Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2017

Nhiều bệnh tật tại Việt Nam sẽ không có thuốc chữa

 Hai tổ chức quốc tế là Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) và Tổ Chức Lương Thực-Nông Nghiệp Quốc Tế (FAO) vừa cảnh báo về nguy cơ bệnh tật của dân chúng Việt Nam sẽ không có thuốc chữa.

Thuốc vẫn dễ mua như... kẹo và theo sau đó là vấn nạn càng ngày càng lớn với sức khỏe của cả công đồng. (Hình: Phụ Nữ Sài Gòn)
Ngoài các loại bệnh tật do đói nghèo, thiếu vệ sinh, môi trường ô nhiễm, vì quản lý, điều hành tồi, sức khỏe của dân chúng Việt Nam còn bị đe dọa bởi nguy cơ bệnh tật không thuốc chữa.

Vào lúc này, tại Việt Nam, số lượng vi khuẩn gây bệnh có khả năng đề kháng với các loại thuốc kháng sinh càng ngày càng nhiều. Thậm chí có những loại vi khuẩn đã biến đổi gien và có thể đề kháng với tất cả loại kháng sinh hiện có! Nói cách khác, nguy cơ dân chúng Việt Nam có thể mất mạng vì những chứng bệnh bình thường nhưng không có thuốc chữa càng ngày càng lớn.

Nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng vừa kể và mức độ trầm trọng của thực trạng này càng ngày càng lớn là vì việc quản lý dược phẩm quá tồi. Ai cũng có thể mua kháng sinh, không bị hạn chế cả về loại lẫn lượng.

Sau khi thực hiện một cuộc khảo sát trên toàn quốc, Bộ Y Tế Việt Nam thú nhận, tại nông thôn, khoảng 91% dân chúng tự mua các loại kháng sinh để tự chữa bệnh cho mình. Tỉ lệ này tại các đô thị là 88%. Tổng lượng kháng sinh được mua bán tại Việt Nam đã tăng gấp đôi so với năm 2009.

Ðáng nói là việc dùng kháng sinh không đúng cách, lạm dụng kháng sinh khiến các loại vi khuẩn lờn thuốc không chỉ phổ biến trong dân chúng mà còn trở thành trào lưu trong nhân viên y tế. Ðể nâng cao uy tín, danh tiếng về khả năng khám bệnh-chữa bệnh, nhận thêm hoa hồng từ các hãng dược phẩm, nhiều bác sĩ phóng tay kê toa cho bệnh nhân dùng đủ loại kháng sinh.

Vấn nạn bệnh tật không thuốc chữa vốn đã trầm trọng vì quản lý thị trường dược phẩm tồi đã trở thành nghiêm trọng hơn do quản lý nông nghiệp tồi. Không kiểm soát, mặc kệ nông dân tùy nghi sử dụng các loại thuốc kích thích tăng trưởng và kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi đã giúp vi khuẩn làm quen với kháng sinh tồn đọng trên thực phẩm, tăng khả năng kháng kháng sinh.

Do số lượng vi khuẩn kháng kháng sinh ngày càng nhiều, việc khám bệnh-chữa bệnh tại Việt Nam ngày càng kém hiệu quả, chi phí điều trị ngày càng lớn. Chi phí dành cho dược phẩm chiếm khoảng 50% thì trong đó có tới 33% là chi cho kháng sinh.

Mãi tới gần đây, giới hữu trách ở Việt Nam mới tính đến chuyện kiểm soát việc mua bán – sử dụng kháng sinh. Một số bệnh viện bắt đầu xem xét toa thuốc của các bác sĩ, nhắc nhở họ phải thận trọng trong việc kê toa. Tuy nhiên, chỉ chừng đó thì rõ ràng chưa đủ. Còn kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh cả dược phẩm lẫn sử dụng các loại thuốc kích thích, kháng sinh trong nông nghiệp thì không dễ dàng, nó liên quan đến lợi ích của nhiều giới, kể cả giới hữu trách. 

(Người Việt)

Không có nhận xét nào: