Trọng Thành
Ông Jared Kushner (trái), con rể và cố vấn của tổng thống Mỹ cùng cha họp tại Nhà Trắng, 23/02/2017.REUTERS/Kevin Lamarque
Việc tỉ phú Donald Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng đặt ra rất nhiều câu hỏi về các xung đột lợi ích, nhất là khi tập đoàn kinh tế của gia đình Trump có nhiều quan hệ làm ăn, bị đánh giá là hết sức mờ ám. Ngày thứ Hai, 14/03/2017, hãng tin Bloomberg tiết lộ doanh nghiệp của người con rể ông Trump, đồng thời là cố vấn của tổng thống, đã được một công ty Trung Quốc biếu 200 triệu đô la.
Theo hãng tin Mỹ, trong vụ bán lại một ngôi nhà cao 41 tầng rất sang trọng, nằm tại đại lộ thứ Năm của Manhattan, trung tâm New York, công ty Kushner đã được « hưởng lợi một cách bất thường ». Hãng Bloomberg nhấn mạnh là vụ mua bán bất động sản đặt ra « những vấn đề an ninh quốc gia » với Hoa Kỳ, bởi đối tác Trung Quốc, công ty bảo hiểm lớn Anbang Insurance Group có « mối quan hệ mờ ám với chính quyền Trung Quốc ».
Nghi vấn tập trung vào khoản tiền vay, mà công ty con rể ông Trump đột ngột được miễn trả một phần lớn. Doanh nghiệp gia đình của ông Jared Kushner chỉ phải trả có một phần năm số tiền vay 250 triệu đô la, từ năm 2011.
Một người phát ngôn của công ty Kushner bảo đảm là trong vụ này không có gì là xung đột lợi ích, tuy nhiên rõ ràng người con rể Jared Kushner đang đảm nhiệm chức cố vấn của tổng thống. Trong khi đó, chủ tịch và giám đốc điều hành của đại công ty bảo hiểm Anbang, ông Ngô Tiểu Huy (Wu Xiaohui), kết hôn với cháu gái của Đặng Tiểu Bình, theo báo chí kinh tế Trung Quốc.
Hãng tin AFP cho biết một số thông tin về công ty bảo hiểm đáng ngờ này. Được thành lập từ năm 2004, với số cổ phiếu lên đến 250 tỉ đô la. Trong hai năm trở lại đây, công ty bảo hiểm của Ngô Tiểu Huy đã từng cố mua lại một số công ty Mỹ có tiếng tăm, như tập đoàn khách sạn giải trí Startwood Hotels and Resort, với số tiền 14 tỉ đô la, nhưng phi vụ cuối cùng không thành.
Các nhà quan sát đặt câu hỏi : Ai kiểm soát công ty tài chính khổng lồ này ? Rất khó trả lời, bởi Anbang không hề lên sàn chứng khoán và không bao giờ công bố chính thức tên của các cổ đông. Bên cạnh đó, tổ chức nội bộ của Anbang cũng được đánh giá là rất bí hiểm.
Theo AFP, có khoảng ba chục doanh nghiệp tư nhân và nhà nước hùn vốn vào Anbang. Trong số đó, có các công ty nằm dưới sự kiểm soát của thái tử đảng Trần Tiểu Lỗ (Chen Xiaolu), con trai của cựu ngoại trưởng Trần Nghị (Chen Yi). Thông tin do một tuần báo phát giác hồi năm ngoái bị Trần Tiểu Lỗ bác bỏ, tuy nhiên nhân vật này cũng công nhận là « có quan hệ đối tác làm ăn » với ông chủ đại công ty bảo hiểm.
Công ty Ivanka Trump tiếp tục đặt hàng ở Trung Quốc
Xung đột lợi ích giữa tân tổng thống Mỹ và các quan hệ làm ăn không minh bạch của gia đình ông Trump là điều được truyền thông nhiều lần nhắc đến. AFP thì nhấn mạnh đến lời nói không đi đôi với việc làm của gia đình nhà Trump, khi nhắc lại việc sản phẩm « Ivanka Trump », tên con gái của tổng thống Mỹ, đang trên tàu chở hàng từ Trung Quốc về Mỹ, đúng vào lúc ông Trump phát biểu một cách hùng hồn về nguyên tắc « (ưu tiên) mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ » trong bài diễn văn nhậm chức hôm 20/01.
Theo các dữ liệu của cơ quan thuế vụ Mỹ, được văn phòng « Our Principles PAC » phát giác, từ mười năm qua, đã có hơn 1.200 chuyến tàu từ Trung Quốc và Hồng Kông sang Hoa Kỳ, chuyên chở các sản phẩm mang tên tổng thống tương lai của nước Mỹ.
Hồi tháng 2/2017, bà Ivanka Trump tham gia vào một cuộc họp tại Nhà Trắng, cùng với khoảng một chục đại diện công nghiệp Mỹ. Trong dịp này người cha Donald Trump đã hứa « sẽ làm mọi thứ để đưa việc làm trở về cho người Mỹ ».
Trả lời phỏng vấn AFP, một người phát ngôn của mác Ivanka đã cam kết doanh nghiệp đang rất cố gắng. Tuy nhiên, theo nhật báo Trung Quốc Global Times, ít nhất có một doanh nghiệp ở miền nam Trung Quốc đã nhận được đơn đặt hàng sản xuất 10.000 đôi giày từ công ty con gái tổng thống Trump.
Bắc Kinh đồng loạt bật đèn xanh cho 38 thương hiệu nhà Trump
Hoạt động làm ăn của công ty Ivanka chỉ là một phần nhỏ trong đế chế kinh tế của gia đình Donald Trump tại Trung Quốc. Theo báo Le Figaro, chỉ trong ba tuần gần đây, phòng thương mại và công nghiệp Trung Quốc đã bật đèn xanh cho 38 thương hiệu của gia đình tổng thống Mỹ, từ kem chống nhăn, nắp bồn cầu, cho đến chuỗi khách sạn, công ty bất động sản, hãng bảo hiểm, công ty bảo vệ, dịch vụ coi sóc nhà cửa, câu lạc bộ golf…
Các thương hiệu nói trên được tập đoàn Trump nạp hồ sơ vào tháng 4/2016, đúng vào lúc diễn ra cuộc tranh cử tổng thống.
Theo báo kinh tế Thụy Sĩ, thành viên Ủy Ban Đối Ngoại của Thượng Viện Mỹ, ông Ben Cardin, đã « kinh ngạc » trước việc này, và khẳng định : « rõ ràng Bắc Kinh đã nhận thấy tiềm năng thu hút đầu tư trở lại Trung Quốc, nếu như có được một quan hệ riêng tích cực với tổng thống Mỹ ».
Nhiều nhà quan sát ghi nhận 38 thương hiệu nói trên của tập đoàn kinh tế gia đình tổng thống Mỹ đã được chính quyền Trung Quốc chấp nhận thông qua trong một « thời gian kỷ lục», chỉ trong hai đợt 27/02 và 6/3.
Ông Richard Pointer, luật sư chuyên về đạo đức của cựu tổng thống G.W. Bush, chia sẻ nỗi ngờ vực trong công luận. Ông nhận định với hãng tin AP là một chính phủ không phải tự nhiên mà cấp phép cho hàng loạt thương hiệu của một tập đoàn nước ngoài như vậy, rất cần phải đặt câu hỏi về « việc liệu có khuất tất đằng sau ít nhất là một vài » trong số các thương hiệu này.
Vẫn theo Tribune, trước đó, ngày 14/02, công ty gia đình Trump cũng vừa nhận được sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với nhiều công trình xây dựng tại Trung Quốc, vốn bị kiện dai dẳng từ 10 năm nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét