ các đối tượng “cát tặc” tại khu vực này.
Chiều 22/3, tại Đồn Biên phòng Cửa Đại diễn ra cuộc họp khẩn giữa lãnh đạo TP Hội An với các ngành, đơn vị có liên quan về công tác phối hợp, giám sát hoạt động hút cát trên luồng đường biển Cửa Đại. Đồng thời phối hợp với ngư dân, người dân tăng cường phát hiện hiện tượng “cát tặc” núp bóng dự án này để khai thác cát, đưa đi nơi khác tiêu thụ.
Theo thượng tá Trần Văn Ba - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Đại,  nhiều nguồn tin của các ngư dân trình báo, phát hiện các tàu hút cát trên biển cách cảng Cửa Đại khoảng 5 hải lý, thường hoạt động về đêm lúc 1-2h sáng. Các tàu này tắt đèn để hút cát rất khó phát hiện, chỉ khi ngư dân tiến lại gần mới phát hiện thì các tàu này di chuyển bỏ đi. Tuy nhiên, khi biên phòng điều tàu ra kiểm tra thì không phát hiện. Hiện lực lượng biên phòng vẫn tiếp tục tuần tra, kiểm soát, xác minh và xử lý các trường hợp này.
Tại cuộc họp, lộ ra nhiều bất cập về công tác quản lý, giám sát trong dự án nạo vét luồng lạch Cửa Đại. Đơn cử, có 15 tàu thuộc 3 Cty: Thành Đô, Thuận Lưu, Sơn Thịnh được cấp phép hoạt động tại đây. Thế nhưng chỉ có 8 tàu thi công. Việc giám sát khối lượng cát đã hút, số chuyển ra mỗi ngày và khối lượng cát đổ về bãi cũng khó nắm bắt. Đồn Biên phòng Cửa Đại cũng vừa phát hiện và xử phạt 2 trường hợp tàu hút cát không có giấy phép tại luồng Cửa Đại. Trong lúc tuần tra, giám sát trên biển, lực lượng chức năng sẽ mang theo vũ khí để kịp thời ngăn chặn các trường hợp “cát tặc” quá khích chống trả.           
Hoài Văn
Trần Tuấn - Nguyễn Thành

Các tàu hút cát do Công ty Thành Đô thuê để thực hiện dự án xây kè Cửa Đại đang bơm cát vào bờ Cửa Đại - Hội An.
Cửa Đại, Quảng Nam: Núp bóng dự án cứu bờ biển để “cướp” tài nguyên
LĐ - 65 THANH HẢI

Sạt lở nghiêm trọng dọc bờ biển Cửa Đại (Hội An) liên tục trong 3 năm qua không chỉ đe dọa xóa sổ cả chục khu resort, khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp ven bờ. Mới đây, Nhà nước phải xuất ngân sách hàng chục tỉ đồng cho các gói dự án khẩn cấp để chống xâm thực bờ biển Cửa Đại. 
Thế nhưng, một số DN đã ngầm lợi dụng các dự án này đưa hàng chục tàu khổng lồ vào hút cát trộm đến cả triệu khối, để bán cho các dự án lấn biển ngoài TP.Đà Nẵng, trục lợi cả tài nguyên lẫn tiền ngân sách...

Cuộc chiến tài nguyên
Tại biển Cửa Đại, Quảng Nam, mấy hôm nay hàng chục tàu biển hút cát bồi lấp ở cửa sông, bơm vào bờ kè chắn sóng, nhằm cứu bờ biển đang bị xâm thực. Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh tham gia đàn cúng tế, cầu an, cầu cát quay về với người dân Cẩm An, Cẩm Thanh. Tất cả mừng đến rơi nước mắt, nâng niu khi những hạt cát đầu tiên bồi hoàn vào đất liền, báo hiệu cho kết quả cứu nguy bờ Cửa Đại đã bước đầu khả quan. Nhưng thật oái ăm thay, chính những con tàu mà Ban Quản lý các dự án đầu tư TP. Hội An đang thuê để bơm cát, cứu bờ biển Cửa Đại thuộc “Dự án khẩn cấp chống xâm thực bờ biển” lại đi hút cát ngay tại Cửa Đại để tuồn bán cho các dự án lấn biển ngoài TP. Đà Nẵng.

Thực trạng xâm thực bờ biển Cửa Đại đã đến mức nguy cấp. Quảng Nam đã phải tổ chức xây kè tạm để chống sạt lở. Trong mùa mưa năm 2016, tại Cửa Đại, công trình xuyên cả ngày lẫn đêm với những chiếc xe cẩu hối hả đóng lút xuống biển những tấm thép cao tới 10 mét, ken sát bên nhau tạo dựng bức tường thành ngăn biển khỏi nuốt mất bờ. Rồi những chiếc xe xúc hối hả đóng cát vào bao, vận chuyển khẩn cấp từ huyện Thăng Bình, băng đường bộ để đưa về Cửa Đại, chất thành những bờ kè mềm. Dùng cát để giữ cát.

Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Từ tháng 11.2016, Quảng Nam đã triển khai ngay dự án xây kè khẩn cấp chống xâm thực bờ biển Cửa Đại với quy mô lên đến 60 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước. Phương thức xây kè mềm bằng bao cát (túi địa kỹ thuật) có trọng lượng khoảng 300 tấn, chiều dài 20m, cao 5m để thả ngầm xuống dưới biển, chắn sóng, chống biển xâm thực trên suốt chiều dài 1,6km từ KS Victoria ra hướng tây bắc. Sau đấy, thuê các tàu vận tải biển cỡ lớn, hút cát tại cửa sông Thu Bồn (Cửa Đại) gần đó để bơm vào phía trong bờ kè này, tạo bãi cát nhân tạo, với khối lượng ban đầu là 70.000m3. Dự án này do Ban Quản lý các dự án đầu tư TP. Hội An đại diện, làm chủ dự án.

Cũng trong thời điểm này, Bộ GTVT cũng có một dự án nạo vét luồng khẩn cấp để giải quyết thực trạng bồi lấp cục bộ tại cửa sông Thu Bồn, tạo điều kiện cho tàu thuyền ra vào sông. Gói kinh phí hơn 10 tỉ đồng của dự án này từ ngân sách trung ương. Quản lý dự án là Đoạn Quản lý đường thủy nội địa - Sở GTVT Quảng Nam. Vì triển khai song song hai dự án tại một khu vực biển Cửa Đại nên chính quyền tỉnh Quảng Nam đã cho phép hút cát ở dự án khơi thông luồng cửa sông để đổ vào bờ “kè mềm” của dự án chống xâm thực với khối lượng 80.000m3, thay vì họ phải đổ ra ngoài khơi như những năm trước đây.
Ông Lê Trí Thanh cũng cho biết, sở dĩ cho phép 2 dự án này hỗ trợ lẫn nhau là vì nguyên tắc dùng chính cát (bồi lấp) ở cửa sông Thu Bồn (cũng tại Cửa Đại) để cứu bờ cát bị xâm thực ven biển Cửa Đại.

Bán cả triệu khối cát ra Đà Nẵng
Để hút cát bồi lấp ở cửa sông Thu Bồn và bơm vào bờ kè mềm chống xâm thực biển Cửa Đại, cả 2 chủ dự án là Ban Quản lý các dự án đầu tư TP. Hội An lẫn Đoạn Quản lý đường thủy nội địa (Sở GTVT) đều thuê các đội tàu biển của Cty Thành Đô, Cty Sơn Thịnh, Cty Thuận Lưu... làm đầu mối thực hiện. Hàng chục tàu biển từ Nam Định, Hải Phòng, Hưng Yên... đã nối đuôi nhau, kéo vào Cửa Đại, hút cát bồi cửa sông, bơm vào bờ Cửa Đại. Hoạt động vận chuyển cát, bơm, hút cát này được triển khai rầm rộ, khẩn trương cả ngày lẫn đêm. Người dân thường và cả chính quyền nhà nước đều khó mà phân biệt được những chuyến cát chở trên biển là phục vụ cho dự án nào. Lợi dụng việc được chính quyền cho phép hoạt động đan xen, rối ren này mà chính các con tàu biển này đã trộm cát để ra bán cho dự án lấn biển tại Đà Nẵng.

Phát hiện thực trạng trộm cát bán ra ngoài, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Bộ đội biên phòng phục bắt. Ngày 4.3, Bộ đội biên phòng Quảng Nam đã phục kích, truy đuổi, bắt quả tang 4 tàu biển đang trên đường chở cát Cửa Đại ra bán tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, khi lập biên bản, các chủ tàu này chối bay và cho rằng mình bị chạy lạc trên biển.

Trong các ngày giữa tháng 3, với vai ngư dân đánh bắt ven bờ, chúng tôi lần theo những chuyến tàu biển chở cát bất thường, “chạy lạc” này, tiếp tục phát hiện cát Cửa Đại đã theo những con tàu của Cty Thành Đô thuê mang ra bán tại Khu đô thị Đa Phước -The Sunrise Bay ở TP. Đà Nẵng. Đây là dự án lấn biển, cần đến 5 triệu mét khối cát để bồi lấp tại vịnh Đà Nẵng.

Với những hình ảnh không thể chối cãi, ông Phạm Thanh Tý - GĐ Cty Thành Đô - đơn vị thi công án kè khẩn cấp chống xâm thực bờ biển Cửa Đại đã thừa nhận số hiệu những con tàu này là Cty Thành Đô đang thuê để làm dự án tại Hội An. Tuy nhiên ông Tý phủ nhận trách nhiệm với lý do là không giám sát được hoạt động trên biển. Tiếp tục điều tra, chúng tôi đã phát hiện Cty TNHH Tuấn Sinh ở Lộc Hạ, TP. Nam Định - chủ nhân thực sự của những con tàu này mới là người đứng sau các hoạt động trộm cát ở Cửa Đại ra bán cho dự án lấn biển ngoài TP. Đà Nẵng.

Không chỉ lén lút hút trộm cát quý nơi bờ biển đang sạt lở nghiêm trọng tại Cửa Đại để đi bán, Cty Tuấn Sinh còn xác lập một hợp đồng kinh tế với nội dung thỏa thuận: “Hút cát tại vùng biển Cửa Đại, Quảng Nam, vận chuyển, bơm vào bờ, cách mép nước 30 mét tại Khu đô thị quốc tế Đa Phước, phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng”. Tổng khối lượng thỏa thuận tại hợp đồng này là cung ứng 1 triệu khối cát, với giá trị thanh toán là 60 tỉ đồng. Hợp đồng này còn cam kết công suất hoạt động là 3.000m3/ngày, đêm trong thời gian tháng 1 - 2.2017 và nâng lên trên 10.000m3/ngày, đêm từ tháng 3 - 9.2017. Điều đáng nói là ngoài dòng chữ ngắn gọn để chỉ vùng biển hút cát là Cửa Đại, hợp đồng này không có căn cứ nào chỉ rõ mỏ cát - nơi khai thác - cũng như viện dẫn cơ sở pháp lý, chứng minh nguồn cát 1 triệu khối này là hợp pháp.

Cùng hút cát ở cửa biển để bơm vào bờ kè Cửa Đại, cùng triển khai một thời điểm, nhưng đến nay, dự án của BQL các dự án đầu tư TP. Hội An đã thực hiện được 62.000m3 trên tổng số 70.000m3 kế hoạch. Trong khi đó, Đoạn Quản lý đường thủy nội địa chỉ mới thực hiện được 9.000m3 trên tổng số 80.000m3 chỉ tiêu. Vậy, 71.000m3 còn lại đi đâu?

Chính quyền TP. Hội An, Bộ đội biên phòng Cửa Đại, Đoạn Quản lý đường thủy nội địa - Sở GTVT Quảng Nam khó có thể tránh trách nhiệm trước hiện tượng hàng chục tàu biển hạng nặng, liên tục chở cát Cửa Đại ra bán cho dự án lấn biển ngoài Đà Nẵng. 
Dự án nạo vét luồng lạch biển Cửa Đại: Bất cập, chồng chéo trong quản lý giám sátChiều ngày 22.3, tại Đồn biên phòng Cửa Đại đã diễn ra cuộc họp khẩn với các ngành, đơn vị có liên quan về công tác phối hợp, giám sát việc hoạt động của các tàu hút cát trên luồng đường biển Cửa Đại. Tại cuộc họp, đã lộ ra nhiều bất cập trong công tác quản lý, giám sát phối hợp giữa các bên có liên quan về dự án nạo vét luồng lạch Cửa Đại. Cụ thể, có tất cả 15 tàu thuộc 3 Cty Thành Đô, Thuận Lưu, Sơn Thịnh được cấp phép ra vào khu vực thi công dự án nạo vét luồng lạch, đã đến đăng ký với đồn biên phòng. Thế nhưng chỉ có 8 tàu là thi công, các tàu còn lại chấm dứt hợp đồng với chủ đầu tư, rút giấy phép đã cấp, nhưng khi ra khỏi khu vực dự án thì Đồn biên phòng Cửa Đại không nhận được thông báo từ Đoạn Quản lý đường thủy nội địa. Bất cập khác cũng ở việc giám sát khối lượng cát đã hút, số chuyến mỗi ngày và khối lượng cát đổ về bãi theo quy định. Thượng tá Trần Văn Ba nhận định, hiện tượng “cát tặc” núp bóng dự án nạo vét này là có. Tuy nhiên, phải tiếp tục điều tra, tuần tra, để xác minh, bắt giữ mới khẳng định chắc chắn. Đồn biên phòng Cửa Đại cũng vừa phát hiện và xử phạt hai trường hợp tàu hút cát không có giấy phép tại luồng Cửa Đại. PHƯỚC BÌNH

Không có nhận xét nào: