Tháng 3/1974, Mao Trạch Đông đã viết thư nói với Giang Thanh rằng: "Tôi chết rồi, xem bà sẽ làm thế nào?".
Lối sống bê tha
Theo Nhân dân nhật báo (Trung Quốc), trong thời kỳ Cách mạng văn hóa (1966-1976), khi quyền lực chính trị ngày càng được nâng cao thì cuộc sống của Giang Thanh cũng trở nên bê tha với lối sống như một "nữ hoàng".
Theo tờ báo đảng Trung Quốc, trong thời kỳ này Giang Thanh ra lệnh yêu cầu người dân cả nước chỉ được xem "8 vở kịch tiêu biểu", dẫn đến bi kịch "800 triệu người chỉ có 8 vở kịch để xem". Trong khi đó, bà ta tiêu tốn lượng lớn ngân khố quốc gia để nhập băng đĩa đồi trụy từ nước ngoài, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của bản thân và thân tín cũng như dùng để lôi kéo các đối tượng chính trị.
Thậm chí, nhóm của Giang còn thường xuyên tổ chức yến tiệc linh đình mà bình thường khi đến các nhà ăn của cán bộ trong Trung Nam Hải, nhóm này sẽ tùy ý không trả tiền nếu không vừa ý với đồ ăn.
Nhạc Mỹ Đề - nữ diễn viên Côn khúc (một loại hình ca kịch cổ của Trung Quốc) trong tổ ghi âm của Mao Trạch Đông cũng từng tiết lộ rằng, có lần Giang Thanh đến tìm nhóm của bà để nghe ghi âm. Khi nhóm mở bài Hạ tân lang, Giang tự mãn nói rằng: "Bài này do Mao Trạch Đông thay lời, dành tặng riêng cho bà".
Đặc biệt đến tháng 9/1976, dù Mao ốm nặng nhưng Giang Thanh cũng không quan tâm mà còn làm một việc khiến người khác "dở khóc dở cười". Giang đi đến một hội nghị thi đua nông nghiệp, tập trung tất cả hội trường và đặt câu hỏi "mọi người mang họ bố hay họ mẹ". Khi tất cả đồng thanh hô vang "mang họ bố", Giang bất mãn và yêu cầu mọi người... đổi sang họ mẹ.
Trước đó vào tháng 3/1974, Mao Trạch Đông đã viết thư nói với Giang Thanh: "Tôi chết rồi, xem bà sẽ làm thế nào?". Hay tháng 6/1976, Mao cũng nói với Giang và người kế nhiệm Hoa Quốc Phong rằng: "Các đồng chí sẽ như thế nào, chỉ có trời mới biết".
"Sự nhẫn nhịn" của Mao
Năm 1974, sau cuộc vận động "phê bình Lâm Bưu, Khổng Tử và Chu Ân Lai" do nhóm của Giang Thanh đề xướng, Mao Trạch Đông một mặt vẫn khẳng định việc duy trì cuộc vận động Cách mạng văn hóa, mặt khác ông cũng đã nhận ra tham vọng của vợ mình.
Do đó, cũng trong năm này, một hội nghị của Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc được tổ chức nhằm phê bình nhóm của Giang Thanh.
Tại hội nghị, Mao Trạch Đông khẳng định: "Giang Thanh không đại diện cho tôi. Bà ta chỉ đại diện cho bản thân bà ta". Kể từ đó, mỗi khi muốn gặp Mao, Giang đều phải viết giấy xin phép, được phê chuẩn mới có thể vào Trung Nam Hải.
Tháng 5/1975 là lần cuối cùng Mao Trạch Đông chủ trì hội nghị Bộ chính trị Trung Quốc. Đây cũng là hội nghị cuối cùng Thủ tướng Chu Ân Lai tham gia do sức khỏe kém. Lúc này, Mao nói chuyện không còn lưu loát mà cần người thông dịch bên cạnh. Trước mặt các quan chức, ông đã giận dữ mắng Giang Thanh.
Tuy nhiên, trong khi mọi người chưa kịp nghe rõ lời Mao thì nữ thông dịch vì sợ hãi nên đã dùng từ ngữ uyển chuyển hơn để biểu đạt ý của ông. Mao Trạch Đông lúc này vẫn tức giận, xua xua tay, yêu cầu thông dịch đúng nguyên văn. Kết quả câu nói "Đồ khốn Giang Thanh" đã được lan truyền khắp hội nghị.
Nghe câu nói này, Vương Hồng Văn và Diêu Văn Nguyên, hai nhân vật trong "nhóm 4 tên" đều cảm thấy khiếp sợ, nhưng Giang Thanh và Trương Xuân Kiều mặt không biến sắc. Bằng kinh nghiệm chính trị lọc lõi, Giang biết rằng Mao Trạch Đông sẽ không thực sự loại bỏ bà.
Theo lời kể của Mạnh Cẩm Vân - y tá riêng của Mao Trạch Đông - thì thời gian đó, Mao rất tức giận trước lối sống của Giang nên thường không đồng ý cho bà ta đến thăm.
Vì muốn lôi kéo Mạnh và thư ký riêng của Mao là Trương Ngọc Phượng, Giang đã liên tục tặng quần áo và quà tặng khác cho hai người. Biết được, Mao đã giận dữ yêu cầu "đồ bà ta đưa, các cô không được lấy".
Thậm chí, có lần Mao Trạch Đông còn nửa đùa nửa thật hỏi Mạnh Cẩm Vân, nếu ông và Giang Thanh ly hôn, người dân Trung Quốc sẽ nghĩ sao?
Theo Nhân dân nhật báo, thời kỳ đó, rất nhiều ý kiến thắc mắc rằng dù đã chán ghét, mắng nhiếc thậm tệ, thậm chí còn gọi quở trách Giang Thanh là "một kẻ lưu manh" nhưng vì sao Mao lại không xử lý Giang?
Thực chất, nguyên nhân quan trọng nằm ở vấn đề chính trị. Do trước đó, Mao Trạch Đông coi việc phát động Cách mạng văn hóa là một trong hai việc hệ trọng của cuộc đời ông, dù cho những năm cuối đời, Mao không còn muốn tiếp tục duy trì cuộc vận động này.
Trong khi đó, Giang Thanh là trợ thủ đắc lực trong cuộc vận động trên, nếu phủ nhận Giang cũng đồng nghĩa phủ nhận Cách mạng văn hóa.
Hơn nữa, sau lần phê bình "nhóm bốn tên" tại hội nghị năm 1975, Mao Trạch Đông lại gặp mâu thuẫn với Đặng Tiểu Bình nên đầu năm 1976, Mao lại phải dựa vào nhóm Giang Thanh để tiến hành phê bình Đặng.
Chính vì những nguyên nhân này nên dù Mao chán ghét Giang Thanh và sống ly thân với bà một thời gian dài, cuối cùng ông vẫn giữ cho Giang một danh phận phu nhân và địa vị chính trị trong Ủy ban trung ương đảng (dù Giang không có chức vụ công tác cụ thể).
Sau khi "nhóm 4 tên" bị bắt giữ (năm 1976), nguyên soái Trung Quốc Diệp Kiếm Anh đã phát biểu rằng, Mao Trạch Đông qua đời thì mới xử lý được vấn đề "ném chuột sợ vỡ bình" trong vụ án của nhóm Giang Thanh.
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét