Những dự án phục hồi, trồng rừng đã góp phần giảm thiểu tác động xấu đối với môi trường, xóa đói giảm nghèo, đồng thời nâng cao nhận thức cho người dân.
24.000ha rừng được trồng và phát triển tốt tại 10 tỉnh của Việt Nam, Hải Phòng, Nghệ An, cho tới Sóc Trăng, bảo vệ gần 100km đê biển, giảm thiểu khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu,… đó là những hiệu quả rõ rệt của dự án “Trồng rừng ngập mặn – Giảm thiểu rủi ro thảm họa” do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai từ năm 1994 dưới sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ Đan Mạch.
Tới năm 1997, dự án được mở rộng ra 6 tỉnh ven biển phía Bắc, với nguồn tài trợ của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản.
Ông Tsuyoshi Kimijima, Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ vùng Bắc Kanto, Nhật Bản nhận xét: “Thấy được sự phát triển của rừng ngập mặn thế này chúng tôi rất vui mừng. Người dân ở đây không chỉ trồng mà còn quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là còn tái sinh, trồng thêm. Tôi thấy dự án này đã được triển khai rất tốt và tương lai tôi mong muốn dự án sẽ còn triển khai tốt hơn nữa”.
Tại tỉnh Phú Thọ, diện tích rừng được trồng và chăm sóc dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Xúc tiến và Hợp tác quốc tế lâm nghiệp Nhật Bản (JIFPRO), cây được trồng chủ yếu là keo, dự kiến khi đến giai đoạn khai thác, năng suất gỗ có thể đạt 100m3/ha. Được triển khai từ năm 2006 tại các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, tới nay dự án JIFPRO đã hỗ trợ cho hơn 2.000 hộ dân với diện tích rừng lên tới gần 2.000ha.
Ngoài những hiệu quả tích cực về bảo vệ môi trường, những dự án như thế này còn giúp người dân có thêm kinh nghiệm trồng rừng, từ đó tăng thu nhập và vươn lên làm giàu theo mô hình trồng rừng có khoa học.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét