Thứ Tư, 8 tháng 3, 2017

PGS.TS Vũ Thanh Ca: Bán cát ven biển là bán công thổ quốc gia; Thừa Thiên - Huế cũng xuất cát sang Singapore giá 1 USD/m3


TP - Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, hút bùn cát ven bờ biển để bán là tự bán công thổ quốc gia. Do tác động tổng hợp, trong đó có lòng tham của con người, nhiều bãi biển ở Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đối mặt với nguy cơ mất đi.
Bán cát ven biển là bán công thổ quốc giaPGS.TS Vũ Thanh Ca
PGS Vũ Thanh Ca chia sẻ, những năm gần đây, tình trạng xói lở bờ biển xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Năm 2015, báo chí nói nhiều đến việc sạt lở bờ biển Cửa Đại, Hội An, Quảng Nam - một trong những bờ biển đẹp nhất Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế, tình trạng xói lở bờ biển diễn ra ở nhiều địa phương. Miền Bắc, xói lở mạnh ở khu vực Cát Hải (Hải Phòng), Hải Hậu (Nam Định). Ở miền Trung, xói lở đang diễn ra ở hầu hết các kiểu cấu tạo bờ, từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận. Xói lở xảy ra hầu như trên toàn bộ bờ biển vùng Đồng bằng Nam bộ, có nơi biển lấn vào đất liền gần 1km như khu vực Gò Công Đông của Tiền Giang. Nếu không có kè bảo vệ thì xói lở đã làm ta mất cả Mũi Cà Mau.
Theo PGS Vũ Thanh Ca, nhiều người cho rằng, nguyên nhân của tình trạng sạt lở trên là do biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cá nhân ông cho rằng, cũng có nguyên nhân biến đổi khí hậu, nhưng đây không phải là nguyên nhân chính. Nghiên cứu cho thấy, 50 năm qua, mực nước biển Việt Nam dâng lên 20 cm nhưng không đều nhau, có khu vực dâng khá cao, có khu vực thấp hơn. Riêng ở miền Trung, nơi có nhiều bờ biển sạt lở, mực nước biển dâng thấp hơn mức trung bình cả nước. Mực nước biển dâng này có thể làm gia tăng xói lở nhưng không đáng kể. Hiện tượng sạt lở bờ biển gần đây gia tăng chủ yếu là do các hoạt động của con người mà chủ yếu là hệ thống thủy điện trên các dòng sông và tình trạng khai thác cát trái phép ở trong sông, ven biển.
Quá trình xói lở bờ biển là do mất cân bằng bùn cát. Nếu lượng bùn cát mang tới một vị trí nào đó của bãi biển lớn hơn lượng bùn cát mang đi, bờ biển sẽ được bồi đắp. Trong trường hợp ngược lại, bờ biển sẽ bị xói lở.
Trong quá trình vận chuyển bùn cát, sẽ luôn có một lượng bùn cát mất đi vào các độ sâu lớn. Lượng bùn cát mất đi này sẽ được bù đắp nhờ các con sông đưa phù sa ra biển. Bây giờ, các nhà máy thủy điện đã chặn dòng phù sa ra biển nên xói lở xảy ra mạnh mẽ là hậu quả có thể dễ dàng dự báo được. Trong trường hợp hút cát để bán, hiện tượng xói lở sẽ ngày càng nghiêm trọng. Ta cần chú ý rằng, bãi cát mịn có khả năng tiêu tán từ 80% đến 95% năng lượng sóng, nên đã mất bãi cát thì dù có công trình tốt như nào cũng mau sập đổ.
 Hút bùn cát ven bờ biển để bán là tự bán công thổ quốc gia. Do tác động tổng hợp, trong đó có lòng tham của con người, nhiều bãi biển ở Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đối mặt với nguy cơ mất đi. Đến một thời điểm nào đó, “chúng ta sẽ phải nhập cát với giá gấp nhiều lần để cứu những bờ biển đã sạt lở”, PGS.TS Vũ Thanh Ca nói.
Vậy phải làm gì với lượng bùn cát nạo vét ven biển? Hiện nay, đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới về việc sử dụng lượng cát này để “bồi hoàn” cho bờ biển. Bằng cách nghiên cứu, tìm vị trí đổ cát thích hợp ở khu vực gần bờ, người ta sẽ tạo ra các “máy cát” để vào mùa hè, sóng biển mang lượng bùn cát này vào bồi lại cho bờ biển.
Nguyễn Hoài (ghi)

Thừa Thiên - Huế cũng xuất cát sang Singapore giá 1 USD/m3

08/03/2017 13:07 GMT+7
TTO - Cát tận thu từ dự án nạo vét cửa Tư Hiền - Tư Dung của Thừa Thiên - Huế đã xuất sang Singapore. Theo tờ khai hải quan, công ty 55 đã khai đơn giá 1 USD/m3 và nộp thuế hơn 4,4 tỉ đồng.
Tháng 4-2013, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có công văn đồng ý cho Công ty cổ phần Khai thác sản xuất khoáng sản 55 (gọi tắt là Công ty 55) nạo vét cửa biển Tư Hiền - Tư Dung và tận thu cát nhiễm mặn để xuất khẩu.
Trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, tháng 7-2013 Bộ Xây dựng đã cấp phép cho Công ty 55 tận thu cát nhiễm mặn từ dự án nạo vét cửa biển Tư Dung - Tư Hiền để xuất khẩu với khối lượng 1,1 triệu m3.
Dự án nạo vét thực hiện trên vùng cửa biển Tư Hiền - Tư Dung dài 2km, rộng 70m. Việc nạo vét của Công ty 55 gặp sự phản đối của người dân địa phương vì họ cho rằng công ty này chỉ khai thác cát để bán chứ không lo việc nạo vét cửa biển.
Trả lời Tuổi Trẻ sau cuộc họp tại Hà Nội chiều 7-3, ông Nguyễn Văn Cao, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã kiểm tra và báo cáo với Chính phủ toàn bộ việc khai thác và xuất khẩu cát ở tỉnh này.
Ông Cao nói việc xuất khẩu cát trắng (trong đất liền) là xuất lậu, tỉnh không hề cấp phép. Còn xuất khẩu cát nhiễm mặn thì hiện ở Thừa Thiên - Huế chỉ có một dự án tận thu cát từ nạo vét cửa biển của Công ty 55 và dự án này do Bộ Xây dựng cấp phép.
Theo ông Cao, hiện dự án này đã tạm dừng hoạt động và có tiếp tục hay không là do Chính phủ và Bộ Xây dựng quyết định. Trả lời câu hỏi ông có biết cát tận thu ở cửa biển của tỉnh đưa đi xuất khẩu ở đâu không, ông Cao nói việc này do Tổng cục Hải quan quyết định, tỉnh không có quyền hạn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cát tận thu từ dự án nạo vét cửa Tư Hiền - Tư Dung của Thừa Thiên - Huế đã xuất khẩu sang Singapore. Công ty 55 đã mở tờ khai tại Cục Hải quan Thừa Thiên - Huế với đơn giá 1 USD/m3 và đã nộp thuế hơn 4,4 tỉ đồng.
M.TỰ

Không có nhận xét nào: