Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2017

Tài chính dầu khí và 'vũng lầy' PVN: Ném nghìn tỉ vào dự án 'vịt trời'; Tồn kho bất động sản và “tồn kho chế độ”

Con số lên đến nghìn tỉ đồng vốn góp hay số dư trên dưới 10.000 tỉ đồng của Tập đoàn dầu khí VN (PVN) 'chìm' cùng Oceanbank đang được yêu cầu làm rõ trong vụ án Hà Văn Thắm.

Dự án khu phức hợp Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) đang mắc kẹt sau chiêu thổi giá của PVFC /// Ảnh: Hoàng Sơn
Dự án khu phức hợp Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) đang mắc kẹt sau chiêu thổi giá của PVFC. ẢNH: HOÀNG SƠN
Nhưng đó vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng, các công ty con của PVN như PVFC, PVFI luôn có các thương vụ mờ ám để "làm đẹp" những hợp đồng nghìn tỉ...

Tự “xử thẻ vàng” trên sân Chi Lăng

Nhiều người biết “thương vụ” mua Sân vận động Chi Lăng (Hải Châu II, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) của Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng. Nhưng ít ai biết được rằng phía sau Danh, Tổng công ty Tài chính cổ phần dầu khí (PVFC) đã dàn xếp, “thổi giá” miếng đất này giúp Danh có được tiền thâu tóm Ngân hàng Đại Tín (sau đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng).

Nguồn gốc đất dự án được UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt thực hiện theo hình thức giao đất có thu tiền với đơn giá 25,3 triệu đồng/m2. Tổng giá trị tiền sử dụng đất mà chủ đầu tư phải nộp cho Đà Nẵng là 1.393 tỉ đồng. Để hợp thức hóa, Phạm Công Danh, chỉ trong vòng 1 ngày, lập ra 10 công ty TNHH (UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 10 công ty này cùng ngày 1.12.2010). Hai tháng sau đó, cũng trong 1 ngày (28.1.2011), 10 công ty này được UBND TP.Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (xẻ sân Chi Lăng thành 10 mảnh).

10 sổ đỏ này đã được Tập đoàn Thiên Thanh của Phạm Công Danh thế chấp ngay tại OceanBank để vay số tiền 1.253 tỉ đồng. Bản chất của thương vụ này là Thiên Thanh gần như tay không bắt giặc, 1.253 tỉ trong số tiền phải nộp là 1.393 tỉ có được nhờ tập đoàn này “cắm 10 sổ đỏ” để vay.

Hơn một tháng sau, ngày 4.3.2011, đất sân Chi Lăng đã được PVFC "thẩm định", đưa giá tăng lên đến 56,7 triệu đồng/m2 (gấp 2,24 lần giá đất của Đà Nẵng giao cho Thiên Thanh chỉ trong 1 tháng từ khi được cấp sổ đỏ).

Mặc dù từ ngày 27.5.2010, Sở KH-ĐT Hà Nội đã có Công văn số 181/CV-ĐKKD yêu cầu CTCP đầu tư và tư vấn tài chính dầu khí (PVFC Invest - do PVFC thành lập) ngừng ngay việc kinh doanh “nhận ủy thác đầu tư”, thế nhưng vào tháng 3.2011, PVN đã cho hai công ty “con” sử dụng 1.510 tỉ đồng để PVFC ủy thác qua PVFC Invest mua “3 sổ đỏ” sân Chi Lăng từ Phạm Công Danh, trị giá 901 tỉ đồng và Công ty CP đầu tư tài chính công đoàn dầu khí VN (PVFI - thời Vũ Quang Hải, con trai Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, làm tổng giám đốc) mua “2 sổ đỏ”, trị giá 609 tỉ đồng (giá gần 55 triệu đồng/m2, gấp hơn 2 lần giá đất Đà Nẵng giao).

Phạm Công Danh đã dùng 1.306 tỉ đồng bán đất cho hai công ty con của PVN thanh toán cả gốc lẫn lãi cho OceanBank; chuyển 20 tỉ đồng vào tài khoản của Tập đoàn Thiên Thanh; chuyển cho mình 183 tỉ đồng. Như vậy, nhờ hai công ty của PVN, Phạm Công Danh chỉ cần bán một nửa Sân vận động Chi Lăng đã trả hết nợ mà còn dư 203 tỉ đồng (ông Danh vẫn còn dư 5 sổ đỏ, 28.000 m2).

Bằng uy tín sau thương vụ này, một trong 5 công ty của Phạm Công Danh bán đất Chi Lăng cho PVFC, Công ty thương mại và dịch vụ Trung Dung, đã “vay” OceanBank thêm 500 tỉ rồi "một đi không trở lại". Hà Văn Thắm bị bắt bắt đầu ở khoản tiền 500 tỉ cho Trung Dung vay này.

Mỹ Khê Resort “đắp chiếu”

Năm 2008, theo thỏa thuận về “hợp tác đầu tư và phát triển bền vững” giữa PVN và UBND tỉnh Quảng Ngãi, CTCP Mỹ Khê VN (tiền thân là CTCP du lịch biển Mỹ Khê) được chính thức thành lập.
Tháng 4.2009, Mỹ Khê VN “nhận chuyển nhượng” dự án Mỹ Khê Resort từ CTCP đầu tư xây dựng và du lịch IDICO và công bố sẽ bỏ ra 800 tỉ đồng để đầu tư khu du lịch biển Mỹ Khê (xã Tịnh Khê, H.Sơn Tịnh, Quảng Ngãi).

Trong khi luật Các tổ chức tín dụng chỉ cho phép một tổ chức tài chính như PVFC được sở hữu tại doanh nghiệp khác tối đa 11%, thì “cổ đông sáng lập” PVFC đã chiếm tới 99,98% vốn điều lệ trong Mỹ Khê VN. Không chỉ sai pháp luật ngay từ khi ra đời, tiến trình đầu tư cho thấy những người đổ tiền vào dự án này đã bất chấp hiệu quả.

Sau lễ khởi công động thổ rình rang, ầm ĩ, Mỹ Khê VN chỉ dọn sạch được rừng dương 10 ha hàng chục năm tuổi và để lại bãi cát trống. Dự án đắp chiếu đã nhiều năm và UBND tỉnh Quảng Ngãi đang xem xét thu hồi giấy phép đầu tư.

Thay vì dừng lại trước thất bại này, những “đầu tư” sau đó của Mỹ Khê VN cho thấy PVFC gần như chỉ dùng công ty này như một công cụ để ném tiền vào bất động sản, lĩnh vực mà pháp luật cấm PVFC trực tiếp làm.

Ngày 6.8.2010, PVFC thông qua Mỹ Khê VN đầu tư gần 200 tỉ đồng mua 55% vốn điều lệ của Công ty CP đầu tư bất động sản Lạc Hồng, nhằm “nắm” dự án 99C Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM. Nhưng trớ trêu đơn vị đang quản lý và sử dụng hợp pháp khu đất này lại là CTCP vận chuyển Sài Gòn Tourist (Satraco). Số tiền này đã được Mỹ Khê VN chuyển cho Lạc Hồng từ tháng 8.2010 nhưng đến nay, cấp có thẩm quyền là UBND TP.HCM chưa có bất cứ văn bản nào trao cho Lạc Hồng quyền sở hữu khu 99C Phổ Quang cũng như cho phép công ty này đầu tư dự án ở đó.

Hơn 20 ngày sau khi “đầu tư” vào Lạc Hồng, ngày 30.8.2010, PVFC lại chuyển 360 tỉ đồng thông qua Mỹ Khê VN, “góp” 60% đầu tư vào dự án 168 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM (dưới hình thức góp vốn 60% vào CTCP đầu tư Phúc Thịnh). Dù đã chuyển đủ 360 tỉ đồng, nhưng Mỹ Khê VN lại mới chỉ được ghi nhận trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Phúc Thịnh mức sở hữu 30% (180 tỉ đồng) và chỉ được nhận bản photo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại dự án 168 Nguyễn Đình Chiểu.

Mặt bằng 168 Nguyễn Đình Chiểu lại cũng không phải là của Phúc Thịnh. Cái gọi là “dự án 168 Nguyễn Đình Chiểu” này có nguồn gốc tài sản thi hành án vụ Epco-Minh Phụng, chưa được chuyển quyền sở hữu cho ai và hiện đang được Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM sử dụng làm địa điểm kinh doanh siêu thị Co.op Mart.

Các thương vụ lách luật, đầu tư bất động sản trái phép này để lại cho PVFC hậu quả rất nặng nề. Ngay từ 2011, lãnh đạo PVN đã biết cả núi tiền có nguồn gốc từ doanh nghiệp nhà nước (PVFC) được Mỹ Khê VN ném qua cửa sổ vào các dự án “Mỹ Khê Resort”, “99C Phổ Quang”, “168 Nguyễn Đình Chiểu”… rất ít có khả năng thu hồi được.

Bằng chứng là theo biên bản họp hội đồng thành viên ngày 20.4.2011, lãnh đạo PVN đã yêu cầu người đại diện phần vốn của PVN tại PVFC phải “Bán ngay các khoản ủy thác đầu tư tại Công ty du lịch biển Mỹ Khê để thu tiền về trong tháng 4.2011; tìm đối tác chuyển nhượng phần vốn góp của PVFC tại Mỹ Khê. Nếu không bán được thì giải thể Công ty du lịch biển Mỹ Khê”.

Đến nay, phần vốn góp 210 tỉ đồng của PVFC tại Mỹ Khê VN vẫn chưa thể bán cho ai, 2 dự án bất động sản kiểu “vịt trời” tại TP.HCM có nguy cơ mất trắng, thất thoát lên tới hơn nghìn tỉ đồng.

Anh Vũ

(Thanh Niên)




Thêm một lần nữa, sau rất nhiều lần, Bộ Xây Dựng lại “vẽ” ra một tương lai sán lạn: con số tổng giá trị tồn kho bất động sản ở Việt Nam chỉ chưa đầy 30 ngàn tỷ đồng, còn tồn kho bất động sản ở riêng Hà Nội và Sài Gòn chỉ có 11 ngàn tỷ đồng.

Nhưng chúng ta có thể phác ra một tiêu chí liên hệ: cứ nhìn vào cách “vẽ” tồn kho bất động sản là có thể  hình dung được “tồn kho chế độ” đang ở giai đoạn nào.

Nếu Bộ Xây Dựng đưa ra con số tồn kho bất động sản để so sánh với năm 2013, thì có thể nhận ra là từ năm 2013 đến nay, chế độ vẫn giữ nguyên não trạng kém minh bạch, và ma mị về số liệu kinh tế.

Ngay vào năm 2013 đã phát lộ tính dối trá đậm đặc: trong khi tỷ lệ nợ xấu trong dư nợ thuộc lĩnh vực bất động sản được Ngân hàng Nhà nước công bố vào tháng 5/2013 chỉ là 5.68%, còn vào tháng 8/2013 Bộ Xây Dựng lại nêu ra một con số mới về tỉ lệ nợ xấu bất động sản chỉ có 6.5% – tức là có cao hơn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gần 1%, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia lại đưa ra một con số bất ngờ và đột biến về tỷ lệ này lên đến 33-35%.

Rõ ràng, các cơ quan như Bộ Xây Dựng và Ngân hàng Nhà nước vẫn quyết tâm phong tỏa số liệu nhằm bưng bít một cuộc khủng hoảng bất động sản – ngân hàng rất có thể sẽ xảy ra.

Ngay cả những chuyên gia thâm niên trong ngành bất động sản như ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất đông sản TP.HCM, cũng đầy nghi ngờ đối với các con số tồn kho do Bộ Xây Dựng nêu ra. Gần đây, ông Châu đã nêu ra một thực tế khác: chỉ riêng tại TP.HCM, với 500 dự án trên địa bàn thành phố bị ngừng triển khai, trong đó có nhiều dự án bất động sản dở dang, do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do giải phóng mặt bằng, chính là “phần chìm của tảng băng hàng tồn kho”.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy Bộ Xây dựng đã chỉ tính đến những dự án “bán được” trong một ít dự án được khảo sát, mà hoàn toàn không tính đến 500 dự án bị ngừng thực hiện ở TP.HCM và có thể chừng đó dự án ở Hà Nội. Do vậy, lượng tồn kho bất động sản “đẹp” là phải.

Thậm chí ngay cả những dự án “bán được” cũng có một phần được phù phép, bởi sự thông đồng giữa các công ty kinh doanh nhà đất: công ty này mua của công ty kia và rao lên rằng ‘dự án đã bán sạch”.
Không khí trái ngược giữa các con số báo cáo và con số thực về nợ xấu ở Việt Nam rất dễ làm người ta nhớ lại trường hợp Thái Lan năm 1997. Trước khủng hoảng, tỉ lệ nợ xấu bất động sản tại quốc gia này được báo cáo chỉ có 5%, nhưng đến khi xảy ra khủng hoảng thì tỉ lệ này đã tăng vọt đến 50%, tức gấp đúng 10 lần.

Chính người Anh đã cung cấp cho giới điều hành khuất tất của Việt Nam cái minh chứng đó. Vào đầu năm 2013, John Sheehan – thành viên của tổ chức Giám định bất động sản Hoàng gia Anh (FRICS-Fellows of the Royal Institution of Chartered Surveyors), đã có một chuyến thăm Việt Nam, và đã cung cấp một kinh nghiệm là tỉ lệ nợ xấu thực bao giờ cũng cao gấp ít nhất 4 lần con số báo cáo.

Cho tới nay, Việt Nam vẫn tồn đọng số nợ xấu trong  hệ thống ngân hàng trên 500 ngàn tỷ đồng, trong đó 70% chính là nợ xấu bất động sản.

Lê Dung

(SBTN)

Không có nhận xét nào: