Ông Nguyễn Sự và ông Lê Trí Thanh với nén tâm hương bên bờ Cửa Đại mới được bồi lấp trở lại - ảnh Trần Tuấn



Ngó cung cách ông Sự, ông Thanh kính cẩn cúi sâu lạy cát, bờ cát mới mịn ướt còn chưa để lại dấu chân, tôi chợt nhận ra rằng đây là hình ảnh chưa từng có...Khi cuộc giành và giữ cát trên cả nước những ngày qua đã đến hồi khốc liệt có nhiều máu đổ. Với những cuộc mua bán tài nguyên diễn ra bên bữa tiệc xa hoa bạc tỷ. .. Bán đảo Sơn Trà - tấm lá chắn thiên nhiên cuối cùng của người dân Đà Nẵng cũng đang chịu thân phận nhỏ nhoi của hạt cát. Bị mua bán, băm nát. Quan chức có thể cúi lạy mồ mả cha ông mình. Nhưng có bao giờ biết lạy cát?

Cách đó không xa, một khu resort sát biển bị sóng nuốt cát nuốt bờ, đánh gục từ mấy năm trước, nay vẫn còn nguyên - ảnh Trần Tuấn
Những tấm hình ông Nguyễn Sự thắp nhang “lạy cát” Cửa Đại này tôi chụp độc quyền. Thực ra lúc ấy chỉ có mình tôi chụp, vội vàng với cái máy ảnh cùi bắp. “Lạy cát” với ông Sự là ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. 
Lúc ấy khoảng hơn 5 giờ sáng thứ Hai ngày 13.2.2017. Bên thềm biển Cửa Đại (phường Cửa Đại, TP Hội An). Tối hôm trước, ông cựu Bí thư thành phố Hội An này điện cho tôi, khấp khởi báo tin: “Cát Cửa Đại đã về rồi. Sớm mai dân sẽ làm lễ cúng…”.
Cuối năm 2014, khi bãi Cửa Đại bị biển nuốt chửng hết đường lui, công cuộc cứu bãi biển đang đến hồi cam go, thậm chí bối rối, tuyệt vọng. Suốt 3 ngày đêm người dân dựng đàn cúng cầu an, cầu xin cát quay trở về.  
Khi ấy, từ sáng tới đêm, những chiếc xe cẩu hối hả đóng lút xuống biển những tấm thép cao tới 10 mét, ken sát bên nhau tạo thành bức tường thành ngăn biển khỏi nuốt mất bờ. Rồi những chiếc xe xúc hối hả đóng cát vào bao nhập khẩn cấp từ Hà Lan. Mỗi bao chứa tới vài khối cát. Xếp lớp lên nhau tạo thành một loại kè mềm. Dùng cát để giữ cát… 
Nhưng cát Cửa Đại vẫn cứ trôi. Từng ngày rời bỏ con người…
 Bảo sao không mừng rớt nước mắt cho được khi sau mấy năm, hôm nay cát lại trở về ?
Sáng ấy, dâng hương tại lăng Tiêu Diện gần đó xong, tôi theo ông Sự ông Thanh ra biển qua một lối nhỏ dương liễu. Mặt trời bắt đầu lên. Bức tường sắt cao lớn dài cả trăm mét ngăn cát trôi dạo nào nay nhuốm màu gỉ sét. Nhưng điều mong ước đã hiện ra: Cát đã bồi thành một bãi dài bên này bức tường. Bên kia tường sóng vẫn dập dềnh.
Những nén nhang được thắp lên, nghi ngút làn khói mảnh trước biển rộng bao la.
Ngó cung cách ông Sự, ông Thanh kính cẩn cúi sâu lạy cát, bờ cát mới mịn ướt còn chưa để lại dấu chân, tôi chợt nhận ra rằng đây là hình ảnh chưa từng có.  
Cuộc giành và giữ cát trên phạm vi cả nước những ngày qua đã mang dáng dấp của một cuộc “chiến tranh tài nguyên”. Chỉ vì ngăn chặn dự án hút cát trên sông Cầu, Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh cùng nhiều lãnh đạo bị nhắn tin đe dọa phải kêu cứu Thủ tướng. Máu và mạng người đã đổ. Trong khi cát vẫn ào ạt được xuất bán ra nước ngoài…
Số liệu thống kê, một thập kỷ qua đã có 67 triệu m3 cát được xuất khẩu riêng qua Singapore. Chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm nay, gần 1 triệu m3 khối cát đã rời khỏi Việt Nam theo những con tàu khổng lồ. Chưa kể cát chui vào những công trình kỳ vĩ của công cuộc đô thị hóa đang rầm rộ khắp nơi. 
Báo Tiền Phong vừa kể, dân làng ở Yên Dũng (Bắc Giang) dùng vũ khí nguyên thuỷ để giữ cát sông Cầu. Đó là những thân tre được uốn thành những chiếc ná khổng lồ. Dây thun to như xăm xe đạp, đạn là những hòn đá bằng nắm đấm người lớn, bắn xa tới 30 mét. Xạ thủ là thanh niên, người già, trẻ con, thay nhau bỏ cơm trực chiến gác “trận địa” đánh đuổi tàu trộm cát.
Cảnh tượng như ở Yên Dũng đang diễn ra trên mọi dòng sông lớn nhỏ, bờ biển gần xa của đất nước. Trận địa giữ cát ấy là trận địa lòng dân. Lòng dân còn muốn níu giữ chút này, cho căn nhà, thửa ruộng, ngôi mộ tổ tiên khỏi thiên tai, bão lũ tàn phá, cuốn phăng. Đến khi “trận địa” ấy tan tác rồi thì còn gì nữa? Quê hương xứ sở này sẽ còn gì, sẽ trôi về đâu?
Cát tặc cũng như lâm tặc, thật ra đều là dân lao động bần hàn vì miếng cơm mà phải đi làm thuê. Dân giữ cát, dân cướp cát, cũng đều khó nghèo lam lũ như nhau. Chỉ những kẻ phía sau, trên cao ngồi trong phòng lạnh, nhà hàng ký táng, bán mua thiên nhiên bên những chai rượu ngàn đô, bữa tiệc xa hoa tiền tỷ, có khó điểm mặt lôi ra ánh sáng không mà sao vẫn cứ để nhởn nhơ khoác những chiếc mặt nạ đi rao giảng đạo đức?
Những ngày này, tấm lá chắn thiên nhiên hiếm hoi cuối cùng của người dân Đà Nẵng là bán đảo Sơn Trà cũng đang chịu thân phận nhỏ nhoi của hạt cát. Bị mua bán, băm nát. Linh hồn rừng núi cũng đã bỏ con người mà đi…
Quan chức có thể cúi lạy mồ mả cha ông mình. Nhưng có bao giờ biết lạy cát. Biết cúi mình trước cái nôi sinh thành, chở che nuôi dưỡng tổ tiên cho đến hôm nay, và còn nữa đời đời con cháu mai sau?
Để kịp dừng tay lại?
Hằng hà sa số”- cát sông Hằng nhiều không thể đong đếm. Nhưng Phật cũng dạy, thời gian trôi qua đời sống muôn loài còn nhiều hơn cát sông Hằng.
Tôi nghĩ, mỗi hạt cát không hề vô danh, mà đều mang trong mình một phận số của “Đi” và “”.
Tùy thuộc ứng xử của con người.
                                                                            TRẦN TUẤN
Ông Nguyễn Sự thắp hương lên dải cát mới bồi Cửa Đại - ảnh Trần Tuấn
. Anh Lê Văn Tuấn - áo trắng - Đội trưởng cứu hộ bãi biển Cửa Đại chuẩn bị cho một ngày làm việc mới bên bãi tắm đã bồi lấp trở lại  - ảnh Trần Tuấn

“Lá bùa” nạo vét luồng lạch

TP - Tàu thuyền không mắc cạn, song nhiều doanh nghiệp vẫn xin Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ), Bộ GTVT lập dự án để nạo vét luồng lạch. Lợi nhuận khủng từ khai thác cát đã trở thành miếng mồi béo bở cho doanh nghiệp và trở thành “áp lực” đối với cơ quan quản lý.
“Lá bùa” nạo vét luồng lạchCó được giấy phép khai thác, doanh nghiệp chỉ việc “ngồi mát ăn bát vàng”. Ảnh: Đ.H.
Tàu không mắc cạn vẫn nạo vét?
Cục ĐTNĐ công bố các loại thủ tục lập dự án nạo vét luồng lạch, khảo sát đo đạc có vẻ rất chặt chẽ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp muốn tham gia nạo vét phải có đủ số lượng tàu thuyền đảm bảo tiêu chuẩn về đăng ký, đăng kiểm, cũng như công suất hoạt động. Thế nhưng, nhiều người cho rằng, có những khúc sông như khu vực sông Hồng (TP Hà Nội) từ nhiều năm trở lại đây không còn cảnh tàu thuyền mắc cạn, song Cục ĐTNĐ vẫn cấp phép nạo vét.

Anh Nguyễn Văn Lưu (Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội), làm nghề chài lưới trên sông Hồng cho biết, nhiều năm trở lại đây, đánh bắt cá dọc sông Hồng từ Phúc Thọ về tới Phú Xuyên, Hà Nội chưa hề gặp chiếc tàu, thuyền nào mắc cạn. “Điều đáng nói, có khu vực như Phúc Thọ hoặc Ba Vì, TP Hà Nội dù ruộng vườn của nhiều hộ gia đình bị sạt lở song, cơ quan chức năng vẫn cấp phép cho các doanh nghiệp nạo vét luồng lạch” - anh Lưu nói.
Chia sẻ với phóng viên, anh T. chủ doanh nghiệp kinh doanh cát sỏi ở Vĩnh Phúc đã “giải nghệ” trong hoạt động khai thác cát trên sông Hồng nói: Hiện có nhiều doanh nghiệp xin cấp phép nạo vét luồng lạch, nhưng bản chất là hút cát bán lấy tiền. Còn Anh D., chủ một doanh nghiệp kinh doanh cát sỏi ở Đông Anh, Hà Nội cho biết: Đối với các doanh nghiệp nạo vét luồng lạch chỉ cần lập dự án sau đó “chạy” được giấy phép là đã thu được tiền.
Anh D. cho rằng, chính vì lợi nhuận khủng nên cả doanh nghiệp và đơn vị cấp phép đều cố gắng tìm cách lách luật. Theo thống kê của Cục ĐTNĐ, đến tháng 12/2016 có 66 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Theo anh D., các doanh nghiệp có giấy phép trong tay sẽ chỉ cần “ngồi mát ăn bát vàng” từ việc thu tiền đối với các tàu thuyền có nhu cầu hút cát. Cụ thể, các tàu hút cát sẽ phải trả từ 8.000 đến 50.000 đồng/khối tuỳ từng loại cát cho doanh nghiệp có giấy phép. Đối với tàu cuốc sẽ phải trả tiền cao hơn tàu hút, bởi cát được tẩy rửa, sàng lọc kỹ hơn tàu hút. Các tàu hút cát thường có tải trọng từ 100 đến 400 mét khối, ngày hoạt động tối đa đạt khoảng 5 chuyến.
Anh D. cho rằng, chính vì lợi nhuận khủng nên cả doanh nghiệp và đơn vị cấp phép đều cố gắng tìm cách lách luật. Theo thống kê của Cục ĐTNĐ, đến tháng 12/2016 có 66 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó, 40 dự án đã hoàn thành các thủ tục liên quan để triển khai thi công; hơn 20 dự án bị chấm dứt, thu hồi do đơn vị không chứng tỏ được năng lực.
Cung cấp thông tin cho báo chí để giám sát
Theo ông Trần Văn Thọ, Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ cho biết: Trong tháng 12/2016, Cục đã tổ chức kiểm tra các dự án được thanh tra và yêu cầu khắc phục các tồn tại trong quá trình thực hiện dự án, xử lý các vi phạm của các đơn vị liên quan. Hiện Cục đã thành lập một tổ chuyên trách để quản lý các dự án xã hội hóa, xây dựng kế hoạch kiểm tra năm 2017 và kiểm tra định kỳ theo quy định đối với 15 dự án đang triển khai thi công.
Cũng theo ông Thọ, Cục sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc thi công thực hiện dự án của nhà đầu tư để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, ngăn chặn kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện dự án, đặc biệt là thi công không đúng phạm vi, chuẩn tắc theo quy định, sử dụng phương tiện thi công không đúng số lượng, chủng loại đã đăng ký.
Bên cạnh đó, thời gian tới, Cục ĐTNĐ sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, cơ quan chức năng TP Hà Nội, nơi dự án đi qua trong kiểm tra, giám sát cộng đồng thực hiện thi công dự án của nhà đầu tư; kịp thời cung cấp thông tin cho các phương tiện truyền thông để cùng quản lý, giám sát; xử lý nghiêm các hành vi khai thác cát trái phép trong vùng nước tuyến luồng, vùng nước cảng, bến thủy nội địa…
Đức Hoàng