Chính phủ Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ tối đa cho Việt Nam trong việc thực hiện cải cách hệ thống tư pháp.
Hội thảo về pháp luật hình sự và tố tụng tư pháp Việt Nam – Hoa Kỳ tại Hà Nội. |
Quyền Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, ông Brett Blackshaw phát biểu như vừa nêu tại Hội thảo về pháp luật hình sự và tố tụng tư pháp Việt Nam-Hoa Kỳ, được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 3 tháng 10, ở Hà Nội.
Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương của Việt Nam, ông Trịnh Xuân Toản cho biết Hội thảo này thuộc chương trình triển khai thực hiện thỏa thuận về trợ giúp thực thi pháp luật và tư pháp hình sự giữa hai Chính phủ Việt-Mỹ. Thỏa thuận được ký nhân chuyến thăm của cựu Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam hồi hạ tuần tháng 5 năm 2016.
Trong phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trịnh Xuân Toản nhấn mạnh cải cách tư pháp là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của Việt Nam để xây dựng một nhà nước pháp quyền và Việt Nam đã ban hành Chiến lược cải cách tư pháp từ năm 2005 với mục tiêu nền tư pháp trong sạch, dân chủ, nghiêm minh.
Quyền Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, ông Brett Blackshaw, tại Hội thảo ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp nhằm bảo đảm tốt hơn quyền và tự do cơ bản cho người dân theo Hiến pháp Việt Nam năm 2013.
Vừa qua, sau một số phiên xử những nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam, Hoa Kỳ lên tiếng kêu gọi phải trả tự do cho họ như trường hợp blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Lý do được nêu ra những về bản án về tuyên truyền chống nhà nước là mơ hồ.
(RFA)
Khai mạc Hội nghị T.Ư 6: Xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả
TP - Hội nghị T.Ư 6 khai mạc hôm nay (4/10), trong đó những vấn đề đáng chú ý sẽ được thảo luận gồm: đề án xây dựng tổ chức bộ máy chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đề án đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập.
Mục tiêu lớn mà hai đề án hướng đến là làm sao để bộ máy, tổ chức hoạt động có hiệu quả, không trùng lắp, giảm gánh nặng chi tiêu cho ngân sách Nhà nước.
Giảm đầu mối trong cơ quan của đảng
Đề cập vấn đề xây dựng tổ chức bộ máy chính trị tinh gọn, hoạt động, hiệu lực hiệu quả, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho hay, hơn 30 năm trước, Đại hội 6 của Đảng (năm 1986) đã đề cập đến vấn đề đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, đổi mới tư duy. Tuy nhiên, trong thời điểm kinh tế khó khăn nên đổi mới kinh tế được xác định là công việc cấp bách cần thực hiện ngay. Nhờ đó mà kinh tế nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Riêng về đổi mới chính trị, đổi mới bộ máy tổ chức, theo ông Vũ Mão còn chậm, chưa đồng bộ với đổi mới kinh tế. Bộ máy hiện vẫn rất cồng kềnh, trùng lắp thiếu hiệu lực, hiệu quả. Số lượng người hưởng ngân sách nhà nước đông nhưng chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế.
“Việc đổi mới tổ chức bộ máy chính trị tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả là vấn đề cấp bách cần thực hiện”, ông Vũ Mão nói và khẳng định, để đổi mới có hiệu quả thì trước hết “Đảng phải đổi mới”. Phải nghiên cứu xem các cơ quan, tổ chức của Đảng được thành lập hiện nay như thế có phù hợp không? Cơ quan nào thấy không phù hợp thì nên nghiên cứu sáp nhập lại cho tinh gọn, bảo đảm hiệu lực hiệu quả. Ví như hiện nay, ở các bộ, ngành vừa có ban cán sự Đảng vừa có đảng ủy. Như thế là trùng lắp, không phù hợp nên nghiên cứu sáp nhập lại thành một đầu mối. Theo đó, bộ trưởng sẽ là bí thư cho gọn lại mà vẫn tăng hiệu lực, hiệu quả.
Ngoài ra, đối với những cơ quan có nhiệm vụ tương đồng với nhau cũng nên nghiên cứu sáp nhập lại. Thực tế, thời gian qua chúng ta sáp nhập, xây dựng các bộ theo hướng đa ngành. Nhưng khi sáp nhập lại thì các tổng cục lại phình to ra. Vì sao lại để xảy ra tình trạng trên, trung ương phải bàn, có giải pháp quyết liệt đối với vấn đề này.
Một vấn đề nữa cũng được ông Vũ Mão lưu ý là nhất thể hóa. “Vừa qua, chúng ta đã thực hiện thí điểm nhất thể hóa ở cấp tỉnh, huyện, xã theo hướng Bí thư kiêm Chủ tịch (hoặc HĐND). Tuy nhiên, kết quả thực hiện thế nào cũng cần phải tổng kết đánh giá xem hiệu quả ra sao để có những quyết định đúng đắn”, ông Vũ Mão nói.
Ngân sách nào nuôi nổi hàng triệu viên chức
Về đổi mới hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL), theo Dự thảo báo cáo của Bộ Nội vụ, hiện cả nước có trên 50 nghìn đơn vị SNCL, với hơn 2 triệu viên chức (chưa tính tổ chức và biên chế sự nghiệp trong quân đội, công an và khu vực doanh nghiệp nhà nước). So với năm 2011, số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập tăng gần 11%. Tuy nhiên mới chỉ có 123 đơn vị, chiếm tỷ lệ 0,21% tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, còn tự đảm bảo chi thường xuyên mới chỉ có gần 2 nghìn đơn vị.
Phân tích của các cơ quan chức năng cũng cho thấy, hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập hiện rất cồng kềnh, dàn trải, phân tán, manh mún, quá nhiều đầu mối quy mô nhỏ, chồng chéo nhiệm vụ, chưa tinh gọn và chưa phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Nhiều đơn vị SNCL còn lâm vào tình trạng thua lỗ, thất thoát, lãng phí.
Theo nghiên cứu của Bộ nội vụ vẫn còn có nhiều đơn vị SNCL trong cùng một ngành, lĩnh vực, trên cùng một địa bàn, dẫn đến lãng phí trong sử dụng hạ tầng, nguồn nhân lực và không hiệu quả. Ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, trên cùng địa bàn huyện, nhưng có đến 3 đơn vị sự nghiệp công lập gồm: Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật; trạm chăn nuôi và thú y; trạm khuyến nông…
Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng cho rằng, cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa hoạt động của các đơn vị SNCL theo hướng những việc mà doanh nghiệp, người dân làm được và làm tốt thì Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện. Bên cạnh đó, thực hiện công khai, minh bạch không phân biệt giữa đơn vị SNCL và ngoài công lập. Giảm mạnh tỷ trọng chi ngân sách Nhà nước cho đơn vị SNCL. Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các đơn vị SNCL với ngoài công lập, thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công.
Bộ Nội vụ cũng cho rằng, tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị SNCL theo nguyên tắc một đơn vị có thể cung ứng nhiều loại hình dịch vụ công; số người làm việc tối thiểu trong một đơn vị SNCL là 30 người. Số lượng người làm việc tối thiểu trong một phòng của đơn vị SNCL là 7 người. Từng bước xóa bỏ cơ quan chủ quản đối với đơn vị SNCL…
Theo nghiên cứu của Bộ Nội vụ, còn có nhiều đơn vị sự nghiệp công lập trong cùng một ngành, lĩnh vực, trên cùng một địa bàn, dẫn đến lãng phí trong sử dụng hạ tầng, nguồn nhân lực và không hiệu quả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét