Lan Hương, phóng viên RFA
Hiện tượng phá rừng, kể cả rừng phòng hộ, để thi công các công trình xây dựng phục vụ mục đích kinh doanh vẫn tiếp diễn, bất chấp qui định của pháp luật và công luận.
Phá rừng xây biệt thự
Sáng hôm 18/3 vừa qua, UBND quận Sơn Trà cùng Thanh tra Sở Xây dựng Đà Nẵng tới bán đảo Sơn Trà để kiểm tra dự án khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa do Công ty cổ phần Biển Tiên Sa làm chủ đầu tư. Đoàn kiểm tra nhận thấy có 40 móng biệt thự đang được xây dựng trái phép trên khu đất vốn là rừng phòng hộ ở khu du lịch nghỉ dưỡng trên bán đảo Sơn Trà như phát hiện của người dân.
Đến chiều ngày 20/3 UBND quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng đã ra quyết định xử phạt 40 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Biển Tiên Sa vì lý do xây dựng không phép. Như vậy tính trung bình mỗi một biệt thự xây dựng trái phép bị phạt 1 triệu đồng.
Ảnh hưởng sẽ rất lớn bởi vì rừng đã gọi là rừng phòng hộ thì có tác dụng giữ nước và đảm bảo môi trường sống, sinh cảnh ở xung quanh đó.
- Tiến sĩ Lê Anh Tuấn
Đài Á Châu Tự Do đã liên lạc với ông Nguyễn Đức Vũ, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà, người trực tiếp phụ trách việc xây dựng các biệt thự này, thì được cáo bận, và sau đó không nghe máy.
Chúng tôi liên lạc tiếp với ông Huỳnh Văn Hùng, Chánh văn phòng quận Sơn Trà thì được biết:
Cái đó bây giờ dừng hết rồi. Xin lỗi bây giờ tôi không cung cấp thông tin được.
Hiện tại, UBND quận Sơn Trà đã chỉ đạo ngừng thi công các biệt thự này, tuy nhiên sự việc vẫn gây xôn xao trong dư luận, và đặc biệt là tại thành phố Đà Nẵng. Anh Tiến, một người làm nghề lái xe ở quanh khu nghỉ dưỡng Sơn Trà cho chúng tôi biết suy nghĩ của bản thân qua sự việc này:
Theo tôi thấy để nguyên thủy như ngày xưa hay hơn, không nên bán hay cho thuê vì cái bán đảo đó là lá phổi của Đà Nẵng. Đụng váo cái đó là đụng vào mấy ông lớn rồi. Giờ tôi muốn tháo dỡ không cho xây dựng nữa, và muốn những người đó đừng bao giờ phá rừng lần thứ hai.
Ngày 21/3, Hiệp hội du lịch thành phố Đà Nẵng gửi thư kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ mà trong đó nêu rõ đề nghị khẩn thiết giữ nguyên hiện trạng bán đảo Sơn Trà, không xây mới cơ sở lưu trú vì có thể mất vài năm để xây các công trình khách sạn nhưng để có một khu rừng thì phải mất hàng trăm năm.
Trước tình trạng phá rừng để xây dựng nhà cửa như vậy, tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐH Cần Thơ cho biết những tác động đến môi trường nếu con người không biết gìn giữ những cánh rừng phòng hộ:
Ảnh hưởng sẽ rất lớn bởi vì rừng đã gọi là rừng phòng hộ thì có tác dụng giữ nước và đảm bảo môi trường sống, sinh cảnh ở xung quanh đó. Một khi phá rừng như vậy sẽ hủy hoại tài nguyên của khu vực đó.
Bất chấp pháp luật và đạo đức
Chúng tôi cũng có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội bảo vệ Tài nguyên và Môi trường và được ông cho biết việc xâm phạm vào những khu rừng cần được bảo vệ như ở bán đảo Sơn Trà là vi phạm pháp luật và cần phải xử lý nghiêm để ngăn chặn, kiểm soát tình trạng này:
Những khu vực cấm nghiêm ngặt thì mức độ tàn phá lớn. Còn những khu vực phòng hộ thì cũng có giá trị nhất định của nó nên người ta mới phải quy hoạch từ trước, thông báo trước rồi mà vẫn xâm hại thì không được phép!
Năm 2016 cũng tại bán đảo Sơn Trà đã xảy ra vụ việc khai thác gỗ trái phép tại khu vực Trường Mai. Cơ quan chức năng đã phát hiện và thu giữ 16 cây gỗ tự nhiên có đường kính gốc từ 15 - 143 cm, trong đó có 2 cây nằm trong đất rừng đặc dụng, là khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.
Trước đó ở Phú Thọ, các đơn vị khai thác quặng cũng “băm nát” những cánh rừng xanh mướt, biến cảnh quan nơi đây thành những công trường khai thác khoáng sản và đảo lộn cuộc sống của người địa phương. Những ao cá, ruộng nương của dân nằm cạnh những công trường khai thác này không thể chăn nuôi, cày cấy được vì bùn đỏ từ các mỏ khai thác tràn xuống.
Chính sách chế độ đều có đầy đủ hết cả. Những quy định cũng đưa ra các mức hết sức cụ thể, thực tế rồi. Bây giờ vấn đề là làm sao thực thi các việc đó cho tốt.
- Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh
Cũng trong năm ngoái, Nhà máy thủy điện Đăk Re tỉnh Quảng Ngãi với vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng cũng được thi công khi chưa được cấp phép, và đã san ủi nhiều diện tích rừng phòng hộ, rừng sản xuất để mở rộng nhà xưởng, dựng đường đi lối lại. Sau đó người dân lên tiếng và cơ quan chức năng đã can thiệp đình chỉ thi công Nhà máy này.
Các vụ phá rừng với mục đích kinh doanh, khai thác khoáng sản xảy ra liên tục bất chấp sự phản đối của dư luận và những hiểm họa đã được cảnh báo. Tiến sĩ Lê Tuấn Anh cho rằng sự việc lên đến mức độ này lỗi ở cả đối tượng khai thác và chính quyền các cấp:
Tôi cho rằng đó là do sự bất chấp pháp luật và đạo đức của những người thực hiện những dự án đó. Bởi vì rừng phòng hộ có tác dụng bảo vệ môi trường sống, bảo vệ vùng hạ lưu và dự trữ nguồn nước trong khu vực. Những người làm việc này họ vì lợi nhuận cá nhân mà bất chấp giá trị sống của cộng đồng. Đây cũng là điều đáng lên án.
Đồng thời chúng tôi cũng nghĩ rằng trách nhiệm này còn liên quan đến chính quyền địa phương đã buông lỏng quản lý, để cho tình trạng này xảy ra mà đáng lẽ phải ngăn chặn ngay từ đầu.
Hiện tại Việt Nam đã ban hành nhiều điều luật về quản lý, bảo vệ và khai thác rừng, trong đó cũng nêu rõ trách nhiệm của chủ rừng, chính quyền địa phương, và người dân. Ngoài ra cũng quy định rõ ràng những hành vi liên quan đến rừng bị pháp luật nghiêm cấm. Tuy nhiên, giữa lý thuyết và thực tế là một khoảng cách khá xa, đòi hỏi sự kiên quyết, minh bạch trong hành pháp. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh nhận định:
Chính sách chế độ đều có đầy đủ hết cả. Những quy định cũng đưa ra các mức hết sức cụ thể, thực tế rồi. Bây giờ vấn đề là làm sao thực thi các việc đó cho tốt. Nếu có sai phạm thì phải xử lý. Đây là những vi phạm trong tổ chức thực hiện, thành ra phải xử lý những vi phạm đó thôi.
Để thực sự kiểm soát vấn nạn phá rừng trái phép, hủy hoại môi trường, cảnh quan, cần tăng cường quản lý và giám sát của nhà nước và đồng thời cho phép cộng đồng được giám sát trong những hoạt động bảo vệ rừng. Đó là quan điểm của Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, đồng thời ông cũng nhấn mạnh rằng phải xử lý thật nặng với những người thực hiện những công trình trái phép như ở bán đảo Sơn Trà và buộc họ phải tháo dỡ toàn bộ các công trình, và trồng lại rừng nếu những dự án này chưa được cấp phép.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét